Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2023 và triển vọng năm 2024
TCCS - Bối cảnh an ninh thế giới nhiều biến động, hiện tượng thời tiết cực đoan… đã ảnh hưởng sâu sắc đến Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát cao, mặc dù đang có xu hướng giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt và nhu cầu bên ngoài yếu đã kìm hãm sự tăng trưởng trên toàn EU. Theo các chuyên gia, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với mục tiêu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế của EU.
Bức tranh kinh tế EU năm 2023
Nền kinh tế châu Âu đã mất đà tăng trưởng trong năm 2023 do giá cả tăng, nhu cầu bên ngoài yếu và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Sau một đợt suy giảm nhẹ trong quý IV-2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của EU đã tăng 0,1% so với quý III-2022 cũng như các quý trước đó. Điều này có nghĩa, nền kinh tế EU hầu như không tăng trưởng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-2023. Tương tự, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), GDP của khu vực này trì trệ từ quý IV-2022 cho tới quý III-2023, với GDP thực tế tăng lần lượt 0,1% và 0,2% trong quý I và quý II-2023, nhưng lại giảm 0,1% trong quý III-2023. Chỉ số sản xuất (PMI) do S&P Global công bố cũng cho thấy, các nhà máy ở Eurozone vừa trải qua năm 2023 ảm đạm khi hoạt động chế tạo suy giảm tháng thứ 18 liên tiếp. Trong khi đó, các quốc gia EU ngoài Eurozone đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của EU trong quý III-2023. GDP thực tế ở các quốc gia thành viên EU ngoài Eurozone ước tính tăng khoảng 1% so với quý II-2023 (-0,7%)(1).
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu vào năm 2023 là Montenegro. GDP của quốc gia Balkan nhỏ bé này đã tăng ở mức 4,5% vào năm 2023, cao hơn Thổ Nhĩ Kỳ là 4% và Malta là 3,8%. Estonia là quốc gia có mức tăng trưởng âm lớn nhất vào năm 2023, khi nền kinh tế của quốc gia vùng Baltic này giảm 2,3% so với năm 2022, phần lớn là do nước này phải hứng chịu những ảnh hưởng kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây áp đặt lên Nga. Nhìn chung, nền kinh tế châu Âu đã tránh được suy thoái vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng 1%, trong khi EU (gồm 27 quốc gia châu Âu) và Eurozone (gồm 20 nước) đều tăng 0,7%. Năm 2023, Đông Âu có mức tăng trưởng GDP cao hơn rõ rệt so với Tây Âu, ở mức 1,6%(2).
EU mất đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023 được cho là do thiếu động lực tăng trưởng vững chắc, với sự giảm sút nhu cầu cả từ thị trường bên ngoài và đặc biệt là từ phía người tiêu dùng. Trong hai quý đầu năm 2023, đầu tư và tiêu dùng - cả ở khu vực công và tư nhân - chỉ tăng nhẹ so với quý IV-2022. Động lực đầu tư biến động ở các quốc gia thành viên EU trong nửa đầu năm 2023, với sự sụt giảm mạnh ở Ireland và Đan Mạch, tiếp đến là Italia, trong khi Tây Ban Nha, Hà Lan và Ba Lan ghi nhận mức tăng mạnh. Đáng chú ý là đầu tư vào Đức tăng 2,1% trong nửa đầu năm 2023. Tổng tiêu dùng tư nhân trì trệ cho thấy giá tiêu dùng cao và vẫn đang tăng đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ, gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến trước đây. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân đã tăng trong hai quý đầu năm 2023 tại các quốc gia thành viên khác, như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Romania, trong khi lại giảm ở Hà Lan, Pháp và Đức. Về phía bên ngoài, tổng xuất khẩu giảm 0,9% trong hai quý đầu năm 2023. Giá năng lượng giảm đã cải thiện các điều kiện thương mại của EU và sự phục hồi của cán cân thương mại hàng hóa đã đẩy cán cân tài khoản vãng lai tăng lên. Thặng dư tài khoản vãng lai của EU cải thiện lên 2,5% vào năm 2023 và ổn định ở mức đó trong năm 2024(3).
Từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2022, châu Âu và một số khu vực ở châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi giá dầu, khí đốt, than và điện tăng cao, trong một số trường hợp đạt mức cao kỷ lục, buộc các hộ gia đình và doanh nghiệp phải nhanh chóng cắt giảm mức sử dụng. Ở châu Âu, trữ lượng khí đốt liên tục ở mức kỷ lục theo mùa kể từ cuối quý I-2023 sau mùa đông ấm áp bất thường vào các năm 2022, 2023 và mức tiêu thụ khí đốt công nghiệp giảm mạnh. Sản lượng sản xuất sử dụng nhiều năng lượng của Đức đã giảm khoảng 17% kể từ đầu năm 2022 và không có dấu hiệu phục hồi. Tổng lượng khí đốt sử dụng ở 7 quốc gia tiêu thụ hàng đầu của EU là Đức, Italia, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan đã giảm 13% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với mức trung bình theo mùa trong giai đoạn 2012 - 2021(4).
Lạm phát ở châu Âu đã chậm lại rõ rệt so với mức đỉnh điểm nhưng trong cả năm 2023 vẫn ở mức cao là 5,4%(5), do những yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nhà lãnh đạo các nước châu Âu cũng luôn theo dõi chặt chẽ lạm phát, cân nhắc giữa nhu cầu duy trì ổn định giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thách thức vẫn nằm ở việc tránh lạm phát quá mức trong khi duy trì một môi trường thuận lợi cho sự phục hồi.
Trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có dấu hiệu giảm bớt vào năm 2023 khi số liệu lạm phát hạ nhiệt, các nền kinh tế được coi là kiên cường nhất châu Âu lại phải chịu áp lực lớn do tác động của lạm phát đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Lạm phát ở 27 quốc gia thành viên EU đã giảm từ mức trung bình 9,9% trong tháng 2-2023 xuống còn 3,1% trong tháng 11-2023, trong đó tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã giảm về mức 2,7% (thấp nhất trong hai năm qua) nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra đầu năm. Tính đến tháng 11-2023, tỷ lệ lạm phát ở EU là 3,6%, trong đó giá cả tăng nhanh nhất ở Hungary - quốc gia có tỷ lệ lạm phát là 9,6%. Ngược lại, lạm phát ở cả Đan Mạch và Bỉ đều giảm trong cùng thời kỳ, trong đó Bỉ có tỷ lệ lạm phát thấp nhất EU trong tháng 11-2023, ở mức -0,7%(6).
Một ước tính sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát tháng 12-2023 ở Eurozone đã tăng lên 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức thấp nhất trong hơn hai năm là 2,4% vào tháng 11-2023. Đây là lần lạm phát gia tăng đầu tiên kể từ tháng 4-2023, chủ yếu là do giá năng lượng. Giá năng lượng giảm 6,7% (so với -11,5% trong tháng 11-2023), trong khi lạm phát dịch vụ vẫn ổn định ở mức 4%. Lãi suất cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng giảm xuống 3,4%, phù hợp với kỳ vọng và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 3-2022. Tính theo tháng, giá tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 12-2023, sau khi giảm 0,6% trong tháng 11(7).
Ngày 14-12-2023, trong phiên họp cuối năm của ECB để quyết định chính sách tiền tệ của Eurozone trong quý đầu năm 2024, Hội đồng quản trị ECB quyết định giữ nguyên lãi suất cơ sở ở mức 4% trong ít nhất 3 tháng. Đây là lần thứ hai ECB giữ nguyên lãi suất sau một giai đoạn dài tăng liên tiếp. Động thái này cho thấy, ECB vẫn hết sức thận trọng với nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.
Thị trường lao động EU hoạt động mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong quý II-2023, hoạt động và tỷ lệ việc làm ở EU đạt mức cao kỷ lục. Từ quý II đến quý III-2023, 3 triệu người thất nghiệp ở EU (23,3% tổng số người thất nghiệp trong quý II-2023) đã tìm được việc làm(8). Số lượng người có việc làm tăng 0,3% ở Eurozone và 0,2% ở EU trong quý III-2023, so với quý trước. So với cùng quý năm 2022, việc làm tăng 1,4% ở Eurozone và 1,3% ở EU trong quý III-2023(9). Tăng trưởng việc làm trong nửa đầu năm 2023 đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Các hoạt động dịch vụ khác cũng đạt được số lượng việc làm tăng mạnh, nhất là các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin.
Trong khi đó, tiền lương danh nghĩa trong năm 2023 tăng, trong khi tốc độ tăng lương thực tế vẫn giảm nhưng với mức chậm lại. Trong quý II-2023, mức thù lao danh nghĩa cho mỗi nhân viên ở EU đã tăng hơn (6% so với cùng kỳ), chủ yếu là do sự phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực xây dựng và ở một số lĩnh vực dịch vụ. Tiền lương thực tế không đồng nhất ở các quốc gia thành viên EU trong nửa đầu năm 2023. Trong quý II-2023, sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022 về lương thực tế cho mỗi nhân viên vẫn ở mức âm tại 14 quốc gia thành viên EU và nhìn chung bị trì trệ ở Đan Mạch và Phần Lan(10).
Triển vọng nền kinh tế EU trong năm 2024
Châu Âu phải đối mặt với triển vọng kinh tế đầy thách thức trong bối cảnh lạm phát vẫn tăng cao và lãi suất cao. Sự phục hồi nhẹ dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng tăng lên khi áp lực giá giảm bớt, tiền lương thực tế tăng và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Đây được coi là điểm sáng cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế EU trong năm 2024.
Nền kinh tế EU dần phục hồi tuy còn chậm chạp
Theo Ủy ban châu Âu (EC), hoạt động kinh tế của EU dự kiến sẽ dần được cải thiện khi tiêu dùng phục hồi nhờ thị trường lao động ổn định, tăng trưởng tiền lương bền vững và lạm phát tiếp tục giảm. Bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, đầu tư dự kiến sẽ tăng trở lại. Năm 2024, tăng trưởng GDP của EU được dự báo sẽ cải thiện lên 1,3%. Tại Eurozone, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ thấp hơn, ở mức 1,2%. Năm 2025, với lạm phát và lực cản từ việc thắt chặt tiền tệ giảm xuống, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 1,7% đối với EU và 1,6% đối với Eurozone.
Việc thắt chặt tiền tệ trong nền kinh tế châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm lạm phát nhưng với tốc độ vừa phải, phản ánh áp lực lạm phát đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa sản xuất và dịch vụ giảm chậm hơn nhưng trên diện rộng hơn. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế lâu hơn và ở mức độ lớn hơn dự kiến. Nhìn chung, lạm phát chung ở Eurozone được dự đoán sẽ giảm từ 5,6% vào năm 2023 xuống 3,2% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025. Tại EU, lạm phát dự kiến sẽ giảm từ 6,5% vào năm 2023 xuống 3,5% vào năm 2024 và 2,4% vào năm 2025(11).
Sự phục hồi của thị trường lao động là động lực chính đằng sau triển vọng tăng trưởng
Trong thời gian tới, thị trường lao động sẽ duy trì khả năng phục hồi. Tăng trưởng việc làm được dự báo ở mức 0,4% trong cả năm 2024 và năm 2025. Tỷ lệ thất nghiệp ở EU dự kiến sẽ duy trì ổn định ở mức 6% vào năm 2024, giảm nhẹ xuống 5,9% vào năm 2025(12). Năng suất lao động sẽ phục hồi, tăng trở lại 0,9% vào năm 2024 và 1,3% vào năm 2025(13).
Tiêu dùng cũng được coi là động lực tăng trưởng chính khi tăng trưởng tiền lương thực tế tiếp tục vào năm 2024 và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Sau mức tăng trưởng 0,4% vào năm 2023, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân thực tế được dự đoán sẽ tăng lên 1,3% vào năm 2024 và 1,6% vào năm 2025(14). Mức lương cao hơn, việc làm tiếp tục tăng trưởng và lạm phát chậm lại dự kiến sẽ dẫn đến tăng trưởng tổng thu nhập khả dụng thực tế dương vào năm 2024 và 2025. Điều này tạo tiền đề thúc đẩy tiêu dùng trong tương lai.
Bên cạnh những động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế, EU cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức, đè nặng lên niềm tin, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng ở EU. Thứ nhất, bối cảnh bên ngoài, sự kết hợp giữa tăng trưởng không như kỳ vọng của Trung Quốc và căng thẳng địa - chính trị ở một số khu vực tiếp diễn đã làm trầm trọng thêm sự sụt giảm trong thương mại hàng hóa toàn cầu vốn kéo dài kể từ đầu năm 2022. Kết quả là, thị trường xuất khẩu hàng hóa của EU bị thu hẹp vào năm 2023, đánh dấu sự co lại hoàn toàn đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19; thứ hai, giá năng lượng, ngay cả khi giảm đáng kể so với mức đỉnh năm 2022, vẫn cao hơn đáng kể so với mức trước khủng hoảng; thứ ba, trong khu vực EU, lạm phát cao kéo dài và các điều kiện tài chính thắt chặt dường như đã làm giảm niềm tin và đè nặng lên tiêu dùng (đặc biệt là hàng hóa) và đầu tư (xây dựng) nhiều hơn dự kiến trước đây.
Việc thắt chặt các điều kiện tài chính đang trở thành một trở ngại lớn hơn đối với triển vọng tăng trưởng
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất chính sách lần cuối vào tháng 9-2023, thêm 25 điểm cơ bản. Sau khi đạt đỉnh 4% vào tháng 10-2023, lãi suất danh nghĩa ngắn hạn của Eurozone được dự báo sẽ giảm dần xuống 3% vào cuối năm 2025. Hầu hết ngân hàng trung ương ở các quốc gia thành viên EU ngoài Eurozone giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 9-2023, trong khi các ngân hàng trung ương khác ở một số quốc gia Trung và Đông Âu gần đây đã nới lỏng chính sách tiền tệ của mình. Lãi suất thực ngắn hạn tại Eurozone dự kiến sẽ chuyển biến tích cực và tăng dần lên 1% vào cuối năm 2025. Lãi suất danh nghĩa dài hạn của đồng euro (10 năm) đã tăng lên trong những tháng gần đây, do các nhà đầu tư định giá lãi suất hợp đồng dài hạn cao hơn (khoảng 3,4%). Trên thực tế, được dự đoán sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 0,9%(15).
Việc thắt chặt tiền tệ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế lâu hơn và ở mức độ lớn hơn dự kiến. Việc điều chỉnh các doanh nghiệp, hộ gia đình và tài chính của chính phủ để phù hợp với môi trường lãi suất cao có thể gặp nhiều thách thức hơn dự kiến. Trong khi đó, dữ liệu cho vay ngân hàng tại Eurozone cho thấy dòng tín dụng tiếp tục giảm đối với khu vực tư nhân, với dòng cho vay ròng thậm chí ở mức âm ở một số quốc gia thành viên trong những tháng gần đây. Dòng tín dụng chậm lại có thể đặc biệt làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư. Một tỷ lệ lớn hơn các doanh nghiệp mắc nợ cao có thể bị phá sản, kéo theo những hậu quả nặng nề hơn đối với chất lượng tài sản và khả năng cung cấp tín dụng của ngân hàng. Lĩnh vực bất động sản thương mại có đòn bẩy tài chính cao dường như đặc biệt dễ bị tổn thương trước lãi suất tăng, cũng như do giá trị định giá liên tục giảm ở một số quốc gia. Cuối cùng, bất chấp thời gian đáo hạn nợ công ở EU kéo dài, các quốc gia mắc nợ cao sẽ phải đối mặt với chi phí trả nợ ngày càng tăng.
Xung đột và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế châu Âu
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc xung đột ở Trung Đông có thể mang đến tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của châu Âu. Thị trường năng lượng dường như dễ bị tổn thương nhất vì sự gián đoạn mới về nguồn cung năng lượng có thể có tác động đáng kể đến giá năng lượng, sản lượng toàn cầu và mặt bằng giá chung. Sự phát triển kinh tế tại các đối tác thương mại lớn của EU, đặc biệt là Trung Quốc, cũng gây ra rủi ro.
Theo cập nhật tình hình an ninh lương thực của Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 9-11-2023, các nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự gián đoạn từ cuộc chiến ở Ukraine bởi Ukraine là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lo ngại rằng giá năng lượng sẽ tăng vọt trên khắp châu Âu vào năm 2024, khi một cuộc xung đột khu vực tiềm ẩn ở Trung Đông cùng với căng thẳng đang diễn ra giữa phương Tây và Nga làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới trên khắp lục địa. Với các thị trường năng lượng toàn cầu hiện có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bất kỳ sự kiện cực đoan nào ở châu Á hoặc Mỹ đều có thể tác động đến châu Âu và ngược lại, gây ra một đợt tăng giá khác.
Cho đến nay, tác động của cuộc chiến Israel - Hamas đối với thị trường năng lượng châu Âu đã được hạn chế, nhưng nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng và tác động tiếp theo đến giá năng lượng vẫn còn đáng kể. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt kể từ khi lực lượng Hamas tiến hành cuộc tấn công vào Israel từ Dải Gaza vào ngày 7-10-2023, với giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu trên sàn TTF ở Hà Lan tăng từ 38 euro/MWh lên 51 euro/MWh(16). Sự gia tăng này chủ yếu là do lo ngại Qatar, nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng và có quan hệ chặt chẽ với lực lượng Hamas, có thể cắt đứt việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Tuy việc này chưa xảy ra nhưng vấn đề là châu Âu không có kế hoạch dự phòng trong trường hợp Qatar ngừng giao hàng, điều này cho thấy châu Âu vẫn dễ bị tổn thương trước những thay đổi địa - chính trị trên thế giới.
Châu Âu sẽ đạt được một cột mốc quan trọng mới vào cuối năm 2024 sau khi vượt qua mùa đông đầu tiên mà không có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, tuy nhiên trong thời điểm “bình thường mới” này, giá cả sẽ biến động liên tục và có xu hướng tăng đột biến do thị trường bị phụ thuộc vào nguồn cung LNG, khó có thể lấy lại được sự ổn định trước khủng hoảng. Rõ ràng, các vấn đề năng lượng của châu Âu sẽ không hoàn toàn kết thúc ngay cả vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, vì về cơ bản sẽ không có gì thay đổi và châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp LNG trong nhiều năm cũng như trong nhiều thập niên tới.
Cuối cùng, rủi ro gia tăng liên quan đến biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế EU. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Âu như sóng nhiệt, hỏa hoạn, hạn hán và lũ lụt minh họa những hậu quả nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu có thể gây ra không chỉ đối với môi trường và những người bị ảnh hưởng, mà còn đối với nền kinh tế.
Nhìn tổng thể, tình hình kinh tế của EU trong năm 2023 khá trầm lắng và sự phục hồi ở nhiều lĩnh vực không đạt kỳ vọng. Trong khi nền kinh tế EU cho thấy dấu hiệu phục hồi, những thách thức vẫn tồn tại, đó là triển vọng địa - chính trị không chắc chắn, các cú sốc từ bên ngoài và sự chênh lệch giữa các quốc gia thành viên EU tiềm ẩn rủi ro đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững, biến đổi khí hậu… Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, EU sẽ phải đối mặt với sự phức tạp của môi trường kinh tế đang nhanh chóng biến đổi, để từ đó tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia thành viên.
Có thể thấy, trong bối cảnh đó, đối với Việt Nam, quan hệ hợp tác kinh tế với EU nói chung và với từng nước thành viên EU nói riêng cần được thúc đẩy đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa, tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, hướng đến phát triển bền vững và cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bởi, năm 2023, dù còn nhiều khó khăn song kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm đạt tốc độ tăng trưởng cao cùng với Malaysia, Philippines và Singapore. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng và đồng USD mạnh, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi về dài hạn, tăng trưởng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế EU nói riêng, Việt Nam cần có những giải pháp nhằm tận dụng lợi thế để tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - EU.
Thứ nhất, sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu cũng dẫn đến sự suy giảm trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU, ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường EU.
Thứ hai, Việt Nam cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực như Pháp, Đức, Italia... Qua đó, Việt Nam có thể giành được nhiều ưu đãi hơn trong quan hệ với EU so với các nước khác trong khu vực.
Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với các quốc gia thành viên EU còn lại để tiến tới hoàn thành quá trình phê chuẩn EVIPA.
Thứ tư, hai bên cần hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ chế hợp tác, tạo ra môi trường cởi mở và bền vững để đón làn sóng đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược mà hai bên đều quan tâm và có thế mạnh; đề xuất và triển khai các dự án đầu tư với quy mô lớn hơn, chú trọng tăng cường sự hiện diện đầu tư của các doanh nghiệp hai bên.
Thứ năm, Việt Nam cần khuyến khích phát triển bền vững để tăng FDI, trong đó cân bằng sự tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường là yếu tố chính. Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực, cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các lợi thế của hàng hóa Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) không chỉ tác động trực tiếp tới sáu lĩnh vực công nghiệp thải ra nhiều carbon, bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, mà còn gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán đến những xu hướng dài hạn này để có sự điều chỉnh kịp thời, từ đó tiến sâu vào thị trường EU./.
-----------------------
(1), (3), (13), (14), (15) “European Economic Forecast: Autumm 2023” (Tạm dịch: Dự báo kinh tế châu Âu: Mùa thu 2023), European Commission, tháng 11-2023, https://economy-finance.ec.europa.eu/system/files/2023-12/ip258_ en.pdf
(2) Olan McEvoy: “Real GDP growth rates in Europe 2023” (Tạm dịch: Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ở châu Âu năm 2023), ngày 9-1-2024, https://www.statista.com/statistics/686147/gdp-growth-europe/
(4) John Kemp: “Europe’s energy crisis is over” (Tạm dịch: Khủng hoảng năng lượng châu Âu đã kết thúc), ngày 29-11-2023, https://www.reuters.com/ business/energy/europes-energy-crisis-is-over-kemp-2023-11-28/
(5) Tử Uyên: “EU nỗ lực thúc đẩy con tàu kinh tế”, ngày 12-1-2024, https://cand.com.vn/Chuyen-de/eu-no-luc-thuc-day-con-tau-kinh-te-i719944/
(6) Olan McEvoy: “Inflation rate in Europe in November 2023, by country” (Tạm dịch: Tỷ lệ lạm phát ở châu Âu vào tháng 11-2023, theo quốc gia), ngày 14-12-2023, https://www.statista.com/statistics/225698/monthly-inflation-rate-in-eu-countries/
(7) “Euro Area Inflation Rate” (Tạm dịch: Tỷ lệ lạm phát khu vực đồng Euro), Eurostat, ngày 19-12-2023, https://tradingeconomics.com/euro-area/ inflation-cpi
(8) “Labour market flows in Q3 2023”, (Tạm dịch: Dòng chảy thị trường lao động trong quý 3-2023), Eurostat, ngày 15-12-2023, https://ec.europa.eu/ eurostat/web/products-eurostat-news/w/ddn-20231215-2
(9) “GDP and employment flash estimates for the third quarter of 2023” (Tạm dịch: Ước tính nhanh về GDP và việc làm trong quý 3 năm 2023), Eurostat, ngày 14-11-2023, https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/ 17869580/2-14112023-AP-EN.pdf/56fb4768-7310-adec-8a6b-ad92ec19a912
(10) Adrjan, P. and Lydon, R.: “Wage Growth in Europe: Evidence From Job Ads” (Tạm dịch: Tăng trưởng tiền lương ở châu Âu: Bằng chứng từ quảng cáo việc làm), Economic Letters, Vol. 2022, No. 7, Central Bank of Ireland, tháng 11-2022
(11), (12) Fanny Gauret: “Taking stock of Europe's economic outlook for 2023 and beyond”, (Tạm dịch: Đánh giá triển vọng kinh tế châu Âu năm 2023 và những năm tiếp theo), tháng 11-2023, https://www.euronews.com/business/ 2023/11/29/taking-stock-of-europes-economic-outlook-for-2023-and-beyond
(16) Thomas Moller - Nielsen: “The year of all dangers’: Fears grow EU energy prices will soar in 2024” (Tạm dịch: Năm rủi ro: Nỗi lo gia tăng giá năng lượng EU sẽ tăng vọt vào năm 2024), ngày 30-10-2023, https://www.brussels times.com/770552/the-year-of-all-dangers-fears-grow-eu-energy-prices-will-soar-in-2024
Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024  (11/02/2024)
Kinh tế Mỹ và một số điều chỉnh chính sách  (01/12/2023)
Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng hiện nay  (30/05/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên