Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh cải cách hành chính trên nền tảng chuyển đổi số
TCCS - Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện theo hướng tích cực, chủ động, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2021, thành phố triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), hệ thống thông tin báo cáo cấp thành phố. Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, thành phố đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung, tạo nền tảng hình thành và từng bước xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số. Nhờ đó, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của thành phố đã hoàn thiện và được triển khai đến 100% số xã, phường thị trấn, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội với băng thông 100 Mbps bảo đảm an toàn, bảo mật. Tỷ lệ cơ quan có mạng cục bộ (LAN) trên toàn thành phố đạt 100%. Trung tâm dữ liệu thành phố duy trì, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố, như: Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Cổng thông tin điện tử, email, quản lý văn bản và điều hành, hội nghị truyền hình... Trong xu thế điện tử hóa, số hóa gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện và đã tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, với hơn 909 thủ tục hành chính, liên thông từ Cổng Dịch công quốc gia với Cổng Dịch vụ công thành phố.
Song song đó, thành phố xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ, như hệ thống thư điện tử để phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị; hệ thống quản lý văn bản và điều hành được hỗ trợ cài đặt trên thiết bị di động có tích hợp chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, công chức xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi; triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đến nay, ở hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến các xã, phường, thị trấn, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai CÐS trong các cơ quan nhà nước đã gắn kết với công tác CCHC. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CCHC gắn với CĐS được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như các phương tiện truyền thông đại chúng, cổng và trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, mạng xã hội, các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn thành phố.
Năm 2023, chỉ số CCHC (PAR INDEX) cấp sở của thành phố Cần Thơ đạt 92,27%, tăng 1,76% so với năm 2022. Đây là năm thứ ba liên tiếp, giá trị trung bình của chỉ số CCHC cấp sở tăng và là năm thứ hai thành phố có 16/16 đơn vị đạt kết quả chỉ số CCHC trên 80%, trong đó có 5 đơn vị đạt xếp loại rất tốt. Chỉ số CCHC cấp huyện năm 2023 của Cần Thơ có giá trị trung bình là 93,93%, tăng 6,42% so với năm 2022.
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng theo Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS thành phố Cần Thơ, công tác CCHC gắn với CĐS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đến nay, một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục, giao thông vận tải… còn rời rạc, dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ, thiếu chính xác, chưa tích hợp về kho dữ liệu dùng chung của thành phố, làm ảnh hưởng chung đến công tác CCHC. Trang thiết bị máy tính, thiết bị thông tin ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, đặc biệt là sử dụng để vận hành các phần mềm còn chậm, dẫn đến khó khăn trong công tác số hóa văn bản, làm chậm tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn một số ít cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, chưa chủ động tham gia xử lý, giải quyết công việc trên môi trường số; một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác an toàn thông tin mạng…
Để nâng cao hiệu quả CCHC gắn với CĐS, trong Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Cần Thơ xác định mục tiêu phấn đấu vào nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện CĐS tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Để phát triển chính quyền số, thành phố sẽ tập trung trung thực hiện 3 nội dung là: Phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ; phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Một số lĩnh vực được xác định ưu tiên CĐS là y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, du lịch.
Giải pháp đột phá CCHC giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của thành phố Cần Thơ là CĐS nhanh chóng và toàn diện nền hành chính công. Mục tiêu hướng đến là tạo được nền tảng số để người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với chính quyền không cần phải trực tiếp đến các cơ quan nhà nước mà chỉ cần giao dịch trực tiếp qua mạng. Trong năm 2024, Cần Thơ phấn đấu lọt nhóm 20 tỉnh, thành phố trong nước dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số CCHC, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); đồng thời, phấn đấu thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS tốt thông qua việc giữ vững chỉ số CĐS (DTI) hạng 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để đạt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS thành phố Cần Thơ xác định thời gian tới sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích hợp dữ liệu (về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, giáo dục...) tại các cơ quan, đơn vị về kho dữ liệu của thành phố để chia sẻ, phục vụ công tác quản lý, điều hành của các các cấp, các ngành. Thành phố cũng sẽ thiết lập, tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu vào Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử để tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân; triển khai rộng rãi việc ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử. Thành phố xác định sẽ tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến dịch vụ công, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án trọng điểm trên địa bàn./.
Thành phố Cần Thơ huy động nhiều nguồn lực xây dựng xã hội học tập  (04/11/2024)
Thành phố Cần Thơ củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở  (03/11/2024)
Hai mươi năm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ: Hướng đến tầm nhìn và khát vọng phát triển mới  (18/02/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên