Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh: Xây dựng mối quan hệ láng giềng, hữu nghị nhân dân hai bên biên giới
TCCSĐT - Đóng quân trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ, phụ trách gần 18 km đường biên giới thuộc địa bàn 2 huyện Đức Cơ và Ia Grai của tỉnh Gia Lai, giáp với tỉnh Ratanakiri của Campuchia, thời gian qua, xác định công tác ngoại giao nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cơ bản trong mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo được niềm tin yêu của nhân dân.
Gia Lai có 90 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia cùng với 8 đồn biên phòng đảm nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, Đức Cơ là một trong ba huyện biên giới của tỉnh Gia Lai có 3 xã biên giới giáp với Campuchia, có Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phụ trách gần 18 km đường biên thuộc xã Ia Dom, tiếp giáp với xã Pó Nhầy, huyện Ôzađao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia. Là địa phương có trên 1.700 hộ/6.995 khẩu với 14 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc Jrai chiếm trên 32% dân số, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tình hình an ninh, chính trị hai bên biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê Ga”, tà đạo “Hà Mòn” và các thế lực thù địch khác vẫn thường xuyên tuyên truyền, kích động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã vượt biên trốn sang Campuchia,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ngoại giao nhân dân trên địa bàn hai xã biên giới.
Trước tình hình đó, là đơn vị phụ trách địa bàn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh luôn quán triệt và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, trong đó xác định công tác đối ngoại nhân dân là một biện pháp cơ bản, quan trọng, lâu dài nhằm vận động nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hiệp định, quy chế khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia; pháp luật về biên giới quốc gia.
Chung sức đồng lòng cùng nhân dân và chính quyền địa phương nơi mình đứng chân, đơn vị đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giúp người dân trên địa bàn xã Ia Dom phát triển kinh tế bằng các mô hình như: trồng tiêu, mì, lúa nước; hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo; xây mới và sửa chữa nhà ở cho người dân; phối hợp với địa phương vận động nhân dân tiến hành xây dựng đường điện chiếu sáng giao thông và thu gom rác thải; tích cực giúp địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh việc hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, điển hình là xây dựng mô hình kết nghĩa “bản - bản”, giữa 2 làng Mok Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (Việt Nam), với làng Bó Lớn, xã Bó Nhầy, huyện Ôzađao, tỉnh Ratanakiri (Campuchia) nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai xã biên giới. Trong chuỗi các hoạt động đối ngoại nhân dân, hai bên thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, những mô hình hay để phát triển kinh tế, trao đổi những nét đẹp văn hóa của các dân tộc nhân dịp lễ truyền thống của dân tộc hai bên, nhất là giúp nhân dân 2 xã biên giới thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, giữ vững an ninh làng bản, đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh biên giới. Từ khi hai làng Mok Đen và Bó Lớn kết nghĩa, người dân hai làng luôn chấp hành nghiêm các hiệp định về quy chế biên giới đất liền, giữ vững an ninh trật tự hai bên, không để xảy ra việc trộm cắp tài sản, tranh chấp, mâu thuẫn, vượt biên giới trái phép. Mọi người tin tưởng nhau hơn, có trách nhiệm với nhau hơn; trai, gái hai làng có cơ hội tìm hiểu nhau và kết nghĩa vợ chồng.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cũng đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở bản kết nghĩa Pó Lớn, huyện Pó Nhầy, tỉnh Ratanakiri, giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết: “Ban Chỉ huy đồn đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó xác định làm tốt công tác ngoại giao nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhất là hỗ trợ, giúp đỡ cho nhân dân hai bên biên giới có điều kiện thăm thân, trao đổi kinh nghiệm, những mô hình hay để phát triển kinh tế cho nhân dân hai làng biên giới. Quan trọng nhất, cùng chính quyền hai địa phương phối hợp làm tốt công tác đối ngoại, tuyên truyền công tác phân giới cắm mốc, bảo đảm cho nhân dân hai bên biên giới cùng nhau bảo vệ đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, các trạm xá quân dân y tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho quần chúng nhân dân trên địa bàn 2 xã biên giới, tổ chức cho nhân dân hai bên giao lưu văn hóa nhân dịp tết cổ truyền, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, chỉ huy đơn vị thường tổ chức đoàn sang thăm hỏi, tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo bên kia biên giới, tham gia giúp người dân xã Pó Nhầy khắc phục hậu quả do thiên tai mưa lũ… Công tác giúp bạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, cách phòng chống dịch bệnh cho người dân nước bạn cũng được đơn vị hết sức quan tâm. Trên cơ sở đó, kết hợp lồng ghép việc tuyên truyền chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách sâu rộng đến nhân dân 2 xã vùng biên. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhân dân trên khu vực biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt, củng cố thêm niềm tin, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà nước, từ đó, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện, phát huy tốt vai trò quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Có thể nói, những việc làm thiết thực, những hỗ trợ kịp thời của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cả về vật chất và tinh thần đã để lại những ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương 2 xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Việt Nam) và xã Pó Nhầy, huyện Ôzađao (Campuchia). Dấu chân các chiến sỹ biên phòng vẫn ngày ngày in dấu trên đường biên, họ luôn nắm chắc tay súng bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Kiên cường là vậy, nơi đó chứa đựng biết bao tình cảm thân thương với bà con thôn, làng, đó là những hình ảnh đẹp về tình quân - dân, mà chính sự gắn bó máu thịt với đồng bào đã tạo nên một “phòng tuyến biên giới”, “thế trận nhân dân” vững chắc./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-8-2018)  (20/08/2018)
Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng  (20/08/2018)
Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam  (20/08/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển