Kinh nghiệm phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Thái Lan

Hà Nam Tạp chí Cộng sản
22:58, ngày 20-01-2017

TCCSĐT - Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người cả hiện tại và tương lai mà không ngành nào có thể thay thế được. Tuy nhiên, nông nghiệp lại là lĩnh vực có rất nhiều rủi ro mang tính khách quan thường dẫn đến thiệt hại có tính hệ thống và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Vì vậy, phát triển bảo hiểm nông nghiệp là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế của mọi quốc gia, đặc biệt đối với những quốc gia có ưu thế về phát triển nông nghiệp như Thái Lan và Việt Nam.

Xây dựng và phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp ở Thái Lan

Hệ thống bảo hiểm nông nghiệp Thái Lan được khởi xướng từ năm 1978 với sự hợp tác giữa Chính phủ và các công ty bảo hiểm tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro bởi lũ lụt và hạn hán cho nông dân. Sau đó, bảo hiểm cho tất cả các rủi ro đối với cây ngô, lúa và đậu tương được thực hiện vào năm 1990. Tuy nhiên, kết quả thu được từ các chương trình bảo hiểm này không được như mong đợi vì phí bảo hiểm thu được ít hơn so với các khoản thanh toán bồi thường. Theo Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) mức bồi thường đã có xu hướng tăng cao hơn số phí bảo hiểm thu được, từ 7,43% (năm 2007) lên 67,88% (năm 2010) và 145,31% (năm 2011) do thiên tai xảy ra gia tăng ở nhiều nơi hơn nên đẩy cao mức phí bồi thường(1).

Thái Lan thực hiện bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho tất cả nông dân. Phạm vi bảo hiểm áp dụng cho cây lương thực, cây lấy dầu, cây trồng thương mại... Mức bồi thường chiếm từ 60% - 90% của sản lượng trung bình. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với hình thức như: tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị… Ngân sách nhà nước Thái Lan hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, vì vậy, Thái Lan luôn giữ được giá lúa gạo có lợi cho nông dân.

Dù đã là quốc gia trong nhóm các nước mới công nghiệp hóa, nhưng nông nghiệp vẫn là ngành được xem trọng, trong đó lúa là một loại cây trồng quan trọng nhất của Thái Lan. Là quốc gia có diện tích đất trồng lúa đứng thứ 5 trên thế giới nhưng nhiều năm qua, xuất khẩu gạo của Thái Lan luôn đứng đầu (chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu). Năm 2011, mặc dù bị thiên tai lũ lụt lớn nhất trong lịch sử, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan vẫn đạt 10,6 triệu tấn và năm 2016, Thái Lan đạt mức xuất khẩu 9,63 triệu tấn (đứng thứ hai thế giới, sau Ấn Độ).

Năm 2007, Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp (BAAC) phối hợp với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Công ty bảo hiểm Sompo Nhật Bản thực hiện thí điểm với bảo hiểm theo chỉ số thời tiết cho cây lúa(2). Đến năm 2011, chương trình bảo hiểm này được triển khai chính thức để giảm thiểu tác động của 6 dạng thiên tai: lũ lụt, hạn hán, gió bão, sương giá, mưa đá và hỏa hoạn. Mục tiêu chính của chương trình này là để bổ sung Chương trình cứu trợ thiên tai của Chính phủ. Nghĩa là sau khi Chính phủ bồi thường cho nông dân theo chương trình trên, các công ty bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại thêm. Mức bồi thường từ 109,37 USD/ha đến 252,67 USD/ha cho tổng thiệt hại do thiên tai tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Năm 2014, nông dân mua bảo hiểm cây trồng cho khoảng 700.000 rai(3) (112.000 ha) diện tích lúa chính vụ. Theo Hiệp hội Bảo hiểm phi Nhân Thọ Thái (TGIA), diện tích được bảo hiểm sẽ ngày càng tăng, do người nông dân trồng lúa hiện nay đã nhận thức ngày càng rõ hơn về tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp như một công cụ giảm thiểu rủi ro.

Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp Thái Lan (BAAC) được xem như là một đối tác tích cực trong cộng đồng nông nghiệp và là kênh chính kết nối giữa nông dân với những công ty bảo hiểm địa phương. Để khuyến khích nông dân mua bảo hiểm, BAAC đã cho nông dân vay vốn để sản xuất. Phí bảo hiểm được xác định dựa trên số lượng các khoản vay và khả năng chi trả. Nông dân thường phải trả 15% - 40% vốn vay của họ cho phí bảo hiểm(4). Sau đó, BAAC chuyển 10,7% phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm địa phương giữ, và chuyển 89,3% phí bảo hiểm cho thị trường tái bảo hiểm quốc tế (Công ty tái bảo hiểm lớn thứ hai trên thế giới - Swiss Re).

Năm 2014, cùng với sự hợp tác của Cơ quan Chính sách Tài chính (FPO), Tổng Hiệp hội Bảo hiểm (GIA), Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp (BAAC), Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) và Bộ Nông nghiệp (MOA), Chương trình Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết cho nông nghiệp (WIIA) đã được mở rộng tại 17/76 tỉnh của Thái Lan.

Trong tình trạng hạn hán đã và đang trở thành mối đe dọa thật sự đối với việc phát triển bền vững nền nông nghiệp Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã tài trợ chương trình tư vấn giúp nông dân chuyển từ trồng lúa nước sang các loại cây trồng cần ít nước hơn như lúa mì, ngô, các loại đậu... Đồng thời, Chính phủ Thái Lan xúc tiến hỗ trợ mua bảo hiểm lúa, trợ giúp người nông dân thông qua chương trình hỗ trợ tới 80% phí bảo hiểm. Bảy công ty bảo hiểm phi Nhân Thọ của Thái Lan, bao gồm: Bangkok, Chao Phaya, Dhipaya, Navakij, Thaivivat, Tune và Viriyah đảm nhận việc bán bảo hiểm trên toàn Thái Lan. Nông dân ở vùng có rủi ro thấp nhất sẽ được trả 60 baht/rai (khoảng 240.000 đồng/ha), trong khi Chính phủ đóng góp thêm 64 baht/rai (khoảng 260.000 đồng/ha). Ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao nhất, nông dân trả 100 baht/rai (hơn 400.000 đồng/ha) và Chính phủ Thái Lan bù vào đến 383 baht/rai (hơn 1,5 triệu đồng/ha). Nếu bị thiệt hại, công ty sẽ trả 1.111 baht/rai (4,5 triệu đồng/ha) cho cây trồng bị thiệt hại do thiên tai và 555 baht/rai (2,25 triệu đồng/ha) đối với thiệt hại do sâu, bệnh (5).

Trong quá trình triển khai bảo hiểm, mức phí bảo hiểm được chia sẻ bởi người nông dân và Chính phủ. Trong đó, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức phí bảo hiểm giảm xuống nếu phạm vi bảo hiểm được mở rộng, đồng thời nó sẽ làm giảm gánh nặng cho các chi phí trợ cấp của Chính phủ. Hơn nữa, việc bồi thường cho những nông dân gặp phải những tổn thất do thiên tai sẽ cao hơn theo chương trình bảo hiểm lớn.

Bảng 1: Phí bảo hiểm cây trồng của Thái Lan, năm 2016

 

 

Nội dung

Nông dân vay BACC

Nông dân không vay BACC

Nông dân mua bảo hiểm (mục tiêu diện tích mua bảo hiểm là 4,2 triệu ha)

Trường hợp 1

Trường hợp 2

Trường hợp 3

Trường hợp 4

Mục tiêu diện tích là 0,08 triệu ha

100%

70%

50%

25%

Phí bảo hiểm (USD/ha)

18,05

18,05

18,05

18,05

18,05

- Nông dân trả phí bảo hiểm

-

-

-

-

7,22

- BAAC trợ cấp

7,22

7,22

7,22

7,22

-

- Chính phủ trợ cấp

10,83

10,83

10,83

10,83

10,83

Mục tiêu diện tích được bảo hiểm (triệu ha)

4,72

3,30

2,36

1,18

0,08

Phí bảo hiểm (triệu USD)

 

 

 

 

 

- Từ nông dân

-

-

-

-

0,58

- Từ BAAC

34,08

23,83

17,04

8,52

-

- Từ chính phủ

51,12

35,74

25,56

12,78

0,87

Tổng phí bảo hiểm

85,20

59,57

42,60

21,3

1,45


Nguồn: Tính toán của KU-OAE Center Foresight: KOFC năm 2016.

Cơ quan quản lý ngân sách cũng đã đề xuất việc cắt bồi thường cho cây trồng bị thiệt hại do thiên tai của Chính phủ để khuyến khích nông dân mua bảo hiểm cây trồng. Điều này không chỉ góp phần giảm mức chi ngân sách, mà còn giúp thúc đẩy mở rộng lĩnh vực bảo hiểm. Một nghiên cứu cho thấy, phí bảo hiểm cho cây trồng sẽ được giảm đáng kể nếu vùng phủ sóng bảo hiểm đạt 10 triệu rai. Những người nông dân trồng lúa tại khu vực rủi ro nhất được hưởng phí bảo hiểm cây trồng giảm xuống dưới 300 baht/rai từ 450 baht/rai, và giảm xuống còn 200 baht/rai nếu lĩnh vực bảo hiểm cây trồng đạt 20 triệu rai. Hiện có khoảng 1,5 triệu trong số 63 triệu rai đất trồng lúa ở Thái Lan đang được bảo hiểm cây trồng. Thái Lan đã thí điểm bảo hiểm chia đất nông nghiệp vào 5 lĩnh vực tùy thuộc vào rủi ro đối với cây trồng, có thể được mở rộng đến các vụ lúa thứ hai và các sản phẩm nông nghiệp khác từ vụ lúa chính với mức phí từ 124 - 484 baht/rai tùy theo rủi ro. Và 7 công ty bảo hiểm trong chương trình này đã mất 2 tỷ baht (57.750.000 USD) trong hai năm 2013 và 2014 do vùng phủ sóng quá nhỏ(6).

Bảng 2: Bồi thường bảo hiểm cho nông dân ở Thái Lan từ năm 2016

 

 

Nội dung

Nông dân vay BACC

Nông dân không vay BACC

Nông dân mua bảo hiểm (dự kiến diện tích mua bảo hiểm là 4,72 triệu ha)

Trường hợp 1

Trường hợp 2

Trường hợp 3

Trường hợp 4

Dự kiến diện tích là 0,08 triệu ha

100%

70%

50%

25%

Bồi thường do thiên tai1 (triệu USD)

 

 

 

 

 

- Bồi thường do 6 loại thiên tai

908,55

635,86

454,28

227,14

14,76

- Bồi thường do sâu bệnh

18,91

13,30

9,46

4,81

0,64

Tổng bồi thường

927,46

649,16

463,74

231,95

15,4


Nguồn: Tính toán của KU-OAE Center Foresight: KOFC năm 2016.

Chú thích: 1 diện tích lúa bị thiệt hại từ 6 loại thiên tai là 96% và 4% là do sâu bệnh. Bồi thường 200,51 USD/ha đối với 6 loại thiên tai và 100,17 USD/ha do sâu bệnh.

Theo Bộ Tài chính Thái Lan, năm 2016, chương trình thực hiện bảo hiểm cho hơn 480.000 ha lúa với mức đền bù cao hơn năm 2015. Ông Pravej Ongartsittigul - Tổng thư ký Hội đồng bảo hiểm Thái Lan khẳng định, do tình hình hạn hán nghiêm trọng, mất mùa đang trở thành nỗi lo thường trực của nông dân, bảo hiểm lúa gạo là điều cần thiết. Thái Lan sẽ triển khai chương trình bảo hiểm trồng trọt miễn phí cho 4,8 triệu ha đất lúa trong niên vụ 2016 - 2017 (bắt đầu từ tháng 4-2017).

Theo chương trình này, Chính phủ sẽ bảo đảm khoản phí bảo hiểm trị giá 375 baht/ha, Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp (BAAC) sẽ chi trả 250 baht/ha thay cho nông dân. Trợ cấp bảo hiểm nông nghiệp là một phần trong ngân sách 45,6 tỷ baht mà Chính phủ Thái Lan dành cho các biện pháp hỗ trợ nông dân trong niên vụ 2016 - 2017, nhằm thu hút sự chú ý của nông dân tập trung bảo vệ mùa màng.

Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm OIC (Office of Insurance Commission) của Thái Lan đề xuất Chính phủ ban hành luật liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp để tạo ra một khung pháp lý có hệ thống và thành lập một hội đồng chuyên trách để triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp trên phạm vi quốc gia. Theo chương trình này nông dân sẽ nhận được khoản bồi thường 6.943,75 baht/ha trong trường hợp mùa màng bị thiệt hại bởi thiên tai và 3.468,75 baht/rai trong trường hợp vật hại và dịch bệnh. Chương trình bảo hiểm nông nghiệp không chỉ giảm gánh nặng của Chính phủ trong bù đắp thiệt hại của nông dân mà còn thúc đẩy nông dân tự quản trị rủi ro.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, cần sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ. Hình thức bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan rất đa dạng và được hỗ trợ đầu tư của nhà nước khá công phu. Sự hỗ trợ mang tính bền vững, có định hướng, tăng tính chủ động từ nông dân. Nhà nước vừa hỗ trợ chính sách mở cho doanh nghiệp, vừa đầu tư khoa học - kỹ thuật cho nông dân; đặt doanh nghiệp bảo hiểm ở vị trí trung gian, đứng ra bán dịch vụ cho nông dân. Khi gặp thiên tai, dịch bệnh... dẫn tới thiệt hại thì bảo hiểm chịu một phần theo khả năng trách nhiệm đã đăng ký, còn lại sẽ do Nhà nước đảm nhận. Nhà nước khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, ưu tiên doanh nghiệp bảo hiểm đặt mũi nhọn vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặt ra một số loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với nông dân. Đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng để xử lý doanh nghiệp hoặc nông dân khi vi phạm hợp đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan được hỗ trợ, được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi ổn định, lâu dài như về thuế, phí... Ngân sách nhà nước Thái Lan đã hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, họ luôn giữ được giá lúa gạo có lợi cho nông dân.

Trước tình hình hạn hán nặng nhất trong gần hai thập niên qua (2000-2016), chính phủ Thái Lan đã khuyến khích nông dân chuyển hướng từ trồng lúa sang trồng bắp, đậu. Năm 2015, Chính phủ đã duyệt cấp 320 triệu USD để khuyến khích nông dân trồng các loại cây ít nước, giãn thời gian trả nợ vay. Năm 2016, Chính phủ đầu tư 285 triệu USD để ổn định giá cả và tái đào tạo nông dân, kể cả những người sản xuất gạo jasmine nổi tiếng của Thái. Nông dân được vận động tham gia các khóa học với nội dung đa dạng từ kế toán đến chăn nuôi gia cầm được Chính phủ mở ra nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.

Năm 2016, chính phủ Thái Lan tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm lúa gạo “được mùa”. Chương trình này nhận bảo hiểm những thất thoát từ lũ lụt, hạn hán, bão, sâu bệnh. Dự báo, năm 2017, chương trình bảo hiểm cho hơn 480.000 ha ruộng lúa của Thái Lan và mức đền bù có thể sẽ còn cao hơn.

Nông nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã có sự phát triển vượt bậc, song nhìn chung kỹ thuật canh tác vẫn còn lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp gặp quá nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh. Các doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà bởi các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp chưa thực sự khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp cũng chịu rủi ro không kém gì nông dân. Nguồn thu với bảo hiểm nông nghiệp ít, trong khi chỉ cần mất mùa hay rủi ro nào đó xảy ra thì doanh nghiệp lại phải chi bảo hiểm quá nhiều... Tất cả những điều này đã khiến bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển được. Vì vậy, bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết rất cần vai trò hỗ trợ hơn nữa của nhà nước. Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm và người nông dân để thị trường bảo hiểm nông nghiệp phát triển đúng hướng, không chỉ đem đến hiệu quả về mặt kinh tế mà còn đem lại hiệu quả xã hội to lớn.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm nông nghiệp. Nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của bảo hiểm có ý nghĩa rất lớn bởi một khi tư tưởng không thông suốt thì sẽ không tự giác hành động và hành động sẽ mang tính nửa vời, vừa không mang lại kết quả tốt, vừa gây lãng phí. Trước thực trạng khan hiếm nước ngọt tại Tiểu vùng sông Mê Kông, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã tổ chức các lớp học, nhằm dạy cho những người nông dân trồng lúa những kiến thức, kỹ thuật trồng những loại cây chịu được hạn nhằm giúp cho người nông dân nhận thức được và chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng cho phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Thái Lan, qua đó nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thậm chí, để thu hút nông dân tham gia đông hơn trong các cuộc thảo luận trao đổi Thái Lan đã trả 200 baht/người/ngày cho nông dân tham dự lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp. Nhờ vậy, số người đăng ký tham gia đông hơn gấp nhiều lần. Điều đó chứng tỏ người nông dân Thái Lan đã nhận thấy sự cần thiết trong chương trình tập huấn của chính phủ.

Ở Việt Nam, chương trình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 chỉ mới có hơn 300.000 hộ trong tổng số hơn 11 triệu hộ nông dân tham gia (khoảng hơn 3% nông dân tham gia). Tỷ lệ khá thấp. Vì vậy, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết, mang lại lợi ích cho người dân và góp phần bảo đảm đời sống của người nông dân. Không tham gia bảo hiểm, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi trong sản xuất nông nghiệp khi rủi ro xảy ra, trong khi nhà nước vẫn phải trích ngân sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp thì bỏ sót một thị trường tiềm năng. Nếu số hộ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn ít, chưa bảo đảm nguyên tắc cơ bản là lấy số đông bù số ít của bảo hiểm cùng với quy trình nuôi trồng chưa đạt yêu cầu kỹ thuật…, thì rất khó để quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng đạt hiệu quả cho tất cả các bên tham gia loại hình bảo hiểm này. Một khi người nông dân tham gia bảo hiểm, họ sẽ có ý thức sản xuất theo quy trình, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa.

Nông dân Việt Nam chưa có thói quen tham gia bảo hiểm, còn không ít người chưa tin tưởng và nhận thức được lợi ích cũng như vai trò của bảo hiểm trong đời sống, sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như khả năng tài chính tham gia bảo hiểm nông nghiệp của người nông dân còn hạn chế. Chính vì vậy, số lượng hộ nông dân tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp chưa nhiều. Trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết và cần có chính sách khuyến khích người nông dân tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ ba, xây dựng cơ chế bảo hiểm cho ngành nông nghiệp một cách phù hợp. Xây dựng cơ chế bảo hiểm cho ngành nông nghiệp một cách phù hợp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp và bản thân nông dân khi tham gia bảo hiểm. Cả hai bên phải cùng có lợi và Nhà nước cũng phải có lợi khi hỗ trợ cho dịch vụ bảo hiểm này thì lúc đó mới có thể phát huy hiệu quả. Xây dựng cơ chế để khuyến khích được mọi người đóng góp cho bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp đóng góp, nông dân và thương nhân đóng góp... Có như vậy thì bảo hiểm nông nghiệp mới có thể tồn tại vững chắc, bởi nếu cứ chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì bảo hiểm nông nghiệp sẽ trở thành một sự bao cấp, khó có thể phát triển.

Để hài hòa lợi ích giữa các bên (Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm), đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp tình hình thực tế của doanh nghiệp, người dân, cần chuyển sang thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo cơ chế thị trường, thực hiện nguyên tắc tự nguyện của người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm mới tự cân đối tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, Nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp bảo hiểm mà sẽ có chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, theo sát thông lệ và cam kết quốc tế. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò quản lý, giám sát chặt chẽ việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp cần tuân thủ theo nguyên tắc tự nguyện, không giới hạn phạm vi địa bàn và đối tượng bảo hiểm. Quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp cần có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

Tóm lại, bảo hiểm nông nghiệp là chính sách phức tạp và để triển khai thực hiện hiệu quả rất khó khăn, nhưng lại có vai trò rất lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển hoạt động bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan đã nhận được sự trợ cấp rất lớn từ chính phủ. Các chương trình bảo hiểm mặc dù tốn kém đối với chính phủ, nhưng Thái Lan vẫn triển khai.

Ở Việt Nam, rủi ro quá lớn từ bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân. Để nông nghiệp Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp ra đời và phát triển, cần xây dựng mô hình hợp tác công - tư trong bảo hiểm nông nghiệp, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới, Thực tế, các công ty bảo hiểm trên thế giới đa phần là công ty tư nhân, tuy nhiên, riêng bảo hiểm nông nghiệp có đặc thù riêng, là một trong những dịch vụ công khá quan trọng, nhà nước cần đóng vai trò mạnh hơn để hỗ trợ cho cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Do vậy, để triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam thành công, cần có sự chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân một cách đồng bộ. Việc Việt Nam đang tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2018 là bước đi đúng hướng và rất cần thiết./.

-----------------------------------------

(1) Krittiya Duangmanee, Erik Fransen (2013)

(2) Các số liệu lũ lụt được đưa xử lý qua một hệ thống cảm biến từ xa và một cơ chế đánh giá thiệt hại được xây dựng để đền bù cho việc mất mùa do lũ lụt

(3) Rai (tiếng Thái Lan ไร่) là một đơn vị đo diện tích bằng 1.600m² (40 m × 40m), dùng để đo diện tích đất

(4) Hnin Ei Win (2016), Crop Insurance in Thailand. FFTC Agricultural Policy Platform, ngày 07-9-2016

(5) Thái Lan chuyển hướng nông nghiệp vì hạn hán, theo http://thanhnien.vn/kinh-doanh/thai-lan-chuyen-huong-nong-nghiep-vi-han-han-680327.html

(6) Thailand - FPO pushes wider crop insurance cover, www.agroinsurance.com