Hai lựa chọn chiến lược của công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Nền công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh có một quá trình phát triển lâu dài và đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong điều kiện có sự phát triển nhảy vọt về công nghiệp dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi quan trọng vị thế của tỉnh về kết cấu hạ tầng, tích lũy nguồn lực và hoàn thiện thể chế cùng với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng đất nước, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh cần được phát triển mạnh.
Chưa có đột phá đáng kể
Hiện tại, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong 10 năm gần đây chiếm khoảng 51% - 53% GRDP của tỉnh, trong đó, đóng đóp của công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) chiếm tỷ trọng chỉ 10% - 12%. Nhìn chung, công nghiệp CBCT của tỉnh vẫn còn non trẻ, tỷ trọng thấp, khả năng lan tỏa hạn chế, rất cần sự quan tâm, đầu tư lớn để đáp ứng yếu cầu phát triển nhanh, bền vững, thực hiện được mục tiêu tăng tỷ trọng công nghiệp CBCT tạo từ 15% lên 17% năm 2025 và 20% năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 17% - 20%.
Có thể nhận thấy, công nghiệp CBCT của tỉnh Quảng Ninh vẫn ở trình độ trung bình và trung bình cao so với cả nước, song chưa có những đột phá đáng kể. Điều này có thể do chiến lược cơ cấu công nghiệp chưa phù hợp, đầu tư các nguồn lực chưa thỏa đáng trong khi tiến bộ công nghiệp phát triển nhanh. Thiếu các tập đoàn kinh tế với công nghệ tiên tiến dẫn dắt. Tiềm năng phát triển công nghiệp CBCT chưa được khai thác. Mô hình phát triển công nghiệp chưa được định hình phù hợp, vẫn thiên về thay thế nhập khẩu mà chưa hướng mạnh vào xuất khẩu, công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên với hàm lượng chế biến chưa cao, giá trị gia tăng thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường và chưa kết nối thành chuỗi giá trị khu vực hay toàn cầu. Các chính sách, công cụ và biện pháp chưa chủ động, tích cực và quyết liệt đủ để tạo đột phá.
Hai lựa chọn chiến lược
Những thế mạnh của Quảng Ninh ngày càng được bộc lộ rõ. Việc quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh được thực hiện quyết liệt trong những năm gần đây. Về hoàn thiện thể chế, tỉnh đã cố gắng tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh, dịch vụ hành chính công một cửa được thực hiện, quy hoạch tỉnh được xây dựng, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn trong nhóm đầu cả nước. Về kết cấu hạ tầng, thông qua hình thức hợp tác công - tư, tỉnh đã xây dựng được sân bay quốc tế Vân Đồn, tuyến đường cao tốc nối Móng Cái đến Hải Phòng, cải thiện hệ thống đô thị, cảnh quan, xây dựng nhiều khách sạn và khu chung cư, nghỉ dưỡng cao cấp. Cảng nước sâu Cái Lân có thể đón tàu tải trọng hơn 50 nghìn tấn. Bên cạnh đó, tỉnh coi trọng đầu tư và thu hút nguồn nhân lực chất lượng, kể cả sử dụng chuyên gia cao cấp nước ngoài trong tư vấn chiến lược và chính sách.
Trong giai đoạn phát triển mới đến năm 2030, Việt Nam coi trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi trọng đổi mới sáng tạo và tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng…, đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh cần có lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp CBCT để tạo nền tảng phát triển mới, đóng vai trò địa phương tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Trên cơ sở kinh nghiệm các quốc gia đi trước và tiềm năng, thế mạnh của mình, có thể đề xuất 2 lựa chọn cho chiến lược phát triển công nghiệp CBCT của tỉnh Quang Ninh.
Thứ nhất, công nghiệp CBCT của tỉnh được đầu tư để đạt trình độ tương đương với trình độ phát triển công nghiệp CBCT của tỉnh Bắc Ninh - nơi có Khu công nghiệp Yên Phong với lượng vốn đầu tư rất lớn của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Quy mô xuất khẩu của tập đoàn và cả tỉnh chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thậm chí cao hơn nếu quy mô xuất khẩu lớn và giá trị xuất khẩu tăng. Để đạt mục tiêu lựa chọn này, cần có một hoặc một số tập đoàn có tầm hoạt động toàn cầu, với nguồn lực tài chính hùng mạnh, công nghệ cao, thương hiệu mạnh, năng lực cạnh tranh cao được thành lập trên địa bàn tỉnh về công nghiệp CBCT. Đi cùng với các tập đoàn quy mô lớn này là các doanh nghiệp hỗ trợ chuyên cung cấp linh kiện, thiết bị cũng như các doanh nghiệp cung ứng nguyên, vật liệu để tập đoàn vận hành ổn định liên tục. Cùng với đó là hệ thống logistics như sân bay, bến cảng, kho tàng, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không phát triển mạnh, tạo thuận lợi để việc vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn và tốc độ cao.
Tỉnh phải có quy hoạch phiên bản mới và xây dựng nhiều khu công nghiệp quy mô lớn với hạ tầng hiện đại có đủ tiện ích theo tiêu chuẩn mới, như nhà ở công nhân, y tế, sinh hoạt cộng đồng, giải trí,… để đáp ứng nhu cầu đầu tư lâu dài của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tổng diện tích khu công nghiệp công nghệ cao hay khu công nghệ cao hoặc khu công nghiệp có thể lên tới hàng nghìn ha. Nguồn nhân lực quy mô lớn bao gồm lao động chất lượng cao và trung bình cần được chuẩn bị với quy mô lên tới hàng trăm nghìn người và lực lượng này cần đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư. Sự gia tăng dân số cơ học gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng về nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ giáo dục, y tế, ngân hàng - tài chính của tỉnh cùng với quy mô du khách đến tham quan danh lam, thắng cảnh ở tỉnh tăng lên nhờ làm tốt công tác xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Lợi thế về tài nguyên du lịch của tỉnh, nhất là Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới và các danh lam thắng cảnh khác cũng có sức hấp dẫn cao và chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện.
Thứ hai, công nghiệp CBCT của tỉnh được đầu tư để phát triển chủ yếu theo hướng công nghệ cao. Trình độ công nghệ CBCT của tỉnh sẽ nằm trong nhóm đầu cả nước, thậm chí khu vực. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có thể duy trì ở ngưỡng 20% tổng kim ngạch của cả nước, thậm chí thấp hơn nhưng có sự xuất hiện của mặt hàng chủ lực mới dựa trên công nghệ cao. Nhờ vậy, điều kiện thương mại được cải thiện, triển vọng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng lên liên tục. Đây là sự lựa chọn với mục tiêu khá cao, cần có chiến lược thu hút nhiều tập đoàn CBCT hàng đầu thế giới cùng với các doanh nghiệp trong nước cùng đầu tư vào tỉnh. Để đạt mục tiêu này, quy hoạch ngành công nghiệp CBCT cần được xây dựng mang tính đón đầu, tạo không gian đủ rộng lớn để tiếp nhận lượng vốn đầu tư rất lớn trong thời gian ngắn từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Việc quyết liệt đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp công nghệ cao, công viên công nghệ, kể cả ý tưởng hình thành “thung lũng công nghệ cao” của tỉnh cũng cần tính đến và quảng bá rộng rãi đến toàn thế giới. Mô hình tổ chức khu công nghiệp, công nghệ này được thiết kế và xây dựng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiện đại. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, cho nên quy hoạch đô thị cần được thực hiện khoa học, bền vững, đủ bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt lâu dài cho một lực lượng lao động đông đảo, những người thu nhập cao và rất cao. Hệ thống dịch vụ cung ứng chất lượng cao nhất và ổn định. Quảng Ninh có thể trở thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước và trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển dịch thành công cơ cấu công nghiệp, CBCT để ngành này trở thành ngành động lực thúc đẩy sự dịch chuyển nguồn lực của cả tỉnh và các vùng lân cận./.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp như một đột phá của chuyển đổi phương thức phát triển ở Quảng Ninh  (26/11/2022)
Một số gợi ý cho Quảng Ninh về công nghiệp chế biến, chế tạo  (26/11/2022)
Thực trạng phát triển công nghệ cao có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm với lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp