TCCSĐT - Sau khi đi thăm, tìm hiểu một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn, sáng 21-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Tây Ninh - địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng còn nhiều khó khăn trong phát triển.

Sở hữu nhiều lợi thế đặc biệt, Tây Ninh có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội: hầu như không bị bão, lũ lụt, giá rét; đất đai, bằng phẳng, phì nhiêu; có trục đường Xuyên Á đi qua và 240km đường biên giới gắn với hai cửa khẩu quốc tế, là cửa ngõ giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế với Campuchia và khu vực ASEAN...

Là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng trong kháng chiến, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, Tây Ninh có nhiều di tích lịch sử cách mạng tầm quốc gia, trong đó có Khu căn cứ Trung ương cục miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Đáng chú ý là núi Bà Đen ở Tây Ninh là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ, cao 986m mang nét đẹp kỳ vĩ của tự nhiên kết hợp với sự linh thiêng của chùa Bà. Đây cũng là địa điểm tập trung các ngôi chùa có hàng trăm năm tuổi cùng với những hang động kỳ bí linh thiêng bậc nhất của vùng đất Tây Ninh.

Nét hấp dẫn ở nơi đây còn là các lễ hội đậm nét văn hóa của địa phương. Đặc biệt, hội Xuân Núi Bà diễn ra từ mùng 4 tháng Giêng hằng năm và kéo dài trong vòng 1 tháng, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham dự.

Nhắc đến tiềm năng du lịch của Tây Ninh không thể không nhắc đến Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh - công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật kiến trúc phương Tây và Á Đông, là nơi thu hút hàng trăm ngàn tín đồ trong những dịp lễ lớn. Lễ hội Đạo Cao Đài Tây Ninh gồm hai lễ chính trong năm: Lễ vía Đức Chí Tôn (mùng 8 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Yến Diêu Trì Cung (15-8 âm lịch).

Tây Ninh còn có Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát - mang nhiều nét đặc trưng riêng, có giá trị đa dạng sinh học cao với quần thể độn thực vật phong phú.

Tỉnh còn sở hữu hồ Dầu Tiếng - hồ thủy nông nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích mặt nước 27.000ha, đóng vai trò điều hòa thủy văn cho Tây Ninh và một số tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã kịp thời triển khai và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Các dự án đầu tư được đôn đốc, tạo điều kiện triển khai. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ. Công tác quản lý, khai thác nguồn thu bảo đảm theo tiến độ. Thu ngân sách bảo đảm cân đối được nhiệm vụ chi theo dự toán.

Các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm luôn được quan tâm thực hiện. Công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Công tác quản lý biên giới, phân giới, cắm mốc và đối ngoại được thực hiện tốt. Tây Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, Vương quốc Campuchia.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đề nghị Tây Ninh chú ý đến công tác bảo vệ rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là khu vực Núi Bà Đen để gìn giữ môi trường tự nhiên khu vực này. Các bộ, ngành đã góp ý với tỉnh cần nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn; nhất là hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, Tây Ninh cần coi thúc đẩy du lịch là trọng điểm trong hướng phát triển kinh tế thời gian tới; chủ động trong việc lựa chọn các dự án phù hợp.

Đánh giá cao các ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Tây Ninh có nhiều điều kiện phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ quốc phòng an ninh không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.

Thủ tướng nhận xét, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất với cách làm tốt, mở ra giai đoạn mới, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu, nhân rộng những mô hình hiệu quả này trong thời gian tới.

Phân tích về các thế mạnh của Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tỉnh đã hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ đi liền với chế biến sâu, gia tăng giá trị hệ thống. Du lịch tiếp tục phát triển nổi bật là các sản phẩm du lịch gắn liền với núi Bà Đen. Các khu công nghiệp, khu kinh tế từng bước đem lại hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Tây Ninh cần đặc biệt chú trọng đến công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua các cửa khẩu. Trong phát triển kinh tế, tỉnh cần chú ý gìn giữ môi trường sinh thái bền vững cho người dân, nhất là nước thải và môi trường rừng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục mở rộng các mô hình chế biến sâu và các mặt hàng sản xuất, dịch vụ khác; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này vào khoảng 2020, Tây Ninh sẽ cân đối được chi thường xuyên, không cần trợ cấp của Trung ương. Tây Ninh cần trở thành hình mẫu trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên, làm giàu từ nông nghiệp.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tây Ninh với những phương án cụ thể trên tinh thần sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn từ đất đai, qua đó, hình thành nguồn lực triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng.

Thủ tướng lưu ý Tây Ninh chú trọng hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trong tháng Chín, trình Chính phủ phê duyệt phương án tiền khả thi tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài để có phương án giải phóng mặt bằng, qua đó, tiếp tục triển khai tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài từ các nguồn lực khác nhau, sớm khởi công trong năm 2019. Về tuyến đường Gò Dầu-Xa Mát, Thủ tướng giao tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư để đề xuất cơ chế phù hợp triển khai trên thực tế.

** Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm nông trường Thành Long tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Thủ tướng đã tới thăm dự án nhà máy chế biến nông sản Tanifood tại huyện Gò Dầu. Đây là hai mô hình tiêu biểu cho định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao sức cạnh tranh và xác lập hướng đi lâu dài của địa phương còn nhiều khó khăn này.

Nông trường Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành hiện đang trồng 1.000ha mía đường nguyên liệu bằng sử dụng công nghệ chính xác, trồng mía, tưới, bón phân tự động qua phần mềm, xử lý cỏ bón phân bằng cơ giới. Khâu thu hoạch được bằng máy hiện đại với mỗi máy thay thế 800 công lao động. Nông trường đang liên kết với các hợp tác xã để trồng mía đường, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân nên bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất đường.

Chúc mừng những thành công của Nông trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình sản xuất hiện đại, vừa cơ giới hóa, vừa ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, sản xuất quy mô lớn với hạ tầng đồng bộ, gắn kết được với người nông dân và hợp tác xã. Qua đó, giúp năng suất mía đạt mức cao, chất lượng tốt, hiệu quả vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra sản phẩm đường organic có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến ngành mía đường, trong đó sẽ đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là tại An Giang. Cùng với yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho Nông trường hoạt động thuận lợi, Thủ tướng cho biết Chính phủ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư, sản xuất lâu dài, phát huy nguồn lực, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp mía đường.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu mô hình của Nông trường Thành Long để, từ đó, rút kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị trong ngành mía đường với quy mô lớn, hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh.

Trước đó, Thủ tướng đã tới thăm Nhà máy chế biến nông sản Tinafood. Đây là một dự án do Công ty Lavifood làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ giữa năm ngoái trên diện tích 15ha, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt với công nghệ hiện đại của thế giới và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11-2018, nhà máy sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng xoài, danh dây, dứa, thanh long...

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác, lãnh đạo nhà máy cho biết, đây là mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết sáu nhà theo thông điệp được Thủ tướng nhiều lần nêu ra.

Nhà máy có dây truyền sản xuất với công nghệ chế biến sâu hiện đại, thuộc top những nhà máy đứng đầu châu Á, bảo đảm tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần tránh tình trạng được mùa mất giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Lãnh đạo công ty cũng cho biết, dự kiến ngay khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ ký hợp đồng xuất khẩu trị giá khoảng 100 triệu USD.

Vui mừng về những định hướng phát triển quan trọng của Công ty trách hiệm hữu hạn Tanifood, một dự án quy mô hiện đại đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực chế biến sâu các mặt nông sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dư địa phát triển lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao ngày càng cao. Do đó, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của những nhà sáng lập Tinafood, mạnh dạn đầu tư vốn lớn để xây dựng nhà máy chế biến nông sản với quy mô lớn và công nghệ hiện đại của thế giới.

Thủ tướng cho rằng khi nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ góp phần thực hiện thông điệp mà Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức mới đây, đó là trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Thủ tướng đánh giá, nếu cả nước có nhiều nhà máy như Tinafood và hoạt động hiệu quả sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn từ hàng nông sản chế biến.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh hỗ trợ nông dân để chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu cho nhà máy, tránh tình trạng nhà máy xây dựng xong không có nguyên liệu. Cùng với đó phải bảo đảm giá cả thu mua ổn định cho người nông dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà máy cần nghiên cứu thị trường thế giới để khi đi vào hoạt động, có thể xuất khẩu mang lại doanh thu lớn. Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Tinafood nghiên cứu nhu cầu và cung ứng sản phẩm cho thị trường 100 triệu dân trong nước; chuẩn bị các phương án phân phối hợp lý trong chuỗi giá trị để bảo đảm lợi ích cho người nông dân, giúp người nông dân gắn bó với nhà máy. Trong quá trình sản xuất cần gắn với các hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp công tác tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điền (Mười Thương), nguyên là cán bộ an ninh tỉnh Tây Ninh - người nổi tiếng trong và ngoài nước với ba lần ám sát hụt Ngô Đình Diệm, án tử hình treo trên đầu, qua hết nhà tù này tới nhà tù khác của địch./.