Diễn biến mới trong quan hệ giữa các nước nhìn từ Thỏa thuận lịch sử Mỹ - Anh - Australia
TCCS - Vào trung tuần tháng 9-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên, mang tên AUKUS, để tăng cường hợp tác đối ngoại, an ninh và quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm hóa giải các thách thức trong thế kỷ XXI(1).
AUKUS là từ ghép các chữ cái đầu của tên ba nước Australia, Anh (United Kingdom) và Mỹ (United States). Ngay sau khi được tuyên bố thành lập, AUKUS đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi cơ chế này phản ánh diễn biến mới trong cục diện địa - chính trị không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Nội dung cơ bản của AUKUS
Tuyên bố chung Mỹ - Anh - Australia về thành lập AUKUS nêu rõ, AUKUS được định hướng bởi cam kết chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, là cơ chế tăng cường quan hệ đối tác an ninh ba bên. Thông qua AUKUS, Mỹ, Anh và Australia tăng cường khả năng của mỗi bên trong việc bảo đảm các lợi ích an ninh và quốc phòng chung, xây dựng mối quan hệ song phương lâu dài và bền vững; cùng chia sẻ, đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Trong đó, các bên đặc biệt chú ý hợp tác sâu rộng về an ninh và quốc phòng nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trên thực tế, trước mắt, để triển khai một trong những cam kết của AUKUS, Mỹ, Anh sẽ giúp Australia mua và đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để trang bị cho Hải quân Hoàng gia Australia. Trong vòng 18 tháng, ba bên nỗ lực xây dựng lộ trình tối ưu để hiện thực hóa cam kết này. Đồng thời, Australia cam kết sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về các biện pháp an toàn, minh bạch và giải trình để bảo đảm không phổ biến vật liệu và công nghệ hạt nhân, cam kết tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về không sử dụng vũ khí hạt nhân (2).
Như vậy, để thực hiện AUKUS, Australia phải hủy bỏ hợp đồng đã ký kết với Pháp về xây dựng hạm đội tàu ngầm cho hải quân Australia. Theo hợp đồng ký kết với Công ty DCNS (Naval Group) của Pháp năm 2016, Australia sẽ chuyển cho Pháp khoảng 35,8 tỷ USD để đóng 12 tàu ngầm diesel - điện thuộc lớp Shortfin Barracuda Block 1A, dự kiến sẽ được bắt đầu thực thi vào năm 2023. Theo thông báo của Australia trong tháng 5-2020, do tác động của đại dịch COVID-19 và lạm phát, tổng chi phí đóng 12 tàu ngầm sẽ tăng tới gần 66 tỷ USD.
Việc Australia từ chối hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang hợp đồng với Mỹ xuất phát từ nhiều lý do. Một là, Australia đang theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc biển bởi quốc gia này có bờ biển trải dài tới 35.000km, nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động giao thương qua các tuyến giao thông trên biển và đại dương (3). Nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng với Pháp, Australia chỉ nhận được công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng động cơ diezel - điện. Với loại tàu ngầm này, hải quân Australia chỉ có thể duy trì hoạt động trên biển ngắn ngày và buộc phải trở về căn cứ để tiếp nhiên liệu. Trong khi đó, tàu ngầm chạy bằng động cơ hạt nhân có thể hoạt động dài ngày trên biển, chạy nhanh hơn rất nhiều so với tàu ngầm thông thường và đặc biệt là có khả năng tàng hình. Về lâu dài, AUKUS cho phép Australia không chỉ nhận được tàu ngầm hạt nhân mà còn được Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất thế giới. Đây là điều mà Mỹ chưa từng làm với các đồng minh then chốt ở châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc. AUKUS sẽ tạo điều kiện cho Australia phát triển năng lực hải quân và trở thành cường quốc biển trong thế kỷ XXI. Từ đó, Australia sẽ đóng góp nhiều hơn, có hiệu quả hơn trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục đích duy trì quyền tự do hàng hải không bị cản trở, môi trường hòa bình và hợp tác cùng phát triển trong một khu vực được cho là phát triển năng động nhất thế giới hiện tại cũng như trong tương lai.
Tác động của AUKUS tới sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc
Mặc dù không nhắc đến Trung Quốc trong tuyên bố chung Mỹ - Anh -Australia về thành lập AUKUS, song giới phân tích cho rằng đây là động thái thể hiện quyết tâm của Mỹ nhằm đối phó với thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Theo đó, Tổng thống Mỹ J. Biden thay đổi sách lược “độc mã” của người tiền nhiệm Donald Trump trong cạnh tranh với Trung Quốc để hình thành mặt trận rộng khắp trên toàn thế giới dựa trên cơ sở củng cố và tăng cường Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu và quan hệ với các đồng minh cũng như đối tác then chốt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm hóa giải thách thức mang tính hệ thống từ Trung Quốc (4).
Để thực thi sách lược mới, Tổng thống J. Biden đề ra học thuyết về Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc trong năm thập niên qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc vào năm 1972(5). Theo học thuyết Joe Biden, cạnh tranh với Trung Quốc là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị và hai hệ thống tư tưởng đối kháng. Thực hiện học thuyết này, Mỹ thúc đẩy NATO hoàn tất nội dung chiến lược mới với tầm nhìn hướng tới năm 2030. Trong đó đưa ra nhận định, Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng và thúc đẩy lợi ích không chỉ trong khu vực mà còn cả trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản cán cân quyền lực trên thế giới và dẫn đến cuộc chạy đua giữa các cường quốc để giành ưu thế kinh tế, chính trị và quân sự. Do vậy, NATO cần một cách tiếp cận mang tính toàn cầu. Nếu như yêu cầu toàn cầu hóa của liên minh trước đây chỉ nhằm mở rộng NATO ra bên ngoài ranh giới khu vực địa lý châu Âu để “chống khủng bố quốc tế” mà thực chất là để cạnh tranh với Nga, thì hiện nay nội hàm toàn cầu hóa của liên minh xuất phát trước hết từ yêu cầu phải đối phó với thách thức mang tính hệ thống ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Do đó, NATO phải tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh bên ngoài châu Âu, như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản... trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh(6).
Để hình thành mặt trận rộng rãi nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc, trong những ngày đầu tháng 6-2021, Tổng thống Mỹ J. Biden thực thi chuyến công du dài ngày đầu tiên tới châu Âu, tham dự Hội nghị Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) ở Anh. Hội nghị G-7 lần này đề cập đến chủ trương phát triển quan hệ đối tác với các nước Đông Á và Đông Nam Á nhằm đối phó với Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc(7). Trong chuyến công du này, Tổng thống Mỹ J. Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO để củng cố và tăng cường tình đoàn kết giữa các nước thành viên nhằm hình thành mặt trận chung để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Trong Tuyên bố chung của Hội nghị, lần đầu tiên NATO xác định Trung Quốc là mối đe dọa mang tính hệ thống đối với liên minh này(8).
Không chỉ vậy, bên lề Hội nghị G-7, Tổng thống Mỹ J. Biden và Thủ tướng Anh B. Johnson đã ký kết Hiến chương Đại Tây Dương mới(9). Ý nghĩa của Hiến chương này tương tự như Hiến chương Đại Tây Dương ký kết ngày 14-8-1941 giữa Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill(10). Hiến chương Đại Tây Dương năm 1941 nhằm phối hợp nỗ lực của Mỹ và Anh để xây dựng trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, còn Hiến chương Đại Tây Dương mới nhằm tập trung nỗ lực của Mỹ và Anh để hóa giải các thách thức trong thế kỷ XXI(11), trong đó có thách thức hệ thống từ Trung Quốc.
Do vậy, đối với Mỹ, AUKUS là bước đi quan trọng theo hướng điều chỉnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ những cam kết chính trị và ngoại giao lên tầm mức cao hơn, ở mức ký kết các hiệp định và thỏa thuận có giá trị pháp lý. Trên cơ sở AUKUS, tàu chiến của Hải quân Mỹ và Hải quân Anh, trong đó có tàu ngầm hạt nhân, có điều kiện để tăng cường sự hiện diện và phối hợp hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm duy trì quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế mà không bị cản trở. Trong thời gian tới, các nước trong nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) có thể sẽ tiếp tục đạt được một số thỏa thuận nhằm thể chế hóa cơ chế hợp tác giữa các nước thành viên. Theo hướng đó, ngày 24-9-2021, trong cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ J. Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia S. Morrison tuyên bố thành lập Sáng kiến “Quan hệ đối tác hạ tầng cơ sở của nhóm “Bộ Tứ” để đẩy nhanh vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng ở hơn 30 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc (12).
Theo người phát ngôn của chính quyền Mỹ, trên cơ sở AUKUS, Mỹ cam kết sẽ tăng cường quan hệ song phương với các đồng minh và đối tác an ninh truyền thống ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và phát triển tương tác với các đối tác mới trong khu vực (13). Như vậy, AUKUS ra đời là động lực thúc đẩy sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của NATO, Mỹ và Anh, trong đó có sự điều chỉnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm duy trì môi trường an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hợp tác trong khu vực dựa trên luật lệ. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev cho rằng, AUKUS là biến thể của một liên minh quân sự nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - một khu vực có ý nghĩa địa - chính trị và kinh tế tương tự như châu Âu trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX(14). Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov nhận định, AUKUS là liên minh ba bên nhằm đối phó với chiến lược của Trung Quốc giành quyền kiểm soát các tuyến vận tải biển chủ yếu ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là sự tiếp nối đường lối đang được Mỹ theo đuổi trong khuôn khổ các tổ chức khác như nhóm "Bộ Tứ" (15).
Theo nhật báo Guardian (Anh), hiện tại, quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Australia đang ở mức thấp. Trong đó, Mỹ, Anh và Australia đang tìm cách đối phó với thách thức từ sự mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu (16). Rizal Hidayat - chuyên gia an ninh quốc tế từ Đại học Al Azhar của Indonesia - nhận định, AUKUS nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả và hiệu lực giữa các thành viên của liên minh tình báo thuộc nhóm “Five Eyes” gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand để kiềm chế toan tính của Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, AUKUS còn nhằm nâng cao hiệu quả của Hiệp ước phòng thủ năm nước FPDA (Five Power Defence Arrangements) gồm Australia, Anh, New Zealand, Singapore và Malaysia dựa trên nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau. Theo đó, nếu một quốc gia thành viên FPDA bị nước bên ngoài tấn công, các nước thành viên khác phải có trách nhiệm bảo vệ. Nguyên tắc này có ý nghĩa đối với năm nước thành viên trong việc duy trì môi trường hòa bình, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông - nơi Trung Quốc đang đưa ra yêu sách phi lý về chủ quyền trên vùng biển này(17). Chuyên gia phân tích Pranab Dhal Samanta (Ấn Độ) cho rằng, thỏa thuận chiến lược AUKUS sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các quốc gia thành viên của nhóm “Five Eyes” và nhóm “Bộ Tứ” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(18).
Trước những động thái này của Mỹ, Anh và Australia, Trung Quốc đã có phản ứng. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ coi AUKUS là liên minh ba bên chống Trung Quốc và kêu gọi các bên tham gia liên minh này từ bỏ tâm lý “chiến tranh lạnh” và các định kiến về ý thức hệ (19). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, quyết định của Mỹ, Anh và Australia thành lập AUKUS là hành động “phá hoại nghiêm trọng hòa bình khu vực và làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang”. Còn tờ Thời báo hoàn cầu (Global Times) cho rằng, AUKUS là tín hiệu rõ ràng chứng tỏ Australia ủng hộ quan điểm của Mỹ về việc hình thành một hệ thống quốc tế nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc (20). Trước sự phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, Thủ tướng Australia S. Morrisonn đề nghị Trung Quốc tham gia cuộc đối thoại mới về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Australia S. Morrison tin tưởng và hy vọng rằng, các bên tham gia đối thoại có cùng mục tiêu đó là tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình - nơi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của các quốc gia được công nhận và tôn trọng(21).
Tác động của AUKUS tới quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Theo giới phân tích, AUKUS có tác động phần nào làm tổn hại quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong đó có quan hệ giữa Mỹ và Pháp - một đồng minh then chốt của Mỹ trong NATO, cũng như quan hệ giữa Anh và Pháp. Việc Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm thông thường đã từng ký kết với Pháp không chỉ là tổn thất lớn về kinh tế và uy tín của nước Pháp mà còn ảnh hưởng tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp(22). Do đó, ngay sau khi có thông tin về AUKUS, Bộ Ngoại giao Pháp triệu hồi các Đại sứ ở Mỹ và Australia về nước để tham vấn. Còn Cơ quan đại diện ngoại giao của Pháp tại Mỹ hủy tiệc chiêu đãi vào tối ngày 17-9-2021 nhân dịp kỷ niệm 250 năm chiến thắng của hạm đội nước này tại Chesapeake trong cuộc chiến giúp Mỹ giành độc lập và tách khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Sau cuộc chiến này, Mỹ và Pháp thiết lập quan hệ đồng minh (23). Giới phân tích chính trị ở Pháp coi kế hoạch của Mỹ và Anh giúp Australia đóng tàu ngầm hạt nhân và hủy bỏ hợp đồng của Pháp là không phù hợp với tinh thần hợp tác giữa các đồng minh then chốt trong NATO. Thậm chí, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian coi quyết định của Mỹ cùng với Anh và Australia thành lập AUKUS là động thái “đâm sau lưng” đồng minh”(24). Jean-Luc Melanchon - Nghị sĩ và là ứng cử viên tổng thống thuộc phe Đảng Xã hội Pháp lên tiếng: “Nước Pháp không nên ảo tưởng mà phải rút khỏi NATO, đồng thời không cho phép đặt Trung tâm An ninh vũ trụ của NATO ở Toulouse, dự kiến sẽ được khai trương vào năm 2022” (25). Trong lịch sử, Pháp đã từng rút khỏi Bộ Chỉ huy quân sự của NATO vào năm 1966. Sau quyết định đó, Bộ Chỉ huy của NATO buộc phải di chuyển từ Paris (Pháp) đến Bruxelles (Bỉ). Đến năm 2009, Quốc hội Pháp trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã thông qua quyết định với số phiếu áp đảo đưa Pháp quay trở lại tham gia Bộ Chỉ huy quân sự của NATO.
Để xoa dịu phản ứng của Pháp, phát biểu tại cuộc họp báo sau tuyên bố về AUKUS, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ muốn tìm mọi cơ hội để thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương và Pháp đóng vai trò quan trọng trong đó. Mỹ hợp tác rất gần gũi với Pháp trong nhiều lĩnh vực ưu tiên chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cả trên thế giới và sẽ tiếp tục làm như vậy(26).
Về tác động tới quan hệ Pháp - Anh, theo giới phân tích, mâu thuẫn và bất đồng giữa Anh và Pháp xuất phát từ nguyên nhân sâu xa trong lịch sử cạnh tranh kéo dài hàng trăm năm trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ giữa hai cường quốc thực dân. Nước Anh đã từng một thời kiểm soát ba khu vực thuộc địa là Mỹ, Canada và Australia. Chính vì thế, bốn quốc gia Mỹ, Anh, Canada và Australia đều coi tiếng Anh là quốc ngữ và hình thành nên khối Anglo-Saxon, cạnh tranh ảnh hưởng với khối Pháp ngữ được gọi là Francophonie bao gồm những quốc gia đã từng là thuộc địa của Pháp và chọn tiếng Pháp là quốc ngữ hoặc sử dụng phổ biến tiếng Pháp. Trong cuộc cạnh tranh này, khối Anglo-Saxon luôn chiếm ưu thế với những tổ chức có vị thế toàn cầu, như NATO, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
AUKUS cũng gây tổn hại đối với quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, EU ra tuyên bố ủng hộ phản ứng của Pháp, đồng thời coi AUKUS cũng là vấn đề của toàn châu Âu(27). AUKUS là lời cảnh tỉnh về sự bất đồng giữa hai xu hướng trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Theo xu hướng thứ nhất, chủ yếu là các nước Đông Âu, coi việc tăng cường quan hệ với Mỹ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo xu hướng thứ hai, EU phải tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Trong đó, Pháp và Đức chủ trương xây dựng quân đội châu Âu có vị thế độc lập tương đối với NATO do Mỹ dẫn dắt. Sau AUKUS, theo đề xuất của Pháp và Đức, các nước châu Âu phải xem xét lại chiến lược của NATO đến năm 2030 sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid (Tây Ban Nha) trong năm 2022 với lý do AUKUS chứng tỏ trong nội bộ liên minh này đã không có sự đối thoại chính trị(28).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, không thể chấp nhận được việc một thành viên của EU là Pháp bị đối xử theo cách đó. Theo bà Ursula von der Leyen, trước khi tiếp tục hợp tác với Mỹ, EU cần phải làm rõ tình hình liên quan tới AUKUS, trước hết là để khôi phục lòng tin giữa các đồng minh. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định, hơn bao giờ hết, EU nhận thấy sự cần thiết phải xác định quyền tự chủ chiến lược của mình. Trước hết là tạo khả năng tự bảo vệ và ít dựa vào Mỹ hơn. Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra chủ trương này có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sau sự kiện AUKUS, các nước thành viên EU nhắc lại ý tưởng xây dựng quân đội châu Âu. Theo họ, không nên nói về việc rút khỏi NATO nhưng các nước châu Âu không nên quá phụ thuộc về an ninh vào Mỹ. Trước khi có sự kiện AUKUS, EU đã từng thảo luận về khả năng việc thành lập Lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu gồm 5.000 quân(29)./.
----------------------
(1), (2) The White House: “Joint Leaders Statement on AUKUS”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/09/15/ joint-leaders-statement-on-aukus/
(3) Alex Tewes, Laura Rayner and Kelly Kavanaugh: “Australia’s Maritime Strategy in the 21st century”, https://apo.org.au/sites/default/files/resource-files/2004-12/apo-nid583.pdf
(4) Reuter: “Biden warns of China’s ‘systemic challenges’ at Nato debut”. https://www.freemalaysiatoday.com/category/world/2021/06/15/biden-warns-of-chinas-systemic-challenges-at-nato-debut/?__cf_chl_jschl_tk__=pmd _Uy9jPYQOnbHTij9mviND7VC9KGLEc5qbiFOwHqTMBF8-1633828494-0-gqNtZGzNAqWjcnBszQjl
(5) Дмитрий Тренин: “Доктрина Байдена. Какой станет внешняя политика США после Афганистана”, https://carnegie.ru/commentary/85321
(6) Евгений Коренев: “НАТО: 2030 Североатлантический альянс ждет трансформация”, https://eurasia.expert/nato-k-2030-zhdet-transformatsiya/
(7) Aradhana Aravindan, Bernadette Christina: “Asia has wary welcome for G7′s answer to Belt and Road”, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/asia-has-wary-welcome-g7s-answer-belt-road-2021-06-17/
(8) NATO: North Atlantic Treaty Organization: “Brussels Summit Communiqué”, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_185000.htm
(9) Максим Макарычев: “Байден и Джонсон подписали обновленную Атлантическую хартию”, https://rg.ru/2021/06/10/bajden-i-dzhonson-podpisali-novuiu-atlanticheskuiu-hartiiu.html
(10) Rianovosti: “Атлантическая хартия (1941)”, https://ria.ru/20210814/khartiya-1745442071.html
(11) Gov.uk: “Global Britain in a competitive age”, https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/975077/Global_Britain_in_a_Competitive_Age-_the_Integrated_Review_of_Security__Defence__Development_and_Foreign_Policy.pdf
(12) Stephen Dziedzic: “Scott Morrison, Joe Biden, Narendra Modi and Yoshihide Suga gather for their first in-person Quad meeting”, https://www.abc.net.au/news/2021-09-24/what-is-quad-group-scott-morrison-joe-biden-modi-suga/100487312
(13) TASS: “США заявили о создании с Великобританией и Австралией нового партнерства по безопасности”, https://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/12417149
(14) Виталий Цепляев: “Цепная реакция хаоса. Николай Патрушев - о чуждых России союзах и ценностях”, https://aif.ru/politics/russia/cepnaya_reakciya_haosa_nikolay_patrushev_o_chuzhdyh_rossii_soyuzah_i_cennostyah
(15) Arash Reisinezhad: “What AUKUS and Afghanistan Tell Us About the US Asia Strategy”, https://thediplomat.com/2021/09/what-aukus-and-afghanistan-tell-us-about-the-us-asia-strategy/
(16) The Guardian: “US, UK and Australia forge military alliance to counter China”, https://www.theguardian.com/australia-news/2021/sep/15/australia-nuclear-powered-submarines-us-uk-security-partnership-aukus
(17) Devina Halim, Pizaro Gozali Idrus, and Erric Permana: “AUKUS aims to consolidate US alliances in Indo-Pacific against China's hegemony”, https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/aukus-aims-to-consolidate-us-alliances-in-indo-pacific-against-chinas-hegemony/2370723
(18) Pranab Dhal Samanta: “ET Analysis: Aukus powers up five eyes' anti-China plan, boosts Quad”, https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/et-analysis-aukus-powers-up-five-eyes-anti-china-plan-boosts-quad/articleshow/ 86444031.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst
(19) RBC: “США и союзники создали новый блок против Китая”,
https://www.rbc.ru/politics/16/09/2021/61433f6d9a7947a1f9783e78
(20) Natalie Wolfe and Matt Young: “AUKUS: China reacts to military partnership between Australia, the US and the UK”. https://www.news.com.au/technology/innovation/military/aukus-china-reacts-to-military-partnership-between-australia-the-us-and-the-uk/news-story/a247603a80a595fcb8a6dcc60688ee97
(21) Lenta.ru: “США, Британия и Австралия заключили соглашение об оборонном партнерстве”, https://lenta.ru/news/2021/09/16/souz_auulus/
(22) France Diplomacy: “The Indo-Pacific region: a priority for France”, https://www.diplomatie.gouv.fr/en/country-files/asia-and-oceania/the-indo-pacific-region-a-priority-for-france/
(23) The Guardian: “France recalls ambassadors to US and Australia after Aukus pact”, https://www.theguardian.com/world/2021/sep/17/france-recalls-ambassadors-to-us-and-australia-after-aukus-pact
(24) BBC: “AUKUS: The French Foreign Minister condemns the United States and Australia for “lying” - BBC News”, https://www.breakinglatest.news/world/aukus-the-french-foreign-minister-condemns-the-united-states-and-australia-for-lying-bbc-news/
(25) Lenta.ru: “Французские социалисты потребовали выйти из НАТО”, https://lenta.ru/news/2021/09/17/france_aukus/
(26) TASS: “Блинкен и Ле Дриан обсудили Стратегию ЕС по сотрудничеству в Индо-Тихоокеанском регионе”, https://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/12490545
(27) Euronews: “US attempts to curb French and EU backlash over Indo-Pacific pact with UK and Australia”, https://www.euronews.com/2021/09/17/us-attempts-to-curb-french-and-eu-backlash-over-indo-pacific-pact-with-uk-and-australia
(28) Наталия Сергиевская, Анастасия Румянцева: “Отсутствует политический диалог: глава Минобороны Франции заявила о намерении пересмотреть стратегию НАТО”, https://russian.rt.com/world/article/910006-nato-franciya-koncepciya-aukus
(29) Livejournal: “AUKUS. Чем закончится конфликт между США и Францией”, https://bumerang777.livejournal.com/5889780.html
Thế giới trước thách thức đói nghèo  (18/11/2021)
Văn hóa cầm quyền của lãnh đạo Singapore  (29/09/2021)
Việt Nam kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  (26/08/2021)
Việt Nam kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  (26/08/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển