Tổ chức hợp tác Thượng Hải trước cục diện thế giới đầy biến động
TCCS - Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) theo hình thức cầu truyền hình dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga V. Putin được tổ chức tại Nga (tháng 11-2020). Diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới đầy biến động, Hội nghị khẳng định SCO thống nhất lập trường tăng cường hợp tác quốc tế chống đại dịch COVID-19, cam kết duy trì hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc hướng tới xây dựng trật tự thế giới đa cực, tập trung nỗ lực hơn nữa để thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và các hiệp ước quốc tế để hóa giải các nguy cơ và thách thức có tính toàn cầu và chống lại mưu toan xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhìn lại tiến trình phát triển của SCO
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 gồm các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Ngoài Uzbekistan, các quốc gia khác đã là thành viên của một tổ chức mang tên Nhóm Thượng Hải-5 được thành lập năm vào 1996 theo sáng kiến của Trung Quốc. Năm 2001, sau khi kết nạp Uzbekistan, Nhóm Thượng Hải-5 đổi tên thành SCO như hiện nay.
Theo đề xuất của Trung Quốc, nhiệm vụ ban đầu của SCO chỉ là giải quyết những vấn đề liên quan tới tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước đây là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Sau khi kết nạp Uzbekistan và được chính thức thành lập vào năm 2001, SCO có thêm nhiệm vụ mới là chống ma túy, chủ nghĩa khủng bố và ly khai trong khu vực. Từ năm 2003, SCO bổ sung thêm hoạt động hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Năm 2005, SCO thông qua quy chế quan sát viên cho các nước Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ. Hiện nay, SCO đã mở rộng ảnh hưởng không chỉ ở Trung Á mà còn cả ở các nước Nam Á. Năm 2015, SCO chấp thuận đề xuất của Nga kết nạp Ấn Độ làm thành viên. Mỹ cũng đề nghị làm quan sát viên của SCO nhưng không được chấp nhận. SCO có tiềm lực rất lớn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng do chiếm 25% dân số thế giới và 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu. Theo giới phân tích, SCO có thể là một đối trọng mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Khối hiệp ước phòng thủ Warszawa tan rã.
Hiện tại, SCO đã nhận được đơn đề nghị của 16 quốc gia xin gia nhập với tư cách là thành viên chính thức, quan sát viên hoặc đối tác đối thoại. Các quốc gia quan sát viên của SCO là Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ. Trong đó, Iran đã nộp đơn gia nhập SCO vào năm 2008. Đến năm 2015, đơn của Iran vẫn không được thông qua do các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Afghanistan nộp đơn xin gia nhập SCO vào năm 2015 nhưng vẫn chưa được kết nạp do quốc gia này vẫn lâm vào tình cảnh bất ổn về an ninh. Trong số các đối tác đối thoại của SCO có Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka. Có nhiều khả năng Armenia, Azerbaijan sẽ trở thành quốc gia quan sát viên trong tương lai gần.
Tham gia SCO, mỗi quốc gia thành viên, quan sát viên hay đối tác đều theo đuổi các lợi ích riêng. Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình xây dựng các cấu trúc quốc tế, trong đó có SCO, để tập hợp lực lượng nhằm đối phó với sự cạnh tranh chiến lược toàn diện từ phía Mỹ. Trước hết, Trung Quốc muốn thông qua SCO để duy trì tiến trình thực thi Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) hiện đang gặp trở ngại. Tính đến đầu năm 2020, Trung Quốc đã ký 197 văn bản hợp tác trong khuôn khổ BRI với 137 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc thực thi các dự án đã ký kết trở nên khó khăn. Không chỉ Trung Quốc mà cả Nga cũng đang phải đối mặt với cuộc tấn công ngoại giao toàn diện của Mỹ và do đó, cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ SCO. Iran mặc dù chưa được kết nạp vào SCO, cũng muốn thông qua quan hệ hợp tác với SCO để đối phó với chiến dịch cấm vận từ phía Mỹ.
Bối cảnh diễn ra Hội nghị
Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2020 diễn ra trong bối cảnh thế giới đầy biến động do tác động của đại dịch COVID-19, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chống toàn cầu hóa, chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các điểm nóng trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và vai trò của Liên hợp quốc bị thách thức. Do vậy, trước đó, tham dự Diễn đàn Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) và Diễn đàn Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra kiến nghị gồm 5 điểm: 1- Thế giới cần chung tay đối phó với đại dịch COVID-19 và xây dựng cộng đồng y tế sức khỏe nhân loại, trong đó vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 không thể là độc quyền của một quốc gia nào; 2- Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, duy trì vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, phản đối hành động vi phạm cam kết quốc tế, sự khiêu khích đối đầu ý thức hệ và chế độ xã hội; 3- Thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới, thiết lập “làn xanh” để tạo điều kiện cho người và hàng hóa xuất nhập cảnh, duy trì thể chế thương mại đa phương, tạo thuận lợi tự do hóa đầu tư, thương mại, phản đối hành động trừng phạt đơn phương, thúc đẩy các nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng; 4- Thúc đẩy tiến trình giải quyết các điểm nóng bằng giải pháp chính trị, trong đó Liên hợp quốc cần phát huy vai trò cầu nối và hòa giải; 5- Phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ nước khác và các toan tính kích động “cách mạng màu”.
Đối với SCO, bối cảnh có tác động trực tiếp là căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa ba thành viên của tổ chức này là Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan xuất phát từ sự khác biệt trong quan điểm về cách thức hóa giải căng thẳng trong khu vực. Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phương Hòa đã có cuộc gặp tại Moscow (Nga) bên lề cuộc họp những người đứng đầu Bộ Quốc phòng các nước thành viên SCO và Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Tuy nhiên, cuộc gặp này đã không đạt được thỏa thuận nào.
Trong bối cảnh đó, chủ đề chính của Hội nghị lần này là hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề an ninh quan trọng trong không gian địa - chính trị Âu - Á. Theo Tổng thống V. Putin, với vai trò là nước Chủ tịch SCO năm 2020, Nga bày tỏ hài lòng về việc tăng cường tương tác trong khuôn khổ SCO. Theo nhận định của Tổng thống V. Putin, tình hình an ninh trên lục địa Âu - Á và các khu vực lân cận đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của SCO, trong đó có tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn ở Afghanistan, các cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi chưa hề lắng dịu, chủ nghĩa khủng bố vẫn hoành hành và là mối đe dọa nghiêm trọng, hoạt động buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng đang gia tăng. Do đó, SCO cần tăng cường nỗ lực để mở rộng sự tương tác của các nước thành viên.
Kết quả của Hội nghị
Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chính trị về cách tiếp cận thống nhất của các quốc gia thành viên đối với các nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế; bản dự thảo Kế hoạch hành động của SCO trong giai đoạn 2021 - 2025 về thực hiện Chiến lược phát triển của SCO đến năm 2025; chủ trương hợp tác giữa SCO với các tổ chức và diễn đàn quốc tế khác, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuyên bố chung Moscow của Hội đồng nguyên thủ các quốc gia thành viên SCO gồm nhiều nội dung, trong đó có 11 nội dung cơ bản sau(1):
Một là, cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng trật tự thế giới đa cực dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, chủ nghĩa đa phương; phản đối chính sách đối đầu và xung đột; củng cố an ninh ổn định trên phạm vi toàn cầu cũng như khu vực; tái khẳng định tính cấp thiết của các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong xây dựng quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, công bằng, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi.
Hai là, bày tỏ quan ngại sâu sắc về quy mô và tính liên kết ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm mạng; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực chung để chống lại các nguy cơ và mối đe dọa an ninh; nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực quốc tế nhằm chống lại các mưu toan lôi kéo giới trẻ tham gia các hoạt động của các nhóm khủng bố, ly khai và cực đoan.
Ba là, nhấn mạnh không được phép sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, chủ yếu là mạng internet, để truyền bá tư tưởng khủng bố và cực đoan, can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. SCO cam kết cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh chống các hoạt động sản xuất, buôn bán và lạm dụng trái phép chất ma túy và chất độc thần kinh.
Bốn là, kiên quyết ủng hộ việc duy trì và củng cố các chuẩn mực và cơ chế hiện có để duy trì ổn định toàn cầu và kiểm soát vũ khí; bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương làm suy yếu các cơ chế này và lấy làm tiếc về việc Mỹ đơn phương chấm dứt Hiệp ước về hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ký kết với Liên Xô năm 1987; ủng hộ việc thực hiện bền vững Kế hoạch hành động chung toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran và kêu gọi tất cả các bên tham gia kế hoạch này thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm là, nhanh chóng tuân thủ Nghị định thư về thực hiện Hiệp ước về khu vực cấm vũ khí hạt nhân ở Trung Á năm 2014 và tin tưởng rằng, tất cả các quốc gia ký kết sẽ đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm an ninh khu vực và củng cố chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tái khẳng định tầm quan trọng của Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí sinh học và chất độc; đồng thời, kêu gọi sớm khởi động các cuộc đàm phán đa phương về một công ước quốc tế về ngăn chặn các hành vi khủng bố hóa học và sinh học tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva (Thụy Sĩ). Khẳng định tầm quan trọng của việc ký kết Hiệp ước quốc tế về cấm bố trí tất cả các loại vũ khí trong vũ trụ nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ủng hộ các nỗ lực nhằm ngăn cấm bố trí vũ khí trong không gian vũ trụ dưới mọi hình thức; khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt các thể chế pháp lý hiện hành để sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình.
Sáu là, hoan nghênh những nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình ở Afghanistan thông qua đối thoại. Tái khẳng định lập trường chung là không có giải pháp nào thay thế giải pháp chính trị để giải quyết cuộc xung đột ở Syria trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này thông qua đối thoại theo tinh thần của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái thiết hòa bình ở Syria.
Bảy là, nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hợp tác đa phương nhằm khôi phục sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu; tạo môi trường công bằng, không phân biệt đối xử và minh bạch cho thương mại và đầu tư; nhấn mạnh vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong cuộc thảo luận về chương trình thương mại quốc tế; ủng hộ việc phát triển tương tác nhằm chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ đơn phương; hình thành nền kinh tế thế giới mở, củng cố hệ thống thương mại đa phương và minh bạch dựa trên luật lệ; cần chú ý thực hiện Chương trình hợp tác kinh tế và thương mại đa phương của các quốc gia thành viên SCO; khẳng định nỗ quốc tế nhằm cung cấp thông tin nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số; hỗ trợ phát triển công nghệ số dựa trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng.
Tám là, nhấn mạnh sự tương tác hiệu quả của các cơ quan dịch vụ vệ sinh và dịch tễ cũng như của Bộ Y tế của các quốc gia thành viên SCO trong việc giữ gìn sức khỏe và bảo đảm đời sống của người dân, cung cấp cho công dân các dịch vụ bảo đảm y tế, xã hội và các biện pháp khác trong điều kiện đại dịch COVID-19.
Chín là, nhân dịp kỷ niệm 75 năm kết thúcChiến tranh thế giới thứ hai và 75 năm thành lập Liên hợp quốc, các nước thành viên SCO khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của nỗ lực hợp tác và hy sinh của các dân tộc trong cuộc đấu tranh để đánh bại chủ nghĩa phát xít, kiên quyết chống mọi mưu toan xuyên tạc lịch sử về cuộc chiến tranh này; tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Liên hợp quốc với tư cách là một tổ chức đa phương toàn cầu, đóng vai trò trung tâm và điều phối trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển toàn cầu và bảo vệ quyền con người; kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới công bằng, an toàn và an ninh cho tất cả thành viên của Liên hợp quốc
Mười là, tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến việc triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác SCO về an ninh lương thực
Mười một là, Hội nghị đánh giá cao các hoạt động của Nga trong vai trò là Chủ tịch SCO nhiệm kỳ năm 2020./.
--------------------
(1) Московская декларация Совета глав государств-членов Шанхайской организации сотрудничества,https://sco-russia2020.ru/images/108/44/1084409.pdfTỉnh Đồng Nai duy trì kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn  (25/11/2020)
Chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh tế Trung Quốc năm 2020  (09/11/2020)
Kinh tế thế giới trước dịch bệnh COVID-19  (30/10/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam