Cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở I-ta-li-a và những quan ngại

PGS, TS. Nguyễn Văn Lịch Học viện Ngoại giao
21:46, ngày 12-01-2017

TCCSĐT - Hồi đầu tháng 12-2016, cử tri I-ta-li-a đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở nước này. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, có tới 60% số cử tri I-ta-li-a đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải cách trên. Thủ tướng M. Ren-di đã thừa nhận thất bại và tuyên bố từ chức. Giới phân tích quan ngại rằng, kết quả này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới I-ta-li-a, cũng như với Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 05-12-2016, Thủ tướng M. Ren-di đã gặp Tổng thống S. Ma-ta-re-la, để thông báo quyết định từ chức. Theo các nguồn tin cho biết, Tổng thống I-ta-li-a đã đề nghị ông M. Ren-di lùi thời điểm từ chức, sau khi Quốc hội I-ta-li-a thông qua Luật Ngân sách cho năm 2017, có thể kéo dài đến cuối tháng 12-2016.

Làn sóng phản đối

Trong cuộc bỏ phiếu trên, Phong trào 5 Sao (M5S) - đối thủ lớn nhất của ông M. Ren-di, đã phát động chiến dịch nói không với cải cách. Chiến dịch này đã lợi dụng sự sụt giảm uy tín của ông M. Ren-di, tình trạng kinh tế trì trệ và một loạt vấn đề nảy sinh do hàng chục nghìn người nhập cư từ châu Phi đổ vào I-ta-li-a.

Trên thực tế, việc phản đối ông M. Ren-di đã xuất hiện từ tháng 4-2016, khi 50 luật sư và chuyên gia luật pháp đã công khai bác bỏ các kế hoạch của Thủ tướng. Nhưng điều họ chống lại không phải là những cải cách hiến pháp, mà là phản đối luật bầu cử mới vừa được Chính phủ của ông M. Ren-di thúc đẩy thông qua trong năm 2015. Luật bầu cử mới là một phần trọng tâm trong chương trình nghị sự cải cách của Thủ tướng M. Ren-di nhằm mục đích ổn định tiến trình xây dựng liên minh cầm quyền. Theo luật này, nếu một đảng giành thắng lợi với hơn 40% số phiếu bầu, đảng đó sẽ nhận được 55% số ghế. Nếu không có đảng nào giành đủ mức 40%, hai đảng có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ cùng bước vào vòng hai. Các đảng nhỏ hơn vẫn được đại diện trong Quốc hội chừng nào họ giành được tối thiểu 3% số phiếu bầu, nhưng họ sẽ không còn có quyền ngăn cản tiến trình thành lập chính phủ. Lãnh đạo các đảng ở cấp quốc gia giờ đây sẽ tự lựa chọn các ứng cử viên của mình. Luật này có hiệu lực từ tháng 7-2016, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, và cũng được coi là một sự kiện song hành với cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp nêu trên.

Làn sóng phản đối cải cách hiến pháp kể từ đó lớn mạnh dần. Theo chủ bút nhật báo Corriere della Sera, làn sóng ấy đã tạo ra các liên minh, mà nếu theo lẽ thường khó có thể hình thành được. Đó là các nghị sĩ nổi tiếng thuộc phe của cựu Thủ tướng X. Béc-lu-xcô-ni, những thành viên của đảng Dân chủ cơ đốc giáo (DC), các đại diện thuộc đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (Lega), các đảng phát-xít mới, như Phong trào xã hội I-ta-li-a (MSI) và Ngọn lửa ba màu, cùng đảng Tự do sinh thái cánh tả (SEL)... vốn đang xung đột với nhau. Đáng chú ý, chính các thành viên trong đảng PD của Thủ tướng M. Ren-di cũng đang đe dọa sẽ chia cắt đảng này. Càng gần đến ngày bỏ phiếu, các cuộc phản đối càng gay gắt.

Nội dung cải cách Hiến pháp

Nhiều năm qua, các chính trị gia I-ta-li-a thường tranh luận mà không đưa ra được những chính sách thực sự hiệu quả để đưa nước này thoát khỏi những khó khăn. Điều này thể hiện ở nền kinh tế ốm yếu của I-ta-li-a hiện nay. Thu nhập của 97% người dân I-ta-li-a đã không tăng trong 10 năm qua, GDP hầu như không tăng trưởng kể từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Thất nghiệp còn rất cao. Nhiều vấn đề xã hội còn phức tạp...

Theo Thủ tướng M. Ren-di, cuộc cải cách Hiến pháp sẽ mở đường cho các cuộc cải cách khác, là thay đổi mang tính bước ngoặt, để từ đó vạch ra một đường hướng mới cho I-ta-li-a trong nhiều thập niên tới. Ông M. Ren-di khẳng định, cải cách Hiến pháp là điều cần thiết nhằm giúp I-ta-li-a trở nên hiện đại hơn, tương thích hơn với các nước trong EU, giúp nước này đối mặt với những thách thức trong một thế giới đang toàn cầu hóa một cách nhanh chóng.

Theo đề xuất cải cách Hiến pháp mà ông M. Ren-di đưa ra, hệ thống lưỡng viện (Thượng viện và Hạ viện) của I-ta-li-a sẽ được cải tổ. Hiện nay, hai viện đang có quyền lực ngang bằng nhau, đang thường xuyên mâu thuẫn để giành thêm quyền lực cho mình, khiến việc lập pháp rất khó khăn. Nếu được cải cách, Hạ viện sẽ có nhiệm vụ tiến hành các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và thông qua các dự luật. Thượng viện cũng sẽ chịu trách nhiệm sửa đổi Hiến pháp và các luật, vốn tác động trực tiếp đến 20 vùng của I-ta-li-a. Thành phần của Thượng viện mới sẽ bao gồm các đại diện vùng và thành phố. Tuy nhiên, điều nổi bật là quy mô và quyền lực của Thượng viện sẽ bị giảm đi. Thượng viện sẽ bị cắt giảm đáng kể, từ 315 nghị sĩ xuống còn 100 nghị sĩ. Ngoài ra, quyền lực của các chính quyền địa phương cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể. Ông M. Ren-di muốn thực hiện cuộc cải tổ này, nhằm giảm quyền lực của Thượng viện xuống mức ngang với một hội đồng tư vấn, để mang lại hiệu quả cao hơn trong các hoạt động điều hành đất nước. Việc đưa ra chính sách sẽ nhanh hơn, bớt quan liêu.

Với những kế hoạch trên, ông M. Ren-di khẳng định: “I-ta-li-a sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất châu Âu” nếu các cải cách được thông qua (1). Tình trạng bế tắc thường hay xảy ra trong quá trình lập pháp sẽ được chấm dứt. Hoạt động của các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tiến trình lập pháp sẽ không còn bị kéo dài. Bên cạnh đó, các chương trình cải cách kinh tế sẽ tiếp tục được tiến hành và đây là yếu tố cốt lõi, nhằm cơ cấu lại nền kinh tế đang trì trệ của I-ta-li-a. Mối quan ngại lâu nay của châu Âu và cả thế giới sẽ được giải tỏa. Mặt khác, cuộc cải cách này cũng là bước thay đổi đáng kể Hiến pháp I-ta-li-a, kể từ khi được ban hành vào năm 1948, qua đó sẽ tái định hình một cách sâu sắc hình thái cũng như cơ quan lập pháp của đất nước. Cũng cần nói thêm rằng, cuộc cải cách còn liên quan đến việc cắt giảm chi phí. Trên thực tế, I-ta-li-a là một trong các quốc gia có bộ máy Quốc hội cồng kềnh nhất châu Âu và trên thế giới, với 945 thành viên được bầu chọn. Chi phí cho các quan chức trong bộ máy này cũng rất lớn. Việc cắt giảm nhân sự cũng đồng nghĩa với sự cắt giảm đáng kể về chi phí. Một nghiên cứu cho biết, các nghị sỹ I-ta-li-a được trả trung bình 11.703 ơ-rô/tháng và nhận được 4.000 ơ-rô tiền làm ngoài giờ, trong khi tại Đức là 7.700 ơ-rô/tháng và 4.100 ơ-rô tiền làm ngoài giờ (2).

Những tác động của cuộc trưng cầu đối với I-ta-li-a

Về chính trị, thất bại của cuộc trưng cầu ý dân được coi là một thắng lợi cho nhiều đảng phái đối lập ở nước này, dẫn đầu là M5S theo chủ nghĩa dân túy. Lãnh đạo M5S kêu gọi một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt. Mục tiêu của M5S là giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, tiếp đến là xem xét lại quan hệ giữa I-ta-li-a và EU. Hiện nay, M5S là phong trào chính trị lớn thứ hai tại I-ta-li-a chỉ sau đảng Dân chủ của Thủ tướng M. Ren-di. Trong trường hợp phải bầu cử trước thời hạn, khả năng M5S lên nắm quyền là rất lớn. Khi đó, họ sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để loại bỏ đồng ơ-rô, quay trở lại đồng li-ra, thậm chí theo chân nước Anh ra khỏi EU. Trong khi đó, đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (Lega) có chủ trương chống người nhập cư, tức là mâu thuẫn với các hoạt động mà I-ta-li-a và EU đang tiến hành. Đây là những điều mà I-ta-li-a phải tính đến.

Đứng trước thực tế trên đây, có 3 kịch bản có thể xảy ra đối với I-ta-li-a: Một là, Thủ tướng M. Ren-di vẫn tại vị. Mặc dù tuyên bố từ chức, nhưng ông M. Ren-di vẫn phải đệ đơn lên Tổng thống. Trong trường hợp này, Tổng thống có thể yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chính là ông M. Ren-di) thành lập một chính phủ mới. Về mặt lý thuyết, chính phủ này có thể nhận được sự ủng hộ của Quốc hội nhờ phe ủng hộ ông M. Ren-di hiện vẫn chiếm đa số. Tuy nhiên, tuyên bố của ông M. Ren-di dường như đã loại bỏ đi giả thuyết này, khi ông nói: “Trải nghiệm của tôi với tư cách người đứng đầu chính phủ đã dừng lại ở đây”.

Hai là, thành lập một chính phủ “kỹ trị”. Đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất. Theo đó, Tổng thống S. Ma-ta-re-la sẽ chỉ định một Thủ tướng mới. Chính phủ mới sẽ phải chịu trách nhiệm về việc thông qua ngân sách năm 2017 tại Quốc hội và sửa đổi luật bầu cử, trước khi diễn ra cuộc bầu cử trước thời hạn theo dự kiến. Tổng thống cũng có thể quyết định kéo dài nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp hiện nay đến tháng 02-2018. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra những phức tạp, ảnh hưởng đến một số đảng phái chính trị trong nước, trong đó có M5S vốn đang gây sức ép đòi bầu cử sớm nhất có thể.

Ba là, giải tán Quốc hội ngay lập tức. Đây là kịch bản ít có khả năng nhất, vì việc cải cách luật bầu cử hiện nay sẽ tạo lợi thế lớn cho Hạ viện, trong khi thất bại của cuộc trưng cầu ý dân vừa qua cho thấy I-ta-li-a vẫn duy trì hệ thống hiện hành, khiến lưỡng viện trở thành “bất hòa”.

Tóm lại, những kịch bản trên đều do Tổng thống quyết định. Trên cơ sở tình hình hiện nay, để bảo đảm sự ổn định, nhiều khả năng, Tổng thống I-ta-li-a sẽ chỉ định thành lập một chính phủ kỹ trị nhằm tránh một cuộc bầu cử trước thời hạn vào năm tới. Như vậy, chính trường I-ta-li-a đang bất ổn, nhưng chưa đủ để đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện.

Về kinh tế, mặc dù một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện ở I-ta-li-a có thể sẽ không xảy ra, nhưng cuộc bỏ phiếu vừa qua vẫn ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của nước này. Do I-ta-li-a là nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên điều này cũng sẽ tác động đến triển vọng của cả EU và châu Âu. Người ta lo ngại rằng, những bất ổn sau cuộc trưng cầu này có thể dẫn tới việc I-ta-li-a rời Eurozone, qua đó ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của Eurozone. Ngày 06-12-2016, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã điều chỉnh dự báo triển vọng năm 2017 cho các ngân hàng I-ta-li-a từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”, do tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này đang ở mức cao, cùng với những rủi ro nảy sinh sau cuộc trưng cầu. Kết quả trên đây có thể làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế vốn đang mong manh của I-ta-li-a. Các công ty sẽ cắt giảm đầu tư và tuyển dụng lao động. Triển vọng kinh tế ảm đạm, cộng với tình trạng bất ổn chính trị gia tăng, sẽ khiến lãi suất trái phiếu của I-ta-li-a bị nâng lên. Hệ thống ngân hàng mong manh, cùng gánh nặng nợ công đang gia tăng của I-ta-li-a sẽ trở thành mối lo ngại chủ yếu của các nhà đầu tư.

Cuộc trưng cầu cũng phát đi tín hiệu xấu đến thị trường tài chính, có thể phá hỏng kế hoạch cứu trợ các ngân hàng mắc nợ lớn của I-ta-li-a, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ở Eurozone. Mặt khác, cuộc trưng cầu không chỉ đe dọa phá hỏng các kế hoạch cứu trợ trên, mà còn tác động tiêu cực đến cả hệ thống. Sức hấp dẫn của ngành ngân hàng I-ta-li-a sẽ giảm đáng kể.

Mặc dù có không ít khó khăn, song theo các nhà kinh tế, trong ngắn hạn, các nhân tố đó không thể gây nên một cuộc khủng hoảng nợ tại I-ta-li-a.

Trên phạm vi quốc tế: những lo ngại không nhỏ

Cuộc bỏ phiếu, được những đảng dân túy châu Âu ủng hộ, cũng được coi là một thước đo về xu hướng thiên tả đang có chiều hướng gia tăng ở châu Âu. Việc Thủ tướng M. Ren-di tuyên bố từ chức đã tạo ra cú sốc mới tại EU, đồng thời tạo đà cho chủ nghĩa dân túy tiếp tục phát triển. Cụ thể, nhiều đại diện các đảng dân túy ở châu Âu đã bày tỏ vui mừng trước kết quả bỏ phiếu tại I-ta-li-a, như Phó Chủ tịch đảng Sự lựa chọn của nước Đức AfD (Đức), G. Oai-đơ của Hà Lan, Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc Lơ Pen (Pháp)... Sau sự kiện Bre-xít và thắng lợi của tỷ phú Đ. Trăm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến thắng áp đảo của phe nói “Không” với cải cách hiến pháp ở I-ta-li-a đang tạo ra mối quan ngại về một hiệu ứng đô-mi-nô, có thể gây ra những kết quả bất ngờ trong các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức trong năm 2017. Mặt khác, những bất ổn chính trị, cùng những thách thức về kinh tế tại I-ta-li-a có thể làm đảo lộn khu vực châu Âu.

Trước kết quả bỏ phiếu tại I-ta-li-a, nhiều nước EU đã có quan điểm khác nhau. Thủ tướng Đức cho biết, bà lấy làm tiếc trước việc Thủ tướng I-ta-li-a từ chức, vì bà đã hợp tác rất tốt với ông M. Ren-di. Nhưng Đức sẽ tôn trọng ý kiến của cử tri I-ta-li-a và sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ sắp tới. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh những quan ngại về việc I-ta-li-a sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng chính phủ sau khi Thủ tướng M. Ren-di từ chức. Ông cho rằng, đây không phải là một tín hiệu tích cực đối với châu Âu trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, cựu lãnh tụ của Ukip (Anh) đã tuyên bố I-ta-li-a cần phải tiến hành bầu cử ngay để loại bỏ gọng kìm của EU đang siết chặt I-ta-li-a. Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc (Pháp) cho rằng, các cử tri I-ta-li-a đã bỏ rơi EU và bỏ rơi ông M. Ren-di. Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về Hiến pháp Nga A. Kli-sát cho biết, cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở I-ta-li-a phản ánh tâm trạng “bảo thủ, thiếu thiện chí” của xã hội để bỏ phiếu cho sự thay đổi cơ bản ở các nước châu Âu, vốn đã thể hiện trong vụ Bre-xít và trưng cầu dân ý ở Hà Lan, cũng như về quan hệ giữa EU và U-crai-na.

Vẫn còn nhiều tín hiệu tích cực

Mặc dù thất bại, nhưng theo các cuộc thăm dò dư luận, khoảng 40% cử tri I-ta-li-a, gồm những người về hưu, các hiệp hội nghề nghiệp ở I-ta-li-a... vẫn ủng hộ ông M. Ren-di, có nghĩa là vẫn ủng hộ cải cách. Mặt khác, người tiêu dùng và giới kinh doanh I-ta-li-a vốn đã quá quen thuộc với môi trường chính trị thường xuyên bất ổn ở nước này. Kể từ năm 1945 đến nay, I-ta-li-a đã trải qua tới 63 chính phủ. Từ bên ngoài, ông P. Mô-xcô-vi-xi, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU cho rằng, “I-ta-li-a là quốc gia có thể chế chính trị vững chắc và một nền kinh tế mạnh. Tôi hoàn toàn tin tưởng I-ta-li-a có thể giải quyết được tình hình hiện nay... Có một vài bất ổn, nhưng I-ta-li-a sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này”. Ông P. Mô-xcô-vi-xi cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân tại I-ta-li-a là một cuộc bỏ phiếu chống lại EU.

Về kinh tế, những phản ứng đầu tiên của giới giao dịch sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố, đã khiến đồng ơ-rô giảm tới 1,5%, xuống mức thấp so với đồng USD kể từ tháng 3-2015 là 1,0503 USD trên thị trường châu Á trong ngày 05-12-2016. Tuy nhiên, ngay sau đó, đồng ơ-rô đã nhanh chóng tăng lên mức 1,0759 USD. Trong phiên giao dịch tại châu Âu, đồng ơ-rô cũng tăng lên trên ngưỡng 1,07 USD đổi 1 ơ-rô. Trên thị trường tài chính, sau khi giảm mạnh vì bị bán tháo hồi đầu phiên, cổ phiếu của các ngân hàng I-ta-li-a đã dần hồi phục. Cổ phiếu của Banca Monte dei Paschi di Siena, một trong những ngân hàng được đánh giá là có vấn đề nhất ở châu Âu hiện nay, cũng đã hồi phục vào giữa phiên, trong khi cổ phiếu của Ngân hàng UniCredit chỉ giảm khoảng 3,93%. Vào cuối phiên ngày 05-12-2016, chỉ số chứng khoán châu Âu Stoxx 600 tăng 0,6%, chỉ số DAX ở Frankfurt tăng 1,6% và chỉ số FTSE MIB ở Milan chỉ giảm 0,2%. Những biến động trên là cơ sở để tờ Thời báo tài chính của Anh nhận định rằng, các thị trường tài chính, tiền tệ châu Âu nhìn chung phản ứng khá bình tĩnh sau cuộc trưng cầu ý dân tại I-ta-li-a. Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone cho rằng, I-ta-li-a chưa cần tới các biện pháp can thiệp khẩn cấp, khi mà đồng ơ-rô cũng như cổ phiếu của các ngân hàng I-ta-li-a đã hồi phục sau khi sụt mạnh lúc đầu phiên ngày 05-12-2016. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, hiện chưa có cơ sở để lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng ở Eurozone.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng I-ta-li-a đang gánh một khoản nợ xấu là 380 tỷ USD và đang rất cần tái tài trợ. Nhưng chương trình mua trái phiếu của ECB sẽ là một lá chắn hữu hiệu, có thể ngăn chặn tình trạng bán tháo các khoản nợ của I-ta-li-a. Từ khi chương trình nới lỏng định lượng của ECB được triển khai, thị trường trái phiếu của I-ta-li-a đã trở nên ít nhạy cảm hơn trước những sức ép về chính trị và kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng I-ta-li-a là 16,4%, cao hơn mức trung bình của châu Âu, nhưng vẫn thấp hơn mức nợ xấu của Hy Lạp là 47% và Bồ Đào Nha là 20%.

Ngoài ra, trong trường hợp sức ép nợ công lại tăng lên, ECB có thể sẽ kích hoạt lại chương trình “Giao dịch tiền tệ công khai”, gọi tắt là OMT, để kìm lãi suất trái phiếu I-ta-li-a ở mức thấp và bảo đảm duy trì sự tiếp cận với thị trường I-ta-li-a. Các mắt xích yếu nhất trong ngành ngân hàng của nước này đã phần nào được củng cố, đã có nhiều cải thiện về vốn trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, những cuộc trắc nghiệm nhằm đánh giá sự ổn định của các ngân hàng cũng đã tăng cường tính minh bạch cho hệ thống ngân hàng của I-ta-li-a.

Theo dự thảo ngân sách 2017, thâm hụt ngân sách của I-ta-li-a vẫn giữ nguyên ở mức tương đương 2,3% - 2,4% GDP. I-ta-li-a cũng đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích tăng trưởng, như không đánh thuế những người đổi mới hoặc xây dựng lại nhà, do bị ảnh hưởng trong các vụ động đất. I-ta-li-a cũng tăng kinh phí cho việc chăm sóc sức khỏe lên 113 tỷ ơ-rô (thêm 2 tỷ ơ-rô); thêm 1,9 tỷ ơ-rô để tạo việc làm cho cảnh sát; dành 7 tỷ ơ-rô để hỗ trợ cho những người lao động phải về hưu sớm trong vòng ba năm; cấp thêm 1 tỷ ơ-rô cho các trường đại học; 600 triệu ơ-rô để hỗ trợ các gia đình khó khăn... và còn nhiều kế hoạch khác nữa (3).

Mặt khác, bản thân I-ta-li-a, từ chính phủ tới mỗi người dân cũng sẽ phải có những cố gắng để đưa đất nước vượt qua khó khăn. Đó vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm, nhưng cũng là quy luật của cuộc sống, nhất là với I-ta-li-a, một đất nước phát triển, thì điều này lại càng đúng đắn. Do vậy, I-ta-li-a sẽ không rơi vào tình trạng hỗn loạn như những gì đã dự báo. Đây không chỉ là mong muốn của riêng I-ta-li-a, mà còn là của cả EU, cũng như của thế giới. Mong muốn, cộng với quyết tâm sẽ giúp I-ta-li-a đứng vững trước những sóng gió hiện nay.

Như vậy, mặc dù có những quan ngại đối với I-ta-li-a, nhưng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tức thời chỉ ở mức hạn chế. Mạnh dạn hơn, có phân tích cho rằng, cú sốc về lòng tin trong ngắn hạn không thể gây nên một cuộc khủng hoảng nợ tại I-ta-li-a và EU./.

--------------------------

(1) Trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp của I-ta-li-a, http://baoquocte.vn/trung-cau-y-dan-ve-cai-cach-hien-phap-canh-bac-cua-italy-40323.html

(2) Các nghị sỹ I-ta-li-a có mức thu nhập cao nhất châu Âu, http://www.vietnamplus.vn/cac-nghi-sy-italy-co-muc-thu-nhap-cao-nhat-chau-au/228162.vnp

(3) M. Rendi unveils budget full of good news for Italians, http://www.thelocal.it/20161016/M. Ren-di-unveils-budget-full-of-good-news-for-I-ta-li-ans