TCCSĐT - Mười tỷ USD là tổng mức vốn tín dụng trên địa bàn khu vực Tây Nguyên mà hệ thống ngân hàng Agribank đã và đang cho vay, trong đó, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chiếm đến 30%. Thực tế triển khai cho thấy nguồn vốn tín dụng đã thực sự góp phần cải thiện rõ rệt và nâng cao đời sống người dân, đồng bào khu vực Tây Nguyên.

Vốn tín dụng giúp Tây Nguyên phát huy tiềm năng, lợi thế

Xác định Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt trên mọi phương diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, văn hóa, trong nhiều năm trở lại đây, khu vực này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đặc biệt. Để tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực này,các Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên đã được lần lượt tổ chức tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và năm 2017 sẽ tổ chức tại Thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk)với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu gồm các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán của các nước; các tổ chức tài chính quốc tế; các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh; doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các đại biểu trong nước… Agribank với tư cách Ngân hàng Thương mại Nhà nước lớn nhất về quy mô tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, mạng lưới và khách hàng sẽ tham gia Hội nghị và các chuỗi sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - năm 2017.

Trong những năm qua, Agribank tích cực cùng ngành ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực Tây Nguyên. Đây là khu vực Agribank đang thực hiện điều chuyển vốn của hệ thống để đầu tư tín dụng tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện… và đặc biệt là đầu tư tín dụng phát triển cà phê và các cây công nghiệp thế mạnh khác.

Phát huy vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại trên thị trường tài chính nông thôn, trong tổng dư nợ tín dụng 795 nghìn tỷ đồng,70% tổng dư nợ được Agribankđầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

Riêng tại Tây Nguyên, tỷ lệ đầu tư nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm đến 87% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 1/3 trong tổng mức vốn tín dụng 10 tỷ USD mà hệ thống ngân hàng đã và đang cho vay tại địa bàn. Ở khu vực được mênh danh là “Thủ phủ” của cà phê, dư nợ cho vay của Agribank đối với ngành cà phê tại Tây Nguyên đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng tại địa bàn. Riêng về tái canh cà phê, đến nay, 6.302 khách hàng đã được vay vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh và trên 10.000 ha cà phê đã được tái canh từ nguồn vốn Agribank.

Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH một thành viên Cà phê Phước An, Công ty TNHH một thành viên Cà phê 52, cùng nhiều hộ sản xuất và cá nhân tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum sản xuất kinh doanh hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư của Agribank.Công ty TNHH một thành viên Cà phê 52, tỉnh Đắk Lắk có 72 ha cà phê tái canh của Công ty đã bước sang tháng tuổi thứ 7 là một phần của dự án tái canh cây cà phê đã được Agribank chi nhánh Đắk Lắk cho vay theo gói tín dụng hỗ trợ tái canh cà phê của Chính phủ. Trong năm 2017, Công ty sẽ tiếp tục trồng tái canh 130 ha, và như vậy chỉ sang đến đầu năm 2018, dự án tái canh 230 ha cà phê của công ty sẽ hoàn thành. Cùng lúc đó, 72 ha cà phê tái canh sẽ cho vụ thu bói đầu tiên với nhiều kỳ vọng khả quan từ giống cà phê năng suất chất lượng cao TRS1.

Công ty TNHH một thành viên Cà Phê Phước An có trụ sở đóng tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, với sự trợ lực nguồn vốn từ Agribank, giá trị của cây cà phê đang ngày được gia tăng. Doanh thu hằng năm hơn 300 tỷ đồng và 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới có chỗ đứng tại những thị trường khó tính tại EU, Singapore, Hàn Quốc, Nga, đặc biệt là Nhật Bản.

Thực tế triển khai cho thấy, việc đầu tư tín dụng của Agribank tại Tây Nguyên đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và khuyến khíchcác thành phần kinh tế phát huy vai trò tự chủ; bước đầu hình thành được một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, có đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su và các cây công nghiệp ngắn ngày khác, thúc đẩy thị trường nông sản hàng hóa phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen tại khu vực Tây Nguyên…

Cam kết tiếp tục cùng Tây Nguyên phát triển bền vững


Hiện tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD, tăng 19,5%. Từ kết quả đã đạt được và niềm tin vào sự phát triển của khu vực Tây Nguyên, phát huy kinh nghiệm của gần 30 năm gắn bó đồng hành nông nghiệp, nông thôn và nông dân, với mạng lưới rộng lớn có mặt khắp mọi vùng miền và đội ngũ cán bộ nhân viên am hiểu gắn bó với địa phương và bà con nông dân, Agribank xác định tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên lên tới 90% tổng dư nợ, tăng cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng hộ sản xuất và cá nhân. Song hành với đó, Agribank tăng cường triển khai mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn với nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.

Hiện thực hóa cam kết trên, trong chuỗi sự kiện quan trọng của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - năm 2017, bên cạnh đồng hành cùng Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4, Agribank sẽ có tham luận tại các Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”; “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế", với mong muốn cùng ngành nông nghiệp Tây Nguyên, ngành cà phê Việt Nam tìm ra những giải pháp, bước đi phù hợp, vững chắc vì tương lai nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.