Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021
TCCS - Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021 được tổ chức trong hai ngày 11 – 12-11-2021 tại thành phố Aukland (New Zealand) theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Tham dự sự kiện có khoảng 4.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Australia, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Peru, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Đức… là những khách mời danh dự của hội nghị năm nay.
Hội nghị gồm 9 phiên thảo luận về các chủ đề: Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; tương lai năng lượng; phục hồi trong và sau đại dịch COVID-19; các cơ hội từ gián đoạn kỹ thuật số; tình hình thế giới; sức mạnh của niềm tin; ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới; công nghệ và đổi mới sáng tạo; hướng tới tương lai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được mời phát biểu chính, định hướng cho cuộc thảo luận tại phiên đầu tiên của hội nghị về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Tham gia phiên thảo luận có bà Michelle Bachelet, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền; bà Rachel Taulelei, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) 2021; GS David Suzuki (Đại học British Columbia, Canada) và nhiều lãnh đạo các tập đoàn uy tín khác.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của APEC trong hơn 3 thập kỷ qua, nhấn mạnh rằng APEC không chỉ là động lực tăng trưởng toàn cầu, thúc đẩy thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư doanh nghiệp, mà còn tiên phong về quản lý ứng phó thiên tai, phát triển năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học, thương mại hàng hóa môi trường. Hướng tới Tầm nhìn APEC 2040, các nhà lãnh đạo APEC cùng hướng tới sự đoàn kết, vượt qua mọi khác biệt, đi đầu, dẫn dắt các nỗ lực hợp tác nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để vượt qua các thách thức, rủi ro, gìn giữ môi trường sống, phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp; đòi hỏi sự chung tay hành động. Chủ tịch nước cho rằng trong các quyết sách của mình, nhà nước cần tính đến các lợi ích lâu dài, có cách tiếp cận toàn diện, từ hạ tầng, tài chính, thương mại đến bảo vệ môi trường và lao động, xã hội… Tuy nhiên, nhà nước không thể hành động thay các chủ thể trong xã hội mà chỉ đóng vai trò khuyến khích bằng cách tạo dựng thể chế, lợi ích phù hợp để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân, phát huy các dự án công - tư cho tăng trưởng xanh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ba đề xuất đến cộng đồng doanh nghiệp: Mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải tuân thủ mục tiêu, các chỉ số quy định của quốc gia về kiểm soát mức phát thải khí nhà kính, tiêu hao năng lượng, xanh hoá các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng. Cần đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới với “giá trị xanh” ngày càng cao, xây dựng nền nông nghiệp xanh thông minh; hình thành các chuỗi cung ứng xanh và khuyến khích thay đổi hành vi thân thiện với môi trường của người tiêu dùng. Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC nên xây dựng “Bộ hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh bền vững APEC”, với trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam hiểu rõ nguy cơ và cơ hội đan xen, đồng thời cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã mạnh mẽ cam kết đến 2050 đạt sự cân bằng giữa lượng khí thải được tạo ra và lượng khí được loại bỏ khỏi bầu khí quyển (Net Zero), nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%...; phát triển xanh lấy con người làm trung tâm; dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong quá trình này Viêt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam cũng xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ xanh; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển các doanh nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, các khu công nghiệp sinh thái...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng những chính sách nêu trên cùng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam và mạng lưới rộng lớn của 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam để cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tỉnh Quảng Nam  (16/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc  (08/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu  (02/11/2021)
Chủ tịch nước dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi  (28/10/2021)
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV, năm 2020  (25/10/2021)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên