Động lực góp phần phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nông dân ở Long An
TCCS - Long An là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong tiến trình công nghiệp hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thu hẹp dần; năm 2008 giảm 29.362,5 ha so với năm 2000. Mặc dù vậy, những năm gần đây Long An vẫn triển khai nhiều biện pháp tập trung đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Những năm gần đây, Long An đã thành công trong việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn, tạo nên sức lan tỏa lớn tới nhiều địa phương trong vùng. Những bài học kinh nghiệm thực tiễn mà Long An có được đã tạo những động lực mới, mang tính đột phá đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh hiện nay.
Từ khó khăn về tìm hướng đi trong nông nghiệp...
Có một thời kỳ khá dài, người nông dân Long An gặp rất nhiều khó khăn, quanh năm loay hoay với việc chuyển đổi cây trồng - vật nuôi. Sản xuất của nông dân luôn bị thua lỗ vì chất lượng một số loại nông, thủy sản hàng hóa còn thấp, giá thành cao nên sức cạnh tranh còn kém. Năng suất của phần lớn cây trồng, vật nuôi có tăng nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của cùng loại được nuôi trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của Long An còn thiếu sự gắn kết giữa sản xuất - thu mua - chế biến + bảo quản- tiêu thụ. Việc kết nối giữa người sản xuất với các kênh phân phối chưa hình thành một cách vững chắc và thiếu sự quản lý thống nhất.
Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Long An đã nghiêm túc phân tích nguyên nhân của sự thất bại trong sản xuất nông nghiệp là do sản xuất cá thể, nhỏ lẻ. Tuy đã có chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách nhằm đổi mới lại tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi thủy sản, nhưng sự chuyển biến còn chậm, đặc biệt là chưa theo kịp nền sản xuất hàng hóa và đủ sức hội nhập kinh tế. Lực lượng khuyến nông cấp xã vừa thiếu, vừa yếu lại thường xuyên thay đổi, nên nhiều cán bộ thiếu chuyên môn, kinh nghiệm. Các hình thức tổ chức sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh như kinh tế hộ gần như không còn phù hợp, trong khi hình thức kinh tế hợp tác như: tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tuy là xu thế tất yếu lại hoạt động kém hiệu quả; kinh tế trang trại mới hình thành, chiếm tỷ lệ nhỏ và cũng đang gặp trở ngại do thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin và chưa chủ động kết nối được với thị trường.
Phần lớn các loại nông sản của Long An chưa có nhãn hiệu hoặc thương hiệu. Do nông dân sản xuất cá thể, thiếu sự tổ chức chặt chẽ nên việc hợp đồng kinh tế đầu tư bao tiêu sản phẩm gặp khó khăn. Các hợp đồng được ký kết nhưng phần lớn mang tính hình thức, nên người dân và doanh nghiệp thường xuyên vi phạm cam kết, từ đó làm giảm đáng kể về mặt hiệu quả kinh tế.
Các thương lái, dù không trực tiếp sản xuất nhưng lại nắm được lao động, sản phẩm và phương tiện vận chuyển nên tùy tiện ép giá nông sản, gây thiệt hại cho người dân. Nhất là những vụ được mùa, nông dân rất khó bán được sản phẩm, nên thương lái càng ép giá; trong khi các doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản của tỉnh chưa quan tâm phối hợp với tỉnh đầu tư cho các vùng nguyên liệu, theo nguyên tắt gắn kết lâu dài cùng có lợi... nên càng làm nông dân nản lòng sản xuất.
...đến những thành công bước đầu do việc tổ chức lại sản xuất ...
Bắt đầu từ Đại hội VII của Đảng bộ tỉnh, Long An đã tập trung toàn bộ lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp để nghiên cứu kỹ những chủ trương, giải pháp, tìm ra những bước đi thích hợp trong việc triển khai các kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; trong đó xác định rõ "hai mũi động lực" mang tính đột phá trong nông nghiệp là: chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (khuyến nông) và bảo đảm kết nối giữa người sản xuất với các kênh phân phối (thị trường), trên cơ sở các bên cùng có lợi. Kết quả là, sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh nhiều năm liền có lãi. Về công tác quản lý, điều hành, Nhà nước có thể chủ động trong việc điều phối lưu thông nông sản, hải sản, nắm bắt, tác động và điều tiết thị trường, góp phần quan trọng vào sự bình ổn giá. Các loại vật tư nông nghiệp thử nghiệm lúc ban đầu, (phân bón, thuốc trừ sâu, công cụ sản xuất, các loại con, cây giống,...) đã được bán đại trà, mua bán diễn ra rất dễ dàng, nông dân không còn phải lo tích trữ.
Những năm gần đây, đời sống của nông dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Số hộ giàu và khá ngày càng tăng, không còn hộ đói; tuy GDP từ khu vực kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng giảm dần, nếu năm 2000 chiếm 48,5% thì tới năm 2008 là 38,77%. Nhất là sản xuất nông nghiệp - ngư nghiệp thời gian qua gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh, thời tiết gây hại nhưng tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp năm 2008 (theo giá cố định 1994) vẫn đạt 5.928 tỉ đồng, tăng 2.027 tỉ đồng so với năm 2000. Long An có 6 loại cây trồng đứng thứ nhất về diện tích - sản lượng trong 63 tỉnh (thành phố) của cả nước là: đay, khoai mỡ, lúa nếp, dưa hấu, chanh và tràm cừ. Riêng huyện Vĩnh Hưng có mức bình quân thóc trên đầu người đạt 7.326 kg/năm, cao nhất so với các huyện của cả nước. Từ những thành công trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chứng minh được rằng: việc thay đổi cơ chế sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chính là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Long An.
...Và hướng đi trong thời gian tới
Đạt được những kết quả trên là nhờ tích cực triển khai "hai mũi động lực" gồm khuyến nông và thị trường nhằm tạo bước đột phá trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể là:
Một là, công tác khuyến nông, nổi bật nhất là các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân được tăng cường. Hằng năm, ngành nông nghiệp tổ chức trên 1.600 lớp tập huấn chuyên đề cho hơn 54.000 lượt nông dân tham dự; xây dựng trên 200 mô hình trình diễn thực nghiệm, tổ chức 128 cuộc hội thảo đầu bờ với 6.000 lượt nông dân tham quan học tập kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế. Chú trọng tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, biên soạn và phát hành 35.512 cuốn tài liệu kỹ thuật các loại, thực hiện 199 chương trình phát thanh cấp xã, huyện, tỉnh; tổ chức 26 chuyên mục truyền hình và 193 bài viết cho báo, trang điện tử nông nghiệp của tỉnh. Ngành nông nghiệp phối hợp và thu hút các hội, đoàn thể quần chúng, các viện, trường, doanh nghiệp tham gia; từng bước xã hội hóa công tác khuyến nông. Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp: có 95% diện tích lúa sử dụng giống lúa cao sản và đặc sản, góp phần đưa năng suất thêm 1,30 tấn/ha, sản lượng lúa tăng 604.900 tấn/năm, đàn bò tăng 68.264 con (gấp 3 lần năm 2000), đàn heo tăng thêm 103.774 con; lượng thủy sản nuôi tăng 19.231 tấn (gấp 2,15 lần tổng sản lượng nuôi năm 2000).
Trong những năm tới, Long An chủ trương ưu tiên tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông cấp xã; phấn đấu đến năm 2020, mỗi xã đều có cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản; các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ có 1 kỹ sư nông học, 1 kỹ sư chăn nuôi thú y. Từng bước tăng số lượng mô hình, người lao động được huấn luyện khuyến nông và đào tạo nghề. Xây dựng các câu lạc bộ: ngô lai 7 - 10 tấn/ha, lạc 4 tấn/ha, rau cải ngọt 40 - 50 tấn/ha, thanh long 30 tấn/ha, lúa cao sản chất lượng cao 7 - 8 tấn/ha, chanh 30 - 35 tấn/ha,v.v.. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Hai là, việc tổ chức thực hiện Quyết định số 80/ 2002/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng như cây mía hằng năm mua từ 40% - 60% sản lượng mía của nông dân, cây thuốc lá nguyên liệu đạt khoảng 70% - 80%, phối hợp với công ty Vinamilk và Công ty Foremost tổ chức các điểm thu mua ở Đức Hòa, Thủ Thừa, thị xã Tân An nhằm tiêu thụ trên 80% sữa bò tươi của nông dân.
Làm tốt công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tiến hành quy hoạch, đầu tư hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng sản xuất lúa hàng hóa cao sản đặc sản trên 150.000 ha, vùng mía 15.000 ha, các vùng sản xuất hàng hóa khác như vùng đậu phộng (hơn 8.000 ha), vùng rau thâm canh Cần Đước - Cần Giuộc (2.000 ha), vùng thanh long 1.300 ha, vùng đay nguyên liệu, khoai mỡ, dưa hấu... từng bước phát triển sản xuất theo định hướng thị trường.
Ba là, giá cả nông sản được nâng lên do tạo dựng được thương hiệu hàng hóa, nông sản chủ lực của tỉnh theo tiêu chuẩn Viet GAP cho các sản phẩm: Gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười, gạo nếp của các huyện Châu Thành, Tân Trụ và Thủ Thừa, thanh long ở huyện Châu Thành, khoai mỡ ở huyện Thạnh Hóa, chanh Bến Lức - Đức Huệ, rau cải ngọt và húng quế ở 2 huyện Cần Giuộc - Cần Đước. Sắp tới các nhãn hiệu hàng hóa tiếp tục phải được giữ vững và phát triển.
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác đăng ký nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm hàng hóa như: rau an toàn, thịt gà, vịt, heo an toàn, tôm sinh thái, hoa cây cảnh, cá kiểng, tạo điều kiện để các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản xây dựng website nhằm quảng bá sản phẩm, từng bước tiếp cận với thương mại điện tử, chủ động tham gia hội chợ triển lãm do tỉnh, khu vực tổ chức, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại.
Bốn là, tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động của các tư thương tham gia vào chuỗi cung ứng theo hướng mở rộng, liên kết hợp tác, tiêu thụ nông- lâm thủy - sản hàng hóa theo hướng đồng lợi nhuận. Thực hiện nghiên cứu phân loại thị trường tiêu thụ, kết nối với nhiều kênh phân phối, trong đó có hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp hoạt động thương mại tại các thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm; nhất là đặc biệt quan tâm các kênh phân phối: Nhà sản xuất nông thủy sản - doanh nghiệp chế biến nông sản trực tiếp; nhà sản xuất nông thủy sản - các siêu thị, hợp tác xã tiêu thụ nông sản; nhà sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh bữa ăn công nghiệp tại các khu công nghiệp và đô thị, các nhà hàng - khách sạn.
Tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống chợ nông thôn và trung tâm thương mại huyện nhằm gia tăng sức mua qua việc bán cho người dân tại chỗ và khách vãng lai, khách du lịch những nông sản, thủy sản là thế mạnh của tỉnh, nhất là nông sản truyền thống nổi tiếng: gạo nàng thơm - gạo tài nguyên (Chợ Đào); gạo huyết rồng, dứa (Bến Lức); dưa hấu, thanh long (Châu Thành); chanh (Bến Lức); khoai mỡ (Thạnh Hóa); cá đồng (Mộc Hóa); rau cải ngọt - rau gia vị Cần Giuộc - Cần Đước, rau đặc sản vùng đất ngập nước (Đồng Tháp Mười)./.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư  (20/03/2010)
Đảng bộ Tân Hiệp lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn  (20/03/2010)
Đảng nhân dân cách mạng Lào: Chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành  (19/03/2010)
Cục diện thế giới sau khủng hoảng kinh tế - tài chính  (19/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên