TCCSĐT - Ngày 06-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương 5 đường bay mới đến Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet; làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng; thăm, chúc tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ; dâng hương tại Chùa Khleang (Sóc Trăng).

* Tại thành phố Cần Thơ, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet tổ chức khai trương 5 đường bay mới đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ gồm: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh (Nghệ An), Cần Thơ - Thanh Hóa, Cần Thơ - Nha Trang (Khánh Hòa) và Cần Thơ - Đà Lạt (Lâm Đồng). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã đến dự và chứng kiến sự kiện này.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.

Năm đường bay mới này sẽ khai thác từ ngày 26-4.

Vietjet là hãng hàng không có nhiều đường bay và nhiều chuyến bay nhất đến và đi từ Cần Thơ. Đường bay Cần Thơ - Hải Phòng được khai thác khứ hồi hàng ngày; thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 55 phút. Chuyến bay khởi hành từ Cần Thơ lúc 6 giờ 15 phút và đến Hải Phòng lúc 8 giờ 20 phút. Chiều ngược lại cất cánh vào lúc 8 giờ 55 phút từ Hải Phòng và tới Cần Thơ lúc 11 giờ 00.

Đường bay Cần Thơ - Vinh (Nghệ An) được khai thác khứ hồi vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ Nhật; thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 50 phút. Chuyến bay khởi hành từ Cần Thơ lúc 11 giờ 35 phút và đến Vinh lúc 13 giờ 25 phút. Chiều ngược lại cất cánh vào lúc 14 giờ 00 từ Vinh và tới Cần Thơ lúc 15 giờ 50 phút.

Đường bay Cần Thơ - Thanh Hóa được khai thác khứ hồi vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy; thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 55 phút. Chuyến bay khởi hành từ Cần Thơ lúc 11 giờ 30 phút và đến Thanh Hóa lúc 13 giờ 25 phút. Chiều ngược lại cất cánh vào lúc 14 giờ từ Thanh Hóa và tới Cần Thơ lúc 15 giờ 55 phút.

Đường bay Cần Thơ - Nha Trang (Khánh Hòa) được khai thác khứ hồi vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ Nhật; thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ bay. Chuyến bay khởi hành từ Nha Trang lúc 9 giờ 30 phút và đến Cần Thơ lúc 10 giờ 30 phút. Chiều ngược lại cất cánh vào lúc 11 giờ 05 phút từ Cần Thơ và tới Nha Trang lúc 12 giờ 05 phút.

Đường bay Cần Thơ - Đà Lạt (Lâm Đồng) được khai thác khứ hồi vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy, Chủ Nhật; thời gian bay mỗi chặng khoảng 45 phút. Chuyến bay khởi hành từ Cần Thơ lúc 11 giờ 35 phút và đến Đà Lạt lúc 12 giờ 20 phút. Chiều ngược lại cất cánh vào lúc 12 giờ 55 phút từ Đà Lạt và tới Cần Thơ lúc 13 giờ 40 phút.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc đưa thêm các đường bay mới vào hoạt động là sự kiện tốt, đóng góp vào xây dựng, phát triển miền Tây - một vùng đất nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn đang gặp khó khăn về giao thông vận tải.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá Vietjet dù mới thành lập nhưng đã phát triển nhanh, tốt, ngày càng tăng số lượng máy bay hiện đại và chất lượng dịch vụ.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, là nước có dân số đông, du lịch hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn nên chúng ta cần phát triển hệ thống giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Theo thống kê, đường hàng không chiếm đến 80% phương tiện di chuyển của du khách đến Việt Nam. Từ đó, Thủ tướng mong muốn các đơn vị tiếp tục nghiên cứu không chỉ mở đường bay nội địa, mà còn mở các đường bay quốc tế đến Cần Thơ, bởi sân bay Cần Thơ còn nhiều tiềm năng, hoạt động chưa hết công suất, trong khi các sân bay khác trong khu vực miền Nam hoặc đã quá tải hoặc còn đang đầu tư, mở rộng. Với mục tiêu trở thành một thành phố sông nước đáng sống, Thủ tướng cho rằng Cần Thơ cần tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, từ đó thu hút du khách.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhanh chóng triển khai các giải pháp nâng cao an toàn, chất lượng các chuyến bay; sắp xếp các nguồn vốn, cùng với nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp hệ thống sân bay của Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Nguyễn Thanh Hà cho rằng: “Các đường bay mới không chỉ tạo điều kiện cho người dân và du khách thuận tiện trong việc di chuyển bằng phương tiện hàng không an toàn, văn minh, hiện đại mà còn thúc đẩy giao thương và góp phần cho tăng trưởng đầu tư vào địa phương”.

** Chiều 06-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị quý I năm 2019 và một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao kết quả quý I/2019 của tỉnh Sóc Trăng, trong đó có tốc độ tăng trưởng, phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; đặc biệt là những tiến bộ về tăng GDP, thu ngân sách. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Sóc Trăng còn nhiều khó khăn, những vấn đề tồn tại nên các cấp chính quyền cần tự lực vươn lên hơn nữa, ý chí tốt hơn, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đổi mới về quản lý, điều hành.

Thủ tướng yêu cầu: Trước mắt, tỉnh cần thực hiện vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong thời gian tới, để phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn, các cấp chính quyền ở địa phương phải chủ động chỉ đạo, điều hành; chuyển đổi mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển thủy sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển mô hình sinh thái, năng lượng sạch... Tỉnh cũng cần phát triển sản xuất hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; phát triển doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ hơn, phát triển hợp tác xã, thu hút những tập đoàn lớn đầu tư vào địa phương...

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương; công tác dân tộc, tôn giáo, vấn đề quản lý xã hội... Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, làm rõ thông tin mà dư luận, báo chí đã nêu về việc một số cán bộ ngành giáo dục của Sóc Trăng thông báo đi dự hội nghị kết hợp tham gia hoạt động “về nguồn” tại Côn Đảo nhưng thực chất là đi du lịch. Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần là kiểm tra, làm rõ đúng bản chất của vụ việc và thông tin công khai; nếu có sai phạm thì phải xác định rõ trách nhiệm, sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó.

Nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong đó kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo thuộc dân tộc Khmer được hưởng trọn vẹn Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, đầm ấm. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ; dâng hương tại Chùa Khleang (Sóc Trăng).

Theo cáo cáo của tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý I đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thực hiện và có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ; tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: tình hình thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân; giá một số sản phẩm nông nghiệp (lúa, mía,...) giảm, đầu ra không ổn định; việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế; những vướng mắc trong thủ tục đầu tư chưa được tháo gỡ và giải quyết đến nơi đến chốn. Tại Sóc Trăng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thiếu hụt lao động, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng so cùng kỳ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn tiềm ẩn nguy cơ có thể gây mất ổn định; tệ nạn ma tuý, đánh bạc tăng so cùng kỳ; hoạt động của hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế.

** Cùng chiều, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã đến thăm, chúc tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ; dâng hương tại Chùa Khleang (Sóc Trăng).

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tới các vị hòa thượng, thượng tọa, chư tăng phật tử Nam tông Khmer; thầy giáo, cô giáo tăng sinh Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.

Thủ tướng cho biết, trong năm qua, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho nhân dân. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Thành tựu chung đó có đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, chư tăng phật giáo Nam tông Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà phát triển lớn mạnh, tham gia và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào các lĩnh vực xã hội, góp phần phát huy giá trị văn hóa, đời sống của đồng bào Khmer Nam Bộ và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng sự nỗ lực, cố gắng của các vị chư tăng và đồng bào Khmer đã luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Thủ tướng cho biết, chùa Khleang (Sóc Trăng) là địa điểm lịch sử, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhiều thời kỳ cách mạng của tỉnh Sóc Trăng và dân tộc. Với Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, qua hơn 22 năm hoạt động, trường đã đào tạo 1.225 học viên.

Song song với giảng dạy chính trị văn hóa, trường đã nâng cao nhận thức, giáo dục chủ trương đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian tới, Thủ tướng tin tưởng, với phương châm đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội, Phật giáo Nam tông Khmer và toàn thể đồng bào dân tộc Khmer và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục hướng dẫn chư tăng, tín đồ phật tử trong tỉnh tu học, không ngừng trau dồi kiến thức phật học, thế học, đạo hạnh, trở thành những tín đồ phật tử mẫu mực, rèn luyện, hành đạo theo Hiến pháp và phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của công dân, sống hài hòa, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc để thực hiện tốt đời đẹp đạo.

Thủ tướng cũng mong rằng các chư tăng phật giáo Nam tông Khmer, đồng bào Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng lao động, sản xuất; xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết, gắn bó trong nội bộ và đoàn kết dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước vì mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.

Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa đến đồng bào Khmer ở những vùng khó khăn; tiếp tục hỗ trợ xây dựng, phát triển Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.

Cũng trong chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách người Khmer./.