“Khai tử” đạo luật cải cách y tế Obamacare
TCCSĐT - Ngày 16-10, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố đặt dấu chấm hết cho luật chăm sóc sức khỏe ra đời dưới thời cựu Tổng thống B. Obama hay còn gọi Đạo luật Obamacare sau 7 năm luật này đi vào hoạt động và mang lại cơ hội hưởng bảo hiểm cho hàng triệu người dân thu nhập thấp tại “xứ sở cờ hoa”.
Cuộc chiến “cải cách”
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump khẳng định, việc loại bỏ chương trình hỗ trợ chính phủ dành cho các hãng bảo hiểm (CSRs) cũng đồng nghĩa với việc Đạo luật Obamacare đã “hết thời” và không nên nhắc tới luật chăm sóc sức khỏe “gây tốn kém” này nữa. Tổng thống D. Trump cũng cho biết, Nhà Trắng đang làm việc với Quốc hội để có phương án bảo vệ quyền lợi cho những người có thể bị mất bảo hiểm khi CSRs không còn tồn tại, thông qua các biện pháp đền bù ngắn hạn trước khi một kế hoạch dài hạn được vạch ra. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn cam kết sẽ tác động để giảm giá thuốc kê đơn nhưng không cung cấp kế hoạch cụ thể.
Trước đó, sau nhiều tháng nỗ lực gây sức ép để Quốc hội do phe Cộng hòa chiếm đa số thông qua một dự luật thay thế Obamacare không thành, Tổng thống D. Trump đã yêu cầu kết thúc chương trình CSRs vì cho rằng, chương trình này mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty bảo hiểm. CSRs vốn được chính phủ tiền nhiệm triển khai với mục đích giúp đỡ hàng triệu người thu nhập thấp tại nước này có đủ khả năng tiếp cận các hình thức bảo hiểm. Tuy nhiên, đề xuất loại bỏ CSRs của Tổng thống D. Trump cũng đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe Dân chủ và cả một số thành viên của phe Cộng hòa. Nhóm những người đứng đầu Cơ quan tư pháp của 18 bang và thủ đô Washington D.C đã nộp hồ sơ kháng nghị lên Tòa án liên bang nhằm bảo vệ chương trình này.
Việc tìm ra một dự luật phù hợp thay thế cho Đạo luật Obamacare đã được chính quyền của Tổng thống D. Trump đặt lên làm ưu tiên hàng đầu kể từ khi ông lên cầm quyền từ tháng 01-2017 với mục đích cắt giảm một số nguồn vốn hỗ trợ lấy từ ngân sách chính phủ. Tuy nhiều lần gây sức ép lên Quốc hội nhưng cho tới nay một dự luật thay thế Obamacare vẫn chưa được thông qua. Trong khi phe Cộng hòa cho rằng, Đạo luật Obamacare thể hiện sự can thiệp quá sâu của chính phủ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, gây tốn kém và không hiệu quả thì phe Dân chủ vẫn một mực khẳng định luật chăm sóc sức khỏe này mang lại cơ hội tiếp cận bảo hiểm cho thêm hàng triệu người dân tại đây.
Đạo luật Obamacare chính thức được ký ban hành ngày 23-3-2010 và là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống B. Obama, đồng thời cũng là một trong những chương trình cải cách “mạnh tay” nhất tại Mỹ trong nhiều thập niên qua. Đây cũng là một trong những chủ đề gây tranh cãi gay gắt nhất giữa Nhà Trắng với phe Cộng hòa tại Quốc hội. Các nghị sĩ Dân chủ ca ngợi đạo luật này tạo điều kiện cho tất cả người Mỹ đều có bảo hiểm y tế, bao gồm những đối tượng gặp các bệnh không nằm trong danh mục được bồi thường ở các chương trình bảo hiểm của công ty. Trong khi đó, phe Cộng hòa lại chỉ trích chính quyền Obama đã “lạm quyền”. Phe Cộng hòa gọi đó là “đạo luật nguy hiểm nhất từng được thông qua”. Theo đó, phe này đã thúc đẩy tiến hành hơn 60 phiên bỏ phiếu ở Quốc hội để hủy bỏ đạo luật nhưng không thành công, trong khi Tòa án tối cao đã buộc phải đưa Đạo luật này ra tranh luận bốn lần trong lịch sử ngắn ngủi của nó. Obamacare cũng là trọng tâm của hai tuần đóng cửa chính phủ vào năm 2013.
Mục tiêu chính của Obamacare là giảm tỷ lệ người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế bằng cách nới rộng các chương trình bảo hiểm kết hợp giữa nhà nước và tư nhân theo nhiều giai đoạn tới năm 2020. Ưu điểm của Obamacare là giúp người lao động dễ dàng có bảo hiểm hơn; trợ cấp tài chính mua bảo hiểm cho những người hội đủ điều kiện; cấm việc từ chối bán bảo hiểm chỉ vì người mua bảo hiểm có bệnh sẵn trong người. Kết quả đạt được từ đạo luật Obamacare là không thể phủ nhận. Sau 5 năm áp dụng Đạo luật Obamacare, số người Mỹ không có bảo hiểm y tế đã giảm 16,4 triệu người. Đây là lượng giảm lớn nhất ở những đối tượng không có bảo hiểm y tế tại Mỹ trong 4 thập niên qua. Trong báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ con người (DHHS) công bố ngày 16-3-2015, tỷ lệ người Mỹ không có bảo hiểm y tế hiện chỉ còn ở mức 13,2%, giảm 20,3% so với ở thời điểm cuối năm 2013. Trong số 16,4 triệu người có bảo hiểm y tế có 14,1 triệu người trưởng thành nhận được bảo hiểm kể từ khi Đạo luật ObamaCare bắt đầu cho phép đăng ký hồi tháng 10-2013. Ngoài ra, ước tính có 2,3 triệu công dân tuổi từ 19 - 25 cũng được bảo hiểm sức khỏe trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 10-2013 do Obamacare cho phép những đối tượng này duy trì chương trình bảo hiểm của bố mẹ đến năm 26 tuổi. Đạo luật ObamaCare đã đáp ứng được các tiêu chí như giá rẻ, dễ tiếp cận và chất lượng tốt và chính điều này đã giúp các gia đình, các doanh nghiệp và những người đóng thuế có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn nhiều tranh cãi
Chính vì lý do trên, ngày 25-9, dự luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống D. Trump tiếp tục đứng trước nguy cơ không thể được thông qua tại Quốc hội khi các nghị sĩ trong đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối. Bởi đây là vấn đề cần được xử lý một cách cẩn trọng và bảo đảm công bằng cho mọi công dân Mỹ. Nhưng dự luật mới lại không đáp ứng được các yêu cầu này, có thể gây tổn hại tới chương trình chăm sóc sức khỏe đã tồn tại gần 50 năm hỗ trợ hữu ích cho hầu hết những người dân khó khăn nhất.
Theo các chuyên gia, dự luật mới với nhiều thay đổi lớn sẽ cắt giảm thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong nguồn vốn bổ sung dành cho chương trình liên bang hỗ trợ người nghèo và người khuyết tật trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2036 vốn đã được thông qua trong Obamacare. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội mới đây cũng công bố một báo cáo nghiên cứu sơ bộ cho thấy dự luật mới giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 133 tỷ USD nhưng lại khiến hàng triệu người không được hưởng các chương trình bảo hiểm y tế trong những trường hợp điều trị tốn kém. Phe Dân chủ, các công ty bảo hiểm, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bác sĩ và bệnh nhân đều phản đối kế hoạch này. Nhất là khi dự luật chăm sóc y tế mới được cho là sẽ đẩy thêm 22 triệu người Mỹ vào tình trạng không có bảo hiểm trong khoảng 10 năm tới.
Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), cơ quan làm nhiệm vụ đánh giá chi phí và hiệu quả của các dự luật, công bố ngày 26-6 nêu rõ với việc loại bỏ các nội dung cơ bản của Obamacare, dự luật của Thượng viện sẽ khiến tổng số người Mỹ không có bảo hiểm vào năm 2026 lên tới 49 triệu người, tương đương với 18% số dân dưới 65 tuổi của Mỹ, cao hơn tỷ lệ 10% dân số trong nhóm này ở Mỹ hiện không có bảo hiểm.
Ngoài ra, CBO cũng cảnh báo số người chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dự luật mới này sẽ còn gia tăng hơn nữa sau năm 2026 vì đến năm 2025, ngân sách cho Chương trình Chăm sóc sức khỏe của chính phủ dành cho người nghèo và người khuyết tật (Medicaid) bắt đầu bị cắt giảm mạnh.
CBO cũng ước tính dự luật của Thượng viện sẽ giảm thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 321 tỷ USD trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2026, gần gấp 3 lần so với khoản cắt giảm mà Dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) đã được Hạ viện thông qua tháng trước ước tính mang lại. Tuy nhiên, phí bảo hiểm trung bình cho mức bảo hiểm tiêu chuẩn sẽ tăng 20% vào năm 2018 và 30% vào năm 2019.
Không chỉ có vậy, các chuyên gia nhận định vào thời điểm khi kinh tế thay đổi tác động tới đời sống của người dân, ngoại trừ tầng lớp trung lưu trở lên, phần lớn người dân đều khó khăn hơn và vì thế, việc không có bảo hiểm y tế là một bước đi sai lầm lớn.
Ngày 12-10, Tổng thống D. Trump đã có nỗ lực đầu tiên thực hiện cam kết loại bỏ Đạo luật Obamacare với việc ký ban hành một sắc lệnh nhằm giảm chi phí mua bảo hiểm y tế mà ông cho là sẽ giúp cho “hàng triệu, triệu người”. Giới chức chính phủ cho biết một trong những mục tiêu của sắc lệnh mới là tạo điều kiện để cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ có thể mua bảo hiểm với giá rẻ hơn của các công ty bảo hiểm liên bang. Để giải tỏa sự lo ngại của dân chúng, Nhà Trắng nói rằng, các chủ doanh nghiệp tham gia chương trình này không được quyền loại công nhân nào hay đòi những người có sức khỏe yếu phải trả thêm tiền.
Theo giới quan sát, những thay đổi mà Tổng thống D. Trump hy vọng đem lại cho người dân có thể sẽ mất nhiều tháng hay lâu hơn nữa mới thấy được kết quả. Các quan chức chính quyền cho biết những quy định của sắc lệnh này có thể sẽ không hoàn tất kịp thời để có hiệu lực vào năm 2019, chứ chưa nói là năm 2018. Sở dĩ sẽ phải mất nhiều thời gian vì các đề xuất phải qua tiến trình hình thành luật lệ của Chính phủ liên bang Mỹ, trong đó có việc thông báo với công chúng và tiếp thu ý kiến người dân.
Nỗ lực mới nhất của Tổng thống D. Trump nhiều khả năng sẽ vấp phải sự chống đối từ phía các hiệp hội y tế, các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngay cả một số công ty bảo hiểm - một liên minh cho đến nay đã ngăn chặn Quốc hội hủy bỏ và thay thế Obamacare. Bên cạnh đó, các bộ trưởng tư pháp và giới điều hành bảo hiểm ở các tiểu bang cũng có thể kiện ra tòa để chặn sắc lệnh của chính quyền liên bang với lý do đe dọa thẩm quyền lâu nay của các bang. Cá nhân Tổng thống D. Trump cũng từng thừa nhận rằng, vấn đề bảo hiểm y tế rất phức tạp và việc thực hiện những gì ông đề ra không dễ dàng giải quyết chỉ qua việc ký ban hành sắc lệnh. Ngay sau khi Tổng thống D. Trump ban hành sắc lệnh trên, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Thượng Nghị sĩ C. Schumer đã cáo buộc Tổng thống D. Trump hủy hoại hệ thống y tế đất nước./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 09 đến ngày 15-10-2017)  (17/10/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09 đến 15-10-2017)  (17/10/2017)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Kazakhstan  (17/10/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm