Bàn giải pháp phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long
TCCS – Ngày 1-8-2022, tại thành phố Cần Thơ, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam, Học viện Chính trị khu vực IV và Trường Đại học Cần Thơ đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; TS. Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam; PGS,TS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các trường chính trị, trường đại học của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý…
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Phan Công Khanh cho biết, sông nước là một đặc trưng tự nhiên và nổi bật ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ xưa đến nay, hầu như mọi hoạt động đời sống xã hội của cư dân nơi đây đều gắn với sông nước, “không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây”; “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, do đó, vai trò của các con sông là yếu tố không thể tách rời khi nhắc về đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế, tiềm năng to lớn của mình, đồng bằng sông Cửu Long hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Trong đó, kinh tế sông đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long; sản lượng gạo, cá tôm và cây trái xuất khẩu nơi đây dẫn đầu cả nước, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần lan tỏa thương hiệu, hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo TS. Phan Công Khanh, để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, như: Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022, của Thủ tướng, phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;... đây sẽ là một trong những động lực quan trọng về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.
Nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức và nguy cơ mà đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt, đó là: Biến đổi khí hậu; suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; nguy cơ xói lở bờ sông, sụt lún đất, hạn hán, xâm nhập mặn và nhiều yếu tố bất định khác ảnh hưởng đến kinh tế sông của vùng, TS. Phan Công Khanh nhấn mạnh, hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo, quản lý; các nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ để nhận thức toàn diện hơn, sâu sắc hơn những tiềm năng, lợi thế sông nước của đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả lĩnh vực kinh tế sông. Để hội thảo thật sự chất lượng và hiệu quả, TS. Phan Công Khanh đề nghị, cùng với gần 80 bài tham luận được gửi đến Ban Tổ chức, các đại biểu tại hội thảo trao đổi và làm sâu sắc 3 nội dung: Thứ nhất, phân tích một cách thấu đáo những vấn đề chung về kinh tế sông (nội hàm, ngoại diên khái niệm và quan niệm; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế sông) trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và phát triển nhanh, bền vững đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Thứ hai, làm rõ những tiềm năng, lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế sông và những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long. Thứ ba, kiến nghị, đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm khắc phục khó khăn và thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận đã làm rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; nêu bật vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Các đại biểu cho rằng, việc tạo động lực để đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng. Hội thảo cũng tập trung đi sâu phân tích, làm rõ những hạn chế, vướng mắc dẫn đến việc chưa khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế kinh tế sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp có tính khả thi, nhằm khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế từ sông nước của vùng, tạo động lực phát triển mới cho đồng bằng sông Cửu Long như: Đầu tư hạ tầng phát triển giao thông thủy nội địa, các bến cảng, bến thủy nội địa, nạo vét, khơi thông các luồng tuyến phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa kết hợp với du lịch; có kế hoạch sử dụng nguồn nước hiệu quả, hợp lý trong sinh hoạt, sản xuất; sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để giảm ô nhiễm nguồn nước…
Theo TS. Trần Văn Hiếu, Trường Đại học Cần Thơ; TS. Ngô Anh Tín, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ và một số nhà khoa học cho rằng, kinh tế sông là hoạt động phức hợp đa ngành nghề nhằm khai thác nguồn lợi kinh tế của các con sông để phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất và đời sống, trong đó, bao gồm các hoạt động vận tải đường sông, phát triển du lịch trên sông, khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản, sử dụng nguồn nước sông cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, xây dựng thủy điện và khai thác tài nguyên dưới lòng sông cho nhu cầu phát triển kinh tế. Tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong quan hệ với kinh tế ngành, kinh tế vùng và cả nền kinh tế. Với mong muốn quy hoạch và xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh về kinh tế sông, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đại biểu Quốc hội Khóa XV nêu rõ, để phát triển kinh tế sông vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế sông phù hợp với tình hình mới...
Phát biểu kết luận, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, đây là hội thảo về kinh tế sông đầu tiên của nước ta. Do vậy, việc nhận diện, dự báo để xây dựng kế hoạch chiến lược với tầm nhìn dài hơi là vấn đề vô cùng quan trọng. Đồng thời, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà nhận định, hội thảo đã làm rõ khái niệm kinh tế sông, nêu bật những tiềm năng và lợi thế sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển các ngành nghề, như: du lịch văn hóa đường sông, công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng…; những giá trị của kinh tế sông mang lại góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, những dòng sông hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm… Do đó, chúng ta cần có giải pháp ứng phó với các thách thức trên.
Với những kết quả thu được tại hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo sẽ tập hợp đầy đủ các tham luận, biên tập lại để chọn lọc một số tham luận đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản, qua đó đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp căn bản để tạo nền tảng và sức bật mới cho kinh tế sông vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ, đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.
Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh  (31/07/2022)
Tạo động lực phát triển vùng kinh tế biển Nam Định  (15/07/2022)
Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  (13/07/2022)
Lạng Sơn thúc đẩy kinh tế biên mậu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới  (12/07/2022)
Nam Định giải quyết khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế  (07/07/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên