TCCSĐT - Chỉ trong vòng một tuần, thế giới liên tiếp chứng kiến các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại 3 quốc gia Nga, Thụy Điển và Ai Cập, khiến hàng chục người dân vô tội thiệt mạng. Cộng đồng quốc tế cực lực lên án những hành vi phi nhân tính này, đồng thời thể hiện tình đoàn kết hơn bao giờ hết, nêu cao cảnh báo an ninh quốc gia và khu vực.


Ga tàu điện ngầm ở thành phố St. Peterbourg (Nga) sau vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AP

Nước Nga lại chấn động bởi vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm Sennaya ở thành phố St. Petersburg ngày 03-4-2017. Vụ nổ đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương. Ủy ban Điều tra Nga (IC) nhận định đây là hành động khủng bố. Cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga đã phát lệnh truy nã đối với hai đối tượng bị nghi ngờ liên quan đến vụ nổ. Một đối tượng đặt thiết bị nổ vào trong toa tàu điện ngầm, được xác định là một thanh niên 23 tuổi, gốc Trung Á. Tên này có mối liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan, đang hoạt động trên lãnh thổ Nga. Đối tượng còn lại đã mang bom tự chế đến đặt tại nhà ga Quảng trường khởi nghĩa nhưng đã bị vô hiệu hóa. Điểm đáng chú ý là vụ tấn công khủng bố xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Nga sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus vào ngày 04-4 cũng tại thành phố St. Petersburg.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Nga tiến hành chiến dịch không kích chống IS tại Syria kể từ tháng 10-2015 là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức này tăng cường các hoạt động khủng bố tại Nga. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các cơ quan chức năng của Nga đã ngăn chặn thành công 45 vụ trọng tội có khuynh hướng khủng bố, trong đó có 16 vụ khủng bố. Mới đây nhất, ngày 05-3, Ủy ban chống khủng bố quốc gia Cộng hòa Dagestan thuộc Nga cho biết, lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào dân thường, đại diện các cơ quan nhà nước và nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Cộng hòa Dagestan của một băng nhóm có liên hệ mật thiết với IS. Trong khi đó, theo Cơ quan An ninh liên bang Nga, hiện có hơn 4.000 tay súng từ Nga và 5.000 tay súng từ các nước thuộc Liên Xô cũ đang tham chiến cho lực lượng phiến quân khủng bố cực đoan ở Syria.

Chưa hết phẫn nộ vì vụ tấn công khủng bố ở Nga, bốn ngày sau đó, ngày 07-4, truyền thông Thụy Điển đưa tin một chiếc xe tải đã lao vào một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thủ đô Stockholm, làm ba người thiệt mạng và một số người bị thương. Trong cuộc họp báo ngày 08-4, cảnh sát Thụy Điển cho biết, cơ quan này chưa thể khẳng định vụ tấn công này là một hành vi đơn lẻ hay nằm trong những kế hoạch lớn hơn. Ngày 09-4, theo Thẩm phán H. Hullmann thuộc một tòa án Stockholm, cảnh sát nước này đã bắt giữ nghi phạm thứ hai liên quan đến vụ tấn công khủng bố. Cùng ngày, giới chức Thụy Điển thông báo cảnh sát nước này cũng đã tiến hành thẩm vấn 7 người về vụ tấn công. Phát biểu trên kênh truyền hình SVT sau khi một số cuộc đột kích được tiến hành trên khắp Stockholm, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Thụy Điển J. Hysing cho biết các bằng chứng cho thấy nghi phạm người Uzbekistan, 39 tuổi, bị bắt trước đó là kẻ đã lái xe đâm vào đám đông người đi bộ trên phố Drottninggatan. Theo ông J. Hysing, đối tượng này đã thể hiện “sự đồng cảm” với các tổ chức cực đoan, bao gồm cả IS, và từng bị từ bác đơn xin cư trú tại Thụy Điển hồi năm 2016.

Vụ việc tại Stockholm là vụ tấn công khủng bố mới nhất theo hình thức lao xe tải vào đám đông tại các nước châu Âu, nối tiếp các vụ tương tự tại Nice (Pháp), Berlin (Đức) và London (Anh) mới đây. Theo giới phân tích, vụ khủng bố lần này là dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại vì nó xảy ra tại thủ đô của Thụy Điển, một đất nước vốn nổi tiếng là yên bình và hầu như không có dấu hiệu cảnh báo nào về vấn đề an ninh. Điều này cũng cho thấy phạm vi hoạt động của lực lượng khủng bố những năm qua đã không ngừng mở rộng từ Tây Âu sang Bắc Âu, nơi vẫn được coi là một trong số những địa bàn an toàn và ổn định nhất thế giới.

Ngày 09-4 lại xảy ra vụ đánh bom hai nhà thờ Cơ đốc giáo tại Ai Cập. Theo Đài truyền hình Nhà nước Ai Cập, thiết bị nổ được đặt ở hàng ghế đầu trong nhà thờ. Các nhân chứng cho biết thiết bị nổ được kích hoạt vào thời điểm có đông người bên trong nhà thờ khi họ đang tiến hành lễ Chủ Nhật Lễ lá (Palm Sunday). Cùng ngày, IS đã nhận thực hiện các vụ đánh bom đẫm máu này. Theo hãng thông tấn Amaq của IS, các lực lượng IS đã thực hiện các vụ tấn công lần lượt vào 2 nhà thờ ở thành phố Tanta và Alexandria. Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra ở nhà thờ ở Tanta phía Bắc thủ đô Cairo làm ít nhất 26 người thiệt mạng và 71 người khác bị thương, trong khi vụ đánh bom thứ hai ở thành phố Alexandria làm 11 người thiệt mạng và 35 người bị thương.

IS cũng từng nhận thực hiện vụ đánh bom vào một nhà thờ lớn nhất của người Cơ đốc giáo ở Ai Cập hồi tháng 12-2016, làm ít nhất 25 người thiệt mạng và 49 người bị thương. IS đe dọa tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào người Cơ đốc giáo vốn chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập.

Ngay sau khi xảy ra liên tiếp các vụ đánh bom nhà thờ ngày 09-4 khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia (NDC) để ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về an ninh. Tổng thống El-Sisi đồng thời ra lệnh mở cửa các bệnh viện quân y trong khu vực lân cận để tiếp nhận và cứu chữa những người bị thương. Báo Al-Ahram cho biết, các lực lượng an ninh Ai Cập cũng đã phát hiện và vô hiệu hóa hai thiết bị nổ tại nhà thờ Hồi giáo Sidi Abdel Rahim ở thành phố Tanta.

Mỹ - Trung cùng nỗ lực vượt qua khác biệt

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: Telegraph

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở bang Florida trong hai ngày 06 và 07-4-2017 đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực, góp phần định hướng mối quan hệ phức tạp Mỹ - Trung trong tương lai và góp phần định hình trật tự thế giới trong thời gian tới. Mặc dù một số vấn đề khác biệt đã được thẳng thắn nêu ra, nhưng nhìn chung cả hai bên đều cố gắng tỏ thái độ hòa nhã, tránh đi sâu vào những mâu thuẫn lớn.

Cho dù còn rất nhiều bất đồng trong các vấn đề Triều Tiên, việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại song phương, vấn đề xung đột tại Syria và an ninh khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông,… nhưng rõ ràng hai nhà lãnh đạo đều không muốn tạo ra sự căng thẳng trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Hai bên đều hy vọng vượt qua được mâu thuẫn để tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề khác biệt, vốn được coi là “xương sống” trong quan hệ hai nước. Tổng thống D. Trump cho biết mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc “thật tuyệt vời” sau khi hai bên thảo luận về những bất bình đẳng thương mại và những quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng đắn của hai nước và hai bên hoàn toàn có thể trở thành đối tác tốt của nhau thông qua việc tận dụng hiệu quả 4 cơ chế đối thoại cao cấp mới gồm: Đối thoại an ninh ngoại giao, Đối thoại kinh tế toàn diện, Đối thoại an ninh mạng và thực thi pháp luật, Đối thoại về vấn đề xã hội và giao lưu nhân dân. Hai bên cần giải quyết ổn thỏa các vấn đề nhạy cảm, kiểm soát tốt bất đồng, tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, giải quyết tốt các điểm “nóng”, mở rộng hợp tác để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống hoạt động phạm tội xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, G20... để cùng duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên thế giới.

Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là một trong hai nội dung chính được đề cập trong cuộc hội đàm chính thức. Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với ông D. Trump về an ninh quốc gia và khu vực, nhất là sau khi Bình Nhưỡng bắn một quả tên lửa vào vùng biển Nhật Bản một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Mặc dù Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều nhất trí cho rằng, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là vấn đề nghiêm trọng, song hai bên vẫn lảng tránh đề cập cụ thể đến cách thức đối phó với Triều Tiên. Ông D. Trump kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Washington có thể sẽ tự giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu cần thiết. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể và sẵn sàng cùng Mỹ “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thương mại là một trong những vấn đề “nóng” nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông D. Trump đã lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đang làm giảm công ăn việc làm của Mỹ. Ông cam kết sẽ áp mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù chưa có hành động gì trong lĩnh vực thuế quan, nhưng chính quyền của ông D. Trump đang tìm cách cắt giảm mức nhập siêu lên đến 347 tỷ USD từ Trung Quốc thông qua thực thi luật thương mại chặt chẽ hơn và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trước sự quan ngại của ông D. Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất mở rộng hợp tác và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ thông qua các hiệp ước đầu tư song phương, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Mỹ và thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson đánh giá: “Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong không khí tích cực. Chúng tôi đều cảm thấy hài lòng về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh này”.

Cho dù có nhiều tín hiệu tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, nhưng rõ ràng những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Mâu thuẫn, cạnh tranh và xung đột luôn là vấn đề giữa các cường quốc và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này là một cuộc thử nghiệm lớn đối với cả hai bên. Trong cuộc gặp mang tính xã giao này, cả Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều là những người đủ khôn ngoan để hiểu rằng, không nên làm cho đối phương mất mặt nếu như không muốn rơi vào một cuộc đối đầu thực sự trên nhiều mặt trận bởi hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, vì lợi ích của mỗi bên./.