Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO, nay là AIPA) được thành lập ngày 2-9-1977, đúng 10 năm sau khi ASEAN được hình thành. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, AIPA đã không ngừng được củng cố và phát triển. Hiện nay, trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đã thông qua Hiến chương ASEAN và đang nỗ lực thúc đẩy quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, AIPA đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập, đoàn kết khu vực và hỗ trợ ASEAN trong việc hài hòa hệ thống pháp luật, thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong khu vực.

Đại hội đồng AIPA - 30 là kỳ họp thường niên đầu tiên của AIPA sau khi các nước thành viên ASEAN phê chuẩn Hiến chương ASEAN (Hiến chương có hiệu lực từ tháng 12-2008). Khai mạc đúng vào thời điểm tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, Đại hội đồng AIPA - 30 dự kiến sẽ thảo luận về các nội dung liên quan đến chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại và hợp tác tác trong khu vực Đông Nam Á. Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA nhằm phát huy vai trò của tổ chức này trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, với vai trò là nước chủ nhà, theo chương trình, Thái Lan dự kiến sẽ hướng thảo luận của các nghị viện thành viên vào các chủ đề như tổ chức và hoạt động của AIPA; vai trò và đóng góp của AIPA trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN; củng cố dân chủ và thúc đẩy quyền con người; tín ngưỡng và đối thoại để giải quyết xung đột; hội nhập kinh tế khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN; các vấn đề an ninh lương thực và an ninh năng lượng; các biện pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu; xây dựng bản sắc ASEAN...

Nhất trí với các chủ đề đa dạng mà nước chủ nhà Thái Lan đưa ra, theo kế hoạch, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu sẽ đề xuất với Đại hội đồng AIPA - 30 ba nội dung liên quan đến vai trò của AIPA trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN; vai trò của AIPA đối với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới; các mục tiêu Thiên niên kỷ vì an ninh con người bền vững. Đây là những nội dung mang tính thời sự và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Với đề xuất một dự thảo nghị quyết về vai trò của AIPA trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam mong muốn nhấn mạnh tới vai trò tích cực của AIPA trong tiến trình hội nhập ASEAN và những nỗ lực của AIPA nhằm góp phần xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên những nguyên tắc đồng thuận, tôn trọng độc lập, chủ quyền và nhân quyền. Đồng thời, mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa AIPA và ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực, nhất là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay. Mong muốn này được thể hiện rõ hơn trong đề xuất của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam về một dự thảo Nghị quyết về khủng hoảng kinh tế. Trong đó, khẳng định, nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm vượt qua khủng hoảng bằng việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách pháp luật - một trong những chức năng cơ bản và cũng là thế mạnh của nghị viện, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Tiếp tục “truyền thống” của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự các kỳ họp Đại hội đồng AIPA trước đó, qua các sáng kiến về nội dung hoạt động của AIPA tại Đại hội đồng lần thứ 30, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết chủ động, tích cực trong việc tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, góp phần phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước ASEAN, trong đó có Quốc hội và nhân dân Vương quốc Thái Lan.

Theo cơ chế luân phiên của AIPA, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009 - 2010 và đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA - 31 vào năm 2010. Khác với các chuyến tham dự kỳ họp thường niên của AIPA trước, chuyến tham dự Đại hội đồng AIPA - 30 lần này của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ có thêm hoạt động tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA - 31 do nước chủ nhà Thái Lan - Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch AIPA - 30 Chai Chít-chốp - chuyển giao. Việc Quốc hội Việt Nam tiếp nhận và đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA - 31 không chỉ là nhằm thực hiện nghĩa vụ của một thành viên AIPA mà còn là dịp để phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam trong kênh hợp tác liên nghị viện giữa các nước ASEAN, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại chung của đất nước. Tham dự Đại hội đồng AIPA - 30 cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA - 31 vào năm 2010.

Hiện nay, AIPA có 8 nghị viện thành viên gồm Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, con số nghị viện thành viên AIPA có thể sẽ nâng lên 9 nghị viện. Bởi, theo chương trình, tại Đại hội đồng lần thứ 30, AIPA sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết công nhận Hội đồng lập pháp Bru-nây Đa-rút-xa-lam là thành viên chính thức của AIPA (trước đây Bru-nây Đa-rút-xa-lam và Mi-an-ma là 2 nước quan sát viên đặc biệt của AIPA).

Để mở rộng hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực Đông Nam Á, tại các kỳ họp thường niên của Đại hội đồng, AIPA tổ chức các phiên họp đối thoại với nghị viện các nước quan sát viên như Ô-xtrây-li-a, Niu-di-lân, Ca-na-đa, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pa-pua Niu Ghi-nê, Liên bang Nga và Nghị viện châu Âu. Tại Đại hội đồng AIPA - 30 lần này, chủ đề chính của các cuộc thảo luận giữa AIPA với nghị viện các nước quan sát viên là "Vai trò của các Quan sát viên hướng tới Cộng đồng ASEAN". Theo đó, AIPA và các nước quan sát viên sẽ cùng thảo luận về tình hình chính trị, an ninh khu vực và thế giới; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nước ngoài; an ninh con người, xã hội khỏe mạnh, y tế công cộng và các nguy cơ do các bệnh truyền nhiễm gây ra; môi trường và phát triển bền vững; công nghệ thông tin.../.