Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta hiện nay

TS. BÙI SỸ LỢI
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
22:12, ngày 06-03-2022

TCCS - Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo cho nhân dân, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020

Trong suốt hơn 75 năm qua, đặc biệt là sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những điểm sáng của thế giới về xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình trồng cam chất lượng cao của đồng bào ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La_Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo(1). 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. Tuy nhiên, mặc dù là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao”(2). Do đó, cần phải đánh giá những điểm chưa được trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để trên cơ sở đó, có những giải pháp phù hợp, nhằm đạt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2026, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm(3) như Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.

Trên cơ sở đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020 theo 5 tiêu chí: 1- Tính kịp thời trong việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách (văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn); 2- Tính phù hợp của cơ chế, chính sách, dự án đã ban hành trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng, miền (dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, an toàn khu, bãi ngang, thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, vùng kinh tế - sinh thái,...), phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi của các địa phương; 3- Tính đồng bộ và hệ thống của cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo; 4- Tính đầy đủ thể hiện ở mức độ bố trí nguồn lực, bảo đảm đầy đủ và kịp thời nguồn lực cho thực hiện các dự án, chính sách trong chương trình giảm nghèo; 5- Tính hiệu lực và hiệu quả; cho thấy những vấn đề sau:

Một là, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước. Tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc(4). Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Thực trạng này kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để.

Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chậm, từ năm 2015 đến năm 2019 chỉ giảm được 0,95%, trung bình 0,19%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ tăng được 1,2 lần, từ 15,81 triệu đồng năm 2015 lên 19 triệu đồng năm 2019 (mục tiêu của Chương trình 135 tăng lên gấp 2 lần). Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng khó khăn chỉ đạt 5,66% (đạt 20%  - 30% mục tiêu). Sự thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như nhà ở, y tế, nước sạch và vệ sinh còn lớn(5).

Tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế đạt mục tiêu, nhưng nguyên nhân chủ yếu do các địa phương (58/63 tỉnh, thành phố)(6) sử dụng ngân sách địa phương trong việc huy động nguồn lực để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Cơ sở vật chất, nhân lực của các trạm y tế xã chưa đồng đều ở các vùng, miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, do đó chưa tạo được niềm tin của người dân vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

Các bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu_Nguồn: baodantoc.vn

Hai là, chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: 1- Mức chuẩn nghèo về thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu như Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24-6-2014, của Quốc hội khóa XIII, Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đặt ra; 2- Một số chỉ số đo lường chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến việc xác định hộ nghèo ở các địa phương(7); 3- Chính phủ chưa công bố được kết quả tổng hợp toàn quốc về tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ba là, nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải trong nhiều chính sách, có chính sách khi bố trí được nguồn lực đầu tư đã vào năm cuối của giai đoạn thực hiện. Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng, miền, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Bốn là, việc thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện mới chỉ dừng ở chính sách tín dụng, các mô hình sản xuất (vốn đối ứng), hoặc cam kết thoát nghèo, chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bên liên quan để có thêm nhiều chính sách đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; chưa khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.

Năm là, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học trung học phổ thông chưa cao (63,03%); mới hỗ trợ đào tạo được khoảng trên 1,1 triệu người (14%) trên tổng số gần 8 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Giai đoạn 2016 - 2018 mới có trên 800 nghìn người dân tộc thiểu số, trong đó có 412 nghìn lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nhiều địa phương không bố trí được việc làm cho người học cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Công tác đào tạo cử tuyển chưa gắn với sử dụng lao động; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương chưa được giải quyết triệt để.

Sáu là, hệ thống chính sách về giảm nghèo vẫn phức tạp, nhiều tầng nấc, khó khăn cho việc áp dụng của cán bộ cơ sở và việc tiếp cận của người dân. Việc rà soát, tích hợp, sửa đổi, ban hành chính sách về giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai thời gian đầu của chương trình. Một số chính sách chưa phù hợp, như chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển,... chưa gắn với sử dụng sau đào tạo và chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, hiệu quả chưa cao. Chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Bảy là, công tác xác nhận, quản lý đối tượng hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế; còn có tình trạng đưa đối tượng không đủ điều kiện vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để trục lợi chính sách.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập :

Thứ nhất, chuẩn nghèo chưa sát với thực tế nghèo là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững (đa số hộ thoát nghèo mới chỉ là thoát nghèo theo chuẩn thu nhập, mà chưa thoát khỏi tình trạng nghèo).

Thứ hai, mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn rất khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để đầu tư trong khi ngân sách còn hạn chế. Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

Thứ ba, nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn trung ương và bị phân tán, dàn trải; việc lồng ghép nguồn lực còn khó khăn do mỗi chương trình, dự án có các mục tiêu, cơ chế quản lý khác nhau. Ngân sách trung ương tuy bảo đảm nguồn lực đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, song đối với 21 chương trình mục tiêu thực hiện theo Nghị quyết số 73/NQ-CP, ngày 26-8-2016, của Chính phủ “Phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020” thì chỉ bố trí được 53,61% tổng số vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định; một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế trong nhận thức và thực hiện chính sách; chưa có cách tiếp cận hiệu quả với vấn đề mới nảy sinh.

Thứ năm, nhận thức, trách nhiệm và nỗ lực vì sự nghiệp giảm nghèo bền vững ở các ngành, các cấp còn chưa đồng đều; công tác phối hợp, thực hiện trách nhiệm của các ngành ở Trung ương và địa phương trong xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo có lúc còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý các vấn đề liên ngành.

Thứ sáu, vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Một trong những định hướng quan trọng để giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 76/2014/QH13 là: “Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng nhằm thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số”. Trên cơ sở định hướng đó, nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, bảo đảm quyền con người với 3 chức năng: Phòng ngừa - giảm thiểu - khắc phục rủi ro.

Hai là, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, có việc làm, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ nhà ở nhằm bảo đảm nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn, vùng thường xuyên hạn hán và lũ lụt, khó khăn về nguồn nước.

Ba là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư cho phát triển đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Giờ thực hành môn vật lý của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở  Tương Dương, tỉnh Nghệ An_Ảnh: TTXVN

Năm là, tăng cường quản lý nhà nước, truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung một số nội dung sau: 1- Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; 2- Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc; 3- Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; 4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc, chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc, coi đây là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 5- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số; 6- Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 7- Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

--------------------

(1) Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 71, 96
(4) Theo Báo cáo số 382/BC-CP, ngày 20-8-2020, của Chính phủ, năm 2015: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tại miền núi Tây Bắc là 34,52%, miền núi Đông Bắc là 20,75%, Tây Nguyên là 17,48%, tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,88%; đến năm 2019, tỷ hộ nghèo của miền núi Tây Bắc là 20,4%, miền núi Đông Bắc là 9,12%, Tây Nguyên là 7,6%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 3,75%
(5) Mức độ thiếu hụt đa chiều năm 2019: Nhà ở (chất lượng nhà ở: 31,67%; diện tích nhà ở: 29,64%); nước sạch và vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt: 16,6%; nhà tiêu hợp vệ sinh: 53,58%); y tế (bảo hiểm y tế: 27,19%)
(6) Theo Báo cáo số 1198/BC-BYT, ngày 03-8-2020, của Bộ Y tế, còn 17 tỉnh, thành phố chưa bố trí ngân sách địa phương thực hiện hỗ trợ đầy đủ 100% mức đóng bảo hiểm y tế còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo, trong đó có 5 địa phương không hỗ trợ gồm: Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình và Thanh Hóa
(7) Chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ: không căn cứ vào giá trị hay nguồn gốc tài sản
- Chỉ tiêu giáo dục: Chưa tính đến chất lượng giáo dục của người dân và các trang thiết bị, điều kiện dạy và học để đánh giá
- Chỉ tiêu y tế: chưa phản ánh chất lượng cung cấp dịch vụ y tế (được bác sĩ khám, chữa bệnh tại tuyến xã, trang thiết bị y tế khi người dân tham gia khám, chữa bệnh...)
- Chỉ tiêu hộ gia đình không được tiếp cận nước hợp vệ sinh, một số địa phương tuy được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh nhưng không đủ sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt 12 tháng, chưa được hướng dẫn tính là thiếu hụt