Đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội. Tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng đã tác động gián tiếp đến nền kinh tế của nhiều nước, khiến giá dầu tăng cao kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng theo. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần tập trung kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, có chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng với những thách thức, sự biến động phát sinh để phục hồi nền kinh tế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an sinh xã hội, chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch bệnh COVID-19.

Về kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách

Trong 6 tháng đầu năm, giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị, tác động đến giá cả hàng hóa; trong đó có lương thực, thực phẩm tăng đột biến. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã kéo theo giá cả tăng; trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu, đã tác động lên lạm phát. Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát cũng tăng cao, như lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1-1982; các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam. Ở Việt Nam, lạm phát bình quân quý 1-2022 năm nay so với năm trước tăng 1,92%, đây là mức tăng vừa phải.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (trừ một số nhóm hàng); giảm nhiều loại thuế, phí; trong đó có lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không... Ngoài ra, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Nhờ đó, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn…

Theo ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng từ 88 nghìn đến 90 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian từ 3, 6, 9 tháng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào đã giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế trong quý 1-2022. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã phải xử lý cùng lúc cả 3 hướng là giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Về tổng thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã họp và các bộ, cơ quan trung ương cơ bản đã thống nhất từ nay đến cuối năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, để tăng cung hàng hóa trong nước. Ngoài ra, làm tốt điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn. Cùng với đó cần làm tốt thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ; mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.

Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6-2022 ước đạt 114,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 6, thu ngân sách nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách Trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2022, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm, ngân sách nhà nước thặng dư 219,9 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Về chính sách tiền tệ linh hoạt, thích ứng với những biến động phát sinh

Chính sách tiền tệ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc phân bổ nguồn tiền, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, để bảo đảm ổn định kinh tế, ổn định xã hội, tạo tiền đề cho kinh tế hồi phục sau dịch bệnh, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ.

Trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ nước ta đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình thường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế. Thời gian qua, tốc độ luân chuyển vốn đã nhanh hơn so với 2 năm vừa qua. Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Thanh khoản thị trường tiếp tục thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 9-6-2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4-2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết số 11; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ. Ngày 27-5-2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NDD-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng tiếp tục được quan tâm, triển khai. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với nhiều chương trình được công chúng đón nhận tích cực như: “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”... góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện. Công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững. Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường... theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ./.