Chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là 12 triệu hộ nông dân Việt Nam, song không phải là các hộ riêng lẻ, yếu thế mà chủ yếu được liên kết lại trong các hợp tác xã.

Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn ngày 18-3.

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, tỉnh có 651 hợp tác xã đang hoạt động (giảm 62 hợp tác xã so với cùng kỳ năm ngoái), 12 tổ hợp tác. Đã có 253/528 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện việc chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đạt 48%.

Tuy phần lớn các hợp tác xã trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động ổn định, hoạt động của các hợp tác xã cũng có những khó khăn như vốn bình quân thấp, chỉ có 389 triệu đồng so với bình quân cả nước là 816 triệu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã còn chưa thiết thực, chưa gắn với thị trường trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ thấp, thiếu các mối liên doanh, liên kết với các hợp tác xã khác, các loại hình tổ chức kinh tế khác và với các đơn vị nghiên cứu...

Tại buổi làm việc, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên minh hợp tác xã cùng các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện tốt Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đồng thời, tỉnh kiến nghị cho phép kéo dài thời gian chuyển đổi hợp tác xã đến hết năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã có thời gian rà soát và làm thủ tục chuyển đổi.

4 bất cập, 6 mâu thuẫn trong nông nghiệp

Chia sẻ về phát triển kinh tế hợp tác, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, có 4 bất cập kéo dài đó là hiện tượng được mùa rớt giá, thiếu vốn sản xuất, thu nhập thấp hơn so với lao động công nghiệp và dịch vụ, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng.

Lý giải các bất cập này, người đứng đầu Mặt trận chỉ ra 6 mâu thuẫn trong nông nghiệp. Thứ nhất, sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường. Tiếp đến, hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn. Năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm. Hơn nữa, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp song các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ.

Ngoài ra, thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1ha mỗi hộ.

Cuối cùng, nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất cao song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho khoảng 12 triệu hộ riêng lẻ với diện tích nhỏ hẹp, nuôi trồng cây, con khác nhau.

Theo đó, giải pháp cơ bản để giải quyết các mâu thuẫn này chính là thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 và các hợp tác xã kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thì chủ thể quan trọng nhất là 12 triệu hộ nông dân Việt Nam, song không phải là 12 triệu hộ riêng lẻ, yếu thế mà là các hộ được liên kết lại trong các hợp tác xã.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tổ chức triển khai sớm chương trình tuyên truyền sâu rộng về Luật Hợp tác xã 2012, vai trò tích cực của hợp tác xã kiểu mới, trong đó tập trung vào hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thảo luận, đánh giá thực chất về các hợp tác xã, quan tâm tới chính sách đào tạo cán bộ quản lý và xây dựng mô hình hợp tác xã tiêu biểu, hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký chất lượng hàng hóa…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng Vĩnh Phúc - cái nôi đổi mới của nông nghiệp - bên cạnh phát triển về công nghiệp sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hợp tác để người nông dân có thu nhập cao hơn, bền vững hơn.

Xuống đồng lắng nghe tiếng nói của bà con xã viên

Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xuống từng cánh đồng để trao đổi, lắng nghe ý kiến bà con xã viên tại hợp tác xã Nông nghiệp Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) và hợp tác xã Nhân Lý (huyện Bình Xuyên).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sức sáng tạo, năng động, biết tận dụng thời cơ, tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự ủng hộ đồng tình, yên tâm gắn bó với hợp tác xã của bà con xã viên.

Chia sẻ những khó khăn của hợp tác xã, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hệ thống chính sách đối với hợp tác xã nông nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với nhu cầu sản xuất của hợp tác xã. Hơn nữa, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong khi bản thân thành viên hợp tác xã cũng chưa nắm rõ mô hình hợp tác xã kiểu mới.

“Chuyển đổi, thay đổi mô hình có đi đôi với chuyển đổi nhận thức từng hộ không? Khi chuyển đổi về mô hình nhưng hộ chưa chuyển đổi nhận thức thì không hoạt động theo đúng mô hình”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Từ thực tế hoạt động các hợp tác xã với số lượng thành viên lớn, đất canh tác ít, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng muốn duy trì hoạt động nông nghiệp đạt hiệu quả cao trước hết cần khuyến khích nông dân sáng tạo trong lao động và tiêu thụ qua các khu sản xuất tập trung.

Về vấn đề vay vốn cho các hợp tác xã, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vấn đề vốn nếu quyết tâm là làm được, theo hướng giải quyết từng trường hợp, từng việc cụ thể căn cứ trên thực tế mỗi hồ sơ vay vốn./.