Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-4-2017
Kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Theo Quyết định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng).
Các thành viên Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Đại diện Hội Luật gia Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam; Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam; Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam; Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam; Đại diện Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội.
Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực Hội đồng, có trách nhiệm điều phối, bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng và huy động các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ thư ký Hội đồng.
Xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc
Chiều 08-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là cần xây dựng một bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý; thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, thương mại quốc tế, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; các thể chế, chính sách này phải bảo đảm tính nhất quán, ổn định và lâu dài...
Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phải tính đến đặc thù của từng đơn vị trong đó có Phú Quốc; các nội dung cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế-xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Về nguyên tắc, việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có ranh giới địa lý xác định nên có thể mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Chúng ta cần có đánh giá, phân tích hết sức kỹ lưỡng các đề xuất chính sách, hình thành các luận cứ khoa học, thuyết phục, có tính thực tiễn cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng đặt vấn đề, quá trình thể chế hóa thành luật đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này cần phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, nhưng phải có sự vượt trội về hạ tầng, thuế quan, tín dụng, tài chính để thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao; thiết kế mô hình của các cơ quan tư pháp như thế nào để xử lý đúng thẩm quyền các tranh chấp kinh tế, thương mại cũng như đối với các tội phạm về công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…
Nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục có nhiều cuộc làm việc, đánh giá cụ thể, kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xác định quy hoạch và thu hút nhà đầu tư chiến lược để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng khi trình Quốc hội dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, để khi Luật được thông qua sẽ thúc đẩy kinh tế các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phát triển mạnh mẽ, phát huy được lợi thế, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý biên chế hành chính
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu giảm 1,5 đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015.
Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và cải cách tiền lương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Thực hiện rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục tuyển dụng công chức, viên chức, thủ tục thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức theo kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính hàng năm của Chính phủ và hướng dẫn, quy định của các bộ, ngành.
Hà Nội tăng cường giám sát cải cách hành chính
HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện công tác giám sát cải cách hành chính đối với một số sở, quận, huyện, kết quả cho thấy tất cả các đơn vị đã đồng loạt vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét.
Tại Sở Công Thương, việc thực hiện cải cách hành chính được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và quan trọng. Trong năm 2016, Sở đã rà soát, trình thành phố ban hành, công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn, gồm 150 thủ tục hành chính. 100% số thủ tục này đã được công khai và thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa. Sở đề xuất thành phố phương án đơn giản hóa 21 thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 25% đến 40%; đăng ký thực hiện hơn 50% dịch vụ công mức độ 3 trở lên. Sở đã kiện toàn bộ phận làm công tác pháp chế, một cửa, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy làm việc giảm từ 9 phòng xuống còn 6 phòng; đồng thời lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính đủ năng lực thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết hồ sơ. Năm 2016, Sở tiếp nhận hơn 14.000 hồ sơ và trả đúng hạn đạt tỷ lệ 100%; 3 tháng đầu năm 2017 tiếp nhận gần 4.000 hồ sơ và cũng trả kết quả đúng hạn cho tất cả các trường hợp. Sở đã tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và định kỳ tổ chức sát hạch, nếu trường hợp nào không vượt qua sẽ phải bỏ kinh phí để đào tạo, tập huấn lại.
Sở Quy hoạch Kiến trúc đã công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng và giám sát. Sở còn tổ chức tư vấn miễn phí thủ tục cho các tổ chức, cá nhân. 3 tháng đầu năm 2017, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 633 hồ sơ thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 95% hồ sơ trả đúng hạn. Để khắc phục hồ sơ chậm, muộn hàng tháng đều có công tác giao ban định kỳ trong nhiều bộ phận để tập trung giải quyết các nội dung như công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ, công văn; công tác kiểm tra, trả lời đơn thư khiếu nại, khiếu kiện.. Sở đã sử dụng, khai thác trang thông tin điện tử và hệ thống email công vụ, phần mềm quản lý hồ sơ để đáp ứng 100% hồ sơ giao việc thực hiện qua mạng.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy một số vướng mắc hiện nay cần giải quyết như, hệ thống máy móc có nơi cũ kỹ, thiếu tính đồng bộ, dẫn tới lúc điều hành tác nghiệp, gửi văn bản đến các cấp chưa được kịp thời, đồng nhất. Một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ non kém, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nhất là đổi mới về công nghệ thông tin.
Qua các cuộc giám sát tại cơ sở, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đánh giá, nhìn chung công tác lãnh đạo của các quận, sở đang dần ổn định, bước đầu thực hiện rất bài bản, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Các văn bản chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, có phân công, phân nhiệm rõ ràng. Bên cạnh đó các đơn vị cũng đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát sát nghiêm túc. Công tác cán bộ cũng được các đơn vị chú trọng hơn từ việc sắp xếp vị trí việc làm, bổ nhiệm cán bộ và thu hút người tài về làm việc.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý thời gian tới các cấp chính quyền cần tiếp tục xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện cải cách hành chính, đổi mới mạnh mẽ để thu hút đầu tư phát triển, giảm phiền hà, thời gian, vật chất cho nhân dân.
Đặc biệt, cần chú ý siết chặt kỷ cương, tạo sự chuyển biến trong thi hành công vụ; rà soát các chỉ tiêu, cụ thể hóa bằng các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu đã đặt ra; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật công vụ, nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng, chú ý đến thực hiện các quy tắc ứng xử trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng Nai: Chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ
Đồng Nai đang gấp rút triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm hành chính công. Đây sẽ là đầu mối tiếp nhận tất cả các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành của tỉnh với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khi Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động, toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành đều được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống phần mềm một cửa hiện đại của tỉnh, giúp quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, rõ ràng, đúng lịch hẹn. Qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu làm các thủ tục hành chính cấp tỉnh chỉ cần đến một nơi để làm, không phải đi lại nhiều lần.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh thông tin: Trung tâm hành chính công được thành lập trên cơ sở tổ chức lại bộ phận một cửa của các sở, ngành và một số cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, đầu tháng 5-2017, Trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động, đặt tại tòa nhà Sonadezi, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
Để Trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương chuyển việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công của các cơ quan ngành dọc thực hiện tại Trung tâm hành chính công. Đồng thời kết nối phần mềm một cửa hiện đại của tỉnh với phần mềm của các bộ, ngành trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, môi trường, tư pháp, công an, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước… Ông Trần Văn Vĩnh đề xuất, đối với trách nhiệm phối hợp thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục giữa địa phương và các bộ, ngành, cần giải quyết theo cơ chế liên thông nhằm phát huy hiệu quả của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Đồng thời nên để các địa phương tham gia đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành với địa phương.
Ngoài triển khai Trung tâm hành chính công, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về “kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai phiên bản 1.0” nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Mục tiêu của kiến trúc chính quyền điện tử là nhằm kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, các bộ ngành nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết mau chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với tiêu chí chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ./.
Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản đàm phán FTA trong bối cảnh căng thẳng  (09/04/2017)
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân làm việc và chúc Tết đồng bào Khmer Trà Vinh  (09/04/2017)
Bầu Tổng thống Pháp: Khoảng cách giữa các ứng cử viên bị thu hẹp  (09/04/2017)
Bầu Tổng thống Pháp: Khoảng cách giữa các ứng cử viên bị thu hẹp  (09/04/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu thăm Hungary  (09/04/2017)
Nga-Iran coi vụ nã tên lửa vào Syria của Mỹ là vi phạm luật quốc tế  (09/04/2017)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên