TCCSĐT - Sáng 14-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 24. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết được tiến hành trong ba ngày (từ ngày 14 đến 16-5), Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự án luật, gồm Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự; xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định thành lập Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Riêng nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ được gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Phiên họp này là phiên cuối để xem xét một số nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017

Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2017 và dự kiến khả năng thực hiện quý IV, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017), Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV báo cáo đánh giá kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 với 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch trong tổng số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội giao.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, qua đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong số 13 chỉ tiêu đã được thông qua, có bốn chỉ tiêu đạt và tám chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm ba chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội; gồm tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (số đã báo cáo là 6,7%), tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (số đã báo cáo là khoảng 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%, riêng các huyện nghèo giảm 5% (số báo cáo lần lượt là 1-1,5% và 4%).

Có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, chỉ đạt 0,5% (số đã báo cáo và mục tiêu kế hoạch là 1,5%). Nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hằng năm, chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm.

Như vậy, so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, 4/13 chỉ tiêu không thay đổi và 2/13 chỉ tiêu đạt thấp hơn số ước tính đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và chỉ tiêu Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP.

Sau khi nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra, các đại biểu cơ bản nhất trí cho rằng, nhìn lại năm 2017, kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cao nhất trong bảy năm gần đây; các ngành dịch vụ đạt khá; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới... Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô, chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản tiếp tục giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu đề ra. Bội chi ngân sách khoảng 3,48% GDP, thấp hơn số Quốc hội đã thông qua là 3,5% GDP.

Về quyết toán ngân sách Nhà nước 2016

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 14-5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ năm 2016, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đề ra nhiều giải pháp để chỉ đạo, điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện kịp thời các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi.

Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.

Việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu-ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách Trung ương hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho bảy địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu.

Ngoài ra, việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách Trung ương vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, một số hạn chế đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 506/BC-UBTCNS14 về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 vẫn tiếp tục tái diễn như hoàn thuế giá trị gia tăng không đầy đủ, kịp thời, giao dự toán thu không sát, phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn... đồng thời một số nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 chưa được đánh giá đầy đủ trong Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung đầy đủ căn cứ nhằm đảm bảo thông tin phục vụ Quốc hội phân tích, đánh giá, xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và các năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ qua báo cáo của Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các số liệu đã được quyết toán, thẩm định, kiểm toán, đủ điều kiện trình Quốc hội phê chuẩn.

Về số thu ngân sách, vượt dự toán là 9,2% chủ yếu tăng thu từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương lại hụt 1.398 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy việc chấp hành kỷ luật thu chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.

Đối với các khoản chi, cơ bản đảm bảo khoản chi theo dự toán, tuy nhiên, kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Về bội chi, quyết toán là 248.728 tỷ đồng, bội chi trên GDP là 5,52% trong khi Nghị quyết Quốc hội chỉ cho phép 4,95%.

Sau khi xem xét các kiến nghị của kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa chấp nhận kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho 4 dự án của VEC là 22.010 tỷ đồng, yêu cầu tính toán lại cơ cấu VEC, sau đó báo cáo Bộ Chính trị rồi trình ra Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa chấp nhận đưa vào quyết toán 3.866 tỷ đồng.

Về các số liệu khác như khoản tiền hoàn thuế giá trị gia tăng giao cho các cơ quan thống nhất với nhau, hoàn chỉnh lại để trình ra Quốc hội.

Cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi đại biểu Quốc hội

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ ngày 14-5 và thông báo như sau:

Ngày 04-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Nai xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng.

Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư đã có ý kiến đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xem xét, chấp nhận đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 38, Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định. Trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.”

Cũng tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV ( Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV ( Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam).

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 08-12-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 22-01, tại Bản án hình sự số 33/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh trong vụ án “đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.”

Ngoài ra, ngày 29-3, tại Bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào Ocean Bank. Sau đó hai ông đã có đơn kháng cáo nên hiện Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 355, Bộ luật Tố tụng hình sự: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” và theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật” thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội./.