Phong trào công nhân Hàn Quốc từ năm 1991 đến nay
TCCS - Từ năm 1991 đến nay, trước những thay đổi sâu rộng của đời sống kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế, phong trào công nhân Hàn Quốc có nhiều diễn biến mới tích cực, đáng chú ý là về hoạt động, cơ cấu và tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, phong trào vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa vạch ra được đường hướng đấu tranh hiệu quả vì lợi ích chung lâu dài.
1 - Điểm lại tình hình phong trào công nhân Hàn Quốc những thập niên cuối của thời kỳ Chiến tranh lạnh
Trong những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, ý thức giai cấp của công nhân Hàn Quốc phát triển từng bước. Đây là thời kỳ phong trào đấu tranh được dấy lên bởi các nữ công nhân trong các ngành dệt may, điện tử.
Sau cuộc xung đột giữa chính quyền và người lao động, tháng 5-1980, tại Kang-giu - thành phố lớn nhất của tỉnh Chô-la (Hàn Quốc), phong trào công nhân Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở khuynh hướng tự do dân chủ, mà đi theo khuynh hướng mác-xít. Trong giai đoạn này, nổi lên một số nhóm như: nhóm Giải phóng dân tộc, nhóm Dân chủ nhân dân.
Tháng 6-1987, ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Chun Đô Hoan chấp nhận yêu cầu của phe đối lập tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, công nhân Hàn Quốc đã phá vỡ sự im lặng và thụ động bấy lâu nay. Từ tháng 7 đến tháng 9-1987, diễn ra hàng nghìn cuộc đấu tranh của công nhân nước này. Các cuộc đình công quy mô lớn kéo dài đến tận năm 1990. Kết quả là chính quyền và các công ty lớn đã phải nhượng bộ trong vấn đề tăng tiền lương và hoạt động công đoàn.
Qua cuộc đấu tranh năm 1987, quan hệ xung đột giữa chủ tư bản và người lao động đã dịch chuyển từ quy mô nhỏ, lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhẹ sang các trung tâm công nghiệp hóa chất nặng. Cũng từ đó, phong trào công đoàn do công nhân tại các công ty lớn đóng vai trò chủ đạo.
Những năm tiếp theo, nhiều tổ chức công đoàn mới và uy tín được thành lập. Công đoàn của các công nhân “áo trắng” được hình thành. Vào năm 1989, số công đoàn viên chiếm gần 20% lực lượng lao động. Liên minh các công đoàn Hàn Quốc (FKTU) trước đây bị kiểm soát bởi chính quyền đã được cải tổ và trở thành tổ chức đại điện cho quyền lợi của người lao động nói chung và đặc biệt là công nhân nói riêng.
2 - Thập niên 90 của thế kỷ XX
Chịu ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Liên Xô, phong trào công nhân Hàn Quốc lắng xuống trong những năm 1991 - 1992. Đến năm 1993 - 1994, phe cấp tiến trong phong trào công nhân thành lập những tổ chức công đoàn ngành nghề và liên hiệp công đoàn trên phạm vi toàn quốc, thay vì những tổ chức công đoàn công ty. Liên minh các tổ chức công đoàn Hàn Quốc (KCTU) chính thức thành lập vào tháng 11-1995, bao gồm công đoàn trong các ngành như ô-tô, đóng tàu, y tế và viễn thông, ngoài ra còn có ngành giáo dục và một số lĩnh vực dịch vụ khác. Tuy nhiên, liên minh này chưa được thừa nhận về mặt pháp lý.
Với sự lãnh đạo của KCTU, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra thành công trong những năm 1995 - 1996, góp phần vào việc cải thiện tiền lương cho công nhân “cổ xanh”. Từ năm 1990 đến năm 1995, vấn đề nổi cộm gây xung đột giữa chủ tư bản và công nhân trong cách thức quản lý là các điều luật lao động liên quan đến quyền của chủ tư bản trong việc sử dụng lao động, đặc biệt là việc cắt giảm nhân công. Những điều luật này đã dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ từ phía công nhân. Cuộc tổng đình công năm 1996 - 1997 nhằm chống lại luật lao động mới là một minh chứng rõ ràng.
Luật lao động mới cho phép chủ tư bản dễ dàng sa thải công nhân vì lý do kinh tế, chấm dứt chế độ hợp đồng lao động dài hạn. Các công ty có quyền áp dụng giờ làm việc linh hoạt tùy theo tình hình cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng bóc lột sức lao động công nhân thông qua việc tăng giờ làm. Luật lao động mới còn hạn chế hoạt động của các tổ chức công đoàn, kể cả việc đặt KCTU ra ngoài vòng pháp luật. Luật này có thể giúp hình thành một lực lượng lao động linh hoạt, có lợi cho chủ tư bản sử dụng lao động, nhưng đe dọa trực tiếp, nặng nề đến đời sống của công nhân.
Về các liên minh công đoàn, thời gian này, KCTU nắm khoảng nửa triệu công nhân, chủ yếu trong các khu vực sản xuất lớn (như tàu điện ngầm, truyền thông, bệnh viện..). Một trong những đối tượng chính mà KCTU hướng tới là các tổ hợp công nghiệp Hàn Quốc. KCTU cho rằng, các tổ hợp công nghiệp này kiểm soát hầu hết đời sống kinh tế, do đó chịu trách nhiệm với tình hình khó khăn của người lao động nói chung và lực lượng công nhân nói riêng.
Còn FKTU, một tổ chức công đoàn có thành viên đông nhất Hàn Quốc, được Nhà nước bảo hộ và hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động, nắm khoảng 1,2 triệu công nhân, chủ yếu là công nhân trong các ngành mỏ, đường sắt, in ấn, bưu điện, ngân hàng và khu vực công.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, giới công nhân Hàn Quốc hiểu ra rằng, những thành quả mà họ giành được từ sau cuộc đấu tranh quy mô lớn năm 1987 có thể một lần nữa bị tước đoạt. Thông qua cuộc đấu tranh với những yêu cầu cải cách mà IMF đặt ra đối với chính quyền Hàn Quốc khi nhận vay vốn, họ ý thức được rằng, bóc lột không phải là một hiện tượng quốc gia thực hiện bởi các tổ hợp công nghiệp Hàn Quốc (chaebol), mà đây là một hành vi được tổ chức trên bình diện quốc tế.
Có thể nói, từ sau cuộc đấu tranh quy mô lớn của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động trong năm 1987, cao trào đấu tranh năm 1996 - 1997 là một trong số ít những phong trào được tổ chức tốt nhằm đấu tranh không chỉ cho quyền lợi của công nhân, mà của cả những tầng lớp lao động khác. Cũng trong năm 1997, phong trào công nhân tiến thêm một bước trong cuộc đấu tranh với việc lập ra một đảng riêng: Đảng Lao động Dân chủ (DLP). Nhưng đảng này còn yếu và đầy rẫy những bất cập.
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, chính quyền Hàn Quốc đã phải đi đến đối sách thỏa hiệp. Theo thống kê của Bộ Lao động Hàn Quốc, nếu năm 1996 có 85 cuộc xung đột lao động, năm 1997 là 78, thì sang năm 1998 con số này đã lên tới 129 và năm 1999 là 181. Ngày 14-1-1998, một ủy ban gồm đại diện của người lao động - chủ tư bản - chính quyền được thành lập. Chính quyền Kim Tê Chung đã lôi kéo được những lãnh đạo cánh hữu trong KCTU vào cơ cấu ba bên này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chính quyền Kim Tê Chung cũng áp dụng những đối sách cứng rắn với lực lượng công nhân. Trong năm 1998, nhiều cuộc biểu tình lớn của công nhân nổ ra, song bị trấn áp dữ dội và kết thúc thất bại với nhiều nhà lãnh đạo của phong trào bị bắt giữ.
Với sự kiện thành lập một cơ cấu ba bên nói trên, vị thế của người công nhân trong đời sống chính trị được cải thiện. Nếu như vào những năm 1970, 1980, chính quyền sẵn sàng đứng về chủ tư bản, đối lập với người công nhân, thì nay đã buộc phải thừa nhận sức mạnh tập thể của họ. Công nhân Hàn Quốc đã trở thành một lực lượng quan trọng trong hệ thống chính trị. Trong thể chế đã xuất hiện không gian đàm phán, thỏa hiệp và thậm chí cả hợp tác giữa chủ tư bản và người lao động.
Tuy nhiên, cơ cấu này cũng làm nảy sinh những ảo tưởng nhất định trong nội bộ đội ngũ công nhân về một mối quan hệ hòa hợp chủ - thợ. Do đó, đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực về mặt tư tưởng. Chủ nghĩa công đoàn doanh nghiệp hẹp hòi xuất hiện trở lại. Lực lượng công nhân có khuynh hướng thực dụng chủ nghĩa.
3 - Những năm đầu thế kỷ XXI
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, các bất cập của đội ngũ công nhân trở nên nổi cộm hơn. Lực lượng công nhân tham gia vào các tổ chức, trước hết là tổ chức công đoàn có xu hướng giảm. Hiện nay, chỉ khoảng trên 10% lực lượng công nhân là thành viên của công đoàn. Trong khi vào năm 1989, tỷ lệ này là gần 20%, thì đến năm 2000 là 12% và năm 2004 giảm xuống còn 10,6%. Đa phần họ đều là công nhân của những doanh nghiệp lớn với số nhân công từ 300 người trở lên. Chỉ có một phần nhỏ là công nhân của các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn. Cấu trúc lực lượng công đoàn viên này đặt ra vấn đề nghiêm trọng đối với tính đại diện của phong trào công đoàn.
Mấy năm trở lại đây, nổi lên trong phong trào đấu tranh của công nhân Hàn Quốc là cuộc đấu tranh của những người công nhân thời vụ. Năm 2000, đáp ứng nhu cầu bức xúc của công nhân thời vụ, một tổ chức công đoàn dành cho những người công nhân thời vụ, lưu động được thành lập và hiện là một tổ chức đại diện với khoảng 50.000 thành viên. Hàn Quốc hiện có khoảng 5,7 triệu công nhân thời vụ, gấp 3 lần so với con số bình quân ở các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Theo báo cáo Lực lượng lao động toàn cầu năm 2007 - 2008 của Thau-ơ Pơ-rin, một công ty tư vấn nhân lực và tài chính lâu đời có trụ sở tại Mỹ, thì có tới 47% lực lượng lao động Hàn Quốc thất nghiệp.
Tháng 11-2006, chính quyền Hàn Quốc thông qua Luật Bảo vệ công nhân thời vụ. Theo luật này, những công nhân có thời gian làm việc tính đến mùng 1-7-2007 là 2 năm thì được coi là công nhân hợp đồng dài hạn. Nhiều chủ sử dụng lao động tuân thủ luật này, nhưng nhiều chủ khác đã lách luật bằng việc sa thải công nhân trước cuối tháng 6-2007. Hiện tượng đó đã gây ra làn sóng đình công tại chuỗi siêu thị E-land - chuỗi siêu thị hàng đầu ở Hàn Quốc. Phong trào đình công ở đây đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công nhân thời vụ những nơi khác. Ngoài ra, cùng với các lực lượng khác như nông dân, các nhóm cánh tả và xã hội, công nhân Hàn Quốc còn tham gia phong trào chống toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tự do mới.
Nói tóm lại, cuộc đấu tranh của giới công nhân Hàn Quốc còn nhiều vấn đề bức xúc và nổi cộm. Ba tổ chức lớn nhất hiện nay của công nhân là DLP, KCTU, FKTU vẫn chưa xây dựng được một định hướng, đường lối đấu tranh chiến lược. Hiện, các tổ chức công đoàn của công nhân chủ yếu hoạt động trong phạm vi doanh nghiệp. Các công đoàn địa phương chỉ tập trung vào những vấn đề kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân của họ, chứ chưa thực sự đặt mình vào cuộc đấu tranh chung. Điều này ảnh hưởng đến việc tập hợp lực lượng công nhân trên quy mô toàn quốc cho những mục tiêu chiến lược và dài hạn. Lực lượng công nhân cũng đã cố gắng hình thành nên các công đoàn theo ngành nghề, nhưng hiệu quả hoạt động chưa rõ rệt. Nội bộ KCTU ngoài mâu thuẫn giữa những người công nhân phổ thông với những lãnh đạo có tư tưởng quan liêu, còn tồn tại mâu thuẫn giữa liên hiệp công đoàn với các công đoàn cơ sở.../.
Quốc hội thông qua 5 dự thảo luật (23/11/2009)
Thông cáo số 27 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII (23/11/2009)
- Kiên định đường lối đổi mới, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hướng tới xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững
- Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
- Bộ đội Biên phòng với các giải pháp đột phá để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng trong kỷ nguyên mới
- Thành phố Đà Nẵng phát huy tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiên phong, đột phá, phát huy vai trò trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
-
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay