TCCS - Nhờ cách làm mới mang tính đồng bộ, cùng giải pháp hiệu quả, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có bước tiến vững chắc, khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo nền tảng từng bước đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm khu vực và quốc tế.

Xây dựng chiến lược và quy hoạch phù hợp

Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, con người cởi mở và thân thiện, đặc biệt có vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới, cùng với vịnh Bái Tử Long tạo nên quần thể gồm 2.077 đảo đất, đá, tỉnh Quảng Ninh có nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc bậc nhất Việt Nam. Cùng với đó, tỉnh còn có danh thắng Yên Tử và hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đây là tài nguyên vô giá để Quảng Ninh phát triển các loại hình du lịch, hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí; trở thành trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, là trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, Quảng Ninh sớm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, trong đó xác định, phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Cụ thể hóa Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 24-5-2013, “Về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 5-2-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và dành các nguồn lực xứng đáng cho phát triển du lịch.

Trên cơ sở định hướng của các nghị quyết nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 5828/KH-UBND, ngày 28-10-2013, “Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030” để triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn; xây dựng và hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tập trung xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch môi trường... Các quy hoạch là cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trong thời gian qua, bên cạnh công tác quy hoạch, ban hành các chính sách về phát triển du lịch... Quảng Ninh đã tập trung đầu tư vào những hạng mục trọng yếu, đặc biệt là phát triển các hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài. Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng có tính liên kết cao. Trong đó, tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông.

Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh triển khai 46 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Những công trình, như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II, cầu Tình yêu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và mới đây là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái… đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 2.100 cơ sở lưu trú du lịch với trên 35.800 buồng; gần 200 tàu lưu trú nghỉ đêm với khoảng 2.200 phòng, chiếm 37,4% số lượng tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên vịnh Hạ Long. Qua đó, góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú, tăng chi tiêu của du khách. Cùng với đó, không gian du lịch của tỉnh ngày càng được mở rộng với 4 trung tâm du lịch, 33 tuyến, 91 điểm du lịch, 8 khu du lịch cấp tỉnh, 5 khu du lịch cấp quốc gia; tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực: Du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới và du lịch sinh thái cộng đồng. Các sản phẩm du lịch của tỉnh cũng ngày càng có tính cạnh tranh cao, phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chất lượng, có tính biểu tượng, khác biệt đã được những tập đoàn lớn đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, trở thành động lực, thu hút lượng lớn du khách như Tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long Complex, Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh...

Nhờ chiến lược đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại và đồng bộ, Quảng Ninh đã có thể mở rộng cánh cửa đón du khách cả trong nước và quốc tế. Giao thông đi lại thuận tiện, nhanh chóng; hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không giúp trải nghiệm du lịch dễ dàng và hấp dẫn hơn.

Tăng cường liên kết khu vực và phát triển thị trường quốc tế

Thông qua chương trình hợp tác của Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực hợp tác với các tỉnh thành viên EATOF trong các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, qua đó nhiều tổ chức, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của các tỉnh thành viên có thêm nhiều thông tin cần thiết về du lịch tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tích cực hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh thành viên EATOF như Gangwon (Hàn Quốc), Tottori (Nhật Bản), Sarawak (Malaysia), Cebu (Philipines) là địa phương có ngành du lịch phát triển, có nhiều kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch.

Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 được tổ chức tại Quảng Ninh với chủ đề: “Sự hồi sinh của du lịch khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bình thường mới”, Quảng Ninh đã thống nhất, cùng các tỉnh thành viên đưa ra tuyên bố chung. Theo đó, nâng tầm EATOF từ “Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á” thành “Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á”, nhằm thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới đi vào thực chất, hiệu quả hơn; phát huy tốt vị trí và vai trò như một liên minh du lịch toàn cầu đại diện cho khu vực Đông Á cũng như đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng và phát triển của du lịch Đông Á. Đồng thời, thiết lập cơ chế quản trị hợp tác với chính quyền các tỉnh thành viên trên nền tảng quan hệ đối tác công - tư - học thuật và mở rộng mạng lưới toàn cầu để đạt được mục tiêu du lịch bền vững; tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau, như tăng cường hoạt động của các sân bay quốc tế địa phương; phát triển các sản phẩm du lịch và hợp tác trong lĩnh vực du lịch; trao đổi nguồn nhân lực, trao đổi học thuật; đăng cai tổ chức các lễ hội, hội chợ lữ hành và các sự kiện xúc tiến du lịch.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Quảng Ninh chủ động xúc tiến du lịch trực tuyến và trực tiếp; chủ trì hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch đón khách quốc tế; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, đón các đoàn famtour, famtrip quốc tế đến khảo sát và tìm hiểu các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Gần đây nhất, Quảng Ninh đã tổ chức các đoàn xúc tiến tại Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Không chỉ giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách mà còn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác tổ chức chương trình lễ hội đa quốc gia, kết nối đường bay, khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Vân Đồn. Trong 9 tháng năm 2022, đã có 135.000 lượt khách quốc tế đến Quảng Ninh, riêng tháng 9 đạt 40.000 lượt.

Trong 10 năm qua, ngành du lịch Quảng Ninh có bước phát triển ngoạn mục, gắn với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh. Giai đoạn từ 2016 - 2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 101.302 tỷ đồng, nộp ngân sách 11.617 tỷ đồng. Trong đó, các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh tăng mạnh so với năm 2015: Trung Quốc tăng 80%, Mỹ tăng 25%, Anh tăng 36%, Tây Ban Nha tăng 40%... Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt 2,74 ngày. Hoạt động du lịch đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2015 lên 41,2% năm 2020.

Quảng Ninh sớm xây dựng chiến lược phát triển thị trường du lịch quốc tế hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao, mở rộng liên doanh, liên kết vùng với các đối tác trong nước và nước ngoài, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức phát triển thị trường, liên kết các tuyến và sản phẩm du lịch. Đặc biệt, nỗ lực liên kết với các hãng tàu biển để mở lại tuyến hải trình đưa khách du lịch quốc tế đến địa phương bằng đường biển, trên các tàu du lịch 5 sao.

Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những điểm đến tại Việt Nam được du khách quốc tế quan tâm tìm kiếm nhiều nhất - khẳng định sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch Quảng Ninh với bạn bè, du khách quốc tế.

Thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm

Là một trong các trung tâm du lịch trọng điểm của đất nước, khai thác phát triển kinh tế ban đêm đối với tỉnh Quảng Ninh được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là xu thế tất yếu. Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm nhờ hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với tuyến cao tốc trải dài, có sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, có hạ tầng du lịch tốt, có đội ngũ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đủ khả năng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp.

Để phát triển, khai thác, phát huy các lợi thế, ngay sau khi đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh một cách bài bản.

Theo nội dung đề án, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm được lựa chọn tại một số khu vực không gần khu dân cư, bảo đảm riêng biệt, tạo thành tổ hợp giải trí ban đêm khép kín, như Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Khu du lịch danh thắng Yên Tử.

Cụ thể, đề án được xây dựng dựa trên 4 lĩnh vực gồm: Văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...); dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khu ẩm thực, quán bar...); dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...); dịch vụ du lịch (tham quan các điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...). Thời gian diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau đối với các khu vực được áp dụng thí điểm, sau đó sẽ đẩy nhanh hướng tới nền kinh tế 24 giờ đối với các thành phố, đô thị có tiềm năng...

Việc triển khai thí điểm kinh tế ban đêm tạo thêm động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Ninh; là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khắc phục những hạn chế về kinh tế địa phương, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, phát triển kinh tế ban đêm đòi hỏi công tác quy hoạch và quản lý phải đồng bộ chặt chẽ, hiệu quả. Nếu không sẽ phát sinh các tác động tiêu cực như hành vi mất an ninh trật tự, gia tăng rủi ro về tệ nạn xã hội; cũng như cần giải quyết hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống, tạo bầu không khí cho thành phố về đêm trở nên hấp dẫn./.