Gia nhập WTO là sự mở đường rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhưng sự cố gắng và tiếp tục cuộc cạnh tranh mới là chặng đường chính và quan trọng hơn nhiều. Trong cơ hội bao giờ cũng kèm với thách thức, thách thức nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực của chính chúng ta. Nhằm trao đổi kinh nghiệm và thông tin đa chiều về chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Thành viên WTO thức 150 – Bài học từ các nước đi trước” của tác giả Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam.

Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc bối cảnh lịch sử ra đời của WTO, từ ITO qua GATT và đến WTO ngày 1 tháng Giêng 1995. Điều tác giả muốn làm rõ ở đây là từ những sự kiện lịch sử của WTO, các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đều có được có mất chứ không phải ai cũng được. Qua một loạt chủ đề, từ nông nghiệp đến xuất khẩu; từ các cuộc tranh chấp thương mại đến vấn đề tài sản trí tuệ và bằng sáng chế; từ vấn đề đầu tư đến vấn đề lao động, môi trường và dịch vụ, những kinh nghiệm từ các nước được giới thiệu giúp bạn đọc nhận rõ tập đoàn tư bản xuyên quốc gia các nước phương Bắc vẫn là những kẻ được lợi nhất, những người sản xuất nhỏ ở các nước nghèo phương Nam vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất trong thương mại tự do hóa.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế và xu thế hội nhập toàn cầu, Đảng ta chủ trương: “Phát triển mạnh thương mại trong nước; tăng nhanh xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh tự do hóa thương mại phù hợp các cam kết hội nhập quốc tế”. Gia nhập WTO là nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát triển sức sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân; nhưng phải luôn luôn nắm vững vừa hợp tác vừa đấu tranh để có thể hợp tác tốt hơn; phải tăng cường đoàn kết với các nước đang phát triển (chiếm hơn hai phần ba thành viên của WTO) để làm sao tranh thủ tối đa các lợi ích mà quy chế thành viên WTO mang lại đồng thời xử lý hữu hiệu các thách thức của quy trình hội nhập.