Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, sáng 07-3, Đại hội đã nghe chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về việc nâng cao chất lượng tổ chức Hội; Kinh nghiệm truyền lửa của chị Nguyễn Thị Nhung - Huấn luyện viên Đội tuyển bắn súng quốc gia Việt Nam và bài học thành công trong phát triển sản xuất của chị Võ Thị Chút (Quảng Nam).

Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Hội, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố, của hội viên phụ nữ. Để tạo nên dấu ấn đậm nét đó, các cấp Hội luôn xác định hoạt động phải mang tính bền vững, huy động, tập hợp được sức sáng tạo, khả năng của các tầng lớp phụ nữ trên các lĩnh vực để chủ động giải quyết các vấn đề thiết thân mà chị em đang gặp phải, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân có trình độ, có tâm huyết vì cộng đồng.

Mô hình Tổ tư vấn cộng đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường/xã/thị trấn thành lập và quản lý được triển khai từ tháng 6-2012, tại chi Hội Phụ nữ khu phố đã thu hút đông đảo các thành viên là trí thức tình nguyện vì cộng đồng tham gia nhằm trợ giúp cho phụ nữ các vấn đề liên quan đến pháp luật, chính sách, chế độ… Chị Bích cho biết thời gian đầu, hoạt động của Tổ gặp nhiều khó khăn do thiếu địa điểm, không có kinh phí để trang bị các phương tiện tư vấn, chưa thu hút được nhiều trí thức tham gia. Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, đến nay Tổ đã thu hút được đông đảo lực lượng chuyên gia, luật sư, luật gia, giáo viên, bác sĩ, thợ lành nghề tham gia. Tổ tư vấn cộng đồng không chỉ giúp "gỡ rối tơ lòng", hòa giải mâu thuẫn, mà còn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, trở thành cầu nối, chỗ dựa tinh thần của phụ nữ, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho chị em và các gia đình, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo phụ nữ, nhất là chị em có hoàn cảnh khó khăn. Hiện mô hình đã nhân rộng đến tất cả khu phố, ấp với 2.031 tổ, thu hút hơn 15.000 thành viên tham gia, trong đó có hơn 2.000 người là nam giới. Trong 4 năm, các Tổ đã tư vấn cho hơn 17.000 trường hợp, trong đó tư vấn thành công trên 70%, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại trong hệ thống Hội (năm 2012 - 2015 giảm được 4.260 đơn thư so với nhiệm kỳ 2006 - 2011, tỉ lệ giảm hơn 50%). Qua hoạt động của mô hình này, các cấp Hội thấu hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của chị em, không chỉ góp phần đưa chủ trương, chính sách đến tận mỗi hộ dân một cách hiệu quả mà còn tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức gần gũi, thấu hiểu cơ sở, phát huy năng lực, tinh thần đóng góp xây dựng cộng đồng một cách thiết thực nhất.

Chị Ngọc Bích chia sẻ việc thành lập các “Nhóm trẻ gia đình” cũng là mô hình hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các bà mẹ trẻ gửi con thuận lợi vừa góp phần vào hoạt động dạy nghề, tạo việc làm nuôi giữ trẻ gia đình; đồng thời các cấp Hội tiếp cận, thu hút và hỗ trợ chị em phụ nữ nhập cư - là những người có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Hoạt động này được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để Hội tổ chức đào tạo 3.500 lượt người về nghề nuôi giữ trẻ; duy trì 26 câu lạc bộ “Nhóm trẻ gia đình” tập trung ở những khu vực công nghiệp, khu chế xuất.

Luôn đặt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lên hàng đầu, chị Ngọc Bích cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến của Hội, triển khai ứng dụng, công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Hội, hội viên nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật, kiến thức về giới, các kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng và ngoài xã hội... Hiện, nhiều hoạt động, mô hình đa dạng, thiết thực đã được triển khai, duy trì tại các cơ sở Hội, góp phần làm nên kết quả là tỉ lệ tập hợp hội viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 76%.

Nhất trí cao với khâu đột phá của nhiệm kỳ 2017 - 2022 là “Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động Hội ở cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, các cấp Hội phải luôn lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên; mọi hoạt động của Hội đều bắt nguồn từ nhu cầu và để giải quyết các vấn đề bức thiết mà chị em đang gặp phải...

Kinh nghiệm truyền lửa

Chị Nguyễn Thị Nhung, Huấn luyện viên đội tuyển Bắn súng quốc gia chia sẻ với Đại hội: Là phụ nữ công tác trong một lĩnh vực rất đặc thù là huấn luyện thể thao đỉnh cao, chị cũng như nhiều chị em huấn luyện viên nữ của ngành thể dục thể thao đã gặp những khó khăn không nhỏ về thể chất cũng như năng lực làm việc khi vẫn phải dành thời gian cho gia đình, con cái...

Chị Nhung cho biết, bên cạnh sự đầu tư kinh phí của Đảng và Nhà nước, năng khiếu thiên bẩm, còn một yếu tố rất quan trọng để một vận động viên đạt được thành công, đó là tinh thần thi đấu. Học trò của chị - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, được đã thi đấu rất thành công, lập được kỳ tích tuyệt vời, trở thành vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt huy chương Vàng trên một đấu trường danh giá nhất thế giới là Olympic. Tuy nhiên, để bước lên đỉnh cao nhất của Olympic Rio 2016 như hôm nay, chị và Hoàng Xuân Vinh đã từng trải qua những chặng đường đầy chông gai.

Nhớ lại Asian Games 2010, Olympic London 2012 và Asian Games năm 2014, Vinh bị coi như tội đồ vì thất bại, bị chỉ trích đến mức khủng hoảng tinh thần. Với tư cách là một huấn luyện viên, chị Nhung đã dành thời gian ở bên và chia sẻ cùng Vinh nỗi buồn thất bại và động viên, truyền cho Vinh sự tự tin, hy vọng về một ngày Vinh sẽ bước lên ngôi cao nhất. Chị kể: "Để khắc phục điểm yếu tâm lý, cũng có thời điểm tôi yêu cầu Vinh khi bước vào trường bắn chỉ cúi mặt không nhìn khán giả, không để ý đến mọi áp lực xung quanh. Bài tập này sau đó đã giúp Vinh đoạt huy chương Vàng tại Cúp Bắn súng thế giới. Và sau này tôi cũng suy nghĩ, nghiên cứu thêm phương pháp như trước khi thi đấu, Vinh sẽ nằm và tưởng tượng ra khung cảnh ở trường bắn ngày hôm sau. Tưởng tượng ra khung cảnh để có sự chuẩn bị về tâm lý, tránh cho Vinh trạng thái bị khớp khi bước ra trường bắn".

Để truyền tinh thần tự tin cho Vinh và các đồng đội, hàng ngày trước mỗi buổi tập, Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung yêu cầu từng vận động viên một phải hô to: “Tôi là nhà vô địch Olympic”. Nhớ thời gian đầu tiên nhiều vận động viên còn ngại ngùng không dám hô nhưng ngày nào cũng thế, mọi việc trở thành quen và Vinh ngày càng tự tin hơn khi hô vang câu đó, chị Nhung chia sẻ cùng Đại hội. Qua nhiều năm công tác, Huấn luyện viên Đội tuyển bắn súng Quốc gia cho hay, cần đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng để mỗi người dân ý thức được tác dụng của việc rèn luyện thể dục thể thao; thay đổi được thói quen từ tự phát sang tự giác, để phong trào thể dục thể thao thấm vào từng gia đình, từng tổ dân phố, khu dân cư, trường học... tạo thành phong trào tập luyện thể dục thể thao đều đặn trong toàn xã hội.

Thành công nhờ sự giúp đỡ của Chi hội

Đại biểu Võ Thị Chút, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam chia sẻ với Đại hội kinh nghiệm để thành công trong phát triển kinh tế của mình. Chị đã từng trải qua tuổi trẻ rất vất vả và khó khăn do cái nghèo cứ đeo bám. Bao trăn trở tìm hướng thoát nghèo, chị Chút may mắn được tham gia lớp tập huấn Marketing do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2004 và từ đây đã nhen nhóm ý tưởng kinh doanh với khát khao thay đổi cuộc đời trong chị.

Học xong lớp Marketing, chị tiếp tục được tham gia nhiều lớp tập huấn kiến thức về hướng dẫn kỹ năng sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận thị trường, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong nước. Khởi đầu sự nghiệp với việc chăn nuôi heo theo mô hình chăn nuôi sạch, chị Chút đã thành công và tiếp tục vay thêm tiền Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, thành công thực sự đến với chị Chút khi được tham gia hoạt động “Ngày Phụ nữ sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tổ chức vào năm 2013. Tại diễn đàn, chị được nghe rất nhiều thông tin về sản phẩm sáng tạo đến từ các địa phương. Chị may mắn được nghe trao đổi về làm hương trầm, nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguyên liệu đầu vào, đó là bột quế. Tuy nhiên bột quế lại chính là sản phẩm đặc trưng của quê hương chị nên sau lần gặp gỡ ấy, về địa phương chị bắt đầu thu mua nhánh và lá quế, mở rộng địa bàn thu mua ở một số huyện như Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn. Hiện nay, chị đã giải quyết công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng và 100 lao động nữ lúc nông nhàn sau mùa vụ với công việc thu nhặt lá quế. Mỗi kg lá quế có giá từ 5.000 đến 7.000 đồng tùy theo lá khô hay vàng, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm chị Chút thu nhập trên 400 triệu đồng.

Niềm vui lớn nhất của chị bây giờ là đã giải quyết được đầu ra cho cây quế của bà con nông dân và giữ được thương hiệu đặc trưng của cây quế Tiên Phước. “Những gì có được như ngày hôm nay với tôi là cả một thời gian dài vất vả, và hơn hết đó là sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Phụ nữ từ xã đến tỉnh, các chị đã cho tôi kiến thức, kỹ năng, cơ hội để tôi thực hiện ước mơ của mình. Nếu không có Hội Phụ nữ, tôi không biết bây giờ mình sẽ như thế nào”, chị Chút tâm sự./.