TCCSĐT - Ngày 23-02-2017, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, 430 đại biểu đã tham dự Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan với tổng số 11 hoạt động của 8 ủ y ban, nhóm công tác Đây là một trong những ngày làm việc sôi động nhất của Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp liên quan.
Các cuộc họp của 8 ủ y ban, nhóm công tác trong các lĩnh vực gồm: Thương mại và Đầu tư (CTI), Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG), Thủ tục hải quan (SCCP), Dịch vụ (GOS), Đầu tư (IEG), Du lịch (TWG), Y tế (HWG), Điều phối về thương mại điện tử (ECSG).

Phát triển kinh tế khu vực thông qua du lịch bền vững


Nhóm Du lịch đã tiến hành đồng thời hai hoạt động gồm: Phiên họp Ban điều hành của nhóm và Hội thảo về du lịch bền vững. Phiên họp Ban điều hành đã tập trung thảo luận về định hướng và các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực thông qua du lịch bền vững trong tình hình hiện nay. Trong khi đó, tại phiên khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài khu vực. Năm 2015, châu Á-Thái Bình Dương đón được trên 396 triệu lượt khách (chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới), tạo ra 47,9 triệu việc làm. APEC đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đón 800 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Hội thảo là sáng kiến của Việt Nam nhằm chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững, dự kiến tổ chức tại thành phố Hạ Long vào tháng 6-2017.

Hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ


Hội thảo chính sách Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về công nghiệp hỗ trợ đã khai mạc ngày 23-02. Đây là hoạt động nhằm triển khai sáng kiến “Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ APEC” do Việt Nam tham gia đề xuất và đồng chủ trì cùng một số thành viên APEC với mục tiêu trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ của các thành viên. Trình bày của các chuyên gia trong, ngoài nước cùng những ý kiến thảo luận và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo là cơ sở thiết thực để xây dựng Bộ tài liệu các điển hình APEC về công nghiệp hỗ trợ dự kiến được thông qua trong Năm APEC Việt Nam 2017.

Thúc đẩy thương mại các sản phẩm phát triển nông thôn và giảm nghèo


Hội thảo “Xúc tiến thương mại các sản phẩm góp phần vào tăng trưởng bền vững và bao trùm thông qua phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo” đã kết thúc tốt đẹp. Trên cơ sở thảo luận tại Hội thảo, cùng với nghiên cứu của Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) về vấn đề này, các đại biểu đã đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy thương mại của các sản phẩm đóng góp vào phát triển nông thôn và giảm nghèo (gọi là các “sản phẩm phát triển”), dự kiến báo cáo lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.

Tăng cường hợp tác dịch vụ


Nhóm dịch vụ cũng tiến hành hoạt động đầu tiên trong dịp Hội nghị SOM 1 với “Đối thoại công tư về dịch vụ”. Đại diện các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi những hiểu biết, chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hợp tác dịch vụ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các rào cản chính sách đối với các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực, nhất là trên ba lĩnh vực: Phân phối, giao thông vận tải và hậu cần. Dịch vụ là một trong những trọng tâm hợp tác của APEC thời gian qua. Nhiều khuôn khổ, định hướng hợp tác dài hạn về dịch vụ đã được các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC thông qua, trong đó có Khuôn khổ hợp tác dịch vụ năm 2015 và Lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh về dịch vụ năm 2016, hướng tới thiết lập môi trường dịch vụ cạnh tranh bình đẳng và minh bạch trong khu vực, đồng thời đạt mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng dịch vụ của khu vực APEC sẽ vượt mức 6,8%.

Khai mạc cuộc họp Nhóm đầu tư và Nhóm y tế


Ngày 23-02, ngày làm việc đầu tiên, Nhóm y tế đã tập trung rà soát kết quả đạt được trong năm 2016, nghe trình bày về các ưu tiên hoạt động lớn trong năm 2017, đồng thời chuẩn bị nội dung cho Đối thoại cao cấp về Y tế và Kinh tế, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Nhóm đầu tư đã thảo luận các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, bao gồm đầu tư bền vững, các nguyên tắc và thực tiễn về đầu tư bao trùm.

Củng cố hệ thống thương mại đa phương


Tiểu ban thủ tục hải quan đã thống nhất chương trình làm việc của năm 2017. Phiên họp của Tiểu ban kết thúc cùng thời điểm với việc Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức có hiệu lực, sau khi được hai phần ba trong tổng số 164 thành viên WTO phê chuẩn ngày 22-02. Thuận lợi hóa thương mại là một trong những nội dung thảo luận chính của Tiểu ban thủ tục và hải quan và là một trong những nội dung APEC đi đầu thúc đẩy, đóng góp cụ thể cho việc củng cố hệ thống thương mại đa phương.

Cuộc họp Nhóm Điều phối về thương mại điện tử về bảo mật dữ liệu cá nhân và Hội thảo “Kinh tế học trong chính sách cạnh tranh” cũng đã hoàn tất chương trình nghị sự. Các kết quả sẽ được báo cáo lên cuộc họp toàn thể của Điều phối về thương mại điện tử và Chính sách và luật cạnh tranh vào ngày 24-02. Song song với các cuộc họp, Ban Thư ký APEC quốc tế đã tổ chức buổi tập huấn về quản lý dự án. Đây là hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển, được tổ chức định kỳ trong dịp các hội nghị SOM, qua đó tạo thuận lợi cho các thành viên tham gia đầy đủ và tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác APEC mang lại.

*** Cũng trong ngày 23-02, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (FBCDM) do Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì chính thức khai mạc tại thành phố Nha Trang. Tham dự Hội nghị, bên cạnh Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên APEC, còn có sự tham gia của đại diện cấp cao từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các đối tác quốc tế.

Về tình hình kinh tế tài chính toàn cầu và khu vực

Các Thứ trưởng và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC đã tập trung thảo luận các vấn đề nổi bật, khó khăn, thách thức đối với các nền kinh tế thành viên cũng như các chính sách ứng phó. Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực mặc dù có những dấu hiệu tích cực, song đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu tăng chậm, vấn đề năng suất lao động, bảo vệ môi trường, bất bình đẳng... Phản ứng chính sách của các nền kinh tế trong khu vực có nhiều xu hướng khác nhau. Nhu cầu hợp tác và phối hợp chính sách vĩ mô trong khu vực là đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tái cân bằng kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế trong khu vực, thúc đẩy thương mại, tham gia chuỗi giá trị gia tăng, tăng cường kết nối khu vực.

Về triển khai Kế hoạch hành động Cebu và chiến lược đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã nghe báo cáo cập nhật tiến độ triển khai Kế hoạch hành động Cebu, phê duyệt danh mục các sáng kiến đã được các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế đăng ký triển khai thực hiện, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và định hướng triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu. Hội nghị cũng khuyến khích các nền kinh tế thành viên tiếp tục đăng ký các hoạt động, sáng kiến với Ban thư ký APEC để triển khai trong thời gian tới, đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế dành nhiều hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nền kinh tế thành viên thực hiện tốt các hoạt động của mình, góp phần hướng tới các mục tiêu chung của Kế hoạch hành động Cebu.

Về chủ đề đầu tư dài hạn kết cấu hạ tầng

Các Thứ trưởng, Phó Thống đốc đã chia sẻ kinh nghiệm, tập trung vào cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), tập trung vào vấn đề chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, các công cụ tài chính, cơ chế giảm thiểu và chia sẻ rủi ro, vai trò của khu vực tư nhân trong thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Các Thứ trưởng, Phó Thống đốc cũng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác và triển khai các hoạt động trong năm 2017 về vấn đề này. Đối với vấn đề Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), các Thứ trưởng, Phó Thống đốc đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận, trong đó có Tiêu chuẩn tối thiểu Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận. Các nền kinh tế thành viên như Australia, Nhật Bản và Indonesia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện gói Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận trong APEC.

Hội nghị kết thúc ngày họp thứ nhất với phần trao đổi về Tài chính và Bảo hiểm cho rủi ro thiên tai. Các chuyên gia tập trung trao đổi về các phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và chiến lược quốc gia về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai. Các nội dung đã trao đổi tại Hội thảo về Tài chính và Bảo hiểm cho rủi ro thiên tai ngày 21/2 cũng đã được báo cáo tại phiên thảo luận này. Ngoài ra, một số nước như Nhật Bản, Australia đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chiến lược cấp quốc gia về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai và quản lý tài sản công ứng phó với tác động thiên tai.

Hội nghị tiếp tục ngày làm việc thứ hai vào ngày mai 24-02 với các nội dung về Tài chính toàn diện và các vấn đề quan tâm khác./.