TCCSĐT - Ngày 06-3-2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo: Internet vạn vật (IoT): từ truyền thông đến hiện thực.
Theo Báo cáo, chính phủ các nước đang tích cực sử dụng IoT để phục vụ công dân của mình tốt hơn nhưng cũng đang gặp phải một số cản trở nhất định như: có rất ít sáng kiến vượt qua khỏi giai đoạn thí điểm, mô hình kinh doanh chưa phát triển đủ mức để duy trì hạ tầng IoT lâu dài, bối cảnh chính trị còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Prasanna Lal Das, chủ biên báo cáo Internet vạn vật: Nền tảng mới cho quan hệ chính phủ - doanh nghiệp: “IoT có tiềm năng rất lớn nhưng đòi hỏi chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân và xã hội dân sự phải tiến hành một cách có hệ thống và dựa trên thông tin đầy đủ”.

Trong thời gian gần đây, giới doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách quan tâm nhiều tới IoT. Nhiều báo cáo cho biết, hàng tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ thiết bị đã được kết nối với nhau, mở ra cơ hội thay đổi mọi hoạt động kinh tế. IoT sẽ thay đổi nhiều thứ, từ các đầu cảm biến trong thang máy cảnh báo cho các cơ quan chính phủ biết về các rủi ro đối với sự an toàn của công chúng tới số liệu lấy từ cặp sách của học sinh nhằm bảo đảm an toàn cho các em và các xe chở rác thông minh giúp tiết kiệm tiền cho chính quyền thành phố.

Ông Ganesh Rasagam, Giám đốc Nhóm thuộc Ban tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo toàn cầu của WB, nhận định: “Báo cáo này nhằm mục tiêu mở ra một cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách với nhau và với khu vực kinh tế tư nhân về mức độ hiểu biết về cách thức ứng dụng IoT vào thực tế và tạo nên tác động kinh tế xã hội”.

Khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển nhưng qua các cuộc thảo luận với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ cho thấy vẫn còn nhiều khoảng cách:

- Tri thức: Hầu hết các cơ quan chính phủ vẫn còn khá xa lạ với IoT cũng như cách thức áp dụng IoT vào công việc chức năng của họ.

- Biến sự phấn khích thành hành động thực tế: Nhiều người không hiểu rõ thực hiện các sáng kiến có thành phần IoT trong đó như thế nào; và cần phải có một bộ công cụ để giúp mọi người bắt tay vào thực hiện.

- Bài học từ các cơ quan khác: Hầu hết các cơ quan đều mong muốn học hỏi các sáng kiến từ chính phủ các nước khác, cái gì thành công, cái gì không thành công, và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch của họ.

Theo các tác giả, cũng như nhiều công nghệ đột phá khác, IoT mới chỉ bắt đầu được đưa vào trong dịch vụ của chính phủ, thể hiện trên các khía cạnh:

- IoT vẫn đang trong thời kỳ thai nghén: Các tác giả báo cáo đã chứng kiến nhiều sáng kiến có hợp phần IoT nhưng hầu như không được nhân rộng, ngay cả tại các nước phát triển.

- Chính sách và quy định pháp lý không bắt kịp với thực tế
: Hầu hết các chính sách mới dừng lại ở cấp độ quốc gia, chưa vươn tới cấp địa phương và thường có tính chất hạn chế; hầu hết các ứng dụng thí điểm chưa xem xét đầy đủ cơ hội và rủi ro đi kèm IoT; trong hầu hết các trường hợp, các nước thường áp dụng cách tiếp cận “đợi, làm và học”.

- Các mô hình kinh doanh vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu
: Nhiều dự án vẫn còn trong giai đoạn thí điểm và chưa tìm ra mô hình cấp vốn dài hạn.

- Còn thiếu nghiêm trọng kỹ năng và kiến thức: Cần phải có tư duy kỹ thuật số thì mới có thể thực sự sử dụng tốt IoT; hầu hết các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân còn thiếu kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng quản lý, nhất là kỹ năng phân tích.

- Tầm quan trọng của số liệu: Quản lý số liệu là vấn đề cốt lõi của IoT nhưng hầu hết các nước vẫn còn đang xử lý các vấn đề cơ bản liên quan đến công tác thu thập, truy cập, quản lý và xác định giá trị số liệu.

- Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu và hiện là cản trở lớn
: Mạng lưới IoT chưa phát triển, ngay cả tại các nước phát triển.

- Chính phủ giữ vai trò quan trọng: Một số ví dụ về triển khai IoT hiệu quả nhất cho thấy, cần phải có hạ tầng công cộng và khung pháp quy/chính sách đi kèm; chính phủ các nước giữ vai trò quan trọng quy định tới sự thành, bại của các sáng kiến IoT.

- Các dự án thí điểm thành công đều có điểm chung: Rất cần sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương; mô hình kinh doanh mang nhiều dấu ấn địa phương hơn là toàn cầu.

Báo cáo nêu một số ví dụ cụ thể tại Đức, Canada, Vương quốc Anh, Estonia, Kazakhstan, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất. Báo cáo là bước đi đầu tiên nhằm đánh giá tiến độ của chính phủ các nước trong quá trình đưa IoT vào hoạt động. Bộ công cụ sẽ là một bước đệm tạm thời giúp chính phủ các nước sớm xúc tiến công việc nếu còn đang trong giai đoạn xây dựng chương trình; và công tác nâng cấp kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu còn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các nước./.