Giữ vững vai trò đầu tàu của dầu khí đối với nền kinh tế
TCCS - Năm 2024, ngành dầu khí tiếp tục là một trong những trụ cột kinh tế, đóng góp khoảng 9 - 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm từ 9 - 9,5% tổng thu ngân sách nhà nước. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của ngành trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp vào an sinh xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Một số thành tựu nổi bật
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển ổn định, bền vững. Hoàn thành Đề án điều chỉnh và thay thế Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015, về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Ngày 24-11-2023, Ban Kinh tế Trung ương đã trình Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết mới, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển bền vững. Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023 và Nghị định 45/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-7-2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí là khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí.
Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg, ngày 25-10-2023; khẳng định phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực.
Kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến hết năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 117/QĐ-TTg, ngày 12-12-2023. Hiệp định Liên chính phủ về hoạt động của Vietsovpetro (VSP) và Russvietpetro (RVP): được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Nghị quyết số 216/NQ-CP, ngày 15-12-2023 và Tổng thống Liên bang Nga ban hành Luật Liên bang phê chuẩn ngày 19-12-2023.
Phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái PVN góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới. Trong đó nổi bật: BSR đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; PVChem phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/Compound từ bột PP. Với tổng số 17 sáng kiến cấp Tập đoàn, 471 sáng kiến cấp cơ sở áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại giá trị trên 1.246 tỷ đồng.
Tập đoàn tập trung đánh giá, nghiên cứu xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh. Trong đó hướng tới điện gió ngoài khơi để phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng của Petrovietnam. PTSC đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd (SCU) đầu tư xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam; và tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan (Trung Quốc) tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực.
Về kết quả cụ thể, theo thống kê của PVN, giá dầu thô trung bình tháng 9 và 9 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Cùng xu hướng giá dầu, giá các loại sản phẩm xăng dầu tháng 9 cũng giảm từ 3 - 8% so với trung bình tháng trước. Ngược lại, giá khí, phân bón, thép có xu hướng tăng. Trong bối cảnh đó, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản trị, các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của PVN đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Chín tháng năm 2024, sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn đạt 7,43 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch 9 tháng; tổng doanh thu ước đạt 736,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, về đích trước 3 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023; nộp ngân sách nhà nước đạt 115,2 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm, về đích trước 4 tháng, tăng 9%. Tập đoàn đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Hội đồng Thành viên giao, về đích trước từ 3 đến 5 tháng.
Theo Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2024, Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm nay lần lượt bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phẩn đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Quân đội (MBBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Các doanh nghiệp trong PROFIT500 cho thấy năng lực quản lý, chiến lược kinh doanh hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường với lợi nhuận là thước đo trực quan và minh bạch nhất về hiệu quả kinh doanh, tạo niềm tin cho cổ đông và thu hút đầu tư. Việc ghi nhận này không chỉ khẳng định giá trị thực tế của doanh nghiệp mà còn thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích doanh nghiệp khác cải tiến, đổi mới. Quan trọng hơn cả, việc xếp hạng và tôn vinh còn nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó duy trì vị thế dẫn đầu và mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
Tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu nền kinh tế
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức cũng mở ra cơ hội cho ngành dầu khí nếu kịp thời nắm bắt và phát huy được thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành dầu khí. Theo đó, PVN tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển nhanh và bền vững; hoàn thiện hạ tầng ngành dầu khí theo hướng đồng bộ, thông minh, đạt trình độ tiên tiến khu vực các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và xu thế chuyển dịch năng lượng; nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ đòi hỏi ngành dầu khí cần quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, nhất là hạ tầng số gắn với thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ... để các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển ngành dầu khí đi vào cuộc sống, cần sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng cần nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ từ thể chế hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, đồng thời với công tác giám sát, kiểm tra thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, PVN tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển, quản trị tốt danh mục dự án đầu tư; xây dựng chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại PVN theo mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tiếp tục giữ vững thị phần lĩnh vực dầu khí truyền thống với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở rộng lĩnh vực hoạt động thông qua tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ tài nguyên, môi trường./.
Chuyển đổi số tại Petrovietnam: Lợi ích, thách thức và một số giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số  (08/12/2024)
Một số cơ hội và thách thức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng  (08/12/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay