Quảng Ninh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
TCCS - Tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhằm tận dụng lợi thế chiến lược của tỉnh trong phát triển công nghiệp, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16-11-2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, “Về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được coi là định hướng nhằm thúc đẩy hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.
Trước thời điểm năm 2010, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, nhất là: Hạ tầng giao thông, đường cao tốc chưa được đầu tư; hạ tầng điện chưa thể hiện rõ là trung tâm nhiệt điện của cả nước; nhiều đô thị lớn đã được hình thành song chưa thực sự đạt được các tiêu chí đô thị; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu cơ chế chính sách để phát triển; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch còn manh mún; hạ tầng văn hóa, thông tin, khoa học - công nghệ, y-tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt hiệu quả như mong muốn; tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu, nguồn lực cần đầu tư với tình hình thực tế còn rất lớn.
Thực hiện Nghị quyết số 54, Kết luận số 13-KL/TW và Thông báo số 108-TB/TW, ngày 1-10-2012, của Bộ Chính trị cùng với tư duy đổi mới, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo của địa phương; trên cơ sở các giá trị tốt đẹp và những nền tảng được tạo dựng qua nhiều thế hệ; Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh các khóa XII, XIII, XIV, XV đã kế thừa, đổi mới và phát triển; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực nội sinh; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, đưa tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc với nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2019 đạt 10,18%/năm, giai đoạn 2005 - 2020 đạt 10,12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng (tăng 7,9%), trong đó: Giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 12,66%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 9,2%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10,7%/năm. Năm 2021 trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị địa phương, năng lực thích ứng với sự thay đổi, giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên hai con số, đạt 10,28%, tiếp tục phát huy vai trò lan tỏa của trục động lực phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế vùng.
Một trong những nguyên nhân quan trọng để có được những kết quả nêu trên là xuất phát từ chủ trương đúng đắn và việc triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả “ba đột phá chiến lược”. Bên cạnh đó, nhận định xu hướng phát triển công nghiệp tất yếu trong thời đại hiện nay phải gắn với việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16-11-2020, về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 - Đây là nghị quyết đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV; trong đó, giải pháp “huy động mọi nguồn lực, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững…” là một trong những nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu được xác định tại nghị quyết, là tiền đề không thể thiếu và điều kiện cần để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, bằng nhiều nguồn lực, trong đó, chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, bảo đảm thông thương hàng hóa thông qua triển khai hàng loạt các dự án động lực nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, tăng cường sự liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trải dài trên toàn tỉnh; Đầu tư xây dựng hạ tầng điện lưới phủ kín đến các xã đảo và miền núi, bảo đảm 100% số hộ dân được sử dụng điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; Đẩy mạnh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp (CCN) theo hướng đồng bộ, hiện đại, cũng như bước đầu dành các nguồn lực cho phát triển hạ tầng nhà ở xã hội, các thiết chế xã hội cho công nhân, người lao động tại các KKT, KCN. Đến nay, đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như sau:
Một là, về phát triển hạ tầng giao thông: hệ thống hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đã hoàn thành 176km đường cao tốc, chiếm 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước; nâng cấp, cải tạo 130,3km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6km đường huyện, đường đô thị và 2.440,9km2 đường giao thông nông thôn, miền núi. Trong đó kết quả ấn tượng nhất là hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cầu Tình Yêu (Cầu Cửa Lục 1) và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế; đưa tỉnh Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực hợp tác Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh Quảng Ninh chủ động, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh thực hiện hợp tác kết nối trục kinh tế trục cao tốc phía Đông (Quảng Ninh - Hải Phòng, Hải Dương - Hưng Yên...); xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng (Cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng; đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều)... góp phần hình thành hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, tạo ra bước đột phá về không gian phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác hóa lãnh thổ, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, hợp tác quốc tế.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải, gồm: 6.343,01km đường bộ (trong đó cao tốc dài 176km, chiếm 16,83% tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước); 64,08km đường sắt kết nối từ ga Kép đến Đông Triều, Uông Bí và Hạ Long); 37 tuyến luồng thủy nội địa với chiều dài 837,5km và 159 cảng, bến được cấp phép hoạt động; 6 khu vực hàng hải gồm Vạn Gia - Hải Hà, Mũi Chùa, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên với tổng lượng hàng hóa năm 2020 đạt trên 110 triệu tấn và đường hàng không với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt quy mô cấp 4E, công suất 5 triệu hành khách; có thể nói hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh về cơ bản được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã và đang mở rộng không gian phát triển mới theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá với ba vùng động lực tăng trưởng”.
Hai là, về hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tỉnh Quảng Ninh hiện có 3 KKT cửa khẩu với tổng diện tích 144.735ha, 2 KKT ven biển với tổng diện tích 230.436ha; 7 KCN đã đi vào hoạt động và có nhà đầu tư thứ cấp, 1 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập; 5 CCN đã đi vào hoạt động và có nhà đầu tư thứ cấp và 3 CCN đã có quyết định thành lập. Các KCN, CCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải về cơ bản bảo đảm theo nhu cầu của các nhà đầu tư. Với số lượng các KKT, KCN, CCN trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có số lượng và quy mô KCN, KKT lớn nhất cả nước. Ngành nghề thu hút đầu tư trong KCN, KKT bảo đảm theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển: bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao (KCN Texhong); cơ khí chế tạo, lắp ráp (KCN Đông Mai); môi trường KCN được bảo đảm; đến nay đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, động lực, đẳng cấp đến đầu tư (Foxconn, Texhong, TCL, Amata, Thành Công…).
Bên cạnh đó, hạ tầng nhà ở, các thiết chế xã hội cho công nhân, người lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng được quan tâm triển khai, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1 dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Hải Yên, thành phố Móng Cái đã hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 2014) với tổng diện tích sàn 30.000m2 và 03 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp đang triển khai, dự kiến khi hoàn thành sẽ đáp ứng được 2.638 căn hộ chung cư và 707 căn nhà riêng lẻ (Dự án thiết chế công đoàn tại đồi Thủy sản, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long; dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia phục vụ KCN Đông Mai, tại phường Đông Mai, Quảng Yên; Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân người lao động tại KCN cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà), như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu triển khai các hạ tầng nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân, người lao động tại các KKT, KCN.
Ba là, về hệ thống lưới điện: Toàn tỉnh có 3 tuyến đường dây 500kV/tổng chiều dài 513,4km; 1 trạm biến áp 500kV/công suất 1.025MVA; 11 tuyến đường dây 220kV/tổng chiều dài 625km; 6 trạm biến áp/tổng công suất 1.750MVA; 49 tuyến đường dây 110kV/tổng chiều dài 825,3km; 26 trạm biến áp 110kV/tổng công suất 1.859MVA; 3.213km đường dây trung áp; 5.100 trạm biến áp/tổng công suất 1.974MVA và 10.276km đường dây hạ áp. Hạ tầng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc phát triển hệ thống điện đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoàn thành chỉ tiêu 100% số hộ có điện vào đầu năm 2019.
Sự phát triển về hạ tầng giao thông, mạng lưới điện của tỉnh đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của các KKT, KCN; từ đó trở thành đòn bẩy để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng vượt bậc với mức tăng trưởng 32,19% năm 2021; dự kiến 15,5% năm 2022 (giai đoạn 2010 - 2020 mức tăng bình quân chỉ 7,8%/năm). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, sự đóng góp từ các dự án FDI vào KCN, KKT của Quảng Ninh chưa đạt theo đúng kỳ vọng so với các tỉnh lân cận, như Hải Phòng, Bắc Ninh, hay Bắc Giang. Đây là một trọng những nút thắt hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung và của ngành chế biến chế tạo nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, với quan điểm “Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội làm nền tảng góp phần bảo đảm và cải thiện dân sinh, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh; đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, tận dụng cơ hội chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các định hướng tại Nghị quyết số 01-NQ/TU, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chúng tôi xác định cần tăng cường các nhiệm vụ liên quan đến kết cấu hạ tầng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết cao, các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh (cầu Cửa Lục 2, giai đoạn 2 đường bao biển nối thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả, đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây…), các dự án cảng biển trọng điểm (cảng Vạn Ninh, cảng Con Ong - Hòn Nét, nâng cấp năng lực bốc xếp tại các cảng hiện tại,…) phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận và Trung ương để triển khai các dự án liên vùng, quốc gia (cầu Rừng, cầu Lại Xuân, Quốc lộ 4B, Quốc lộ 279, đường bộ cao tốc Nội Bài - Hạ Long…).
Thứ hai, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN đồng bộ về hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế văn hóa cùng với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ, ổn định, phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương và địa phương để phát triển và hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, người lao động.
Thứ ba, tập trung xây dựng các KKT ven biển, phát huy lợi thế hệ thống cảng biển, phát triển các dịch vụ cảng, xây dựng mối liên kết phát triển logistics bên trong và bên ngoài khu vực cảng; tăng cường kết nối cửa khẩu, hàng không và đường sắt, kết nối các tuyến quốc lộ với mạng lưới đường bộ để phát triển đa dạng các loại dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu từ các KCN, KKT; tích hợp sâu các dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa phục vụ đồng bộ nhu cầu về kho bãi, vận chuyển cho công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh./
Bảo đảm an ninh kinh tế góp phần phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo  (26/11/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp