TCCSĐT - Sau rất nhiều đồn đoán của giới truyền thông, cuối cùng, trong thông báo ngắn ngày 10-5 trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết: "Cuộc gặp rất được mong đợi giữa ông Kim Jong-un và tôi sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore. Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng đưa sự kiện này trở thành một thời khắc rất đặc biệt đối với hòa bình thế giới". Trước khi cuộc gặp này diễn ra, Triều Tiên đã có nhiều hành động thể hiện thiện chí của mình.

Singapore - Địa điểm tối ưu, hai bên chấp nhận được

Việc quốc đảo Singapore được chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể xem là một sự lựa chọn được cân nhắc rất kỹ lưỡng và giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên tránh khỏi những vấn đề nhạy cảm về ngoại giao cũng như bảo đảm được an ninh cho cuộc gặp có ý nghĩa lịch sử này.

Thời gian qua, nhiều địa điểm đã được xem xét và danh sách đã dần rút gọn còn lại 2 là Singapore và làng đình chiến Panmunjom thuộc Khu vực phi quân sự (DMZ) phân chia lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tổng thống Trump từng gợi ý về khả năng làng đình chiến Panmunjom là địa danh được lựa chọn, trong đó ông đề cập cụ thể đến Nhà Hòa bình hoặc Nhà Tự do ở bên lãnh thổ Hàn Quốc. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom - nơi từng diễn ra lễ ký hiệp định đình chiến cho cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 với sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc, sẽ mang tính biểu tượng rất cao. Ngoài ra, nơi đây cũng vừa diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều rất thành công.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả ngoại giao và an ninh, quyết định cuối cùng là Singapore. Phó Thư ký báo chí của Nhà Trắng Raj Shah cho biết quốc gia Đông Nam Á này có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên và nước này có thể bảo đảm về an ninh cho Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài ra, cũng theo ông Shah, việc Singapore luôn giữ tính trung lập về chính trị là một yếu tố rất quan trọng để cuộc gặp lịch sử này đi tới thành công.

Cựu Đại sứ Mỹ ở Singapore David Adelman nhận xét: “Singapore là một người bạn tuyệt vời của Mỹ, nhưng nước này cũng cẩn thận để có thể làm bạn với tất cả các nước”. Trong lịch sử, quốc gia này đã là ‘nhà trung gian chân thành giữa Đông và Tây", ngoài ra Singapore có kinh nghiệm tổ chức các cuộc gặp cấp cao.

Tổ chức cuộc gặp ở Singapore cũng sẽ tạo được hình ảnh tốt cho ông Trump hơn là đến khu phi quân sự ở biên giới hai miền Triều Tiên. Ông Ian Bremmer, CEO của Eurasia Group, cho rằng việc chọn Singapore cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều là để "chuẩn bị cho điều tốt đẹp”.

Singapore cũng là ‘vị trí tốt’ cho nhà lãnh đạo rất hiếm khi xuất hiện của Triều Tiên. Theo ông Tom Plant, một chuyên gia về các vấn đề hạt nhân và phổ biến vũ khí ở London, “ông Kim Jong-un muốn tới một nơi thân thiện chứ không phải một nơi thù địch”. Còn ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, cho rằng khi cuộc gặp diễn ra ở Singapore, "mọi thứ sẽ được kiểm soát, từ báo chí cho đến an ninh". Theo ông, Singapore là một môi trường có kiểm soát hơn, nơi các lãnh đạo có thể gặp nhau đằng sau cánh cửa đóng kín và sau đó xuất hiện để truyền thông chụp ảnh theo kịch bản được sắp xếp trước.

Ông Robert Einhorn, một nhà phân tích về kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings và một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - người đã từng đàm phán với Triều Tiên trong những năm 1990, nói“Singapore là một vùng đất rất có kỷ luật và luôn đảm bảo được trật tự.” Ông Einhorn cũng cho biết rằng phía Triều Tiên cũng thoải mái với lựa chọn Singapore vì họ từng tổ chức các cuộc họp và có đại sứ quán tại đây. “Đó là một nơi mà các nhà ngoại giao Triều Tiên có thể cảm thấy thoải mái,” ông Einhorn nhận định.

Ngoài ra, Singapore này cũng chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hơn 4.800km, một khoảng cách không phải quá xa cho một chuyến bay hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Chuyến ra nước ngoài bằng máy bay mới đây của ông Kim là tới Đại Liên, Trung Quốc, và đó là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đã sử dụng máy bay ra nước ngoài trong hơn 30 năm.

Dù không mang ý nghĩa biểu tượng nhưng Singapore lại là nơi đáp ứng tốt hơn cả các yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, Chính phủ Singapore có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện ngoại giao mang tầm quốc tế chỉ trong thời gian ngắn, như cuộc gặp lịch sử hồi năm 2015 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan lúc đó là Mã Anh Cửu.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ diễn ra sau một sự kiện quan trọng khác ở Singapore, đó là Đối thoại Shangri-La với sự tham gia của các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và nhiều nước châu Á, được tổ chức từ ngày 01 đến 03-6, do vậy, quốc đảo này càng có thêm sự chuẩn bị chu đáo và chặt chẽ về an ninh. Ngoài ra, cũng thông qua cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Singapore - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN 2018, cũng muốn góp phần nâng cao vị thế của khu vực Đông Nam Á.

Singapore hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra ở Singapore là một bước đi ý nghĩa tiến tới hòa bình. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra ngày 11-5 sau khi "Đảo quốc sư tử" xác nhận sẽ là chủ nhà tổ chức sự kiện trên.

Nhà lãnh đạo Singapore viết: "Cuộc gặp này có thể dẫn tới kết quả thành công". Sau đó, Bộ Ngoại giao Singapore đã xác nhận rằng hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ được tổ chức tại thủ đô nước này, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ thúc đẩy triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cơ quan này không công bố thêm các chi tiết về việc chuẩn bị cho cuộc gặp.

"Cơ hội vàng" để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon tại một diễn đàn tổ chức ở thủ đô Seoul ngày 11-5, cho rằng : Tình hình hiện nay đang tạo "cơ hội vàng" để đạt được phi hạt nhân hóa và mang lại nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Cho Myoung-gyon nhấn mạnh hiện giờ là cơ hội vàng để đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập một cơ chế hòa bình. Ông cho rằng một cơ hội như vậy rất khó xảy ra lần thứ hai.

Người đứng đầu Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 vừa qua tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố Panmunjom, trong đó xác nhận mục tiêu chung "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" và nhất trí ngừng mọi hành động thù địch chống lại nhau, cũng như thúc đẩy ký kết hiệp ước chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên và lập một cơ chế hòa bình.

Bên cạnh đó, ông Cho Myoung-gyon còn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng thực thi Tuyên bố Panmunjom khi cho rằng thỏa thuận này đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào đầu nhiệm kỳ của tổng thống. Trong khi đó, các thỏa thuận đạt được tại 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trước (tổ chức vào năm 2000 và 2007) không thể có đủ thời gian và động lực để thực thi bởi 2 cuộc gặp thượng đỉnh này được tổ chức vào giữa hoặc cuối nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống.

Triều Tiên thể hiện thiện chí trước cuộc gặp

Trước cuộc gặp thượng đỉnh, Triều Tiên đã có nhiều hành động, thể hiện thiện chí, hướng tới hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, như tuyên bố triển khai đóng cửa khu vực thử hạt nhân; giảm quy mô cuộc thi bắn đạn thật của các đơn vị tăng thiết giáp; trả tự do cho 3 công dân Mỹ;…

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), cho biết Triều Tiên đang thực hiện "các biện pháp kỹ thuật" để phá bỏ và đóng cửa khu vực thử hạt nhân. Buổi lễ đánh dấu sự kiện này sẽ diễn trong khoảng các ngày 23 đến 25-5 tới.

Thông cáo báo chí ngày 12-5 của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh đây là bước đi gần hơn tới việc thực hiện đề xuất mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng trước. Thông cáo đã nêu cụ thể các kế hoạch của Triều Tiên nhằm đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri.

Thông cáo bằng tiếng Anh cho biết Đảng Lao động cầm quyền và các cơ quan liên quan của Triều Tiên đang "thực hiện các biện pháp kỹ thuật phá bỏ khu vực thử hạt nhân ở miền Bắc".

KCNA cũng cho biết nước này sẽ mời các phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh tới dự lễ đánh dấu việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri ở miền Bắc.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định do không gian hạn hẹp, nên sẽ chỉ có phóng viên của các nước trên được mời tới sự kiện này, có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 23 đến 25-5, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Bộ này cũng cho biết Triều Tiên sẽ cung cấp các chuyến bay đặc biệt cho phóng viên quốc tế từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới thành phố Wonsan của nước này và từ đây sẽ có chuyến tàu hỏa đặc biệt tới Pyunggye-ri. Triều Tiên sẽ lập một trung tâm báo chí và sắp xếp chỗ ở đặc biệt cho các phóng viên.

Tuyên bố nhấn mạnh trong tương lai, Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy liên lạc và đối thoại chặt chẽ với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và trên toàn cầu.

Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, việc phá bỏ và đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri diễn ra theo quy trình như sau: dùng thuốc nổ đánh sập các đường ống, bịt các lối vào, di rời tất cả các cơ sở quan sát và nghiên cứu cũng như các kết cấu đơn vị bảo vệ trên bãi thử. Lực lượng bảo vệ cùng các nhà nghiên cứu cũng sẽ được rút khỏi đây và bãi thử sẽ đóng cửa hoàn toàn.

Trong một động thái liên quan, giới chức chính quyền Hàn Quốc ngày 12-5 cho biết Triều Tiên đã giảm mạnh quy mô cuộc thi bắn đạn thật thường niên dành cho các đơn vị tăng thiết giáp. Đây được xem là một động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng hướng tới hòa bình và hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo thông lệ, các đơn vị tăng thiết giáp chủ chốt của Triều Tiên tổ chức cuộc thi bắn đạn thật và triển khai đội hình trong 6 tháng đầu hằng năm.

Giới chức Seoul cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp tới theo dõi các cuộc thi năm 2016 và 2017, song đã không xuất hiện trong cuộc thi năm nay. Ngoài việc không có sự chứng kiến của ông Kim Jong-un, quy mô của cuộc thi năm nay đã giảm một nửa.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho biết ngày 08-5 nước này và Triều Tiên đã liên lạc với nhau theo múi giờ chung. Đây là lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, hai miền Triều Tiên liên lạc theo múi giờ chung. Triều Tiên đã liên lạc với các quan chức Hàn Quốc qua văn phòng liên lạc được xây dựng tại làng đình chiến Panmunjom vào 9h03' sáng 08-5. Một quan chức yêu cầu giấu tên nhấn mạnh "cuộc gọi này dường như là động thái tiếp sau tuyên bố của Triều Tiên thống nhất múi giờ chung với Hàn Quốc kể từ ngày 05-5", đồng thời khẳng định việc thống nhất múi giờ chung giúp hai miền Triều Tiên không phải chứng kiến những tình huống bất thường do sự khác biệt về múi giờ.

Trước đó, ngày 30-4, Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên, tức Quốc hội, đã quyết định hợp nhất múi giờ của hai miền. Động thái của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút, trùng với múi giờ của Hàn Quốc, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27-4. Việc hợp nhất múi giờ của Triều Tiên với múi giờ của Hàn Quốc bắt đầu được thực hiện từ ngày 05-5. Đây được coi là một biểu tượng của nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền.

Một tín hiệu tích cực nữa trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được chính Tổng thống Mỹ xác nhận. Ngày 09-5, Tổng thống Trump thông báo Bình Nhưỡng đã trả tự do cho 3 công dân Mỹ.

Các nỗ lực ngoại giao được Bình Nhưỡng thúc đẩy sau khi quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên có những chuyển biến tích cực với bước ngoặt lớn nhất là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Một trong các nỗ lực nhằm mở rộng phạm vi ngoại giao và giao lưu với thế giới, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 08-5 cho biết Triều Tiên đang tìm cách mở một đường bay quốc tế mới qua không phận Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết gần đây Bình Nhưỡng đã đề xuất với Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) mở một đường bay đến một nước thứ ba, kết nối vùng thông báo bay (FIR) ở Bình Nhưỡng với FIR ở thành phố Incheon miền Tây Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho biết đề xuất này của Triều Tiên đang được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Vận tải Hàn Quốc xem xét.

FIR là khu vực trên không cụ thể do ICAO quy định đối với các nước thành viên, trong đó cung cấp các dịch vụ giao thông hàng không cơ bản để bảo đảm đường bay an toàn và hiệu quả.

Ngày 10-5, ICAO cho biết Triều Tiên đã nhất trí sẽ thông báo trước nếu Bình Nhưỡng tiến hành các hoạt động có khả năng gây nguy hiểm tới hoạt động hàng không tại không phận nước này. Đây được coi là một sự đảm bảo sẽ mở đường cho việc các hãng hàng không lớn khôi phục các chuyến bay qua không phận Triều Tiên.

Cục trưởng Cục Không lưu ICAO Stephan Creamer cho biết các quan chức tổ chức này đã nhận được "một cam kết chắc chắn" từ Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành các hoạt động nguy hiểm đối với hàng không mà không có sự thông báo đầy đủ trước cho các quốc gia khác trong khu vực. Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ phối hợp các hoạt động của mình để đảm bảo an toàn hàng không.

Giám đốc Khu vực của ICAO Arun Mishra để ngỏ khả năng các hãng hàng không quốc tế sẽ nối lại các chuyến bay qua Triều Tiên sau các động thái tích cực này, đồng thời cho biết ICAO đang tiếp tục hướng tới việc thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai bên.

Một nhóm quan chức của ICAO đã tới thăm Triều Tiên trong tuần này để thảo luận về đề nghị của Bình Nhưỡng mở một đường bay kết nối vùng thông báo bay (FIR) ở Bình Nhưỡng với FIR ở thành phố Incheon miền Tây Hàn Quốc.

Những nỗ lực ngoại giao con thoi trong thời gian qua của Mỹ và Triều Tiên, cùng với những hành động thiện chí và những tuyên bố tích cực của chính hai nhà lãnh đạo này khiến dư luận hết sức lạc quan về một kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đối với hòa bình và an ninh thế giới./.