Nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA)
Mỹ xem xét lại JCPOA
Quan hệ Mỹ - Iran leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây.
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phươngTây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Đây là kết quả những nỗ lực ngoại giao đa phương của cộng đồng quốc tế sau nhiều năm trời kiên trì đàm phán. Tuy nhiên, ngày 08-5-2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Sau động thái này của Washignton, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.
Quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã leo thang thời gian gần đây với việc Washington đang triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress tới vùng Vịnh. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết các động thái này là nhằm sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào những lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân
Tổng thống Iran ngày 08-5-2019 thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Theo hãng tin FARS, đây chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Ông Rouhani cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân và cảnh báo, sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là mối hiểm nguy đối với Iran và cả thế giới.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, nước này sẽ nối lại việc làm giàu urani nếu các cường quốc trên thế giới không giữ đúng cam kết trong khuôn khổ JCPOA. Đề cập đến khả năng thương lượng, Tổng thống Rouhani cho rằng Mỹ trước hết phải thể hiện sự "hối hận" về những hành động của họ, cũng như phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Ông nhấn mạnh Iran sẵn sàng thương lượng với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và xin lỗi về hành động của mình. Tổng thống Iran cho rằng, các cuộc thương lượng sẽ diễn ra sau khi tất cả sức ép được loại bỏ. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn có những người ủng hộ về đàm phán và ngoại giao".
Phát biểu trên được Tổng thống Rouhani đưa ra tại cuộc họp nội các hàng tuần, một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tìm cách chấm dứt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Cùng ngày 08-5, Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC) tuyên bố Tehran sẽ không tuân thủ những giới hạn mà nước này đã nhất trí với các cường quốc trên thế giới liên quan tới kho dự trữ urani được làm giàu và nước nặng theo thỏa thuận JCPOA.
SNSC nêu rõ, các biện pháp nêu trên là cần thiết để "đảm bảo các quyền của Iran và mang lại sự cân bằng", sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Tehran lưu ý rằng những biện pháp này sẽ được thực thi nếu các các bên ký JCPOA không đảm bảo những lợi ích cho Tehran trong vòng 60 ngày.
Iran muốn đưa thỏa thuận hạt nhân hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới "trở lại đúng hướng" sau khi Mỹ rời bỏ. Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng và Nguyên tử Iran đã đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Tehran tuyên bố nước này đình chỉ thực hiện một số điều khoản trong thỏa thuận nói trên.
Ngày 10-5, hàng nghìn người ở thủ đô Tehran của Iran đã xuống đường tuần hành để bày tỏ ủng hộ quyết định mới đây của chính phủ nước này ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi văn kiện này hồi năm ngoái.
Theo truyền thông địa phương, tại Tehran, những người tham gia tuần hành đã hô vang các khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ ủng hộ quyết định của Chính phủ Iran. Nhiều cuộc tuần hành tương tự cũng đã diễn ra ở các thành phố khác.
Những người tuần hành đồng thời ra tuyên bố cảnh báo Mỹ nếu có thêm "bất kỳ hành động khiêu khích nào chống lại Iran". Tuyên bố cũng kêu gọi đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận không bảo vệ các lợi ích của Iran theo thỏa thuận này.
Bước đi của Iran: Cực chẳng đã
Ông Rouhani nói rằng Iran sẽ tạm ngừng chuyển urani đã làm giàu và nước nặng ra nước ngoài theo thỏa thuận hạt nhân, nhằm bảo đảm rằng các đối tác còn lại cũng thực hiện đúng những cam kết trong thỏa thuận này. Nhà lãnh đạo Iran cũng một lần nữa khẳng định nước này không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân như Mỹ đã làm, đồng thời nhấn mạnh Tehran sẵn sàng đối thoại để giải quyết bất đồng.
Trên thực tế, Iran đã liên tục đưa ra những tuyên bố cảnh báo về hành động cứng rắn kể trên, nhất là trong gần 1 tháng trở lại đây, khi “gọng kìm” trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran ngày càng siết chặt. Dư luận cũng không quá bất ngờ bởi hoàn cảnh của Iran đã bị coi là “dồn vào đường cùng”.
Ngay từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 1 năm trước, Iran đã có hàng loạt cuộc đàm phán với các đối tác còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là các đồng minh của Washington ở châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức để cứu vãn thỏa thuận.
Trong suốt 1 năm qua, Tehran đã phải hứng chịu liên tiếp các đòn trừng phạt từ Washington, bất chấp các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho tới thời điểm này đều khẳng định Iran tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã ngừng mọi hoạt động hạt nhân ở cấp độ vũ khí để đổi lại quốc tế hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Trong khi đó, các nước còn lại trong thỏa thuận, mặc dù đưa ra nhiều hứa hẹn, song lại tỏ ra chậm chạp trong việc thực thi các cam kết đối với quốc gia Trung Đông này. Nga và Trung Quốc, dù ủng hộ Iran, song không có khả năng gây sức ép để buộc Mỹ thay đổi chính sách, trong khi “bộ ba” Liên minh châu Âu chịu ràng buộc bởi quan hệ đồng minh quá chặt chẽ với Mỹ, không có hành động thực tế và hiệu quả để bảo đảm lợi ích của Iran theo thỏa thuận hạt nhân, và cũng là để bảo vệ lợi ích của chính các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran, bởi tính tới năm 2016, EU đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các dự án ở Iran. Chỉ trích mạnh mẽ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, thậm chí, bàn thảo một cơ chế phối hợp của EU, bao gồm cả việc làm ăn với Iran mà không cần đồng USD nhằm “tránh” biện pháp trừng phạt của Mỹ, song rõ ràng EU thực sự “lúng túng và bất lực” trong việc giải quyết vướng mắc liên quan vấn đề này, một phần là bởi đối với EU, sức ép từ phía Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đồng minh quan trọng về chính trị-an ninh quan trọng của EU, là rất lớn. Nói cách khác, suốt 1 năm qua, EU không thể trao cho Iran bất kỳ một sự bảo đảm nào trước sức ép của Mỹ, ngoài những lời hứa được lặp đi lặp lại.
Phản ứng của các bên liên quan
Liên minh châu Âu (EU) và ngoại trưởng các nước Đức, Pháp và Anh tái khẳng định lập trường duy trì việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran, song thể hiện không chấp nhận mọi "tối hậu thư" sau khi Iran thông báo nước này ngừng thực hiện một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử trên.
Tuyên bố chung ngày 09-5 của EU và các ngoại trưởng cũng nêu rõ sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của Iran trên cơ sở các hoạt động của nước này liên quan những cam kết của Tehran theo JCPOA và Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân NPT. EU hối thúc Iran tôn trọng và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận quốc tế này một cách đầy đủ như lâu nay, tránh tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời cho biết khối này chủ trương tiếp tục giao thương với nước Cộng hòa Hồi giáo, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ
Cũng trong tuyên bố này, EU và các cường quốc phương Tây bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5-2018, đồng thời tái khẳng định cam kết duy trì và thực hiện đầy đủ thỏa thuận...
Liên minh châu Âu sẽ bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, bất chấp quyết định của Tehran nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một quan chức cấp cao của EU cho biết còn quá sớm để xem xét các biện pháp trừng phạt của châu Âu trong trường hợp Iran không tuân thủ các cam kết. Quan chức này cho biết: "Thông báo mới nhất của Iran không phải là sự vi phạm hay rút lại thỏa thuận hạt nhân".
Đến ngày 09-5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định EU sẽ cam kết thực thi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), miễn là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định Tehran tuân thủ thỏa thuận này.
Phát biểu với báo giới, bà Mogherini nêu rõ: "Chúng tôi vẫn hoàn toàn cam kết thực hiện đầy đủ JCPOA, thỏa thuận hạt nhân.... Cho đến nay, chúng tôi đã chứng kiến Iran hoàn toàn tuân thủ mọi cam kết liên quan tới hạt nhân theo thỏa thuận này. IAEA sẽ tiếp tục giám sát việc thực thi những cam kết liên quan tới hạt nhân này".
Người phát ngôn của Liên hợp quốc Farhan Hag ngày 08-5 cho biết, sau khi Iran tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vẫn bày tỏ hy vọng có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này.
Ông Farhan Hag dẫn lời Tổng thư ký Guterres khẳng định ông luôn coi “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” là một thành công lớn trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngưng phổ biến hạt nhân và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới. Vì thế, ông Guterres rất hy vọng sẽ cứu vãn được thỏa thuận này.
Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo đã đạt được nhất trí với người đồng cấp Iran Javad Zarif đang ở thăm Moskva về việc hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với các bên còn lại trong JCPOA, trừ Mỹ, thực hiện các cam kết trong thỏa thuận này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng nói rằng châu Âu cần “làm mọi thứ” để duy trì đối thoại với Iran, đồng thời kêu gọi hợp tác với Tehran để thực thi các điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận JCPOA.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố phản đối việc Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp chống Iran. Tuyên bố nêu rõ việc hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran sẽ chỉ làm trầm trọng tình hình rối loạn trên thị trường năng lượng thế giới.
Ngày 09-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi lãnh đạo Iran cùng đàm phán về việc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời cảnh báo Washington không loại trừ giải pháp quân sự.
Sau khi đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran và các nước còn lại trong nhóm P5+1, Tổng thống Trump luôn bày tỏ sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran để đàm phán. Ông cũng nhắc lại quan điểm này trong cuộc họp báo kể trên. Ông khẳng định chỉ cần Iran có thiện chí, hai bên có thể đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận "công bằng".
Đánh giá về những bình luận trên, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchicho nêu rõ Tehran đã đàm phán với 6 cường quốc và đạt thỏa thuận, nhưng Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Vì vậy, không có gì bảo đảm Nhà Trắng sẽ không tiếp tục có các động thái tương tự sau này./.
Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal  (11/05/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ  (10/05/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng  (10/05/2019)
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh thăm và làm việc tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)  (10/05/2019)
Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân  (10/05/2019)
Bế mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển