Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thông báo kết luận nêu rõ, Hiệp định TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, là kết quả của một quá trình công phu kéo dài 7 năm. Trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định TPP, Bộ Chính trị đã nghe báo cáo nhiều lần, Ban Chấp hành Trung ương nghe báo cáo hai lần, và Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thông qua Nghị quyết cho phép Chính phủ ký Hiệp định TPP và giao Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của pháp luật, thể hiện sự nhất trí cao của Đảng ta về vấn đề này. Cho đến nay, dù Hiệp định chưa có hiệu lực nhưng đã bắt đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam: vị thế của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, đầu tư nước ngoài tăng, dự báo tác động tích cực đến tất cả các mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Việc sớm phê chuẩn Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm chính trị cao của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP; góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết; đồng thời có đủ thời gian để các doanh nghiệp, người dân và toàn bộ xã hội chuẩn bị, chủ động tham gia khi Hiệp định có hiệu lực. Căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị, quy định của pháp luật và công tác chuẩn bị của các Bộ, ngành, Chính phủ đặt mục tiêu trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP vào Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV (dự kiến tháng 7-2016).

Để kịp trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP theo kế hoạch đặt ra Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện việc rà soát, đánh giá tác động Hiệp định TPP đến hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp chi đạo, tập trung nguồn lực gồm đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định TPP để hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đánh giá trong lĩnh vực mình phụ trách, kiến nghị danh mục và lộ trình cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trước ngày 10-4 tới.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện Danh mục các Luật, Pháp lệnh, Nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong TPP, kiến nghị lộ trình cụ thể, ưu tiên các văn bản phải ban hành ngay để đảm bảo việc thực thi Hiệp định, trình Chính phủ trước ngày 20-4-2016.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP theo đúng quy định của Hiến pháp 2013 và Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế, trình Chính phủ trước ngày 20-4-2016./.