Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương

Tin, ảnh: Trịnh Cường
23:34, ngày 04-10-2018

TCCSĐT - Ngày 04-10-2018, tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin), Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Chèo lái qua bất ổn”, ấn bản tháng 10-2018 của báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Dương (EAP). Theo Báo cáo, dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi, triển vọng tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực EAP vẫn tích cực, dự kiến đạt 6,3% năm 2018, thấp hơn so với năm 2017 do tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chững lại vì nền kinh tế tiếp tục tái cân bằng.

Vẫn duy trì tăng trưởng dù bất ổn toàn cầu tăng lên

Dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi, triển vọng tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực EAP vẫn tích cực. Báo cáo nhấn mạnh các yếu tố kết hợp, như tình trạng căng thẳng thương mại, Mỹ tăng lãi suất, thị trường tài chính biến động ở nhiều nền kinh tế mới nổi trong những tháng qua đã làm tăng tình trạng bất định về triển vọng tăng trưởng của khu vực. Đồng thời, lạm phát bắt đầu tăng lại trên toàn khu vực, nhất là ở Mi-an-ma, Phi-líp-pin và Việt Nam Theo bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách EAP: “Tăng trưởng vững đã, đang và sẽ tiếp tục là yếu tố chính để giảm nghèo và tình trạng dễ tổn thương trong khu vực. Chủ nghĩa bảo hộ và biến động trên thị trường tài chính có thể gây tổn hại đến viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn, trong đó người nghèo và những người dễ tổn thương nhất phải chịu những hệ quả bất lợi nhất. Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải cảnh giác và chủ động tăng cường khả năng chống chịu và đương đầu của quốc gia”.

Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại còn 6,5% năm 2018, sau khi đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến năm 2017. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến vẫn ổn định ở mức trung bình 5,3% từ năm 2018 đến năm 2020, chủ yếu nhờ cầu trong nước. Tăng trưởng của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ đứng vững trong năm 2018 trước khi chững lại vào năm 2019 và 2020 do cầu trong nước mạnh hơn, nhưng cũng chỉ bù đắp được một phần tăng trưởng xuất khẩu ròng chững lại. In-đô-nê-xia giữ được tăng trưởng ổn định nhờ triển vọng về đầu tư và tiêu dùng tư nhân được cải thiện. Tăng trưởng của Phi-líp-pin năm 2018 sẽ chậm lại, nhưng đầu tư công tăng lên theo dự kiến sẽ đẩy mạnh tăng trưởng trong trung hạn. Tăng trưởng của Ma-lai-xi-a dự kiến sẽ chững lại do xuất khẩu giảm và đầu tư công cũng đang giảm xuống do nước này hủy bỏ hai dự án hạ tầng lớn.

Triển vọng tăng trưởng ở các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực EAP vẫn được duy trì ở mức bình quân trên 6% mỗi năm tại Cam-pu-chia, Lào, Mông Cổ và Mi-an-ma trong giai đoạn 2018 - 2020. Tăng trưởng của Đông Ti-mo dự kiến sẽ khôi phục sau khi bế tắc chính trị được giải quyết, còn Pa-pua Niu Ghi-nê dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2019 sau trận động đất lớn hồi đầu năm. Tăng trưởng ở các quốc đảo Thái Bình Dương được cho là vẫn tương đối ổn định, dù rất dễ bị tổn thương bởi những cú sốc thiên tai.

Việt Nam - những diễn biến gần đây

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang tiến triển. Tăng trưởng cao dẫn đến tạo việc làm và tăng thu nhập, đem lại những thành quả chung về phúc lợi và giảm nghèo. Nhưng bên cạnh triển vọng cải thiện, trước mắt vẫn tồn tại những rủi ro trong, ngoài nước và những thách thức dài hạn. Đó là rủi ro về biến động tài chính toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong nước do những yếu kém còn tồn tại trong khu vực ngân hàng, nợ công tăng cao trong khi dư địa tài khóa hạn chế và tăng trưởng năng suất chững lại.

GDP của Việt Nam ước tăng 7,1% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018. Tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt, đứng đầu là ngành chế tạo chế biến với mức tăng vững chắc 13% nhờ sức cầu mạnh bên ngoài. Sản lượng ngành nông nghiệp cũng vươn lên đạt mức tăng trưởng 3,9% chủ yếu do kết quả tích cực ở lĩnh vực thủy sản định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 6,9% nhờ lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng mạnh trên cơ sở tiêu dùng tư nhân mạnh và ngành dịch vụ du lịch đạt kỷ lục.

Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 16% từ tháng 1 đến tháng 7-2018. Đồng thời, tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu chững lại còn 11,1%, dẫn đến thặng dư cán cân thương mại và tài khoản vãng lai. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục - ước khoảng 64 tỷ USD vào đầu tháng 6-2018.

Triển vọng

Triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4-2018), trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020 do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ. Mặc dù nền kinh tế có khởi sắc hơn, nhưng dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4% của Chính phủ, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu. Về kinh tế đối ngoại, cân đối tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong ngắn hạn, nhưng mức độ thặng dự sẽ giảm dần từ năm 2019 do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Tình hình ngân sách được củng cố dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong kỳ dự báo./.