Tấm lòng ấy, quý thay!

Phạm Đức Rục
15:15, ngày 04-07-2007

Cầm cây bút lên đã mấy lần trong tâm trạng còn băn khoăn khi muốn viết về một người bạn, người đồng chí từng nhiều năm quen biết. Nhưng rồi vượt qua sự băn khoăn là tiếng lòng đồng cảm của lớp người sống cùng thời chia bùi, sẻ ngọt. Nhiều năm trôi qua mà nghĩ tới vẫn thấy rưng rưng. Anh nổi bật trong nhóm bạn lớn tuổi chúng tôi không phải do chức sắc, địa vị mà bởi sự giản dị bình thường trong quan niệm sống, lối sống.

Cứ ngẩng cao đầu và đi bằng đôi chân của mình, dẫu có lúc cảm thấy cô đơn, đầu gối hơi run.

Câu nói ấy của anh, là triết lý sống bằng sức lực của mình, chống lại sự vay mượn, núp bóng, kiểu sống hèn mà thời nay không phải là hiếm trong xã hội. Triết lý sống ấy là phong cách làm việc khoa học, cặn kẽ, tỉ mỉ, chuyên sâu: "một nghề cho chín hơn chín, mười nghề". Ngẫm cha ông xưa nay dạy chí lý lắm. Thật giỏi một nghề mới đáng trọng, đừng như ai đó cái gì cũng tỏ, thực tình chẳng có lấy một nghề. Chúng tôi, đôi người đã học được ở anh quan niệm sống cũng như hành động anh đã trải. Sống bằng năng lực thật của mình và hài lòng về điều mình có được, dẫu biết là thiệt thòi khi đem so sánh.

Thiệt hơn, nhiều ít, được và mất là những thứ ở thời người ta hay nhắc tới. Bởi thế mới có tiếng thở dài: buông xuôi, phó mặc (!). Nhưng lại cũng có lời lẽ gay gắt đòi được công tâm trong đánh giá, nhận xét, kết luận. Gay gắt bởi sự nhũng nhiễu còn diễn ra. Gay gắt đòi sự thật giả, đen trắng, vàng thau còn lẫn lộn phải bị phơi bày. Nhưng tất cả không phải là chuyện của một sớm một chiều. Có không ít việc, không ít những điều còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm. Chúng tôi cự nự lại, nhưng không làm anh nao núng trước điều bấy lâu anh vẫn cho là đúng. Anh dẫn ra một số người thuộc dạng "nổi" trong xã hội tưởng đã trọn vẹn, viên mãn, ngờ đâu, cuối đời lại phải bẩm thưa trước pháp luật. Số ấy không quá ít. Xưa các cụ dạy đâu có sai: "tham thì thâm". Câu thành ngữ được truyền tụng rõ là câu răn dạy thấm thía.

Dòng quan niệm theo triết lý "không ai được tất cả" dường như cầm chừng, phòng thủ, không ý chí vươn lên. Người được hỏi là anh vẫn điềm nhiên, một chút tỏ bối rối cũng không. Ý chí ư, đó là lòng nhiệt tình từ thuở anh em ta "dấn thân vô" lúc tuổi trẻ đầu xanh. Nhưng để hài hòa, cân bằng trong mọi mối quan hệ thì khó quá. Chúng ta dấn thân trong cuộc trường chinh dài dặc để theo đuổi, thực hiện những ước mơ lý tưởng, sự nghiệp cao đẹp đem lại hạnh phúc cho cộng đồng. Chúng ta đã tình nguyện, hiến dâng không tiếc sức mình, nhưng chúng ta còn có một nửa của "thế giới" tình yêu trong quan hệ gia đình, làng mạc. Ta đã cân bằng trọn vẹn ở mối quan hệ này chưa. Được và chưa được, chưa trọn vẹn là thế đó. Vậy nên nói đi phải nói lại và nghĩ đi phải nghĩ lại: sống ở đời dù anh có là người nổi tiếng, thậm chí là anh hùng cũng không thoát khỏi trách nhiệm công dân mà dù cố gắng đến mấy cũng khó có được sự hài hòa, cân bằng như đôi lời nói ở trên.

Đến đây, thì thưa anh đã tạm đủ, có lẽ không phải riêng nhóm bạn lớn tuổi chúng ta gật gù đồng ý với triết lý: sống đúng, không huênh hoang, cao đạo, lớn tiếng mà vẫn được người đời nể phục, trân trọng, phải không anh?