NATO sẽ đi về đâu?
TCCSĐT - Càng ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mất phương hướng. Lúng túng giữa quá nhiều nhiệm vụ khác xa với mục tiêu ban đầu, thật khó tìm được sự đồng thuận giữa các thành viên đã trở nên quá đông đảo của tổ chức này. NATO sẽ đi về đâu? Một câu hỏi không dễ trả lời đối với tân Tổng thư ký An-đéc Rát-mút-xen (Anders Rasmussen) mới nhậm chức ngày 1-8-2009.
NATO đang lạc lối
NATO được thành lập năm 1949 như một liên minh quân sự giữa các nước Bắc Mỹ và Tây Âu nhằm ngăn chặn sự lan rộng ảnh hưởng của Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, tổ chức này đã không giải thể. Để lý giải cho sự tồn tại của mình, NATO ra sức thổi phồng mối hiểm họa của Nga đối với an ninh châu Âu. Trên cơ sở đó, họ ồ ạt kết nạp thêm những thành viên mới, chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô trước đây và khối Vác-sa-va, trong một chương trình “Đông tiến” rầm rộ nhằm cô lập “con gấu Nga”.
Mục tiêu cơ bản nhất là ngăn chặn Liên Xô đã không còn, NATO có thể tự cho phép mình vượt ra ngoài biên giới các nước thành viên để can thiệp vào những vấn đề quốc tế khác. Chẳng hạn, NATO đã tiến hành những chiến dịch tiến công quân sự nhằm “giải phóng” Cô-xô-vô, bắt giữ Tổng thống Nam Tư,... Từ một tổ chức làm chức năng phòng thủ, NATO đã trở thành một tổ chức quân sự tiến công, trở thành mối đe dọa với các nước bên ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh trên thế giới không có một thế lực quân sự nào đủ sức làm đối trọng với nó.
Đòn tiến công nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 mở ra một cơ hội lớn cho NATO. Ban lãnh đạo tổ chức này lập tức viện vào điều 5 của Hiệp ước, theo đó việc tiến công quân sự nhằm vào một thành viên của tổ chức được coi như nhằm vào tất cả, và mọi thành viên NATO có trách nhiệm dùng các biện pháp, kể cả sử dụng sức mạnh quân sự, để tái lập và đảm bảo an ninh trong khu vực Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Mỹ không mấy mặn mà với sự tham gia chống khủng bố của NATO và đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố với một vài nước đồng minh thân cận, chứ không phải với toàn bộ NATO. NATO chỉ được giao một vài công việc mờ nhạt sau khi phần gay cấn nhất của cuộc chiến đã hoàn thành và các thành viên đã tranh luận với nhau đến phát chán.
Không được gánh những trách nhiệm quân sự quan trọng, NATO mở rộng sự quan tâm của mình sang các lĩnh vực khác như cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, duy trì nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu,… Từ một tổ chức quân sự, NATO đang muốn đảm đương những nhiệm vụ hoàn toàn phi quân sự.
Như vậy, suốt từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, NATO đã cố gắng duy trì sự tồn tại của mình bằng cách tự nhận những trách nhiệm quốc tế rất khác với mục tiêu ban đầu. Nó đang lúng túng trong việc xác định lại mục tiêu để lý giải cho sự tiếp tục tồn tại của nó.
Quá nhiều bất đồng
Sự tan rã của Liên Xô (và Hiệp ước Vác-sa-va) mở ra cơ hội cho NATO kết nạp ồ ạt các thành viên mới, nâng số lượng thành viên lên tới con số 28, gấp đôi so với trước. Cuộc “Đông tiến” của NATO chỉ dừng lại trước U-crai-na và Gru-di-a sau khi vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Nga.
Với số lượng thành viên quá nhiều như vậy, NATO trở thành một tổ chức quân sự kém hiệu quả. Mọi quyết định đều phải trải qua một chuỗi những tranh cãi mất rất nhiều công sức và thời gian. Chẳng hạn, những cuộc ném bom Xéc-bi-a chỉ được tiến hành sau khi các nước thành viên NATO đã tranh cãi “đến mức không còn chi tiết nào để tranh cãi thêm nữa”.
Chính sự chậm trễ trong việc ra quyết định trong cuộc chiến ở Cô-sô-vô đã khiến Mỹ “phớt lờ” NATO và thi hành một chính sách đơn phương, tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc với một vài đồng minh thân cận, chứ không phải với tổ chức NATO. Ngay cả năm 2003, khi NATO bắt đầu hiện diện trên chiến trường Áp-ga-ni-xtan với tư cách một tổ chức, nó cũng phải mất 3 năm để các thành viên tranh luận với nhau và thêm 2 năm nữa mới thông qua được bản “Tầm nhìn chiến lược” cho chiến cuộc Áp-ga-ni-xtan.
Bất đồng trong việc nhìn nhận vấn đề Áp-ga-ni-xtan và I-rắc khiến binh sĩ NATO ở đây chia thành ba loại. Trong đó, binh sĩ Mỹ gánh những nhiệm vụ quân sự quan trọng nhất. Binh sĩ các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ làm những công việc “vừa vừa”. Cuối cùng là binh sĩ các nước thành viên NATO còn lại: họ đến cho có mặt rồi vội vã tìm một nơi an toàn nào đó để đóng quân.
Tổng thư ký cuối cùng?
Cơ chế an ninh châu Âu được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh lạnh với tư duy địch - ta đậm nét đang trở nên lỗi thời trước xu hướng hình thành một thế giới đa cực, đa diện như hiện nay. Có thể nói, NATO đang đứng giữa ngã ba đường. Từ mục tiêu được lập ra để ngăn chặn Liên Xô, nó trở nên lúng túng sau khi mục tiêu đó đã không còn nữa. Từ một liên minh mang tính chất phòng thủ, nó đang trở thành một lực lượng vũ trang mang tính tiến công. Từ một tổ chức quân sự, nó đang muốn ôm vào lòng những nhiệm vụ hoàn toàn xa lạ với quân sự.
Khó khăn trong việc tái định vị mục tiêu cũng như những bất đồng ngày càng gia tăng giữa các thành viên trong hầu hết các vấn đề khiến NATO phải nhanh chóng soạn thảo một chiến lược mới thay thế cho chiến lược được thông qua năm 1999 của mình. Trách nhiệm đó đang được đặt lên vai vị Tổng thư ký mới của tổ chức này. Nếu công việc đó không thành công, có thể, như cách nói của Báo Guardian (Anh), An-đéc Rát-mút-xen sẽ “đi vào lịch sử với tư cách vị Tổng thư ký cuối cùng của NATO”. /.
Xây dựng ASEAN dân chủ, vững bền  (06/08/2009)
Khai mạc Đại hội đồng AIPA-30  (05/08/2009)
“Cuộc chiến tranh năm ngày” ở Nam Ô-xê-ti-a sau một năm nhìn lại  (05/08/2009)
Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới (WITFOR) 2009  (05/08/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển