Bế mạc Đối thoại Shangri-La 2018
Shangri-La 2018
Bắt đầu từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La (SLD) do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tài trợ được tổ chức thường niên tại Singapore. Diễn đàn thường quy tụ nhiều quan chức quốc phòng và học giả của khoảng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia.
Đối thoại năm nay có sự tham dự của các Bộ trưởng và các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ gần 50 nước, trong đó nhiều nước cử Bộ trưởng Quốc phòng, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, New Zealand, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Indonesia và Việt Nam, cùng giới chức lãnh đạo các tổ chức quốc tế, như Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rose Gottemoeller, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi. Tổng cộng có hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số năm 2017 đã tham dự diễn đàn.
Dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự SLD 2018 là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh.
Việt Nam là khách mời từ những kỳ Shangri-La đầu tiên, tuy nhiên, đây là lần thứ 4 cấp Bộ trưởng tham gia. Điều này thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam trình bày quan điểm về những vấn đề an ninh khu vực có liên quan đến lợi ích chính đáng của quốc gia, với chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Diễn đàn năm nay có 5 phiên thảo luận toàn thể, bao gồm: Vai trò lãnh đạo của các nước lớn và các thách thức an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; Giải quyết khủng hoảng Triều Tiên; Những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và Nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Bên cạnh các phiên toàn thể còn có các phiên đồng thời, trong đó tập trung thảo luận nhiều vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, như các chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột, bảo đảm an ninh hàng hải, xung đột sắc tộc, chiến lược phát triển năng lực quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương hay quan lý cạnh tranh trong hợp tác an ninh.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên, xuất phát từ những xung đột và mâu thuẫn về lợi ích, thời gian qua môi trường chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vấn đề nóng xuất hiện và diễn biến khó lường, trong đó có thể phải kể đến vấn đề hạt nhân, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… Điều này đã và đang đe dọa đến an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phiên khai mạc, đại biểu các nước tại SLD lần này đã tập trung thảo luận, trình bày quan điểm của mình xoay quanh các chủ đề chính như vai trò lãnh đạo của Mỹ cùng các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; chống leo thang khủng hoảng Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu khẳng định rõ quan điểm, đường lối cùng chính sách quốc phòng của Việt Nam, góp phần cùng các nước phân tích và định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á nói chung cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng.
Các nước lo ngại trước tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông
Trong bài dẫn đề tại phiên khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các nước có quyền "tiếp cận bình đẳng" đối với các vùng biển và không phận quốc tế và giải quyết các tranh chấp khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Ấn Độ đã nêu bật tầm nhìn của ông về các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hướng tới các mối quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn. Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta nên có quyền tiếp cận bình đẳng - như một quyền được luật pháp quốc tế thừa nhận - đối với việc sử dụng các vùng biển và không phận quốc tế. Điều này đòi hỏi sự tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế." Thủ tướng Modi khẳng định khi tất cả nhất trí tuân thủ quy tắc này, các tuyến hàng hải sẽ mở đường cho sự thịnh vượng và hòa bình.
Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này cũng nhấn mạnh việc các quốc gia cần đảm bảo duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, trên cơ sở tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, không phân biệt là nước lớn hay nước nhỏ. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ ủng hộ việc tích cực đối thoại để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo các quy định của luật pháp quốc tế cũng như cho biết sẽ kiên trì theo đuổi chính sách đa phương trong các nỗ lực giải quyết những thách thức an ninh hiện nay, đặc biệt là đảm bảo quyền tự do hàng hải và lưu thông thương mại hàng hóa trên biển.
Bên cạnh phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Ấn Độ, các phát biểu tại 3 phiên toàn thể cũng như 6 phiên thảo luận của quan chức quốc phòng của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonesia… đều bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự. Trung Quốc mới đây còn hạ cánh máy bay ném bom xuống đảo Woody (đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Theo Bộ trưởng Mattis, việc Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí có liên hệ trực tiếp với việc sử dụng vũ khí quân sự cho mục đích "đe dọa và gây sức ép" là đi ngược với những cam kết trước đó của Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không giữ đúng cam kết rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông. Ông nêu rõ Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại đầu tư tự do và công bằng, cũng như tuân thủ các luật lệ và quy định quốc tế.
Bên cạnh việc tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì vai trò ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Mattis còn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây, nhấn mạnh, không một nước nào nên và có thể giữ vai trò “thống trị” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Người đứng đầu Lầu Năm góc cũng thừa nhận vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong việc duy trì trật tự ở khu vực và để đi đến mục tiêu này, các bên cần phải ngồi vào bàn đối thoại một cách cởi mở trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền bình đẳng của mỗi quốc gia, bất kể là nước lớn hay nước nhỏ.
Lần đầu tiên đăng đàn tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam là độc lập, tự chủ và tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất. Và điều quan trọng là các quốc gia cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội và quan trọng nhất là các bên minh bạch hoá chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm, thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói phải đi đôi với việc làm.
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
Nhận định về các quan điểm này, giới phân tích cho rằng vấn đề hiện nay là các quốc gia cần phải biến lời nói thành hành động, hiện thực hóa các cam kết để giải quyết xung đột và tranh chấp; trong đó từng quốc gia phải ứng xử một cách có tránh nhiệm, thượng tôn luật pháp quốc tế và vì lợi ích chung của cả khu vực. Giới chuyên gia đánh giá cao lập trường tiên quyết của Việt Nam rằng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), những cam kết trong ASEAN, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tới đây là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là nền tảng để quản lý và giải quyết xung đột trên Biển Đông.
Vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Đối thoại Shangri-La 2018 diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên, dự kiến cũng sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 12-6 tới, vì vậy bán đảo Triều Tiên cũng là chủ đề nổi bật được tập trung bàn thảo.
Tại cuộc hội đàm 3 bên với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng con đường đi đến các cuộc đàm phán rất "gập ghềnh", và cần phải duy trì quan điểm phòng thủ, hợp tác, cứng rắn để các nhà ngoại giao có thể đàm phán ở vị thế mạnh trong thời điểm quan trọng này. Theo đó, các cường quốc khu vực cần tiếp tục thực thi tất cả các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh chỉ giảm bớt các biện pháp trừng phạt "khi Triều Tiên thể hiện các động thái có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa".
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong-moo nói ông "khá thận trọng" do các hành xử của Triều Tiên trong quá khứ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra "những bước đi tích cực" mà Bình Nhưỡng thực hiện gần đây, dường như ám chỉ việc Triều Tiên trả tự do cho 3 công dân Mỹ và việc phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Theo ông Song Yong-moo, các nước có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng và phải tận dụng cơ hội này. Tại phiên họp toàn thể về "Giảm leo thang khủng hoảng Triều Tiên", ông Song Yong-moo cho rằng trên cơ sở đối thoại, tình hình Bán đảo Triểu tiên đã đạt được nhiều bước tiến nhất định đồng thời bày tỏ lạc quan rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường xúc tiến các kênh kết nối với Triều Tiên để cùng với cộng đồng quốc tế kiến tạo hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Ông Song Young-moo cũng kêu gọi ủng hộ đối thoại để giúp Triều Tiên gia nhập cộng đồng quốc tế và theo ông, rất khó để có thể đối thoại với Triều Tiên và tạo lập hòa bình nếu vẫn còn hoài nghi về thiện chí của Bình Nhưỡng trong tương lai.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải được hưởng quyền suy đoán vô tội khi chưa có bằng chứng buộc tội. Phát biểu tại Shangri-La, Bộ trưởng Song Young-moo thừa nhận có một cuộc tranh luận về mức độ giải giáp hạt nhân mà Triều Tiên cần phải thỏa hiệp, song ông nhấn mạnh nếu quá chú trọng vào việc giải giáp thay vì cách thức tiến hành, thì đối thoại sẽ không bao giờ đạt kết quả. Ông nói: "Cần đạt mục tiêu giải pháp hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và tôi tin rằng ông Kim Jong-un sẽ cam kết điều này. Nếu các bạn tiếp tục nghi ngờ các động lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đó sẽ chỉ là một trở ngại đối với đối thoại và tiến bộ".
Khi lên cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in ở Hàn Quốc đã đặt ưu tiên hàng đầu là đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mối hận thù kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai miền, và đem lại hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên. Seoul công khai cam kết không theo đuổi chính sách lật đổ nước láng giềng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore. Ông kêu gọi 2 bên giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc hàng chục năm trước đây.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực góp phần vào thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Phát biểu tại tỉnh Shiga, ông Abe khẳng định: "Nhật Bản quyết tâm nỗ lực cao nhất để đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh lịch sử, giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa và công dân Nhật bị bắt cóc". Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống Trump ngày 07-6 trước khi đến Canada dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển (G7) vào ngày 08 và 09-6.
*
* *
Diễn đàn Shangri-La năm nay được coi là cơ hội tốt, thậm chí được coi là “bước đệm” để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Những nội dung được các đại biểu tập trung đề cập còn nằm ở các chiến lược rộng hơn trong đối phó với các nguy cơ cũng như bảo đảm an ninh khu vực, nhất là trong bối cảnh hàng loạt thách thức về cả an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống vẫn đang đặt ra nhiều quan ngại. Trong đó, phải kể đến mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và hồi giáo cực đoan ngày càng nghiêm trọng với những diễn biến phức tạp, thể hiển rõ nét qua hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Indonesia gần đây; hay tình hình Biển Đông cũng tiếp tục nổi lên những diễn biến đáng lo ngại với việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trái phép tại các thực thể ở Biển Đông.
Phát biểu tại phiên toàn thể cuối cùng của đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Singpore Ng Eng Hen nhấn mạnh, mặc dù trật tự quốc tế trong cả lĩnh vực an ninh và thương mại được xây dựng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến nay vẫn chưa bị phá vỡ, song diễn biến khu vực cùng sự thay đổi cán cân quyền lực của các nước lớn đang khiến cho trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay đổi. Đáng chú ý, một số hành động đơn phương của Mỹ trong điều chỉnh, áp đặt các chính sách thương mại cùng việc triển khai các hệ thống khí tài quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đang đi ngược lại với các quy tắc hiện có và làm gia tăng các thách thức an ninh tại khu vực. Trong bối cảnh đó, các bên cần tăng cường phối hợp xây dựng và củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để tiếp tục duy trì xu thế phát triển và thịnh vượng của khu vực./.
150 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2017  (03/06/2018)
Tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản  (03/06/2018)
Vai trò đặc biệt của nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu kinh tế  (03/06/2018)
Khởi đầu giai đoạn phát triển mới hiệu quả và thực chất hơn nữa của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản  (03/06/2018)
Nhân rộng những điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước  (03/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên