Thành phố Cần Thơ củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở
TCCS - Thời gian qua, lãnh đạo thành phố và ngành y tế Cần Thơ đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở. Những chủ trương này nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 có 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Cần Thơ, hệ thống y tế cơ sở (YTCS) của thành phố hiện gồm 3 bệnh viện, 9 trung tâm y tế tuyến quận, huyện với 990 giường bệnh; 80 trạm y tế (TYT) tuyến xã, phường, thị trấn; 7 bệnh viện tư nhân (900 giường bệnh) tham gia khám, chữa bệnh ban đầu theo diện bảo hiểm y tế. Ngoài 1.950 cán bộ, nhân viên y tế cấp huyện, xã, thành phố còn có 106 bác sĩ được đào tạo về y học gia đình, 563 nhân viên y tế ấp, khu vực và 2.673 cộng tác viên y tế. Đến nay, 100% số TYT đã có bác sĩ, cán bộ y học cổ truyền; 87,5% có cán bộ sản - phụ khoa và 82,9% có dược sĩ; 100% số TYT đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 80% số TYT trực thuộc các trung tâm y tế quận, huyện bảo đảm năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng.
Từ năm 2017, Sở Y tế thành phố Cần Thơ triển khai thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình kết hợp với phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân tại 18 TYT ở 9 quận, huyện; đến năm 2020, có 63/82 TYT hoạt động lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ phòng khám bác sĩ gia đình. Đến nay, thành phố đã khánh thành mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 3 TYT ở phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt), xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh), phường Thường Thạnh (quận Cái Răng). Đây là những mô hình thí điểm để ngành y tế thành phố rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện phương thức hoạt động, từ đó nhân rộng ở các quận, huyện trong thời gian tới. Để tăng nguồn tài chính đầu tư trang thiết bị y tế cho các TYT, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2011 - 2020, hằng năm, Sở Y tế thành phố đều tổ chức Lễ đi bộ hướng về YTCS và kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp để phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống YTCS. Nhờ đó, đến nay, tất cả các TYT đều được trang bị máy vi tính, máy in, máy quét mã vạch, máy đo đường huyết, các bộ tiểu phẫu, dụng cụ sơ cấp cứu, đỡ đẻ, chăm sóc bà mẹ - trẻ em, khám phụ khoa; 39 TYT được trang bị máy siêu âm; 67 TYT có máy điện tim; 79 TYT có máy khí dung.
Trong nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống YTCS, năm 2017, Sở Y tế thành phố đặt hàng Công ty TNHH Giải pháp kỹ thuật số DH viết phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố để cấp máy chủ ảo cho ngành y tế nhằm lưu trữ và khai thác dữ liệu liên quan đến hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn. Đến cuối năm 2023, ngành y tế đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe cho 1.284.123 người (chiếm 99,2% dân số thành phố), với hơn 7,07 triệu lượt khám, chữa bệnh được liên thông. Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng “Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ” (https://medpro.vn/s/getapp-cssk-can-tho). Đây là ứng dụng được phát triển với mục đích cung cấp các giải pháp y tế thông minh, hiện đại, hỗ trợ người dân đặt lịch khám bệnh, đăng ký xét nghiệm, tiêm chủng và nhiều dịch vụ khác. Ứng dụng còn tạo sự kết nối các cơ sở y tế trên địa bàn, mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Nhờ được đầu tư tăng cường về nhân lực, trang thiết bị, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nên khoảng cách khám, chữa bệnh giữa YTCS với tuyến trên ngày càng được rút ngắn, giảm bớt áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến thành phố, trung ương trên địa bàn.
Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống YTCS của thành phố Cần Thơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Cụ thể là danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế tại tuyến YTCS còn ít so với tuyến trên; quỹ bảo hiểm y tế phân bổ cho YTCS chưa cao; TYT tuyến xã còn phụ thuộc cung ứng thuốc, thiết bị y tế và ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thông qua bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện. Nhiều trung tâm y tế trên địa bàn thành phố hiện chưa xây dựng được giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; quy chế chi tiêu nội bộ tại các trung tâm y tế, TYT chưa được điều chỉnh phù hợp thực tế. Mặc dù đã thiết lập được app “Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ”, áp dụng sổ sức khỏe điện tử trên app VneID, nhưng việc cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân vẫn chưa liên tục, chưa đồng bộ. Ngoài ra, chất lượng hoạt động của hệ thống YTCS hạn chế còn do thiếu cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; bác sĩ y học gia đình hiện chưa có mã đăng ký tài khoản khám, chữa bệnh trên Cổng giám định Bảo hiểm xã hội; quy định vị trí việc làm của cán bộ, nhân viên YTCS chưa phù hợp; nhiều TYT thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp…
Để củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của YTCS, thành phố Cần Thơ xác định, thời gian tới tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25-10-2023, của Ban Bí thư, “về Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới”. Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thành phố sẽ rà soát và đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc YTCS theo phân cấp ngân sách; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho YTCS. Để đổi mới phương thức hoạt động của YTCS, yêu cầu hàng đầu là tăng cường kết nối giữa YTCS với tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh. Thành phố tiếp tục phát triển mô hình bác sĩ gia đình; tăng cường chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến thành phố cho tuyến quận, huyện; ưu tiên đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình để làm việc tại các quận, huyện và xã, phường, thị trấn; điều động bác sĩ tuyến quận, huyện và chuyên gia hỗ trợ các TYT./.
Hai mươi năm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ: Hướng đến tầm nhìn và khát vọng phát triển mới  (18/02/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, tặng quà, chúc tết tại thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên