Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc
TCCS - Trước khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 10-8-2021, tại Thủ đô Viêng Chăn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm liệt sĩ vô danh; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane; dự và phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Lào; dự Lễ trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào; tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Lào; gặp gỡ đại diện cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được sang thăm lại đất nước Lào tươi đẹp; chúc mừng thành công của Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, bầu cử đại biểu Quốc hội Lào khóa IX; chúc mừng đồng chí Saysomphone Phomvihane được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội; đánh giá cao các kết quả tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, đặc biệt là việc thông qua các chức danh lãnh đạo chủ chốt và các quyết sách phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của nước bạn Lào.
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đánh giá chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ gắn bó keo sơn, thủy chung trong sáng, đoàn kết đặc biệt giữa hai nhà nước; bày tỏ vui mừng về những thành tựu to lớn và toàn diện mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước vẫn phát triển tốt đẹp với các cuộc gặp, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao của hai cơ quan, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, phối hợp giám sát các thỏa thuận và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ Quốc hội hai nước tăng cường phối hợp giám sát để góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đã ký; tăng cường, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là xây dựng hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan nhà nước; phối hợp hài hòa và hiệu quả trong các vấn đề quốc tế và khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Vinh dự được mời đến dự Kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội Lào khóa IX, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước đã điểm lại những trang sử vẻ vang của quan hệ hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; nhấn mạnh hai thông điệp quan trọng là hai nước Việt - Lào cùng đoàn kết, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác -Lê-nin và tư tưởng có nhiều điểm tương đồng của hai vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kayson Phomvihan; đồng thời nỗ lực giải phóng các nguồn lực cho hợp tác song phương, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới để tận dụng cơ hội và đáp ứng các yêu cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào anh em về tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình dành cho Việt Nam từ trước đến nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Nhà Quốc hội mới của Lào, đúng 10 năm sau bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII của Lào năm 2011. Đây là vinh dự đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Lào dành cho lãnh đạo Việt Nam, thể hiện sinh động tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Sau khi dự và có bài phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Lào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã dự và chủ trì Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào.
Được khởi công từ tháng 7-2018, công trình là dự án có giá trị cao nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Công trình Nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trên nền nhà Quốc hội cũ tại Quảng trường Thatluang - trung tâm Thủ đô Vientiane. Tổng diện tích khu đất khoảng 23.400m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 7.171m2 bao gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi, được xây dựng theo hình dạng và cách bố cục chủ đạo lấy cảm hứng từ lá quốc kỳ của Lào. Nhà Quốc hội Lào mới là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, họa tiết, hoa văn mang đậm bản sắc, phong tục truyền thống của Lào và các giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, kỹ thuật, công nghệ quản lý thi công tiên tiến của Việt Nam với tổng vốn đầu tư xây dựng gần 112 triệu USD, được giao cho Bộ Xây dựng làm Chủ đầu tư dự án, Binh đoàn 11 - Bộ Quốc phòng làm tổng thầu thi công.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane: “Tòa nhà Quốc hội mới có quy mô lớn với vẻ đẹp rất nguy nga, trang nhã, có tính mỹ thuật, kiến trúc độc đáo mang phong cách đậm chất Lào, chất lượng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và xây dựng. Ngoài ra, công trình này được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới, tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu Quốc hội cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Quốc hội Lào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình; tiến hành các kỳ họp định kỳ của Quốc hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là món quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, được đồng chí Thongloun Sisoulith đánh giá có 4 cái nhất "hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất". Chủ tịch nước tin tưởng, Nhà Quốc hội Lào sẽ là nơi khởi nguồn các quyết định quan trọng cho phát triển đất nước Lào độc lập, tự chủ tiến lên thịnh vượng. Nơi đây sẽ luôn là một biểu tượng bền vững của tình cảm đoàn kết đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào.
Chủ tịch nước cũng biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, không quản ngại khó khăn, dịch bệnh của các đơn vị trực tiếp tham gia dự án, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động hai nước đã ngày đêm miệt mài làm việc trên công trường để bảo đảm chất lượng cao, thi công an toàn, đúng tiến độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội Lào và các bộ, ban, ngành của hai nước; đặc biệt là những nỗ lực, quyết tâm của Bộ Xây dựng Việt Nam với vai trò chủ đầu tư, các ban quản lý dự án của Việt Nam và Lào, các đơn vị tư vấn phía Lào và Việt Nam, Tổng thầu Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng và các thầu phụ, nhà cung cấp vật tư, vật liệu của Lào...
Phát biểu đáp từ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Lào vô cùng vinh dự và tự hào đón nhận món quà quý giá và hết sức có ý nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, đó là công trình nhà Quốc hội Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cho biết, tòa Nhà Quốc hội tọa trong khuôn viên khu đất linh thiêng, tôn kính của người dân Lào đó là Thatluang Viêng Chăn, là biểu tượng của quốc gia và là linh hồn của cả dân tộc. Tòa Nhà Quốc hội mang vẻ đẹp hành tráng, bề thế và sẽ là nơi tổ chức các kỳ họp của Quốc hội, các sự kiện quan trọng cấp quốc gia; là nơi để các thế hệ người dân Lào nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan, du lịch. Đây cũng là trụ sở của cơ quan lập pháp, nơi quyết định hệ thống, chế độ chính trị, xây dựng Hiến pháp và thông qua luật cũng như xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời là nơi làm việc của đại biểu Quốc hội và bộ máy của Quốc hội, đại diện cho quyền lợi của nhân dân Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cảm ơn Bộ Xây dựng Việt Nam, Ban Quản lý dự án Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan khác của Lào và Việt Nam đã tập trung mọi sức lực, trí tuệ và tay nghề tinh xảo của mình vào xây dựng công trình. Mặc dù trong thời gian qua phải đối mặt với tình hình lây lan của dịch bệnh COVID-19, gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự quyết tâm cao của các cơ quan đơn vị của hai bên nên công trình vẫn bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chính thức đưa vào sử dụng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nói: “Tôi thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào xin nhận món quà quý giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em trao tặng với niềm tự hào, sung sướng và Nhà Quốc hội này sẽ luôn trường tồn cùng với dân tộc Lào”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì cho một số đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quốc hội Lào có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo triển khai thành công dự án xây dựng nhà Quốc hội Lào. Chủ tịch nước cũng chứng kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trao Huân chương Tự do hạng Nhất của Lào cho Bộ Xây dựng Việt Nam; Huân chương Tự do hạng Nhì của Lào cho Ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng và Binh đoàn 11 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Tại cuộc tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotu và Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chithmany, Chủ nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá, yếu tố sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc. Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đã được ký kết; đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác quan trọng như cảng Vũng Áng, bệnh viện Xiengkhuang, Huaphanh, sân bay Nong Khang, dự án bò sữa ở Xiengkhuang; hỗ trợ lẫn nhau, nhất là các địa phương giáp biên giới hai nước, để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, nhất là cho thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch nước Pany Yathotou và Phó Chủ tịch nước Bounthong Chitmany chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, bày tỏ tin tưởng những kết quả tích cực và thực chất của chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt - Lào, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Trước khi lên đường về nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng, doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo một số nét nổi bật về tình hình đất nước và một số kết quả chính đạt được trong trao đổi với các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào. Chủ tịch nước đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Lào đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước, trong đó có việc quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19, động viên cán bộ và chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa; mong muốn cộng đồng người Việt tại Lào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh, là sợi dây kết nối bền chặt quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của đồng chí Đại sứ và tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó; lưu ý Đại sứ quán tiếp tục quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và bà con người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Lào, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định tập thể Đại sứ quán cùng doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam tại Lào ghi nhớ và quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì Lễ tiễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hơn 10 hoạt động hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao. Các thành viên trong đoàn cũng đã có 15 hoạt động tiếp xúc, trao đổi với các ban, bộ, ngành, địa phương của Lào; đã có 14 văn kiện hợp tác được ký kết, trao đổi giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương hai nước. Đây là những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo dấu mốc mới trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Thành công của chuyến thăm không chỉ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp và sự sinh động của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, mà còn mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc; qua đó, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng đơm hoa kết trái và mãi mãi trường tồn./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch nước phát biểu tại phiên họp của Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (11/08/2021)
Kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam  (09/08/2021)
Kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam  (09/08/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên