Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường
TCCS - Ở Việt Nam, mô hình phát triển kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới - khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, chất lượng môi trường xuống thấp. Phát triển kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường trở thành nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển kinh tế bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh mới, việc cụ thể hóa và triển khai vận dụng kinh tế tuần hoàn thành công là hết sức quan trọng và là trọng tâm cần ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia.
Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Với tình trạng bùng nổ dân số như hiện nay - khi mà 66% số người dân toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050(1), các thành phố sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức hơn về kinh tế - xã hội và môi trường. Hơn nữa, trong những năm gần đây, việc khai thác quá mức tài nguyên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng, cùng với lối sống hiện đại, sử dụng nhiều năng lượng dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho môi trường và con người. Do đó, sự chuyển dịch hướng về một nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là yêu cầu tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững và toàn diện hơn. Phát triển KTTH vừa giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm thiểu sự lãng phí, hạn chế ô nhiễm môi trường, phục hồi, tái sinh tài nguyên thiên nhiên, vừa giúp giảm lượng khí nhà kính và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Điều này đã giúp cho mô hình KTTH đang giành được sự quan tâm và áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau ở khắp nơi trên thế giới(2).
Theo Quỹ Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Về cơ bản, KTTH là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh (business models) theo vòng tròn khép kín. Trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời (end-of-life) được thay thế bằng việc giảm sử dụng (reduce), sử dụng lại (reuse), tái chế (recycle) và phục hồi vật liệu (recover materials) trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, nền KTTH sẽ áp dụng ở các cấp độ nhỏ (sản xuất, công ty, người tiêu dùng); vừa (khu công nghiệp sinh thái); lớn (thành phố, vùng, quốc gia và xuyên quốc gia). Nền KTTH hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó tạo chất lượng môi trường, kinh tế sung túc, công bằng xã hội. Tất cả cùng mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai(3).
Ở Việt Nam, một số mô hình kinh tế theo hướng KTTH đã được hình thành từ những năm 1980, như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC). Đây là mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững mà các thành phần trong hệ thống có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mặc dù chưa hoàn thiện và áp dụng chủ yếu ở quy mô nhỏ hộ gia đình hoặc hợp tác xã, mô hình này cho thấy hiệu quả kinh tế ban đầu về việc tận dụng tài nguyên và giảm tác động môi trường do tác hại của các chất thải từ chăn nuôi gây ra.
Những năm gần đây, nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy KTTH ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công - tư đang được đề xuất và từng bước triển khai. Một số chương trình nổi bật, như chương trình thu gom và tái chế rác thải của nhóm doanh nghiệp (DN) chuyên nghiệp (pro) và nhóm DN lớn; sáng kiến không xả thải vào môi trường, các khu công nghiệp sinh thái ở một số thành phố lớn. Một số kết quả cụ thể từ mô hình KTTH đang được áp dụng thành công trong các doanh nghiệp lớn, như Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam, DN vừa và nhỏ, như chuỗi cung ứng nuôi và sản xuất cá tra, hoặc dự án của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) về Khu công nghiệp sinh thái, đã và đang triển khai tại sáu khu công nghiệp ở các tỉnh Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ. Tất cả những sáng kiến và mô hình kinh tế này đang đặt nền tảng đầu tiên cho quá trình chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang phát triển KTTH ở nước ta. Tuy nhiên, để đạt được thành công cho cả nền kinh tế Việt Nam hướng theo mô hình KTTH, cần thiết phải có sự liên kết và chung tay của Nhà nước, các DN, các khu công nghiệp và cộng đồng. Khi đó, chuyển đổi sang nền KTTH mới đem lại những lợi ích lớn cho toàn xã hội, giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước và quốc tế, vừa giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và đầu tư mới, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Nhằm đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là phát triển kinh tế bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc cụ thể hóa và triển khai vận dụng KTTH thành công là hết sức quan trọng và là trọng tâm cần ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia. Hiện, có nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển mô hình KTTH và thu được nhiều lợi ích, Việt Nam có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và rút ra bài học để áp dụng sao cho phù hợp với bối cảnh trong nước. Để phát triển KTTH, rất nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam.
Về cơ hội, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia và sự cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới trong việc tham gia các mục tiêu thiên niên kỷ, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững chính là cơ hội cho việc thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam. Việt Nam đã và đang hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Chuyển đổi sang KTTH giúp đáp ứng các mục tiêu của Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Phát triển KTTH có thể giải quyết được tình trạng khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế, giúp đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu thuộc các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một nguồn động lực rất lớn nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế này. Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế và tái sử dụng rác và tạo thêm cơ hội việc làm trong lĩnh vực mới.
Về thách thức, hiện nay, khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Nước ta đã có một số mô hình KTTH và khu công nghiệp sinh thái đang hoạt động nhưng chưa có hành lang pháp lý cho phát triển KTTH. Trong thời gian tới, cần có những đúc kết, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với mô hình kinh tế này. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận kinh tế tuyến tính, chuyển đổi sang KTTH cần có lộ trình rõ ràng, hơn nữa, cần nhấn mạnh đến những đổi mới về tư duy và nhận thức, khuyến khích các sáng kiến trong chuỗi sản xuất và cung ứng nhằm hỗ trợ cho chuyển đổi sang KTTH của DN. Những nhận thức đúng về KTTH cần được thực hiện từ khâu nguyên liệu đầu vào, thiết kế, tiêu dùng, triển khai, tái sử dụng, tái chế và khâu thải loại đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng DN và người dân. Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng, quy hoạch khu công nghiệp theo hướng KTTH và khả năng liên kết còn nhiều hạn chế. Nhiều quy hoạch riêng rẽ do tư duy phát triển kinh tế tuyến tính, thiếu liên kết; quy hoạch không gắn với khả năng cân đối nguồn lực và sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Ngoài ra, công nghệ tái chế, các ngành công nghiệp hỗ trợ và nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH còn yếu. Kinh tế tuần hoàn cần gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến và an toàn với sức khỏe con người và môi trường. Về nguồn lực, để phát triển KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về khoa học - công nghệ và kiến thức thực tiễn nhằm giải quyết được các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình sản xuất của DN và khả năng liên kết các DN.
Định hướng phát triển kinh tế bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Với mục tiêu phát triển bền vững gắn chặt với bảo vệ môi trường, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao nhận thức toàn xã hội về áp dụng KTTH trong cuộc sống, công nghệ số, công nghệ xử lý, tái chế chất thải và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Trong đó, tập trung vào:
Một là, đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức.
Đổi mới tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của KTTH có vai trò đặc biệt quan trọng, mở đường và tạo không gian cho sự phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tiếp tục đổi mới tư duy phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Trước những vấn đề thực tiễn cấp bách về sức ép dân số, xâm lấn và phá vỡ môi trường sinh thái, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên và đặc biệt vấn đề rác thải, đổi mới tư duy và nhận thức về KTTH không chỉ dành cho Nhà nước hay doanh nghiệp, mà còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Ví dụ như sự thay đổi tư duy tiêu dùng của người dân, hướng đến tiêu dùng “xanh”, áp dụng phương pháp 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) thân thiện với môi trường sẽ thúc đẩy thị trường và kinh tế “xanh” phát triển, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất “xanh” và tạo ảnh hưởng lan tỏa cho phát triển bền vững trên toàn quốc. Nâng cao ý thức không chỉ của người dân mà cả đối với các doanh nghiệp (từ siêu nhỏ đến lớn) về trách nhiệm với rác thải, về giá trị của rác thải khi áp dụng công nghệ phù hợp biến rác thải thành nguồn năng lượng hay vật liệu mới trong mô hình KTTH. Ví dụ: phân loại rác sinh hoạt trong cộng đồng (gồm rác hữu cơ, rác nhựa và rác khác), trong số đó, rác hữu cơ là nguồn nguyên liệu quan trọng sản xuất năng lượng điện từ khí bi-ô-ga và phân bón hữu cơ; rác nhựa phân loại tốt có thể được tái chế ra các vật dụng khác nhau tránh đổ thải ra môi trường gây hậu quả lâu dài... Hay các vấn đề về rác thải điện tử, các doanh nghiệp cần có chính sách hợp tác với người tiêu dùng nhằm thu gom và tái chế các sản phẩm điện tử đúng quy trình, đem lại giá trị thương mại lớn từ nguồn rác này (các kim loại quý, hiếm có trong các linh kiện điện tử) và vì một môi trường xanh, sạch, đẹp. Đổi mới tư duy xây dựng hành lang pháp lý trong thực hiện KTTH, định hướng phát triển bắt buộc nhưng kèm theo các hỗ trợ cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy về phát triển KTTH. Ví dụ, đánh thuế cao khi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có khả năng tái tạo, như là điện năng lượng mặt trời đã và đang phát triển trên quy mô lớn trong một thời gian ngắn khi có chính sách hỗ trợ. Hỗ trợ của Nhà nước về chính sách sẽ thúc đẩy DN phát triển sản xuất năng lượng sinh học, góp phần giảm dần phụ thuộc vào khai thác và sử dụng năng lượng từ dầu mỏ.
Hai là, phát triển bền vững dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ.
Chiến lược phát triển KTTH hỗ trợ việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững ở cả 3 tiêu chí (kinh tế, môi trường và xã hội). Ví dụ như, giảm thiểu sử dụng nguồn nguyên liệu thô, lượng chất thải phát sinh và khí thải, giảm chi phí quản lý rác thải, nhiều thị trường mới, cơ hội việc làm mới được tạo ra trong mô hình KTTH. Không giống nền kinh tế tuyến tính - nơi mà sự phát triển đòi hỏi sự gia tăng khai thác tài nguyên và tiêu thụ tài nguyên, năng lượng, nước, nguyên liệu thô - nền KTTH hướng đến ít chất thải được tạo ra, sản phẩm và các nguồn tài nguyên duy trì giá trị của nó trong nền kinh tế càng lâu càng tốt. Vì vậy, khoa học - công nghệ đóng vai trò cung cấp phương tiện, kiến thức để đưa ra các quyết định về chính sách phát triển ở các cấp độ khác nhau trong cả khối nhà nước và doanh nghiệp.
Tại Liên minh châu Âu (EU), nhiều nghiên cứu xây dựng công nghệ khử các-bon nhằm chuyển CO2 và các chất thải khác thành vật liệu xây dựng. Tại châu Âu, Trung Quốc, một số khu công nghiệp sinh thái được hình thành nhằm tận dụng chất thải, khí thải, khí ga của nhà máy này, trở thành nguyên liệu đầu vào của nhà máy khác. Tại các doanh nghiệp, chiến lược sử dụng các nguyên, vật liệu dễ phân hủy, không độc hại với môi trường ở tất cả các khâu của quy trình sản xuất nhằm giảm lượng chất thải phát sinh, duy trì giá trị sản phẩm cao sau khi sử dụng cũng là những cách tiếp cận theo mô hình KTTH.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học - công nghệ đã tạo ra những tác động lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cải thiện chất lượng tăng trưởng và năng suất nền kinh tế. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như phân bón thông minh, hệ thống tưới tự động, máy bay không người lái trong canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và dự báo thời tiết đã góp phần cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần giảm thiểu rủi ro cho người dân. Các thành tựu của chuyển đổi số cũng giúp kết nối người dân với thị trường và doanh nghiệp thông qua việc liên kết sản xuất - tiêu thụ, sản xuất theo chuỗi giá trị, thương mại điện tử và kết nối thông tin thị trường,...
Kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp và mang lại nhiều lợi ích trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, như việc tối ưu hóa và tận dụng các nguồn phụ phế phẩm từ các hoạt động sản xuất, làm các nguồn nguyên liệu đầu vào (chẳng hạn như, tuần hoàn nước trong nuôi trồng thủy sản, ủ rơm rạ và vỏ tôm làm phân bón sinh học,...). Hay, việc đa dạng hóa hoặc kết nối các loại hình canh tác nhằm tận dụng các dòng tài nguyên của các loại hình nông nghiệp khác nhau, chẳng hạn như các mô hình trồng trọt - thủy sản kết hợp (tôm - lúa, vườn - ao - chuồng, tôm - rừng,...). Ngoài ra, cải thiện công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, kết nối các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và tận dụng các nguồn phụ phế phẩm, như rơm rạ, chất thải chăn nuôi,... sẽ góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện chất lượng môi trường.
Ba là, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để chuyển dịch từ một nền kinh tế tuyến tính sang một nền KTTH, các doanh nghiệp cần tiên phong trong việc “đổi mới sáng tạo” mô hình kinh doanh nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn hơn. Nghiên cứu của Gligoric và cộng sự(4) về KTTH cho thấy, sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số đang góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch này. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp đang diễn ra đồng thời với sự xuất hiện của khái niệm về mô hình kinh doanh theo hướng KTTH. Trong các doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ số được coi là một phần của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là nền Công nghiệp 4.0 liên quan đến quá trình chuyển đổi công nghiệp, trong đó việc thu thập và lưu trữ dữ liệu đã biến sản phẩm thành các hệ thống tạo ra giá trị cao. Công nghệ số được phân thành ba loại dựa trên các chức năng: Thu thập dữ liệu, tích hợp dữ liệu và phân tích dữ liệu. Công nghệ thu thập dữ liệu bao gồm các cảm biến (ví dụ: nhận dạng qua tần số vô tuyến - RFID) và các thiết bị kết nối sản phẩm và người dùng với internet (ví dụ, internet vạn vật - IoT). Công nghệ tích hợp dữ liệu lưu trữ và định dạng dữ liệu cho phép sử dụng các công nghệ phân tích dữ liệu để sản xuất và phát triển thông tin.
Mối quan hệ giữa công nghệ số và đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh theo hướng KTTH nhấn mạnh vào cách công nghệ số có thể làm chậm lại, thu hẹp hoặc đóng các dòng chảy tài nguyên. Cụ thể, IoT thông qua việc cải tiến giám sát, phân tích và kiểm soát dữ liệu sản phẩm có thể kéo dài vòng đời của sản phẩm và cho phép thu hồi trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó, hệ thống không gian mạng thực - ảo hỗ trợ tối ưu hóa sản xuất và bảo trì bằng cách cung cấp dữ liệu để đưa ra quyết định trong thời gian thực.
Bên cạnh việc hỗ trợ các chiến lược về dòng chảy tài nguyên, công nghệ kỹ thuật số cũng tăng cường việc tạo ra giá trị. Cụ thể, công nghệ số giúp cải thiện khả năng cạnh tranh dựa trên các dịch vụ sáng tạo; cải thiện tài chính thông qua tăng cường tạo ra giá trị và giảm chi phí; nâng cao hiệu quả của thiết bị thông qua việc tối ưu hóa máy móc và các mô hình kinh doanh mới (ví dụ: các giải pháp sản phẩm - dịch vụ kết hợp và mô hình trả tiền cho mỗi lần sử dụng); và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua việc tối ưu hóa. Do vậy, việc ứng dụng các nguyên tắc KTTH trong “đổi mới” mô hình kinh doanh của một công ty là động lực chính tạo ra giá trị từ các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
------------------
* TS. Lê Quang Dũng, TS. Nguyễn Kiều Lan Phương
(1) Xem: Department of Economic and Social Affairs Population Division, United Nations: World Urbanization Prospects: the 2014 Revision (ST/ESA/SER.A/366), New York (USA), 2015, tr. 517
(2) Xem: Ellen MacArthur Foundation: Towards the circular economy – Economic and business rationale for an accelerated transition, Isle of Wight (UK), 2013, tr. 99
(3) Xem: Ellen MacArthur Foundation: Towards the circular economy – Economic and business rationale for an accelerated transition, Tlđd, tr. 99
(4) Xem: N. Gligoric, S. Krco, L. Hakola, K. Vehmas, S. De, K. Moessner, K. Jansson, I. Polenz, R. Kranenburg: “SmartTags: IoT Product Passport for Circular Economy Based on Printed Sensors and Unique Item-Level Identifiers”, Sensors, Basel, Switzerland, 2019
BIDV - 65 năm tự hào phát triển cùng đất nước  (29/04/2022)
Đảng bộ Co-opBank: Kiên định với nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững  (04/04/2022)
Bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (10/03/2022)
Bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (10/03/2022)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm