TCCSĐT - Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 từ ngày 01-12-2018 đến ngày 28-02-2019.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả; đồng thời, giúp các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Trong đó cần xác định các tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không; các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, cảng hàng không nội địa,… Phân công rõ nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.

Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát cả biên giới, cửa khẩu và nội địa, tập trung vào các mặt hàng: ma tuý, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp,... bảo đảm ổn định thị trường; chủ động tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng; chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn bán, các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; nhanh chóng điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; xác định rõ trách nhiệm đối với từng ngành, từng địa phương, tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để hàng hóa nhập lậu vận chuyển từ biên giới vào nội địa tiêu thụ, hình thành các tụ điểm chứa chấp hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong nội địa.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới đường bộ, đường biển (trọng điểm là các đường mòn, lối mở, kênh, sông biên giới, cảng biển,...); kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các điểm tập kết, tụ điểm chứa hàng nhập lậu trong khu vực biên giới; ngăn chặn không để các đối tượng xuất, nhập cảnh qua biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam; phối hợp với lực lượng Hải quan xây dựng kế hoạch tuần tra, chốt chặn tại các tuyến đường có khả năng mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa; chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tăng cường công tác trinh sát, tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các vùng biển, trọng điểm là vùng biển Đông Bắc, vùng biển miền Trung và vùng biển Tây Nam.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan; tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết, đồng thời vẫn phải đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với mặt hàng trọng điểm; chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, thu gom hàng hóa cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi sản xuất buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm kém chất lượng, hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp kiểm tra, kiểm dịch các loại hoa quả, đồ uống, thực phẩm, gia súc, gia cầm,... bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân; tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không (trọng điểm là các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe, các phương tiện là ôtô chở khách từ các tỉnh biên giới về nội địa; tàu hỏa chạy tuyến đường sắt Bắc - Nam).

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phản ánh tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Hoàn thiện dự thảo Quyết định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục một số gói thầu, nội dung mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Thông báo nêu rõ, chủ trương của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường phân cấp để tạo điều kiện cho phát triển; đồng thời, phải bảo đảm chặt chẽ để chống tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước. Do đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; người quyết định mua sắm chịu trách nhiệm về hình thức lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu… theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của mình.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tính chất đặc thù đối với các gói thầu, nội dung mua sắm sắm bảo đảm hoạt động thường xuyên, nếu thực hiện các thủ tục theo đúng quy trình sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động thường xuyên. Hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục một số gói thầu, nội dung mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Dự thảo Quyết định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và có ý kiến thống nhất về hình thức văn bản. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thận trọng để tránh việc lạm dụng nhằm chỉ định thầu các gói thầu không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu.

Để bảo đảm việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ về hình thức, nội dung văn bản (có thể là “phân cấp thực hiện theo Điều 26 Luật đấu thầu”…); đồng thời, rà soát danh mục các gói thầu, nội dung mua sắm để lược bỏ các nội dung mà có thể thực hiện đấu thầu hoặc các hình thức khác theo quy định tại các Điều 20 đến Điều 25 của Luật đấu thầu (ví dụ: gói thầu tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, quảng bá xúc tiến du lịch…; gói thầu mua tặng phẩm…). Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định


Phát huy lợi thế vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế biển, xây dựng hệ thống đô thị - nông thôn tỉnh Bình Định phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Nâng cao vị thế của tỉnh, tạo sức lan tỏa đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035.

Theo đồ án quy hoạch, phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6.050 km2. Gồm 11 đơn vị hành chính: 01 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện.

Mục tiêu quy hoạch xây dựng mô hình không gian tỉnh Bình Định phát triển linh hoạt và hiệu quả. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng bền vững, giữ gìn sinh thái môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật diện rộng, các công trình đầu mối kỹ thuật kết nối đồng bộ với hệ thống đô thị, các khu động lực kinh tế và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.

Xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan tỏa đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, đến năm 2025, tỉnh Bình Định có 17 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Quy Nhơn); 01 đô thị loại III (Thành phố An Nhơn); 02 đô thị loại IV (Hoài Nhơn, Tây Sơn); 10 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh); 03 đô thị loại V hình thành mới (Cát Tiến, huyện Phù Cát; Phước Hòa, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão).

Đến năm 2035, tỉnh Bình Định có 22 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Quy Nhơn); 02 đô thị loại III (Thành phố An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn); 02 đô thị loại IV (Tây Sơn, Cát Tiến); 10 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh); 07 đô thị loại V hình thành mới (Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Cát Khánh, huyện Phù Cát; Phước Lộc, huyện Tuy Phước; Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân; Canh Vinh, huyện Vân Canh; Phước Hòa, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão).

Xây dựng thành phố Quy Nhơn là trung tâm du lịch của toàn tỉnh và là một trong những trung tâm tiểu vùng du lịch thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Các trung tâm du lịch phụ trợ gồm đô thị Hoài Nhơn và Tây Sơn. Phát triển Khu du lịch Phương Mai - Núi Bà quy mô khoảng 2.500 ha trở thành khu du lịch quốc gia với các giá trị sinh thái biển đảo và mang đậm dấu ấn văn hóa Bình Định. Định hướng phát triển quần thể di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung và đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thành điểm du lịch quốc gia.

Về phát triển thương mại và dịch vụ, phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cấp vùng tại thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội. Phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, phân phối hiện đại, kết hợp cải tạo và xây dựng mới hệ thống chợ tại khu vực thành phố, các thị trấn và các khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung của tỉnh.

Phát triển các trung tâm dịch vụ kho vận cấp vùng, cấp tỉnh tại thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn và Tây Sơn gắn với cảng biển, cảng hàng không, các trục hành lang kinh tế trọng điểm quốc lộ 1, quốc lộ 19 và tuyến thương mại liên vùng.

Hình thành trung tâm hội chợ, triển lãm cấp vùng, tại thành phố Quy Nhơn. Tại thành phố An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn, Tây Sơn hình thành và phát triển các cụm hoặc khu vực hội chợ, triển lãm, các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao lưu hàng hóa đóng vai trò kết nối nội vùng và giữa Bình Định với các vùng lân cận. Phát triển các trung tâm thương mại chợ đầu mối tại các vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp có quy mô sản lượng lớn như chợ đầu mối nông lâm sản tại Hoài Nhơn, Tây Sơn, chợ đầu mối thủy sản tại Tam Quan (đô thị Hoài Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát)./.