Chuyển động chính trị tại Bắc Phi - Trung Đông những năm qua
TCCS - Bắc Phi - Trung Đông có vị trí địa - chiến lược và địa - kinh tế quan trọng, nên từ trước tới nay luôn là khu vực tranh giành ảnh hưởng, quyền lực, cũng như kiểm soát dầu mỏ của các nước lớn. Đây cũng là một trong những khu vực với đặc điểm địa - chính trị đặc biệt, tập trung những mâu thuẫn cơ bản nhất của quan hệ quốc tế hiện nay.
Tình hình Bắc Phi - Trung Đông những năm qua
Biến động chính trị, làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra ở một loạt nước Bắc Phi - Trung Đông từ đầu năm 2011 khiến khủng hoảng chính trị leo thang ở nhiều nước, hàng loạt rối loạn dân sự và can thiệp quân sự nổ ra trên toàn khu vực này đã đẩy tình hình Trung Đông - Bắc Phi vào tình trạng mất ổn định nghiêm trọng, gây chấn động thế giới và tác động đến tình hình quan hệ quốc tế.
Biến động chính trị ở Bắc Phi - Trung Đông là một “làn sóng cách mạng” và biểu tình xảy ra ở các nước trong thế giới A-rập. Hầu hết các cuộc biểu tình đều phát triển về quy mô và tạo thành “hiệu ứng đô-mi-nô”, nhanh chóng tác động và lan sang nhiều nước khác trong khu vực, với mục đích phản đối tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng, thất nghiệp cao; đòi sửa đổi hiến pháp và bầu cử tự do; chống độc tài, chuyên chế, đấu tranh đòi dân chủ... Bên cạnh đó, ở mỗi nước, cách thức biểu dương lực lượng của người dân cũng như cách thức trấn áp của chính quyền lại khác nhau. Chính phủ các nước từ lâu quá dựa dẫm vào sự bảo trợ, “chiếc ô” an ninh của Mỹ và các nước châu Âu nên rất lúng túng trong xử lý tình hình, dẫn đến mắc sai lầm trong đối phó với biểu tình, bạo loạn, khiến đất nước ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng, biến động chính trị trong khu vực là sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng nguyên nhân sâu xa nằm trong nội tại những thể chế kinh tế - chính trị - xã hội mà các nước Bắc Phi - Trung Đông thiết lập, như việc duy trì quá lâu chế độ chính trị độc tài, tập quyền, dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền, mất dân chủ diễn ra ở nhiều nước; tình trạng tham nhũng trầm trọng khiến khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nới rộng, kinh tế kém phát triển, thất nghiệp tăng cao, gây nên sự bất bình và phản kháng của người dân. Đây cũng là lý do khiến khu vực này trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến biến động chính trị tại Bắc Phi - Trung Đông là chính sách hai mặt về dân chủ cùng những can thiệp dân sự, quân sự, chính trị của một số nước phương Tây tại khu vực này nhằm xóa bỏ những chế độ không còn phù hợp với lợi ích của họ và dựng lên những chính quyền mới để duy trì lợi ích của họ trong khu vực.
Khủng hoảng nổ ra khiến chính quyền nhiều nước cũng như chế độ quân chủ và cộng hòa chuyên chế bị lật đổ. Tập hợp lực lượng trong một khu vực vốn có nhiều chia rẽ và hạn chế nay càng trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, quá trình dân chủ hóa đang được đẩy nhanh đã gây ra sự biến động lớn trong tình hình chính trị của khu vực này, có thể dẫn đến quá trình tái thiết, hình thành nên những nhà nước mới, gây xáo trộn không nhỏ trên bản đồ chính trị khu vực...
Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến những hệ quả trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự thay đổi chính sách của từng nước và trong các cặp quan hệ. Biến động chính trị - xã hội làm gia tăng thêm sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước xung quanh tình hình Li-bi, Xy-ri, khi giữa các nước lớn, hay các nước Hồi giáo vốn có thái độ và cách ứng xử khác nhau, thậm chí trái ngược, dẫn đến những điều chỉnh nhất định trong chính sách khu vực.
Từ sau biến động chính trị của “Mùa xuân A-rập”, khu vực Bắc Phi - Trung Đông đã có những chuyển động mới, dẫn đến dần hình thành cục diện chính trị mới tại đây. Các đặc điểm chính trị tại khu vực này chính là những nhân tố quan trọng tác động đến sự biến động cục diện chính trị. Tiêu biểu là sự nổi lên mạnh mẽ của xu hướng Hồi giáo cực đoan, sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố, đặc biệt là Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông, dẫn đến cuộc chiến chống khủng bố cũng gia tăng. Cùng với đó là vấn đề hạt nhân I-ran bước đầu được giải quyết sau khi Thỏa thuận hạt nhân toàn diện (JCPOA) giữa I-ran và P5+1 đã có hiệu lực... Đặc biệt là cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ đã dẫn đến sự thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi hiện nay.
Sau thời kỳ “Mùa xuân A-rập”, các nước Trung Đông - Bắc Phi vẫn đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng và viễn cảnh đầy u ám. Đàn áp, bất công, nghèo đói, mâu thuẫn sắc tộc và phe phái sâu sắc đã tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố và lực lượng thánh chiến cực đoan hoành hành khắp khu vực, trong khi nguy cơ xung đột vũ trang vẫn đang chực chờ tại nhiều điểm nóng. Các nước ở khu vực này vẫn chật vật đối phó với vấn đề an ninh khi bạo lực và xung đột vẫn bùng phát ở khắp nơi, từ Xy-ri, I-rắc, I-xra-en, Pa-le-xtin đến Li-bi, Ai Cập, Tuy-ni-di.
Cuộc xung đột kéo dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại giữa I-xra-en và Pa-le-xtin chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở vùng đất Trung Đông khói lửa này. Việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố chính thức công nhận vùng đất còn đang tranh chấp Giê-ru-xa-lem là Thủ đô của I-xra-en (ngày 6-12-2017) và chuyển Đại sứ quán Mỹ hiện ở Ten A-víp về thành phố này (ngày 14-5-2018) không chỉ dễ dẫn đến việc đặt dấu chấm hết cho tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thù địch ở khu vực này, khiến làn sóng bạo lực căng thẳng giữa người Pa-le-xtin và I-xra-en, giữa cộng đồng người Do Thái và A-rập bùng phát trở lại, đẩy Trung Đông vào một tình trạng hỗn loạn mới.
Trong khi đó, một số nước, như Ai Cập, Tuy-ni-di vừa phải tiếp tục hoàn tất tiến trình chuyển tiếp chính trị, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, vừa phải đối phó với mối đe dọa khủng bố. Nhiều vụ tấn công đẫm máu đã xảy ra ở các nước này, gây thiệt hại nặng nề. Xy-ri vẫn là tâm điểm của cuộc chiến mang đậm màu sắc tôn giáo và sắc tộc. Quốc gia này đang là tiền tuyến số một trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và các lực lượng cực đoan.
Bên cạnh đó, hồ sơ hạt nhân của I-ran, cuộc đàm phán kéo dài hơn một thập niên đã được khép lại sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa I-ran với các cường quốc nhóm P5+1. Thỏa thuận hạt nhân này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa I-ran với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), mở cánh cửa hợp tác giữa hai bên từng trải qua thời gian dài đối đầu. Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân I-ran được ký kết, nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Âu đã tới quốc gia Hồi giáo này nhằm đón đầu làn gió đầu tư mới. Chuyển biến trong quan hệ I-ran - phương Tây đem đến nhiều cơ hội cho cả hai phía. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức trong quá trình thực thi thỏa thuận khi quá khứ đối đầu thật sự chưa thể khép lại đối với hai bên. Quyết định của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm rút khỏi JCPOA vào ngày 8-5-2018 làm các đồng minh châu Âu của Mỹ đều cảm thấy bất an, trong khi I-xra-en, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và A-rập Xê-út đã chào đón tuyên bố này trong hân hoan.
Có thể nói, khu vực Bắc Phi - Trung Đông đang trong giai đoạn mà sự đối đầu, nghi kỵ lớn hơn bao giờ hết. Trong khi các cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” tại Xy-ri, Y-ê-men chưa hết nóng bỏng, khu vực này đã liên tiếp phải hứng chịu các cơn “địa chấn” chính trị mới. Từ cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước A-rập và Ca-ta; vấn đề Mỹ chuyển Đại sứ quán về Giê-ru-xa-lem cho tới nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân I-ran.
Những chuyển động chính của bức tranh chính trị tại khu vực này phụ thuộc vào các chủ thể cơ bản, đóng vai trò quyết định quan hệ quốc tế trong nội bộ khu vực cũng như giữa khu vực với các chủ thể quan hệ quốc tế khác, đặc biệt là các nước lớn. Đó là vai trò của thế giới A-rập, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en. Các chủ thể này lệ thuộc, kiềm chế, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và tạo nên cấu trúc đa cực tại khu vực này. Đặc điểm chính trị chủ yếu tại Bắc Phi - Trung Đông đó là một nền chính trị bất ổn với sự chia sẻ quyền lực và sự can thiệp của các cường quốc.
Sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực
Qua bức tranh Trung Đông thời kỳ hậu “Mùa xuân A-rập” có thể thấy rõ sự cạnh tranh giữa các nước lớn nhằm tìm kiếm địa vị lãnh đạo khu vực. Các nước I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, A-rập Xê-út tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại khu vực, kể cả bằng biện pháp quân sự, liên minh chống khủng bố; gác lại những bất đồng về lợi ích, liên kết với Nga, giải quyết vấn đề hòa bình Xy-ri và khu vực, độc lập hơn với Mỹ và EU.
Quan hệ giữa chính các quốc gia A-rập đang rạn nứt nghiêm trọng bởi khác biệt về chính trị và tôn giáo. Tháng 6-2017, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ca-ta và nhóm nước A-rập vùng Vịnh Péc-xích bùng phát và kéo dài tới nay là minh chứng rõ nhất cho những rạn nứt và bất đồng sâu sắc ở Trung Đông. Không chỉ cắt đứt quan hệ ngoại giao, Ba-ren, A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất cùng quốc gia Bắc Phi là Ai Cập còn siết chặt các biện pháp cô lập và “trừng phạt hội đồng” nhằm vào Ca-ta. A-rập Xê-út và các nước theo dòng Hồi giáo Xăn-ni từ lâu đã đối đầu với I-ran - quốc gia có 80% dân số theo dòng Hồi giáo Si-ai. I-ran và A-rập Xê-út không chỉ đại diện cho hai cộng đồng Hồi giáo khác biệt, mà còn có những liên minh đối đầu nhau trên khắp Trung Đông, dẫn đến xung đột công khai tại Xy-ri và Y-ê-men; tranh giành vị thế áp đảo chính trị tại I-rắc, hậu thuẫn cho các bên đối nghịch tại Ba-ren và Ca-ta. Mặc dù ít có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp, song sự tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa hai cường quốc khu vực này đang trở thành ngòi nổ kích hoạt những mâu thuẫn và căng thẳng bạo lực ở Trung Đông.
I-ran đẩy mạnh cạnh tranh với các nước quân chủ vùng Vịnh Péc-xích và với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ I-ran chủ trương ủng hộ chính quyền của Tổng thống Ba-sa an-Át-xát nên đã cung cấp và ủng hộ vũ khí và quân sự cho chính quyền Xy-ri. Ngược lại, A-rập Xê-út, Ca-ta và Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ phe đối lập, yêu cầu ông B. A. Át-xát phải từ chức. I-ran đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cuộc xung đột tại Xy-ri tiếp tục leo thang. Đồng minh Xy-ri thất bại sẽ khiến không gian sinh tồn của trục Xi-ai chống phương Tây do I-ran đứng đầu bị đe dọa. Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với I-ran, bất chấp những nỗ lực của đồng minh phương Tây càng khiến I-ran phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trước mắt là những gói trừng phạt kinh tế nặng nề của Mỹ nhằm vào lĩnh vực năng lượng và tài chính.
I-xra-en với những thế mạnh về kinh tế, là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, I-xra-en đang dần trở nên cô lập hơn trong chính không gian địa - chính trị của khu vực. I-xra-en là nước chịu tổn thất và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các chính biến tại Ai Cập, Y-ê-men, Li-bi. Chính quyền của cựu Tổng thống Ai Cập H. Mu-ba-rắc sụp đổ khiến I-xra-en mất đi một đồng minh quan trọng. Mâu thuẫn giữa I-xra-en với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa được cải thiện. Tình hình biên giới của I-xra-en luôn căng thẳng. Việc Mỹ công nhận Giê-ru-xa-lem là Thủ đô của I-xra-en cho thấy Mỹ dường như đang nghiêng nhiều về I-xra-en; tuy nhiên sự kiện này cũng khiến I-xra-en bị các nước A-rập cô lập.
Mặt khác, IS đã tạo ra những ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các cường quốc khu vực và toàn cầu, buộc các quốc gia này xác định lại cách thức hành xử. Sự hiện diện của tổ chức này vừa lạ thường, vừa khó có thể lờ đi bởi nó là một thực thể địa lý. Kết quả là các quốc gia đã buộc phải điều chỉnh lại những chính sách và quan hệ lẫn nhau. Có thể thấy được điều này trong trường hợp Xy-ri và I-rắc. Hai nước này không phải là những bên duy nhất phải đương đầu với IS; các cường quốc khu vực khác - chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran và A-rập Xê-út - cũng đang cân nhắc lại lập trường của mình. Bên trong Xy-ri và I-rắc, IS mang những đặc điểm của cộng đồng người dân A-rập theo Hồi giáo dòng Xăn-ni. Tổ chức này đã áp đặt sự cai trị tại những vùng ở I-rắc có người A-rập theo dòng Xăn-ni, và cho dù người Xăn-ni có kháng lại quyền lực của IS, thì sự chống đối lại bất cứ một nhà nước mới nổi lên nào như vậy là lẽ dĩ nhiên. IS đã từng đối phó được với sự chống đối này. Nhưng tổ chức này cũng đã gây căng thẳng lên ranh giới khu vực giữa người Cuốc và người Hồi giáo dòng Si-ai, và đã cố gắng tạo dựng liên kết địa lý với những lực lượng của mình ở Xy-ri, khiến động lực nội bộ của I-rắc thay đổi đáng kể.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng tại khu vực này, song trong việc giải quyết vấn đề IS thì lại cần phải xem xét. Mặc dù có nền kinh tế và quân đội lớn nhất khu vực, và cũng là nước dễ bị tổn thương nhất trước những sự kiện đang diễn ra ở Xy-ri và I-rắc, sát biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực hết mình nhằm giữ cho cuộc xung đột ở Xy-ri nằm ở ngoài biên giới nước mình và hạn chế can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Xy-ri. Họ cũng không muốn IS gây áp lực đối với những người Cuốc ở I-rắc, vì có thể sẽ dần lan sang những người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù tham gia giúp Mỹ chống IS sẽ giải quyết được lợi ích cần thiết với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ; song việc Mỹ không muốn loại bỏ chính quyền của Tổng thống B. A. Át-xát vì lo sợ làm vậy sẽ mở đường cho một chế độ mới của những chiến binh thánh chiến dòng Xăn-ni khiến nước này do dự. IS đã trở thành tâm điểm trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Sự nổi lên của IS cũng đã tái định hình vị thế của I-ran trong khu vực. I-ran coi việc có một chính quyền thân I-ran và do những người dòng Si-ai kiểm soát tại I-rắc là điều thiết yếu đối với những lợi ích của mình. Vì sự kiện IS - cũng như những xu hướng dài hạn lớn hơn - mà Mỹ và I-ran xích lại gần nhau hơn bởi những lợi ích chung.
Cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ tại khu vực
Có thể nói, khu vực Trung Đông - Bắc Phi là địa bàn chiến lược của cả hai cường quốc Nga và Mỹ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã tận dụng được khoảng trống quyền lực tại đây và sau đó đã kiểm soát được trữ lượng dầu mỏ tại Trung Đông. Mỹ thiết lập quan hệ đồng minh với I-xra-en, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước A-rập, đặc biệt thông qua vai trò nối lại tiến trình hòa bình tại Trung Đông giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Mỹ thực hiện chính sách cứng rắn với vấn đề hạt nhân của I-ran, nhưng lại lấy việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do Mỹ - Trung Đông làm công cụ chính để xoa dịu các nước thù địch với Mỹ tại khu vực. Chính quyền của cựu Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng sử dụng chính sách ôn hòa nhằm cải thiện quan hệ với các nước A-rập. Dù là cường quốc có nhiều ảnh hưởng tại đây, song cách thức hành động mang tính áp đặt của Mỹ đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực này nghi ngại.
Sau Chiến tranh lạnh, vai trò của Nga tại khu vực này không thực sự rõ nét, chủ yếu là quan hệ buôn bán vũ khí với các quốc gia tại đây. Gần đây, Nga tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, vượt qua cấm vận, lấy lại vị thế trên trường quốc tế; bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực chiến lược, trong đó có gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông... Nga là một trong bốn bên đóng vai trò bảo trợ cho tiến trình hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Nga chủ động trong tiến trình hòa bình Xy-ri, buộc Mỹ và phương Tây phải thừa nhận vai trò quốc tế của mình. Nga không chỉ có lợi ích địa - chiến lược, mà còn có những lợi ích về kinh tế, cụ thể là về nguồn năng lượng khí đốt tại Xy-ri. Bảo vệ được vị thế của Nga tại Xy-ri đồng nghĩa với việc khẳng định được vị thế của Nga trước Mỹ và các nước đồng minh.
Vấn đề Xy-ri là một trong những vấn đề nội cộm thể hiện sự tranh giành ảnh hưởng rõ rệt giữa Nga và Mỹ. Cuộc nội chiến tại Xy-ri hơn 7 năm chưa đi đến hồi kết được đánh giá là một trong những xung đột phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên nhất, với sự chia sẻ lợi ích của nhiều quốc gia nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bao gồm cả I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng đối lập tại Xy-ri cũng như sự can dự của Nga, Mỹ - phương Tây. Hai năm qua, sự can dự của quân đội Nga đã giúp Tổng thống Xy-ri B. A. Át-xát từ chỗ bên bờ vực đổ vỡ, nay đã gần như nắm được phần thắng trong tầm tay; đồng thời làm tan rã phiến quân IS, cho thấy vai trò lớn mạnh của Nga tại Trung Đông dần được xác lập. Những vùng an toàn đã được thiết lập sau những chiến thắng trên chiến trường Xy-ri. Cụ thể có 4 vùng an toàn được thiết lập, dưới sự bảo trợ của Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt bạo lực, cải thiện tình hình nhân đạo và tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình và dàn xếp chính trị của cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Nga cũng bắt đầu hỗ trợ Chính phủ Xy-ri trong việc tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi các cuộc xung đột. Với sự hỗ trợ của Nga, hiện quân đội Xy-ri đã giành quyền kiểm soát khoảng 87,4% lãnh thổ nước này.
Nga tiếp tục cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran đóng vai trò trung gian cho các cuộc hòa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Xy-ri. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của Nga trong những diễn biến chính trị lớn tại Trung Đông, vượt qua tầm ảnh hưởng của Mỹ. Mặc dù, Mỹ và đồng minh đã thực hiện cuộc không kích vào Xy-ri (ngày 14-4-2018), song hành động đó chỉ mang tính răn đe, không mang tính chất quyết định đến so sánh lực lượng trên thực địa.
Tóm lại, có thể nói tình hình chính trị tại Bắc Phi - Trung Đông vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều “điểm nóng”, nhiều vấn đề chưa đi đến hồi kết. Đó là tiến trình hòa bình và hòa giải giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, mâu thuẫn giữa A-rập Xê-út với I-ran, mối bất hòa giữa A-rập Xê-út và đồng minh với Ca-ta, nội chiến ở Y-ê-men, và bất ổn ở Xy-ri, I-rắc, Li-bi và Li-băng vẫn còn rất phức tạp. Những vấn đề của Trung Đông không chỉ là những vấn đề tôn giáo phức tạp, là những vấn đề do lịch sử để lại, mà còn là sự can dự, tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó có sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Chính sự bất ổn chính trị và sự yếu kém về kinh tế đã làm cho các nước khác dễ dàng can thiệp vào quan hệ giữa các nước trong khu vực. Do đó, muốn có được sự tự chủ, cần có một nền chính trị ổn định và kinh tế phát triển./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 07 đến ngày 13-01-2019)  (16/01/2019)
Ghi nhận kết quả, khắc phục hạn chế  (15/01/2019)
Ghi nhận kết quả, khắc phục hạn chế  (15/01/2019)
Thực hiện tốt công tác hậu cần quân đội trong thời kỳ mới  (15/01/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên