Quốc gia tầm trung với định hướng ngoại giao chuyên biệt: Một số gợi ý cho Việt Nam đến năm 2030
TCCS - Ngoại giao chuyên biệt nhiều thập niên qua đã, đang là lựa chọn và định hướng chính sách đối ngoại quan trọng, phổ biến, phù hợp với thế và lực của các nước tầm trung trong một môi trường chiến lược biến động nhanh chóng, phức tạp nhưng cũng mở ra nhiều dư địa, cơ hội. Với thế và lực gia tăng ấn tượng sau 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế thành công cũng như với tầm nhìn, khát vọng phát triển đến năm 2045 được Đảng ta đề ra tại Đại hội XIII (tháng 1-2021), Việt Nam ngày càng có những đóng góp tích cực, chủ động, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực, thế giới. Vì lẽ đó, ngoại giao chuyên biệt cần được xem là hướng đi, ưu tiên mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quốc gia tầm trung với vị thế đặc thù trong quan hệ quốc tế
“Quốc gia tầm trung” là một khái niệm mang tính so sánh, về cơ bản có hai cách để phân loại, định nghĩa “quốc gia tầm trung”. Cách thứ nhất dựa trên các thước đo năng lực, sức mạnh quốc gia ("sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm"), như chỉ số tổng sản phẩm quốc gia (GNP)/tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lợi thế cạnh tranh về kinh tế, sức mạnh quân sự, diện tích lãnh thổ, dân số và chất lượng dân số, tài nguyên thiên nhiên, sức hấp dẫn của văn hóa và mô hình chính trị, vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, uy tín/ảnh hưởng quốc tế... Cách thứ hai dựa trên kiểu hành vi/chính sách đặc thù của quốc gia, đặc biệt là ưu tiên sử dụng phương thức ngoại giao đa phương trong chính sách đối ngoại, thể hiện qua số lượng các tổ chức/cơ chế hợp tác quốc tế/khu vực tham gia, mức độ đóng góp tài chính vào các cơ chế đa phương, các hoạt động ngoại giao đa phương, như số lượng sáng kiến, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế, vai trò hòa giải/trung gian trong tranh chấp quốc tế... Trên thực tế, cách thứ hai thường được sử dụng làm cơ sở chính cho các định nghĩa/phân loại, còn cách thứ nhất đóng vai trò bổ sung. Do đó, năng lực, sức mạnh của quốc gia tầm trung là điều kiện cần, còn chính sách, hành vi đặc thù của quốc gia tầm trung là điều kiện đủ để kết hợp tạo nên một thực thể được công nhận là “quốc gia tầm trung”.
Các nước tầm trung có vị thế đặc thù trong hệ thống quốc tế. Nhóm nước này tuy có nguồn lực hạn chế, chưa đuổi kịp/cạnh tranh được với các nước lớn, nhất là về sức mạnh kinh tế, công nghệ, quốc phòng, song có lợi thế tương đồng với các quốc gia tầm trung khác và vượt trội so với các nước nhỏ, trình độ phát triển thấp. Vị thế đó, một mặt, có thể tạo nên áp lực phải thích ứng, phòng vệ trong thế “tiến thoái lưỡng nan” về ứng xử phù hợp của nước tầm trung với các bên (lớn hơn, ngang bằng, nhỏ hơn) trong một số hoàn cảnh; mặt khác, cũng tạo nhiều dư địa, cơ hội khi có được lòng tin lớn hơn của quốc tế về vai trò cầu nối, trung gian, xúc tác một cách xây dựng, thực tâm; tạo động lực chủ động, sáng tạo để tối ưu hóa không gian chiến lược chật hẹp và lựa chọn chính sách hạn chế, giúp duy trì khả năng độc lập, tự chủ, linh hoạt và đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, trong đó có việc mở rộng, tăng cường mạng lưới quan hệ giữa các nước tầm trung với nhau để giảm áp lực từ cạnh tranh chiến lược các nước lớn; phát huy vai trò, sáng kiến đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Dư địa, cơ hội đó sẽ tiếp tục được mở rộng hơn khi bên cạnh các “điểm nóng” nan giải về an ninh truyền thống, các vấn đề toàn cầu (an ninh phi truyền thống, an ninh con người) nổi lên ngày càng nhiều, càng phức tạp, tác động không loại trừ nước nào và cũng không một nước nào tự mình có thể giải quyết hiệu quả. Nhu cầu cần có sự chung tay, hợp tác rộng lớn về cả nguồn lực lẫn ý tưởng, sáng kiến dường như là vô tận, kéo theo xu hướng phát triển khó đảo ngược của xu thế đa phương và dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Quốc gia tầm trung có vai trò không thể thiếu được trong xu hướng đó.
Ngoại giao chuyên biệt (niche diplomacy) là lựa chọn và định hướng chính sách quan trọng, phù hợp với thế và lực của các nước tầm trung trong môi trường chiến lược biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Triển khai ngoại giao chuyên biệt sẽ tạo nên một bản sắc quốc gia riêng biệt, phục vụ hiệu quả cho lợi ích an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của nước tầm trung. Từ góc độ đối ngoại, đó là cách tiếp cận chủ động, tích cực nhưng chọn lọc, linh hoạt, thực tế (không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, ít bị nước lớn chi phối, có khả năng tập hợp lực lượng, nhất là từ các nước nhỏ và các nước tầm trung khác), hợp thế mạnh, hợp lợi ích (tìm ra những vấn đề lợi thế có thể phát huy, đóng góp, thường thiên về an ninh phi truyền thống), mang tính liên ngành, toàn chính phủ/cộng đồng, thông qua đề xuất, dẫn dắt sáng kiến/ý tưởng, xúc tác, kết nối, điều phối với các đối tác chính phủ và phi chính phủ, cả kênh song phương và đa phương, trong đó ngoại giao đóng vai trò tích cực, chủ động, thậm chí tiên phong, nòng cốt.
Ngoại giao chuyên biệt: Sự lựa chọn phù hợp với quốc gia tầm trung
Xuất phát từ khái niệm “thị trường ngách” (niche market) trong kinh doanh, “ngoại giao chuyên biệt” là một khái niệm do các học giả người Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước. Thuật ngữ này lần đầu tiên được Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Ga-rết E-van (Gareth Evans) và học giả Bru-xơ Gran (Bruce Grant) đưa ra vào năm 1991 trong cuốn sách bàn về chính sách đối ngoại của Ô-xtrây-li-a sau Chiến tranh lạnh. Theo Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Ga-rết E-van, ngoại giao chuyên biệt đồng nghĩa với chuyên môn hóa (specialization). Ông định nghĩa ngoại giao chuyên biệt là “tập trung nguồn lực trong những lĩnh vực cụ thể để có thể thu được kết quả tốt nhất đáng có, hơn là tìm cách phủ bóng lên mọi lĩnh vực”(1). Theo đó, ngoại giao chuyên biệt tập trung vào khả năng của một nước nhằm xác định và lấp những khoảng trống hẹp (niche spaces) thông qua phương thức, kỹ năng ngoại giao. Cụ thể là, các nước thực thi ngoại giao chuyên biệt lựa chọn một hoặc một vài vấn đề, tổ chức hay lĩnh vực cụ thể để chuyên môn hóa và định hướng chúng thành nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.
Ngoại giao chuyên biệt trên thực tế được triển khai hiệu quả nhất bởi các quốc gia tầm trung - những nước có đủ năng lực và vị thế để đóng vai trò nổi bật trên trường quốc tế, song lại không đủ mạnh để áp đặt các lập trường và giải pháp của họ(2). Do nguồn lực có hạn so với các nước lớn nhưng vẫn đáng kể so với các nước nhỏ, các nước tầm trung có thể thể hiện vai trò trong chính trị quốc tế bằng cách tập trung vào các vấn đề quốc tế mới nổi và thiết thực. Do vậy, sự tích cực của các nước tầm trung được giải thích không chỉ như là cách thức nhằm vượt qua những hạn chế về sức mạnh vật chất so với các nước khác mà bằng cách phát triển những chiến lược can dự ngoại giao, bao gồm việc xác định các “lĩnh vực chuyên biệt” để hành động và vận dụng các nguồn lực sức mạnh mềm như khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn.
Đặc điểm trung tâm trong nền ngoại giao của các nước tầm trung là sự can dự với quản trị toàn cầu/khu vực trong các lĩnh vực chuyên biệt mà họ có thể dẫn dắt và định hình các chương trình nghị sự cũng như đóng góp vào sự phát triển các năng lực trong quản trị toàn cầu, điển hình là trong các cơ chế đa phương.
Thứ hai, các nước tầm trung tận dụng uy tín của họ như là những “công dân tốt toàn cầu”. Nước tầm trung có một vai trò đặc biệt trong việc dẫn dắt ý tưởng và kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên biệt, nơi có thể thể hiện một mô thức nghệ thuật quản trị đặc thù nhấn mạnh vào xây dựng liên kết và hợp tác. Các nước tầm trung cũng thích nghi trên cơ sở chọn lọc vai trò xúc tác (catalyst) thông qua các sáng kiến ngoại giao, điều phối, dẫn dắt (facilitator) thông qua xây dựng các chương trình nghị sự, xây dựng đồng thuận, xây dựng lòng tin, quản lý (manager) thông qua hỗ trợ xây dựng thể chế đa phương(3).
Thứ ba, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, các nước tầm trung đã đạt được sự tự chủ tương đối trong việc can dự vào ngoại giao chuyên biệt ở cấp độ toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt, điều phối trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống (và an ninh con người) vốn là những vấn đề chính trị tầm thấp phi quân sự (low politics), như biến đổi khí hậu, kinh tế, nhân khẩu so với những vấn đề chính trị tầm cao (high politics), như kiểm soát vũ khí và cân bằng chiến lược.
Thứ tư, kết nối mạng lưới (networking) là một khâu quan trọng trong thực thi ngoại giao chuyên biệt. Các nước tầm trung nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động ngoại giao công chúng ở tầm quốc tế và khu vực, vận động trực tiếp của các quan chức và các nhà ngoại giao... trong việc thu hút sự phối hợp và ủng hộ của cộng đồng quốc tế(4).
Thứ năm, các nước tầm trung tăng cường khả năng định hình sáng tạo các ý tưởng chính sách và nuôi dưỡng một mạng lưới chính sách với các tổ chức quốc tế. Ngoại giao chuyên biệt của các nước tầm trung không cần kiến thức khoa học vĩ đại hoặc những nguồn lực lớn để xây dựng mạng lưới. Thay vào đó, tập trung vào một vấn đề cụ thể và xây dựng một mạng lưới quốc tế mới là điều quan trọng.
Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030
Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 26-1-2021), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu mục tiêu cụ thể thời gian tới: 1- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 3- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(6). Đây là tầm nhìn và khát vọng của Việt Nam trong những thập niên tới.
Có thể nói, sau hơn ba thập niên đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vị thế ngày càng cao trong quan hệ quốc tế xét theo ba tiêu chí năng lực, chính sách và sự công nhận của quốc tế(7).
Về năng lực hay sức mạnh, Việt Nam tuy còn hạn chế nhiều mặt và phải nỗ lực rất lớn nếu so với nhóm cường quốc và tầm trung dẫn đầu, song không thua kém, thậm chí vượt trội so với các quốc gia khác trên một số phương diện. Đơn cử như, Việt Nam xếp thứ 68 về diện tích, xếp thứ 15 về dân số, thứ 46 về quy mô nền kinh tế, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đã phát triển vượt bậc từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành nước thu nhập trung bình thấp, với GDP đầu người đạt khoảng 2.800 USD năm 2019, hơn 45 triệu người thoát nghèo; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực (dao động từ 5,25% - 7,08% liên tục từ năm 2012 đến năm 2019); Chỉ số vốn con người (HCI) xếp thứ 48/157 nước và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ sau Xin-ga-po(8), Chỉ số Phát triển con người (HDI) là 0,63 - thuộc nhóm cao nhất thế giới, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) xếp thứ 67/141 nước và nền kinh tế. Về sức mạnh quốc phòng(9), theo tổ chức Global Firepower, Việt Nam xếp thứ 23/137 nước và vùng lãnh thổ năm 2019(10), được đánh giá là một trong những nước có sức mạnh quân sự hàng đầu khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á.
Về chính sách, từ tư duy, đường lối đến triển khai đối ngoại của Việt Nam trong hơn ba thập niên qua đều thể hiện sự kết hợp biện chứng giữa nguyên tắc độc lập, tự chủ và chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa, cân bằng động và linh hoạt trong quan hệ với các đối tác; là sự phát triển tiệm tiến từ phương châm muốn là bạn, đối tác tin cậy đến thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết các thách thức toàn cầu, tức là trở thành “công dân tốt” của cộng đồng quốc tế; là sự chuyển dịch từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, chủ động, tích cực, gắn liền với nâng tầm đối ngoại đa phương, từ chủ yếu chấp nhận “luật chơi”chuyển sang góp phần định hình “luật chơi” của hệ thống quốc tế, vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương, khu vực quan trọng. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là những văn bản định hướng lớn về chiều hướng phát triển đó. Như vậy, với Việt Nam, việc định vị vị thế quốc gia theo hướng tự tin, chủ động, tích cực hơn trong quan hệ quốc tế, sẽ góp phần phục vụ hiệu quả cho bảo đảm lợi ích cao nhất quốc gia - dân tộc trong bối cảnh mới. Chủ trương, đường lối, chính sách đó cũng góp phần tạo nên bản sắc đối ngoại Việt Nam(11).
Về sự công nhận quốc tế, với đường lối đối ngoại nói trên, vị thế của Việt Nam ngày càng được quốc tế công nhận rộng rãi. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với hầu như tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc (189/193) và năm 2019 được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu 192/193 - số lượng phiếu cao kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của Liên hợp quốc; đã xác lập khuôn khổ quan hệ với tất cả năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tổng số 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện; là thành viên của hơn 70 tổ chức/diễn đàn khu vực, toàn cầu; nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng vào khu vực, thế giới, có quan hệ thương mại, đầu tư với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 65 nền kinh tế, là điểm đến ngày càng hấp dẫn, an toàn, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế. Việt Nam là một trong số ít các nước được thế giới đánh giá là điển hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thể hiện trách nhiệm và uy tín cao trong hợp tác quốc tế, khu vực.
Xét chiều hướng phát triển thế và lực tổng thể cũng như định hướng đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030, có thể thấy, ngoại giao chuyên biệt cần và phải là hướng đi, ưu tiên mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030 (và xa hơn trong thế kỷ XXI), góp phần hoạch định, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược đối ngoại đến năm 2030, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Đề xuất ưu tiên và đầu tư nhiều hơn cho ngoại giao chuyên biệt nên được hiểu là sự bổ trợ, nâng tầm và tăng tính hiệu quả cho ngoại giao Việt Nam nói riêng và đối ngoại Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, chính sách và hoạt động đối ngoại của Việt Nam được thiết kế và triển khai theo trục chủ thể (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại quốc hội, đối ngoại nhân dân), theo các nhóm đối tác (láng giềng, khu vực, nước lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác khác, đối ngoại đa phương), theo khuôn khổ (đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược theo lĩnh vực), theo trụ cột nội dung (ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài). Việc đi sâu vào một chủ đề/vấn đề/lĩnh vực (nhất là về phát triển) hay phương thức chuyên biệt, cụ thể, phù hợp với thế mạnh và lợi ích của Việt Nam đã có một số tiền lệ và bước đầu thử nghiệm, nhưng chủ yếu đặt trong tổng thể quan hệ với một số đối tác và tại một số diễn đàn đa phương, chưa trở thành một định hướng đối ngoại chung mang tính hệ thống, xuyên suốt, được triển khai bài bản, đồng bộ, rộng khắp với nhiều đối tác, tại nhiều diễn đàn, tạo nên “thương hiệu quốc gia” và hiệu ứng tổng thể phục vụ hiệu quả cho lợi ích của đất nước. Ngoại giao chuyên biệt trước hết là sự đề cao vai trò tích cực, chủ động, tiên phong của ngành ngoại giao trong tìm tòi cách làm mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn và xây dựng chiến lược dài hạn hiện thực hóa một số chủ đề, phương thức, lĩnh vực phù hợp với lợi ích, thế mạnh quốc gia và xu thế của quốc tế, qua đó kết hợp tối ưu hóa nguồn lực bên trong và bên ngoài, phục vụ hiệu quả nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là lợi ích phát triển. Theo đó, có thể xem xét hoạch định và triển khai chiến lược về ngoại giao trung gian - hòa giải, ngoại giao công chúng, ngoại giao số, ngoại giao công nghệ, ngoại giao năng lượng, ngoại giao nước, ngoại giao y tế, ngoại giao bình đẳng giới...
Ngoại giao chuyên biệt như một phương thức và công cụ sẽ mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, an ninh, phát triển và vị thế cho Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, góp phần định hình, làm phong phú thêm bản sắc đối ngoại, “thương hiệu quốc gia” của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà còn quan tâm, phối hợp, giúp đỡ các nước khác trong điều kiện, khả năng phù hợp.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề phi chính trị, ít nhạy cảm, giúp mở rộng không gian, dư địa chiến lược, qua đó tăng cường xây dựng lòng tin, đan xen lợi ích với các đối tác, vừa duy trì được khả năng độc lập, tự chủ, vừa đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa, phát huy vai trò, vị thế quốc tế của đất nước. Do đó, ngoại giao chuyên biệt đòi hỏi đáp ứng hai đặc tính cơ bản là lồng ghép chính sách (giữa đối ngoại và các lĩnh vực chuyên ngành) và phối hợp triển khai (giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện và các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương).
Thứ ba, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả hơn theo tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chọn lựa và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực/vấn đề phù hợp, mang tính chiến lược, dài hạn, qua đó thu hút, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực bên ngoài để tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới, cải cách, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Thứ tư, cụ thể hóa triển khai chủ trương đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các cơ chế đa phương có tầm quan trọng chiến lược với Việt Nam (trong đó có ASEAN), thông qua các sáng kiến, nỗ lực hợp tác trong những vấn đề/lĩnh vực cụ thể phù hợp với lợi ích, thế mạnh của ta và được khu vực, quốc tế quan tâm, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu; đa dạng hóa các liên kết, hợp tác theo vấn đề/lĩnh vực cụ thể với các nước cùng lợi ích/quan điểm (like-minded), góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, dân chủ hóa quan hệ quốc tế, xây dựng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Thứ năm, việc triển khai hiệu quả ngoại giao chuyên biệt phụ thuộc nhiều vào định hướng xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại thời gian tới(12); chú trọng nâng cao năng lực thể chế, phối hợp liên ngành (toàn chính phủ) và phát triển nguồn nhân lực công tác đối ngoại ở trong nước, đặc biệt là phát huy vai trò cầu nối, xúc tác, song hành của mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, được trang bị kiến thức tổng hợp, đa ngành và các kỹ năng phù hợp./.
--------------------------------
(1) Gareth Evans and Bruce Grant: Australia’s Foreign Relations in the World of the 1990s, Melbourne: Melbourne University Press, 1991, pp. 323
(2), (3) Xem: Vũ Lê Thái Hoàng - Lê Linh Lan: “Vai trò của ngoại giao đa phương trong chính sách đối ngoại của quốc gia tầm trung: Trường hợp của Indonesia”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 97, tháng 6-2014, tr. 87 - 116
(4) Henrikson, Alan K: “Niche diplomacy in the world public arena: The global ‘corners’ of Canada and Norway”, The new public diplomacy, Palgrave Macmillan, London, 2005, p. 71
(5) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, https://nhandan.com.vn/chinhtri/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-636568/, truy cập ngày 5-3-2021
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 326 - 327
(7) Xem: Lê Đình Tĩnh: “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2 (113), tháng 6-2018, tr. 22- 53; Lê Hồng Hiệp: “Đã đến lúc Việt Nam định vị mình là “cường quốc hạng trung””, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/da-den-luc-viet-nam-dinh-vi-minh-la-cuong-quoc-hang-trung-469844.html, ngày 17-8-2018
(8) Xem: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
(9) Xem thêm: Sách trắng Quốc phòng 2019, https://dskbd.org/2019/12/03/toan-van-sach-trang-quoc-phong-viet-nam-2019/
(10) Xem thêm: https://globalfirepower.com/countries-listings.asp, truy cập ngày 10-5-2020
(11) Xem: Lê Đình Tĩnh: “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2 (113), tháng 6-2018, tr. 47 - 48
(12) Xem: Phạm Bình Minh: “Hướng tới nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và những kỳ vọng đối với cán bộ ngoại giao tương lai”, https://baoquocte.vn/ngoai-giao-vie-t-nam-huong-toi-nen-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-va-nhung-ky-vong-doi-voi-can-bo-ngoai-giao-tuong-lai-136447.html, truy cập ngày 18-2-2021
Hoạch định chiến lược đối ngoại vì mục tiêu phát triển, an ninh và nâng cao vị thế Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  (11/05/2021)
Tổ chức hợp tác Thượng Hải trước cục diện thế giới đầy biến động  (22/01/2021)
Đối ngoại đa phương Việt Nam năm 2019: Những thành tựu ấn tượng  (08/02/2020)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm