TCCSĐT - Nhân dịp Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII khai mạc sáng ngày 07-3-2017 tại Hà Nội, xin giới thiệu những phong trào, tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong lao động sản xuất và đời sống - những bông hoa đẹp của phong trào phụ nữ, thiết thực chào mứng Đại hội.

Người mẹ hiền của học sinh khuyết tật

Đã 23 năm, cô giáo Trương Thị Ngọc Hà gắn bó với các em học sinh Trường Chuyên biệt Tương lai thành phố Đà Nẵng. Các học sinh ở đây đa phần sức khỏe yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đều mang trong mình khiếm khuyết và nỗi bất hạnh khác nhau… Hằng ngày, cô Ngọc Hà như “người mẹ thứ hai”, luôn lo lắng chăm sóc và thương yêu, tận tụy dạy dỗ các em từ kiến thức đến kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, chỉ bảo cặn kẽ những điều nhỏ nhặt nhất.

Năm 1994 trường được thành lập, cũng là năm cô Hà tốt nghiệp khoa sư phạm tiểu học Trường Đại học Đà Nẵng, chân ướt chân ráo về trường nhận công tác. Cô Hà tâm sự, hồi đầu mới về trường cô lo lắng nhiều lắm, dù đã cố giảng giải nhiều lần mà các em vẫn không hiểu, cô dạy trước trò quên sau rồi nhiều em trong giờ học quậy phá. Nhiều em sức khỏe yếu kém và không tự chủ được hành vi của mình buộc cô phải quan sát, để ý thật cẩn thận để đảm bảo an toàn cho cả lớp.

Khó khăn, cực nhọc là thế nhưng không bao giờ cô nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, bởi cô luôn tâm niệm các con sinh ra không được may mắn, mang trong mình nỗi bất hạnh, nếu cô không bù đắp phần nào thì các con sẽ càng thiệt thòi, đáng thương nhiều hơn. Vì vậy, nếu nhìn thấy các con tiến bộ mặc dù rất nhỏ qua từng ngày như khi các con đánh vần đúng chữ, làm đúng những phép tính,… đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất để cô Hà tự nhủ phải luôn vượt qua khó khăn, gắn bó và đồng hành cùng học sinh nơi đây.

23 năm không quá ngắn cũng không quá dài, có thể nói tuổi xuân tâm huyết của quá nửa cuộc đời cô Hà đã dành cho các em học sinh khuyết tật nơi đây. Nếu không có tình yêu thương các em vô điều kiện thì hẳn cô đã không thể gắn bó với trường, với các em lâu đến như vậy. Không phải lên lớp dạy hết tiết rồi về mà là quá trình kèm cặp truyền tải kiến thức, chăm lo các em từ miếng ăn cho đến giấc ngủ hay có những em “phải chính tay cô đút mới chịu ăn”. “Những ngày lễ 08-3, 20-11 hay dịp Tết Nguyên đán, niềm vui của chúng tôi cũng thật khác khi nhận được tin nhắn, những cuộc điện thoại, những bức tranh vẽ chúc mừng của các em. Những bức tranh được các em vẽ tặng, tôi đều ghi tên tác giả rồi đóng khung cẩn thận rồi treo xung quanh tường nhà”, cô Hà vui mừng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai thành phố Đà Nẵng cho biết: Do thiếu hụt giáo viên, năm học 2016 - 2017, trường buộc phải gộp hai lớp lại làm một nên lớp cô Hà chủ nhiệm lên đến 23 em. Con số đó là bình thường so với học sinh bình thường nhưng với học sinh của trường đó là một điều cực kỳ khó khăn. Học sinh đông là thế, mỗi em một tính cách, độ tuổi khác nhau (từ 11 - 16 tuổi), mang trong mình nhiều khuyết tật khác nhau nhưng không bao giờ cô Hà than phiền một lời nào mà tất cả các học sinh dưới sự giáo dục của cô đều có sự tiến bộ rõ rệt.

23 năm bén duyên với học sinh khuyết tật, với những nỗ lực đóng góp tích cực, cô Trương Thị Ngọc Hà nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 2 lần được giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tặng bằng khen vì đã có thành tích xây dựng và phát triển Trường Chuyên biệt Tương Lai. Đặc biệt Cô giáo Hà là một trong 20 thầy, cô giáo của thành phố Đà Nẵng vừa được vinh danh nhận giải thưởng Võ Trường Toản vì sự ngiệp giáo dục vào cuối năm 2016.

Người tiên phong trong lĩnh vực nông sản sạch ở Điện Biên

Chị Hoàng Thị Hiên sinh năm 1984, ở đội 5, xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông sản sạch ở Điện Biên. Với ý chí, nghị lực và sự sáng tạo, chị đã xây dựng mô hình nông sản sạch đạt hiệu quả, không những tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đây còn là mô hình chuẩn để các hợp tác xã học theo, đưa thương hiệu nông sản sạch của Điện Biên ra thị trường trong nước và quốc tế.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ chị đã ước mơ xây dựng một nông trại. Sau khi tốt nghiệp khoa Kế toán, Trường Đại học mở Hà Nội, chị đã làm nhiều việc với mức lương cao. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện ước mơ của mình chị đã bỏ công việc ổn định để xây dựng một nông trại sạch tại xã Thanh An, huyện Điện Biên.

Ban đầu khởi nghiệp, chị đã mạnh dạn thế chấp "sổ đỏ" của gia đình được 500 triệu đồng, sau đó chị mua một quả đồi còn lổn nhổn gốc tre, cỏ dại. Chị đầu tư công sức để cải tạo đất để trồng rau xanh, cây ăn quả, cây dược liệu, nhà lưới trồng dâu tây, dưa leo... cùng hệ thống vòi tưới phun mưa để giảm thiểu sức lao động.

Chưa từng học qua chuyên ngành nông nghiệp, chị Hiên tự tìm ra cách nuôi giun, trùn quế trên luống đất làm phân vi sinh để giảm dư lượng chất hóa học và làm đất tơi xốp; sử dụng tinh chất tỏi, ớt làm thuốc trừ sâu cho cây; ủ cỏ, cây làm phân hữu cơ…

Chị Hiên chia sẻ: Trồng rau như nuôi con mọn, chị đã dành hầu hết thời gian của mình ở nông trại, đọc rất nhiều sách, báo, thông tin nghiên cứu trên Internet để ươm giống, chăm sóc rau cho tốt và đảm bảo an toàn.

Đến đầu năm 2015, chị thành lập Công ty thực phẩm Safe Green. Ngày đầu thành lập, với niềm tin nông sản sạch do mình trồng ra và là đơn vị đầu tiên được Chi cục Kiểm định chất lượng nông - lâm, thủy sản tỉnh xác nhận sản phẩm an toàn, giá cả phải chăng, chị đi gõ cửa nhiều nhà hàng, khách sạn, trường học để giới thiệu sản phẩm nhưng không nhiều nơi quan tâm đúng mức đến sản phẩm an toàn. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với sự kiên trì, lòng quyết tâm với sản phẩm nông sản sạch, cuối cùng sản phẩm của chị cũng được lên kệ trong Siêu thị Hoa Ba. Chị cũng xây dựng hai cửa hàng riêng của mình ở thành phố Điện Biên Phủ.

Giờ đây, chị Hoàng Thị Hiên đã xây dựng thành công hệ thống nông trại gần 1 ha với đủ loại rau, hoa quả khác nhau; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương. Không chỉ bày bán sản phẩm do mình làm ra, chị Hiên còn kết nối với các tổ hợp tác xã, chi hội phụ nữ trồng nông sản theo tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ đầu ra như: Hợp tác xã trồng dứa Háng Lìa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà); Hợp tác xã rau Thanh Đông (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên)… Chuỗi liên kết của chị hiện tại lên tới 6 ha trồng nông sản sạch.

Chị Lò Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Chị Hiên là phụ nữ trẻ tiêu biểu của xã. Không chỉ biết làm kinh tế phục vụ gia đình mà chị còn tạo việc làm cho người dân trong xã; đồng thời thường xuyên hướng dẫn chị em tại địa bàn về việc trồng, chăm sóc nông sản sạch, phát triển hệ thống nông sản sạch trong toàn xã.

"Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” ở vùng cao Yên Bái

Thời gian qua, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” đã được triển khai sâu rộng tới các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Yên Bái. Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, cuộc vận động đã góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh vùng cao này.

Các tiêu chí “5 không 3 sạch” bao gồm: Gia đình không đói nghèo, không có bạo lực, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học, không sinh con thứ 3 trở lên; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Việc thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động đã đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thành 9 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Hội Phụ nữ xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, Yên Bái, được đánh giá là một trong những cấp Hội cơ sở của tỉnh Yên Bái làm tốt cuộc vận động. Hội Phụ nữ xã hiện có hơn 1.000 hội viên. Khi bắt đầu thực hiện cuộc vận động, tất cả chị em trong Hội Phụ nữ xã đều hưởng ứng tích cực.

Hàng tháng, chị em hội viên trong xã đều cùng với chi hội các thôn tổ chức dọn dẹp vệ sinh, làm sạch ngõ xóm, hình thành các tuyến đường phụ nữ tự quản... Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã Hưng Khánh cũng tích cực vận động hội viên cùng người dân trong xã xây dựng đời sống văn hóa mới, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, những kết quả đạt được của cuộc vận động đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở đây.

Từ thực tiễn trong quá trình triển khai cuộc vận động, các cấp Hội Phụ nữ Yên Bái đã cụ thể hóa từng tiêu chí và có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” phù hợp với nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nên việc thực hiện các tiêu chí này đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Khi triển khai các tiêu chí của cuộc vận động xuống các cấp Hội, nhất là các cấp Hội ở các huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, nơi vẫn còn tới 60-70% hộ nghèo, một số tiêu chí phải thay đổi cho phù hợp. Điển hình như tiêu chí gia đình không đói nghèo đã được các cấp Hội cơ sở thay đổi bằng tiêu chí không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống.

Chia sẻ về cách thức triển khai hiệu quả cuộc vận động, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa bàn làm điểm, hoạt động trọng tâm, phù hợp với thực tế địa phương để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động trong hệ thống Hội. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, lồng ghép với các phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác Hội. Do đó, cuộc vận động đã đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả, tạo được sự thay đổi từ nhận thức sang chuyển đổi hành vi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng./.