Tư tưởng lỗi lạc của Karl Marx sống mãi
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà tư tưởng lỗi lạc Karl Marx (05-5-1818 - 05-5-2018) và 170 năm kể từ khi Tuyên ngôn Cộng sản ra đời, một loạt hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa lớn đã được tổ chức đồng loạt nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, qua đó, tái khẳng định những giá trị trường tồn trong tư tưởng, học thuyết quý giá của triết gia vĩ đại này.
Không chỉ người dân ở thành phố nhỏ Trier, Tây Nam Đức, quê hương của Karl Marx, mà còn ở nhiều nơi khác trên khắp thế giới trong đó có Ireland, Trung Quốc, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 200 để tưởng nhớ lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
* Ngày 04-5, phát biểu tại lễ khai trương buổi triển lãm về Karl Marx mang tên “Cuộc đời, Sự nghiệp và Thời đại”, do chính quyền bang Rhineland-Pfalz và chính quyền thành phố Trier tổ chức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định, Karl Marx là nhà triết học có tầm “nhìn xa trông rộng”, các tác phẩm và học thuyết của ông, như “Capital” (Tư bản luận) hay Tuyên ngôn Cộng sản đã làm thay đổi thế giới, là nguồn cảm hứng lớn lao cho nhân loại. Từ những tư tưởng của Marx, con người có thể hiểu rõ hơn về quyền độc lập, tự do và giải phóng khỏi áp bức. Vì vậy, việc nhớ đến và hiểu rõ những công trình Marx để lại cho đời sẽ góp phần xây dựng tương lai chắc chắn hơn. Cũng theo Chủ tịch EC, dựa trên những di sản mà Marx đã để lại, sự bất ổn hiện nay của EU hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua việc tập trung vào phúc lợi xã hội - vốn lâu nay đã bị lãng quên trong xã hội EU.
* Cùng ngày, phát biểu tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi Karl Marx là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời hiện đại”, coi chủ nghĩa Marx là công cụ để Trung Quốc “đi đến tương lai thắng lợi”.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Hai thế kỷ sau, bất chấp những thay đổi to lớn và sâu sắc trong xã hội loài người, tên tuổi Karl Marx vẫn được kính trọng trên toàn thế giới, và học thuyết của người vẫn soi rọi ánh sáng của sự thật”. Ông ca ngợi Karl Marx là “nhà giáo cách mạng của những người vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới, là người sáng lập chủ nghĩa Marx và các đảng Marxist, người dẫn đường cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế và là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời kỳ hiện đại”.
* Cũng trong ngày 04-5, một hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx cũng đã được tổ chức tại Đại học Maynooth, ở thành phố Maynooth, miền Đông Ireland. Gần 200 người, trong đó có các nhà nghiên cứu, học giả đến từ Mỹ, Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha... đã tham gia hội thảo.
Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu thảo luận và tìm hiểu những đóng góp sâu rộng của các học thuyết Marx đối với thực tiễn chính trị, cách thức giúp cuộc đời và sự nghiệp của ông giúp hình thành nên lịch sử và văn hóa trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận làm thế nào có thể hiểu và nắm rõ những học thuyết của Marx trong bối cảnh thế giới đã biến đổi rất nhiều, cũng như cách thức chủ nghĩa Marx có thể tiếp tục đóng góp về mặt ý thức và thực tiễn đối với Ireland nói riêng và toàn cầu nói riêng.
* Ngày 05-5, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung tâm Lý luận chính trị, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Các Mác và thời đại ngày nay”.
Hơn 100 bài tham luận gửi về hội thảo tập trung phân tích các nội dung: Những di sản vĩ đại và đóng góp của Karl Marx đối với lịch sử nhân loại; Sức sống của chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay; những kinh nghiệm vận dụng chủ nghĩa Marx trong lịch sử; nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Marx tại Việt Nam trong bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Karl Marx đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về thế giới; tìm ra quy luật vận động của các phương thức sản xuất và xã hội tư bản. Lúc sinh thời, Karl Marx đã nhiều lần khẳng định học thuyết của ông không phải là hoàn thiện, bất biến, không phải là giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Nó gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng, với thực tiễn vận động của lịch sử kinh tế - xã hội.
Theo PGS,TS. Huỳnh Thành Đạt, những người cách mạng đời sau cần phải liên tục bổ sung và phát triển. Từ đó làm cho học thuyết Marx trở nên hoàn chỉnh, gắn với thực tiễn cách mạng đang vận động, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng, học thuyết tiến bộ trên thế giới để làm sâu sắc, sống động và hiện thực chủ nghĩa Marx. Ý nghĩa thời đại và sức sống của chủ nghĩa Marx chính là cơ sở để chúng ta khẳng định xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã xác định khi lựa chọn con đường đổi mới là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học.
Phân tích rõ hơn, GS,TS. Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, học thuyết của Karl Marx với ba bộ phận hợp thành (triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học) là sự kế thừa có chọn lọc toàn bộ tinh hoa tinh thần của nhân loại, là một học thuyết khoa học và cách mạng. Một học thuyết không chỉ khám phá ra những quy luật khách quan của lịch sử mà còn chỉ ra con đường đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, tạo ra những điều kiện cho cuộc sống ngày càng mang tính Người hơn. Hai thành tựu lý luận vĩ đại nhất của Karl Marx (cùng người bạn vĩ đại F. Engels) là chủ nghĩa duy vật lịch sử và chỉ ra quy luật giá trị thặng dư như quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Khẳng định sức sống của chủ nghĩa Marx, GS,TS. Võ Văn Sen chia sẻ, xét quá trình hình thành và phát triển, chủ nghĩa Marx và triết học Marx là một hệ thống mở và phát triển, không phải là nhất thành bất biến. Chúng ta có nhiều cấp độ tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Marx, trong đó cấp độ học tập và vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Marx, phương pháp biện chứng duy vật để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra là cách tiếp thu và vận dụng cao nhất để có thể đi đến những chân lý, kết luận mới trong những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử mới. Chính cấp độ này cho phép những người làm cách mạng tiếp tục bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx. Sức sống của chủ nghĩa Marx là ở chỗ đó. Vì vậy, do những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, nhiều luận điểm, quan niệm, lý thuyết hay khái niệm nào đó của Karl Marx không còn phù hợp, nhưng không phải vì thế mà chủ nghĩa Marx mất đi sức sống. Bởi sức sống của chủ nghĩa Marx chính là ở bản chất cách mạng và khoa học, chứ không phải ở những nội dung cụ thể nhất định của nó.
Từ thực tiễn đất nước, GS,TS. Võ Văn Sen nhấn mạnh, trải qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, lấy chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, chúng ta đã gặt hái được những thành quả to lớn về nhiều mặt, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Điều này đã chứng minh rằng, những di sản tư tưởng của Karl Marx tiếp tục được kế thừa, phát huy và nhân rộng trong điều kiện lịch sử mới, vượt qua những thách thức của lịch sử.
Đồng quan điểm, PGS,TS. Đặng Hữu Toàn, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định triết học Marx không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa thời đại, mang hơi thở và sức sống của thời đại, nó không chỉ trường tồn trong thế kỷ XXI này mà còn mãi trường tồn với lịch sử nhân loại. Các giá trị bền vững trong hệ thống triết học này đã, đang và sẽ là cơ sở lý luận nền tảng, phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới bằng cách mạng. Còn những hạn chế lịch sử trong một số luận điểm, quan điểm, tư tưởng cụ thể nào đó thì tự thân tính khoa học và bản chất cách mạng của hệ thống triết học này cũng đặt ra yêu cầu phải bổ sung và phát triển mới cho phù hợp với điều kiện mới./.
Karl Marx sinh ngày 05-5-1818 tại thành phố Trier, Tây Nam Đức. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của ông đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ nhân loại. Ngày nay, trong điều kiện thời đại đã có nhiều biến đổi sâu sắc, nhiều điểm khác nhau về con đường và xu thế phát triển của từng dân tộc cũng như nhân loại, song những tư tưởng và lý luận mà Karl Marx đã chỉ ra cho sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, giải phóng các dân tộc, giải phóng con người mãi mãi là chân lý của nhân loại tiến bộ.
Liên hợp quốc đánh giá Cuba là điển hình trong cuộc chiến chống đói nghèo của thế giới  (05/05/2018)
Romania mong muốn thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam  (05/05/2018)
Khai mạc Ngày hội Sách châu Âu 2018 tại Hà Nội  (05/05/2018)
Cử tri Bắc Ninh kiến nghị lên Quốc hội nhiều vấn đề dân sinh  (04/05/2018)
Giao chỉnh lý, hoàn thiện một số Dự án Luật  (04/05/2018)
Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài  (04/05/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên