Tư tưởng canh tân đã không ít lần xuất hiện trong lịch sử Việt Nam. Sang đầu thế kỷ XX, luồng tư tưởng này một lần nữa hiện diện, khác với các thế kỷ trước, nó đã thổi bùng lên thành một cao trào cách mạng trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt xã hội Việt Nam.

Có một điều đặc biệt là, làm nên cuộc cách mạng duy tân ấy không thể không kể đến vai trò của tầng lớp sĩ phu cựu học, cụ Nguyễn Hữu Cầu là một trong số đó.

Nguyễn Hữu Cầu vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở phường Đông Tác, kinh thành Thăng Long. Trưởng thành trong hoàn cảnh chế độ phong kiến Việt Nam đã ở buổi suy tàn, cùng với đó là sự hiện diện của quân xâm lược Pháp; được thừa hưởng truyền thống hiếu học, yêu nước của các bậc tiền nhân, tư tưởng yêu nước, căm thù quân xâm lược đã hình thành một cách tự nhiên, sâu sắc và trở thành tình cảm chủ đạo, nhất quán trong con người Nguyễn Hữu Cầu.

Chính tình cảm yêu nước đã thúc đẩy Nguyễn Hữu Cầu, cùng các đồng chí của mình sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguyễn Hữu Cầu hoạt động trong Ban Tu thư, tham gia soạn tài liệu và giảng dạy tại trường. Những hoạt động của ông cùng các đồng chí đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ra khỏi tầm nhìn chật hẹp của nho gia và ý thức trung quân phong kiến.

Tuy nhiên, tên tuổi và những đóng góp của Nguyễn Hữu Cầu (cũng như nhiều đồng chí khác của ông) ít được nhắc đến. Trên thực tế cũng chưa có công trình nào nghiên cứu tương đối toàn diện về ông.

Cuốn sách Nguyễn Hữu Cầu - chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục do GS. Chương Thâu và Hồ Anh Hải biên soạn, Nhà xuất bản Lý luận chính trị ấn hành. Đây là công trình tập hợp các bài viết, nghiên cứu của nhiều học giả, hướng đến tìm hiểu về thân thế, quá trình hoạt động, lối sống, tư duy cách tân… của Nguyễn Hữu Cầu. Đây là nguồn sử liệu quý giá, cung cấp cho độc giả một cái nhìn tương đối toàn diện về con người Nguyễn Hữu Cầu. Hơn thế, xoay quanh đó là rất nhiều những mối quan hệ, nhân vật, sự kiện, nhận định…, có thể giúp đưa ra một cái nhìn khái quát về một thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc.