Ngày 6-8-2004, tại Công văn số 5770/CV-VPT.Ư, Văn phòng Trung ương Ðảng thông báo Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 10-8 hằng năm là "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam".

Từ năm 2004 đến nay, sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân cả nước ta và bạn bè quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam diễn ra thường xuyên, đặc biệt là trong "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam" 10-8. Trong các dịp lễ, Tết... nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước tham dự các cuộc gặp mặt nạn nhân, thăm hỏi các gia đình và trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Tiến tới "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam"10-8-2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam phối hợp với Ban Truyền hình Ðối ngoại, Tạp chí Truyền hình (Ðài Truyền hình Việt Nam), Công ty Ðiện toán - Truyền số liệu (Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam) và Công ty Văn hóa - Thông tin Thăng Long (Tập đoàn Đầu tư Thăng Long) tổ chức "Ngày da cam - Orange Day" nhằm tiếp tục cất cao tiếng nói công lý, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Ðây là lần đầu tiên tổ chức sự kiện "Ngày da cam - Orange Day" với hy vọng sự kiện này từ nay về sau sẽ được tổ chức hằng năm để có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ tốt hơn đời sống các nạn nhân, đồng thời ủng hộ các nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Hoạt động trọng tâm của "Ngày da cam - Orange Day" 2009 gồm:

- Kênh Truyền hình VTV4 của Ðài Truyền hình Việt Nam từ 0 giờ đến 24 giờ ngày 10-8-2009 phát sóng các tin, phóng sự, chuyên đề, phỏng vấn, phim tài liệu, phim khoa học, giao lưu, tọa đàm... về chất độc da cam. Các tác phẩm được phát sóng trong ngày này đều là các tác phẩm điện ảnh, truyền hình đặc sắc của các tác giả trong và ngoài nước đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế. Có thể kể tới các phim tài liệu “Chất độc da cam - Lời cầu nguyện riêng tư” của nữ đạo diễn Nhật Bản Sa-ca-ta Ma-sa-cô và đạo diễn Biu Ma-ga-lốt; “Những nẻo đường công lý” của đạo diễn Lại Văn Sinh; “Câu chuyện từ một góc công viên” của đạo diễn Trần Văn Thủy...

Chủ đề xuyên suốt của hoạt động này là: Hãy tiếp sức trên cơ sở đồng thuận và hợp tác của hệ thống hàng chục đài truyền hình địa phương trong cả nước, của khoảng 15 kênh truyền hình quốc tế với vai trò điều phối trung tâm của kênh VTV4.

- Ðêm giao lưu nghệ thuật "Công lý và Trái tim" với hình tượng thể hiện chính là "Những lá thư đòi công lý", sẽ được tổ chức truyền hình, trực tiếp phát sóng trên kênh VTV1 và VTV4 tối ngày 8 (hoặc 9-8-2009) tại Nhà hát Lớn (hoặc Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị) Hà Nội.

- Công ty Ðiện toán - Truyền số liệu tổ chức "Nhắn tin từ thiện" (bằng cách nhắn tin izvava gửi 8788) để quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

- Các tỉnh/thành hội đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hình thức (thư động viên, quyên góp tiền, xổ số, đá bóng, giao lưu văn nghệ, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà...).

"Ngày da cam - Orange Day" cũng là sự kiện khởi đầu cho Cuộc vận động quyên góp 60 tỉ đồng nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam: xây dựng 55 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho trẻ em nạn nhân (500 triệu đồng/nhà), 550 nhà tình thương (50 triệu đồng/nhà); cấp 1.100 suất học bổng (3 triệu đồng/suất); tạo 1.100 việc làm (5 triệu đồng/suất)...

Nhân sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước nêu cao tinh thần "Thương người như thể thương thân", "Ðền ơn đáp nghĩa", ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng những hành động thiết thực nhất./.