TCCS - Kể từ khi bùng phát đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố Hà Nội đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã hoành hành, bao phủ nhiều quận, huyện, khiến bản đồ dịch của thành phố Hà Nội luôn đỏ rực. Nền kinh tế Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng, chủ động đối diện với mối hiểm nguy của dịch, tìm ra những phương thức hiệu quả, chuyển từ “phòng thủ” sang “tấn công”, khoanh vùng, khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong đợt bùng phát đợt dịch thứ tư của dịch bệnh COVID-19, quyết định giãn cách xã hội được thành phố Hà Nội đưa ra kịp thời với hai mũi chủ công để khống chế dịch bệnh: xét nghiệm diện rộng và tổ chức thần tốc chiến dịch tiêm vaccine cho các tầng lớp nhân dân. Tính từ tháng 3-2021, thành phố Hà Nội đã triển khai tiêm cho người dân trên địa bàn Thủ đô được hơn 10,5 triệu mũi vaccine COVID-19. Trong đó hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 93,2% dân số trên 18 tuổi và 70,09% tổng dân số), 4,4 triệu mũi 2 (đạt 67,4% dân số trên 18 tuổi và 50,7% tổng dân số). Riêng đối tượng trên 50 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 79,57% và tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 51,2%.
Rút kinh nghiệm từ 3 đợt dịch trước nên khi đợt dịch COVID-19 tấn công trở lại, thành phố Hà Nội đã có chuẩn bị kỹ lưỡng, không để bị động trong phòng, chống dịch. Thành phố Hà Nội đã liên tục ban hành các Công điện nhằm tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Hà Nội yêu cầu người dân đi từ các tỉnh về phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Có thể nói, thành phố đã tổ chức đánh chặn từ sớm, từ xa, ngay tại nơi cửa ngõ, khóa chặt nguồn lây với nhiều mô hình hiệu quả. Các “vùng xanh” đã thực sự trở thành “pháo đài chống dịch”. Chính quyền cơ sở xã phường gần dân nhất hàng ngày sát cánh cùng người dân ở từng khu dân cư, tổ dân phố. Mô hình “phát thẻ hồng” kiểm soát việc đi lại của người tạm trú trên địa bàn có đông công nhân ở tổ dân cư huyện Mê Linh cũng là một mô hình mang lại hiệu quả cao.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng tuyên truyền để tất cả các tổ chức, lực lượng đoàn thể, đơn vị, người dân tại từng gia đình, khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, đều đồng lòng tham gia đóng góp công sức, góp phần gắn kết vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và mỗi công dân trên từng địa bàn. Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở phải rà soát, cần thiết ban hành nghị quyết về việc phòng chống dịch ở cơ quan, đơn vị, địa bàn trong tình hình mới. Phân công đảng viên trực tiếp tham gia chống dịch, là hạt nhân chính trị đoàn kết toàn dân. Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bản thành phố Hà Nội đã phân công cụ thể cho từng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch theo địa bàn; bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ và thành phố.
Chung tay phục vụ nhân dân
Nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phê duyệt, hỗ trợ 1.641 tỷ đồng cho 3.127.065 người, hộ dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, bao gồm các đối tượng như: người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, lao động bị dừng việc, sinh viên trong các khu vực nhà trọ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, chốt kiểm dịch… với phương châm “không để người dân nào thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm, hỗ trợ”, các cấp, ngành, đoàn thể thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ.
Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân triển khai chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” với 4 giai đoạn. Trong đó, 3 giai đoạn đầu đã nấu, trao 120.000 suất ăn tới những hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Túi an sinh Công đoàn” hỗ trợ công nhân lao động khó khăn trong các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Lũy kế từ khi đợt dịch bùng phát lần thứ tư đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn kinh phí Công đoàn trên 62 tỷ đồng và vận động các nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 103 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19…
Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô không chỉ xung phong trên tuyến đầu chống dịch, mà còn tích cực giúp đỡ Nhân dân bằng những việc làm thiết thực góp phần ổn định đời sống. Cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức nhiều “Gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe 0 đồng” để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động bị mất việc làm, sinh viên xa quê đang sinh sống ở Hà Nội. Như tại quận Đống Đa, Bộ Chỉ huy quận đã huy động sức mạnh của cả hệ thống từ tập thể đến các cá nhân tham gia để chuẩn bị cho việc tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tại trường Tiểu học Thịnh Hào, phường Ô Chợ Dừa, góp phần hỗ trợ, bảo đảm đời sống cho người dân trong thời gian dịch bệnh. Ngoài việc phát các gói hàng cho người dân tại “Gian hàng 0 đồng”, còn có công tác vận chuyển hàng đến tận địa bàn, những nơi người dân không thể đến trực tiếp. Với khu vực phong tỏa như phường Văn Miếu, Văn Chương hay các khu vực đang thực hiện cách ly y tế tại các phường, thông qua hệ thống chính quyền sẽ phân phối hàng đến từng hộ dân. Những hành động thiết thực này đã góp phần giúp người dân vơi bớt khó khăn, yên tâm thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, hiện nay Bộ Tư lệnh Thủ đô được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chuẩn bị kho để bảo quản vaccine. Bộ Tư lệnh Thủ đô có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển đến các điểm tiêm trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Đến nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị kho, nhân lực vận hành, trang thiết bị bảo quản vaccine theo phương châm “vaccine về sẽ bảo quản tốt nhất, vận chuyển nhanh nhất đến các điểm tiêm để người dân được tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất, tạo ra miễn dịch cộng đồng”. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể, địa phương phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Có thể thấy rằng, đợt dịch COVID-19 lần này vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên mọi hoạt động xã hội vẫn cần diễn ra bình thường theo tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Nhưng để có được những thành quả cho đến ngày hôm nay, cần phải ghi nhận tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; Ghi nhận công tác bám sát thực tiễn, nắm vững tình hình dịch bệnh đang diễn ra ở cả trong và ngoài nước của Ban Chỉ huy phòng chống dịch thành phố Hà Nội, bởi chỉ có bám sát mới có thể làm tốt công tác dự báo dựa trên các dữ liệu khoa học và số liệu cụ thể để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, góp phần hiệu quả vào công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô./.
Tổng Bí thư chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt về phòng, chống dịch COVID-19  (24/08/2021)
Petrovietnam trao tặng 200 máy thở dòng chức năng cao phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng  (21/08/2021)
Những khó khăn từ thị trường sản phẩm dầu khí  (21/08/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển