Trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc đang đặt ra khá nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả ở phương diện lý luận lẫn thực tiễn.

1. Từ khái niệm di sản văn hóa phi vật thể...

Khái niệm di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO sử dụng trong Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng và các nhóm và trong một số trường hợp là cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng, các nhóm không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

Xác định thế nào là di sản văn hóa phi vật thể, điều 4 của Luật Di sản văn hóa ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác”(1).

Với một đất nước mà đến nay nông dân vẫn chiếm khoảng 70% dân số thì những di sản văn hóa phi vật thể chính là những sáng tạo của người nông dân, dù là họ sinh sống nơi núi cao, hay miền đồng bằng, châu thổ qua tiến trình lịch sử. Đặc điểm này chi phối di sản văn hóa phi vật thể cả về nội dung, giá trị, phương thức biểu hiện lẫn phương thức trình diễn, phương thức lưu truyền... Phương thức canh tác của những nông dân là trồng lúa, có thể là lúa nước nơi đồng bằng, châu thổ, có thể là lúa khô nơi nương rẫy. Chính phương thức canh tác này sẽ lại là yếu tố chi phối những di sản văn hóa phi vật thể cả về nội dung và hình thức lẫn phương thức lưu truyền, tái tạo. Là sáng tạo của nông dân, cho nên phương thức sáng tạo của những sáng tác phi vật thể sẽ truyền miệng, sự tồn tại của bản thân những sáng tác ấy cũng sẽ là truyền miệng, dạng thức tồn tại bằng văn bản của các di sản văn hóa phi vật thể không nhiều. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa hay nói tới dạng thức tồn tại trong tâm thức các thế hệ con người của nó. Đặt những di sản văn hóa phi vật thể ấy trong tương quan với chủ thể sáng tạo, chúng ra sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích cho công tác sưu tầm, nghiên cứu lẫn bảo tồn và phát huy.

Nhìn di sản văn hóa phi vật thể từ góc độ chủ thể sáng tạo, chúng ta cần ý thức hơn nữa về quá trình sáng tạo, lưu truyền loại hình di sản văn hóa này. Bộ phận quan trọng nhất của di sản văn hóa phi vật thể là những sáng tác folklore. Khởi nguyên, cội nguồn của sự sáng tạo văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể là của những cá thể. Trong xã hội Việt Nam cổ truyền, những cá thể ấy có thể là người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng cũng có thể là người thợ thủ công, cũng có thể là các nhà nho. Chẳng hạn, khá nhiều lời ca trong hát phường vải Nghệ An là sáng tạo của các nhà nho. Nguyễn Du, Phan Bội Châu... lúc sinh thời, từng là những “thành viên” rất tích cực và say mê hát phường vải. Nhìn vai trò của các cá thể trong sáng tạo văn hóa phi vật thể, chúng ta lại phải nhìn thấy trong quá khứ, các cá thể này gồm rất nhiều loại người khác nhau, có thể đó là người nông dân, cũng có thể đó là một nhà thơ, cũng có thể là nhà sư, một thầy thuốc, một già làng. Lâu nay, chúng ta quen gọi, đó là các nghệ nhân, nhưng khi đặt những con người ấy vào quá trình sáng tác folklore, quá trình sáng tác di sản văn hóa phi vật thể phải thấy chính đấy là những nhân vật đóng vai chủ thể sáng tạo của văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng. Như vậy, chủ thể sáng tạo văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể không chỉ là nông dân.

Nói đến môi trường sinh thành, lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể, người ta hay nói đến làng xã. Thế nhưng, ở nước ta, làng xã lại là đơn vị xã hội gắn bó với tộc người, bản thân làng xã của một tộc người cũng có những nét khác biệt khi nó vận động trong không gian. Với người Kinh (Việt), nhìn ở phương diện không gian, làng Việt có sự khác nhau về một số phương diện khi đặt trong cùng hệ để so sánh. Làng Việt ở Bắc Bộ có những khác biệt với làng Việt ở Nam Bộ và Trung Bộ ở nguồn gốc hình thành, đặc điểm quần cư, cơ cấu tổ chức, quan hệ sở hữu, các loại dân cư...

Trên góc độ nghề nghiệp, làng của người Việt có thể tạm chia thành hai loại: làng của ngư dân (làng vạn chài) và làng của những cư dân sống bằng nghề trồng lúa nước. Hai loại làng này rõ ràng có những nét khác nhau trong cảm quan về thiên nhiên, trong ứng xử với thiên nhiên cũng như trong quan hệ xã hội, trong cộng đồng. Nếu như làng xã của cư dân trồng lúa nước thờ thành hoàng thì cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản lại thờ cúng cá voi/cá ông, nếu như cư dân sống bằng nghề lúa nước có ruộng đình để lấy kinh phí tổ chức lễ hội hằng năm thì ngư dân lại đóng góp một khoản kinh phí để tổ chức lễ hội mà ngư dân gọi là tiền chề. Người dân trồng lúa nước cầu mong mùa màng bội thu thì người dân đánh bắt hải sản cầu mong được trúng mùa cá. Làng xã của cư dân nông nghiệp sống bằng nghề trồng lúa nước có sự gắn kết chặt chẽ hơn làng xã của cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản nơi biển khơi. Bởi mỗi bên khác nhau ở sự phụ thuộc lẫn nhau hay không trong quá trình sản xuất.

Trên góc độ tộc người, làng xã của người dân tộc thiểu số khác với làng xã của người Kinh (Việt) với tư cách là tộc người chủ thể. Nếu như trong một thời kỳ dài trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng xã của người Kinh (Việt) là một “nước cộng hòa tự trị bé nhỏ” - chữ dùng của Pôn Đume - thì làng xã của các tộc người thiểu số, dù dưới các tên gọi khác nhau: phum, sor với người Khơ Me, bon với người Mạ, plei với người Gia Rai, plơi với người Ba Na, buôn với người Ê Đê, bản với người Tày... lại là những cộng đồng xã hội mang tính chất tự quản rất cao.

Làng xã của những cộng đồng này là những đơn vị xã hội của các dân tộc rất khác nhau trong sự phát triển trên hành trình lịch sử, có dân tộc đã ở chặng đường phát triển của phương thức sản xuất phong kiến, có dân tộc lại còn đang ở đêm cuối của chế độ cộng sản nguyên thủy. Rồi tất cả các dân tộc đều chịu sự xâm lược của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, chính cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất rồi lần thứ hai, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đưa các dân tộc ở nước ta cùng đến với hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại, để rồi chiến thắng trong chống ngoại xâm, cùng bước vào chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

2. Đến chính sách đối với di sản văn hóa phi vật thể

Nghiên cứu chính sách đối với di sản văn hóa phi vật thể của Đảng và Nhà nước ta, phải nghiên cứu từ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao giá trị của các sáng tác dân gian, một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Năm 1958, tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Những câu tục ngữ, những câu vè, cao dao rất hay là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Các cán bộ văn hóa cần phải giúp sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý.

Đảng ta luôn khẳng định chủ trương: Nhà nước cùng nhân dân giữ gìn và tôn tạo những di tích lịch sử văn hóa. Hoàn thành việc sưu tầm vốn văn hóa văn nghệ các dân tộc. Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian) văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, từ năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 25/TTg về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, xác định: Đầu tư 100% cho việc sưu tầm, chỉnh lý biên soạn, bảo quản lâu dài phổ biến các sản phẩm văn hóa tinh thần như văn học dân gian, các điệu múa, các làn điệu âm nhạc của các dân tộc, giữ gìn các nghề thủ công truyền thống. Luật Di sản văn hóa đã dành trọn vẹn chương II, từ điều 17 đến điều 21 để đề cập vấn đề di sản văn hóa phi vật thể từ trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan nhà nước đến các nguyên tắc bảo vệ và phát huy. Chẳng hạn, Điều 20: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, bị mai một hoặc thất truyền”. Hoặc Điều 26: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”(2). Để thực hiện những điều luật này, có nhiều việc phải làm, nhưng phải xuất phát từ thực tiễn của những công việc liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể. Có hai hệ thống công việc liên quan mật thiết đến nhau: sưu tầm và nghiên cứu; bảo tồn và phát huy.

3. Những vấn đề đang đặt ra

Trước hết, về sưu tầm và nghiên cứu. Tình hình sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Việc sưu tầm nếu chỉ dừng lại ở ghi chép bằng văn tự, xuất bản thành sách thì chưa có hiệu quả cao, nhất là với các loại hình, thể loại phi vật thể ngoài thành tố ngữ văn. Tính chất nguyên hợp của văn hóa dân gian, tính chất phi vật thể càng khiến chúng ta phải nghĩ đến những hình thức khác, cách làm khác.

Những năm gần đầy, sự thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin, mặt khác, do chính đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể, hiện tượng mai một, thất truyền, đứt gãy của một số di sản văn hóa phi vật thể, ở một số tộc người đã xảy ra. Chính vì thế, công việc sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể đang đặt ra hai nhiệm vụ: Thứ nhất, phải có một cuộc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể để từ đó có kế hoạch sưu tầm nghiên cứu cũng như bảo tồn và phát huy. Làm sao, mỗi địa phương, mỗi nhà quản lý phải nắm được chính xác những di sản văn hóa phi vật thể của quê mình. Thứ hai, phải có kế hoạch từng bước bảo tồn, phát huy những di sản này một cách hữu hiệu.

Từ nhiều năm nay, chúng ta đã có ý thức cao trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể cũng như ứng dụng những thành quả của công nghệ thông tin hiện đại vào khi xây dựng mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong chương trình quốc gia có mục tiêu về văn hóa. Chúng ta đang thực hiện hai nhiệm vụ: tư vấn, giám sát việc thực hiện các dự án bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương do các Sở Văn hóa Thông tin tiến hành; trực tiếp thực hiện một loạt dự án, tiến tới xây dựng một ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể bằng những phương tiện và kỹ thuật hiện đại nhất. Cả hai nhiệm vụ này có quan hệ với nhau một cách khăng khít. Để các địa phương thực hiện tốt các dự án, chúng ta cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, mời các chuyên gia đến giảng dạy, truyền bá kinh nghiệm cho các cán bộ làm dự án bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể của các thế hệ tiền nhân. Đầu tiên là việc quan tâm đến các nghệ nhân. Không thể không thừa nhận chúng ta chưa có chính sách thỏa đáng về vấn đề này. Lâu nay, mối quan tâm của chúng ta mới chỉ dừng ở các di sản văn hóa phi vật thể mà chưa quan tâm đến chủ thể sáng tạo nó. Chúng ta cho rằng đó là sáng tạo của nhân dân mà chưa ý thức đầy đủ khởi thủy sáng tạo, lưu truyền, lưu giữ, trao truyền các di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc sưu tầm nghiên cứu, nhất là việc ghi chép bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại không thể không tính đến các nghệ nhân. Phát huy vai trò nghệ nhân trong cộng đồng là công việc cần thiết mà chúng ta chưa có các chính sách, chủ trương hữu hiệu. Chẳng hạn, chính sách với nghệ nhân để họ truyền dạy cho cộng đồng những di sản mà họ lưu giữ được trong tâm thức. Ghi chép những sử thi ở một già làng là cần thiết, nhưng sau đó phải đưa sử thi ấy trở lại cộng đồng để phổ biến và lưu truyền nó. Mặt khác, xung quanh vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa, cũng đặt ra nhiều vấn đề. Học tập kinh nghiệm làm ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của các nước đã có kinh nghiệm và điều kiện hơn là việc cần thiết, nhưng xây dựng cấu trúc ngân hàng dữ liệu của văn hóa phi vật thể Việt Nam lại không phải là một công việc đơn giản. Bởi lẽ, diện mạo loại hình, thể loại văn hóa phi vật thể của Việt Nam không giống như diện mạo thể loại, loại hình phi vật thể của các nước khác. Nắm vững những đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam trong quá trình bảo tồn, sưu tầm, ghi chép tư liệu là yêu cầu có tính tiên quyết với cán bộ làm công tác này.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cũng đặt ra không ít vấn đề. Các nhà khoa học đã nhắc đến hai hình thức bảo tồn: tĩnh và động của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Điều quan trọng hơn đối với việc phát huy những di sản văn hóa phi vật thể là làm cho di sản ấy sống giữa cuộc đời, như chính bản chất của nó. Liên quan đến vấn đề này là việc phổ biến, trao truyền di sản phi vật thể tới cộng đồng. Ngoài những ấn phẩm bằng văn tự là những ấn phẩm nghe nhìn: ảnh, băng casstte, băng video, đĩa CD- ROM, DVD... Để làm được những công việc phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, vấn đề cần quan tâm là phải có một kế hoạch hoàn chỉnh, xác định những mốc thời gian cụ thể.

Chúng ta cần xây dựng một phòng di sản văn hóa phi vật thể tại các bảo tàng địa phương. Thời gian qua, các bảo tàng mới chỉ có các hiện vật gồm những di sản văn hóa vật thể là chính. Theo Luật Di sản văn hóa, ngành bảo tồn bảo tàng sẽ phải có chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, với các bảo tàng địa phương, cần có một phòng giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, của toàn quốc. Chúng ta có thuận lợi là mấy năm nay, chương trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được các Sở Văn hóa Thông tin địa phương thực hiện. Đã đến lúc, chúng ta phải đưa các sản phẩm ấy về các bảo tàng địa phương để lưu giữ và phục vụ khách tham quan. Nhưng điều cần tính đến là tính hiện đại và thống nhất của sản phẩm băng đĩa về di sản văn hóa phi vật thể.

Trong công tác bảo tồn và phát huy, vấn đề đặt ra là tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ những hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể. Chương trình giáo dục cộng đồng những tri thức về di sản văn hóa phi vật thể là công việc không thể không làm. Đây là cây cầu để đưa di sản văn hóa phi vật thể về cộng đồng. Lâu nay nhiều người băn khoăn tại sao giới trẻ lại không mặn mà với những di sản văn hóa phi vật thể tiền nhân, như thanh niên người Kinh (Việt) không thích lễ hội cổ truyền, thanh niên các dân tộc thiểu số không thích trang phục dân tộc, không thích hát dân ca... nhưng chúng ta lại không có kế hoạch, chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc cho thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường.

Trên phương diện lý luận, nhiều vấn đề phải được làm sáng tỏ và giải quyết thấu đáo. Đầu tiên là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy/phát triển. Trong thực tế, sự tranh luận thường xảy ra xung quanh vấn đề bảo tồn nguyên dạng, nguyên gốc các di sản văn hóa phi vật thể. Phải chăng đã có sự nhìn nhận thái quá, hay hiểu khái niệm bảo tồn như các nhà bảo tàng học thực hiện đối với các hiện vật. Có thể xem những di sản phi vật thể ấy là những thực thể, chúng thường xuyên biến đổi trong không gian và trong thời gian, bởi một thực thể văn hóa bao giờ cũng có hai phần: phần bất biến và phần khả biến. Cần phân biệt giữa phát huy và phát triển, và phát triển đến mức độ nào thì chấp nhận được. Nếu phát triển đến mức làm biến dạng bộ mặt khởi nguyên của di sản thì khó chấp nhận. Ví dụ, từ xưa, nhã nhạc cung đình Huế vốn không có một dàn nhạc công như một dàn nhạc giao hưởng kiểu phương Tây, tự bản chất của nhã nhạc cung đình Huế không có dàn nhạc tới bảy, tám mươi người thì cũng không thể nhân danh phát triển mà tạo ra một dàn nhạc công như vậy với nhã nhạc cung đình Huế. Thực tiễn ấy đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải phân biệt đâu là phát triển, đâu là phát huy đối với di sản văn hóa phi vật thể.



 
* PGS, TS, Viện trưởng Viện Văn hóa - Thông tin, Bộ Văn hóa - Thông tin
(1) Luật Di sản văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.7
(2) Luật Di sản văn hóa, tr 16