Chiến lược “Vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc: Những đánh giá bước đầu và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
TCCS - Khái niệm “vòng tuần hoàn kép” lần đầu tiên được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nêu tại Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 5-2020. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2020), “vòng tuần hoàn kép” được khẳng định là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, là một trong những nguyên tắc cơ bản trong Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2035 của Trung Quốc. Ngay sau khi được thông qua, chiến lược này đã được nhiều ý kiến quốc tế đánh giá có thể sẽ tạo nên cục diện phát triển mới của Trung Quốc, đồng thời tác động đến kinh tế thế giới và khu vực.
Nội dung cơ bản của chiến lược “vòng tuần hoàn kép”
Chiến lược “vòng tuần hoàn kép” ra đời trong bối cảnh Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “100 năm thứ nhất” về xây dựng toàn diện xã hội khá giả và bắt đầu thực hiện mục tiêu cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và mục tiêu “100 năm thứ hai” là trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2049. Việc đổi mới mô hình, phương thức tăng trưởng của Trung Quốc theo hướng chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách về tăng cường năng lực độc lập, tự chủ về kinh tế - công nghệ. Trong khi đó, cục diện thế giới biến đổi sâu sắc theo đánh giá của Trung Quốc là “thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm qua”(1) thúc đẩy Trung Quốc phải tính toán điều chỉnh chiến lược phát triển và mở cửa để thích ứng với bối cảnh mới của thế giới, nhất là nhận diện lại mối quan hệ giữa yếu tố phát triển bên trong và môi trường, nguồn lực phát triển bên ngoài.
Ra đời trong bối cảnh trên, mục tiêu xuyên suốt của chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc là tăng cường năng lực độc lập, tự chủ kinh tế - công nghệ, hiện đại hóa nền tảng công nghiệp để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và mục tiêu “100 năm thứ hai” vào năm 2049; đồng thời, củng cố vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, nhất là trong các chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu và ứng phó hiệu quả hơn đối với sự kiềm chế, cạnh tranh chiến lược của một số nước phương Tây. Để thực hiện những mục tiêu này, chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc tập trung vào một số định hướng lớn sau:
Đối với vòng tuần hoàn trong nước (bên trong). Một là, phát triển cả cung và cầu. Hình thành vòng tuần hoàn kinh tế trong nước lành mạnh dựa vào thị trường nội địa rộng lớn. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu theo hướng trọng cung, hoàn thiện các chuỗi cung ứng, công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng lớn khi nền kinh tế bước vào ngưỡng thu nhập cao. Phát triển hài hòa tài chính, bất động sản với kinh tế thực, giữa chế tạo, nông nghiệp và dịch vụ, năng lượng. Hai là, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Xác định tiêu dùng trong nước là nền tảng cho phát triển kinh tế, phát triển tiêu dùng kiểu mới “xanh, lành mạnh và an toàn”. Nâng cao sức mua trong nước thông qua cải cách thị trường lao động, an sinh xã hội, dịch vụ, giáo dục... Ba là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư. Tăng cường đầu tư các ngành chiến lược, nhất là công nghệ cao, hạ tầng mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, vệ tinh...; đồng thời, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng truyền thống, nhất là tại những vùng, miền kém phát triển. Thúc đẩy làn sóng thứ hai về đô thị hóa, cải cách hộ khẩu, chế độ sở hữu đất nông nghiệp - nông thôn. Phát triển “đầu tư xanh”, tăng gấp hai lần số lượng nguồn vốn đầu tư vào vấn đề bảo vệ môi trường đến năm 2025... Bốn là, nâng cấp chuỗi công nghiệp, đổi mới toàn diện khoa học - công nghệ. Sớm tạo đột phá trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng được Trung Quốc xem “là mấu chốt của việc hình thành vòng tuần trong nước”, phát huy tối đa ưu điểm thể chế xã hội chủ nghĩa và lợi thế thị trường trong nước cũng như hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh của Trung Quốc để tập trung phát triển công nghệ mới. Nâng cao năng lực chiến lược của nhà nước về khoa học - công nghệ, năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện cơ chế đổi mới khoa học - công nghệ. Xác định Thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Công - Ma Cao là các trung tâm đổi mới khoa học và công nghệ quốc tế, đồng thời có kế hoạch xây dựng bốn trung tâm khoa học tổng hợp quốc gia ở những khu vực này. Tăng cường bảo vệ các ngành công nghiệp theo hướng tập trung xây dựng chuỗi cung ứng - công nghiệp độc lập, có nguồn thay thế, dự phòng các sản phẩm/kênh cung ứng quan trọng trong tình huống nguồn cung bên ngoài bị gián đoạn; thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các thiết bị, linh kiện chủ chốt trong ngành công nghiệp chế tạo. Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển và tăng cường liên kết các vùng, miền (vùng Quảng Đông - Ma Cao - Hồng Công, Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc; vùng công nghiệp Đông Bắc, phát triển miền Trung, miền Tây...) để phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền, nâng cao năng lực tự chủ trong các chuỗi sản xuất.
Đối với vòng tuần hoàn quốc tế (bên ngoài). Trung Quốc xác định, tiếp tục thực hiện mở cửa ở mức độ cao hơn trên cơ sở chuyển động lực phát triển kinh tế từ xuất khẩu - đầu tư sang tiêu dùng - sáng tạo, chuyển từ thu hút - chuyển giao - mô phỏng - hấp thụ công nghệ nước ngoài sang tự chủ sáng tạo công nghệ, nhưng nâng cao toàn diện trình độ mở cửa, xây dựng hệ thống kinh tế mở ở trình độ cao hơn trên cơ sở hình thành lợi thế mới, như mở cửa thị trường tài chính, tiếp tục quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT), triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI)...
Vòng tuần hoàn trong nước và vòng tuần hoàn quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, trong đó vòng tuần hoàn trong nước đóng vai trò chủ đạo, đáp ứng nhu cầu trong nước là xuất phát điểm và mục tiêu của sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng. Vòng tuần hoàn trong nước là điều kiện để thu hút các nguồn lực bên ngoài, thúc đẩy liên kết giữa nhu cầu trong nước và nhu cầu bên ngoài, nhập khẩu và xuất khẩu, hài hòa giữa thu hút đầu tư và đầu tư ra bên ngoài. Hoàn thiện cơ chế điều tiết thống nhất giữa nội thương và ngoại thương, tăng cường giám sát, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro, không để biến động bên ngoài ảnh hưởng tới phát triển kinh tế trong nước.
Những đánh giá bước đầu về chiến lược “vòng tuần hoàn kép”
Thứ nhất, chiến lược “vòng tuần hoàn kép” là sự điều chỉnh mang tính chiến lược xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của Trung Quốc trên cơ sở nhận thức, đánh giá toàn diện và biện chứng các đặc điểm mới của tình hình thế giới và Trung Quốc. Đó là nhu cầu về tăng cường độc lập, tự chủ, trong đó độc lập, tự chủ về kinh tế - công nghệ có ý nghĩa quyết định, nhằm mục tiêu xuyên suốt là trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2049.
Bên cạnh kế thừa các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc qua các thời kỳ, chiến lược “vòng tuần hoàn kép” có bước phát triển mới về tư duy trong xử lý mối quan hệ giữa mở cửa và tự chủ kinh tế, trong đó tăng cường năng lực tự chủ kinh tế - công nghệ là nội dung cốt lõi và xuyên suốt. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã định vị rõ vai trò yếu tố bên trong là “chủ đạo”, “trụ đỡ” và “dẫn dắt” sự phát triển của Trung Quốc. Đây là điểm mới so với tư duy, triết lý phát triển trong suốt hơn 40 năm qua của Trung Quốc là lấy mở cửa và “đi ra bên ngoài” làm động lực dẫn dắt phát triển trong nước. Sự chuyển hướng chiến lược này, một mặt, phản ánh sự thay đổi của môi trường quốc tế; mặt khác, cho thấy thế và và lực của Trung Quốc đã lớn mạnh đến mức độ có thể phát triển dựa vào yếu tố bên trong là chủ yếu.
Mặc dù đặc biệt coi trọng tự chủ kinh tế - công nghệ, song chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc không phải là mô hình phát triển khép kín, tự cung, tự cấp. Chiến lược “vòng tuần hoàn kép” vẫn kế thừa các thành tựu hơn 40 năm cải cách và mở cửa, coi trọng mở cửa, hội nhập quốc tế, song giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và bên ngoài, mở cửa thận trọng hơn, có giám sát, ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đề cao yếu tố tự chủ về kinh tế - công nghệ, tiếp tục cải cách sâu rộng vẫn là một thông điệp nhất quán trong chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, xác định đây là “chìa khóa để giải phóng lực lượng sản xuất xã hội và là động lực cơ bản để phát triển đất nước”.
Như vậy, chiến lược “vòng tuần hoàn kép” thực chất là sự tiếp nối tiến trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc, có điều chỉnh, bổ sung và phát triển cho phù hợp với bối cảnh mới để hướng nền kinh tế đến một mô hình phát triển cân bằng, bền vững hơn, có năng lực độc lập, tự chủ cao hơn. Để thực hiện mô hình này, Trung Quốc sẽ thực hiện đồng thời nhiều chuyển đổi về động lực và phương thức phát triển, như chuyển từ lấy mở cửa và “đi ra bên ngoài” làm động lực dẫn dắt phát triển sang lấy kinh tế trong nước làm động lực chủ đạo dẫn dắt phát triển; từ xuất khẩu - đầu tư sang tiêu dùng - sáng tạo công nghệ là chủ yếu; từ sản xuất, tiêu dùng hàng giá rẻ sang hàng hóa, dịch vụ cao cấp; từ thu hút - chuyển giao - mô phỏng công nghệ nước ngoài sang tự chủ sáng tạo công nghệ; từ đổi thị trường trong nước lấy công nghệ nước ngoài sang bảo vệ thị trường trong nước phục vụ sáng tạo công nghệ; từ tham gia các chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu sang phát triển các chuỗi sản xuất - cung ứng do Trung Quốc dẫn dắt...
Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện chiến lược “vòng tuần hoàn kép” có những thuận lợi cơ bản là ưu điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc qua hơn 40 năm cải cách và mở cửa ngày càng được khẳng định, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc phát triển vượt bậc, dư địa phát triển của Trung Quốc vẫn còn khá lớn. Việc Trung Quốc chuẩn bị bước vào nhóm nước thu nhập cao có thể tạo làn sóng bùng nổ tiêu dùng hàng hóa cao cấp; tầng lớp trung lưu dự báo tăng lên hơn 70% dân số vào năm 2030 và trở thành thị trường tiêu dùng trung lưu lớn nhất thế giới(2). Bên cạnh đó, liên kết kinh tế vùng, miền vẫn còn nhiều dư địa cho Trung Quốc đẩy mạnh tái cấu trúc và phát triển chuỗi công nghiệp - cung ứng trong nước. Khu vực duyên hải phía Đông và Đông Nam Trung Quốc hiện là động lực chính cho tăng trưởng; miền Trung và phía Tây, Tây Nam có trình độ phát triển thấp hơn, có tiềm năng sẽ là các cực tăng trưởng mới. Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ động mở rộng dư địa phát triển thông qua đầu tư ra nước ngoài, quốc tế hóa đồng NDT nhằm tiếp cận công nghệ mới, nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường cho hàng hóa, công nghệ Trung Quốc.
Việc thực hiện chiến lược “vòng tuần hoàn kép” sẽ tác động sâu sắc, lâu dài đến định hình diện mạo kinh tế Trung Quốc. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ phát triển cân bằng, ổn định và bền vững hơn, nâng cao được năng lực tự chủ kinh tế - công nghệ, nhờ đó Trung Quốc tiếp tục vươn lên mạnh mẽ; khẳng định sự ưu việt của mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thu hút quan tâm của nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc căn bản nền kinh tế theo chiến lược “vòng tuần hoàn kép” sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, thậm chí có cả rủi ro. Sức ép cải cách và tái cấu trúc sẽ lớn hơn, phức tạp hơn cả ở cấp độ nền kinh tế, ngành/lĩnh vực và doanh nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Trung Quốc từ trước đến nay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư, công nghệ, nguồn cung nguyên liệu và thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, phát triển năng lực sáng tạo công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao. Nếu đầu tư thiếu hiệu quả, có thể làm nghiêm trọng hơn sự mất cân đối kinh tế và tích tụ thêm rủi ro tài chính mà Trung Quốc đang phải nỗ lực xử lý. Mặt khác, việc chuyển sang phương thức phát triển dựa vào tiêu dùng trong nước cũng gặp không ít trở ngại. Muốn tăng thu nhập, từ đó tăng tiêu dùng, yếu tố cốt lõi là phải tăng năng suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất có thể sẽ chậm lại khi Trung Quốc chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào sản xuất - chế tạo sang dịch vụ. Do đó, thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc là vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phúc lợi và ổn định chính trị - xã hội, giải quyết các hệ lụy tích tụ sau hơn 40 năm thực hiện cải cách và mở cửa, vừa phải đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế theo chiến lược “vòng tuần hoàn kép”. Có dự báo cho thấy, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng bình quân 3,8% - 4,9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030(3). Ngoài ra, do yếu tố cạnh tranh chiến lược, một số nước phương Tây cũng sẽ tìm cách gây khó khăn, cản trở Trung Quốc thực hiện chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Đơn cử như, Mỹ gần đây tiếp tục mở rộng phạm vi kiềm chế các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc thông qua việc cấm các công ty của Mỹ đầu tư vào 59 doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực quốc phòng và công nghệ theo dõi, giám sát(4).
Thứ ba, sự điều chỉnh chiến lược phát triển của Trung Quốc theo mô hình “vòng tuần hoàn kép” phản ánh những thay đổi, vận động của các xu hướng lớn trên thế giới. Đó là, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn điều chỉnh nhanh và rõ ràng hơn. Mặc dù vẫn là xu thế khách quan, nhưng toàn cầu hóa hiện nảy sinh nhiều mâu thuẫn lớn, như mâu thuẫn giữa tự do hóa kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, ý thức tăng cường tự chủ kinh tế quốc gia ngày càng cao; mâu thuẫn giữa liên kết, hội nhập kinh tế sâu rộng với xu hướng “phân tách” gia tăng; mâu thuẫn giữa các thể chế, luật lệ hiện có với xây dựng các thể chế, luật lệ mới... “Vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc nằm trong xu hướng các quốc gia đang tìm kiếm sự cân bằng, hài hòa giữa tự chủ kinh tế và tự do hóa, liên kết kinh tế trong phát triển. Ngoài Trung Quốc, nhiều nước đã và đang điều chỉnh theo hướng tăng cường tự chủ kinh tế, như Ấn Độ triển khai kế hoạch “Ấn Độ tự chủ”, In-đô-nê-xi-a “tự chủ công nghiệp”; một số nước phát triển tăng cường ngăn chặn nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp, thị trường trong lĩnh vực công nghệ cao và kết cấu hạ tầng quan trọng.
Cục diện thế giới “lưỡng siêu, đa cường” sẽ định hình rõ nét hơn nếu Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, khiến cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng quốc tế sẽ phức tạp, khó lường hơn. Chiến lược “vòng tuần hoàn kép” dường như là thông điệp cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng cho cạnh tranh chiến lược kéo dài, quyết liệt và phức tạp hơn trong những năm tới.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc tái cấu trúc toàn diện, căn bản kinh tế Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn xu hướng cơ cấu lại kinh tế toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc sẽ nổi lên cung ứng hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng vốn và công nghệ cao, một mặt, tạo cơ hội cho nhiều nước tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ công nghệ thấp - trung bình do “khoảng trống” Trung Quốc để lại trên thị trường thế giới; mặt khác, sẽ gây bất lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa trung - cao cấp, công nghệ và nguyên liệu sang Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Allianz (Đức), Đài Loan (Trung Quốc) dự báo thiệt hại 10,3% GDP, Ma-lai-xi-a 6,5% GDP, Xin-ga-po 5,6% GDP, Thái Lan 5,1% GDP, Hàn Quốc 3,5% GDP, khu vực đồng tiền chung châu Âu 0,9% GDP. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc có thể sẽ được đẩy mạnh hơn khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ thị trường trong nước và ngăn chặn đầu tư công nghệ thấp - trung bình. Các sản phẩm, lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp - trung bình sẽ tiếp tục được đẩy từ Trung Quốc sang các nước có trình độ phát triển thấp hơn.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, việc Trung Quốc triển khai chiến lược “vòng tuần hoàn kép” sẽ mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với kinh tế nước ta. Với lợi thế mạng lưới rộng mở của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu hàng hóa, lấp các “khoảng trống” thị trường thế giới mà Trung Quốc để lại khi Trung Quốc tiến lên phân khúc hàng hóa, dịch vụ cao cấp; song sức ép nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, nhất là nguyên liệu/linh kiện và hàng hóa, dịch vụ công nghệ, có thể sẽ tăng lên nếu năng lực công nghiệp - công nghệ của Việt Nam chậm cải thiện.
Việc Trung Quốc hướng đến sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao thúc đẩy sự ganh đua quyết liệt hơn về công nghệ giữa các nền kinh tế lớn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có thêm lựa chọn nguồn cung công nghệ để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhưng cũng đặt ra những vấn đề phức tạp về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp trong các chuỗi sản xuất toàn cầu, cũng như gánh chịu hệ lụy của làn sóng di chuyển đầu tư công nghệ thấp, không thân thiện với môi trường... Vượt qua được thách thức và tranh thủ được cơ hội hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực thích ứng cũng như quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, là hai quốc gia tương đồng về chế độ chính trị và kinh tế, các chủ trương, định hướng phát triển của Trung Quốc trong chiến lược “vòng tuần hoàn kép” cũng gợi mở một số hàm ý chính sách để Việt Nam có thể tham khảo trong xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Một là, nội dung chiến lược “vòng tuần hoàn kép” được Trung Quốc công bố đến nay đã phản ánh quan niệm của Trung Quốc về nội hàm, biện pháp lớn về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế. Nền kinh tế độc lập, tự chủ theo chiến lược “vòng tuần hoàn kép” là sự thống nhất giữa “vòng tuần hoàn trong nước” (kinh tế trong nước) và “vòng tuần hoàn bên ngoài” (mở cửa), trong đó kinh tế trong nước là chủ đạo, quyết định và dẫn dắt mở cửa.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là một trong những mối quan hệ lớn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã đề ra định hướng lớn về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc là một mô hình có giá trị tham khảo đối với Việt Nam, trong đó có việc xác định nội hàm và các biện pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, như phát triển doanh nghiệp và thị trường trong nước lớn mạnh trở thành động lực quan trọng của kinh tế, nâng cao khả năng tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế...
Hai là, việc Trung Quốc thực hiện chiến lược “vòng tuần hoàn kép” với nội dung cốt lõi là tăng cường tự chủ công nghệ sẽ mang lại những bài học kinh nghiệm giúp Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, cần đổi mới mạnh mẽ toàn diện, đồng bộ thể chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ hiện đại; phát triển mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả phát triển đất nước là mục tiêu. Đồng thời, nỗ lực xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh; hiện đại hóa các ngành công nghiệp truyền thống có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo giá trị gia tăng trong nước lớn hơn...
Ba là, trong hơn 40 năm thực hiện cải cách và mở cửa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một động lực quan trọng góp phần đưa Trung Quốc trở thành công xưởng chế tạo - lắp ráp lớn nhất thế giới. Nhưng đến nay, phương thức phát triển lấy FDI làm động lực đã bộc lộ nhiều điểm yếu, bất cập; nếu kéo dài phương thức phát triển này, Trung Quốc khó có thể tăng cường được năng lực tự chủ kinh tế - công nghệ. Do đó, “vòng tuần hoàn kép” đã chuyển hướng chiến lược sang phương thức phát triển lấy nhân tố bên trong là chủ đạo, còn nhân tố bên ngoài, trong đó có FDI, chịu sự dẫn dắt của nhân tố bên trong, phục vụ nâng cao năng lực tự chủ kinh tế - công nghệ trong nước. Đối với Việt Nam, khu vực kinh tế có vốn FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Bên cạnh quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, định hướng lớn mang tính đổi mới tư duy về thu hút FDI theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019, của Bộ Chính trị khóa XII, về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cần tập trung khơi dậy ý chí tự chủ, tự cường dân tộc, những gì trong nước làm được cần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phát huy hiệu quả các động lực phát triển trong nước, như phát triển kinh tế tư nhân, thị trường trong nước, chuyển đổi số quốc gia, khởi nghiệp sáng tạo...
“Vòng tuần hoàn kép” là chiến lược phát triển lâu dài, có thể tạo nên cục diện phát triển mới của Trung Quốc, có khả năng tác động đến kinh tế thế giới và khu vực. Theo đó, các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách của nước ta cần quan tâm theo dõi, nghiên cứu việc Trung Quốc triển khai chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, nhằm góp phần phục vụ xây dựng và triển khai các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể xu thế vận động của nền kinh tế thế giới và Trung Quốc cũng như mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc hiện nay, cần sớm có chiến lược, kế hoạch phù hợp về phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh mới./.
-------------------
(1) Thông cáo Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc
(2) Dự báo của Ủy ban châu Âu (EC)
(3) Viện Nghiên cứu Allianz (Đức), tháng 10-2020|
(4) Xem: Factbox: “U.S. Treasury updates list of Chinese entities hit by investment ban”, https://www.reuters.com/business/us-treasury-updates-list-chinese-entities-hit-by-investment-ban-2021-06-03/